Chiến dịch Nam - Ngãi “ào ào như thác đổ”.

Ngày đăng: 03:39 10/04/2020 Lượt xem: 1.893
Kỷ niệm 45 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ( 30/4/1975- 30/4/2020)và 40 năm ngày giải phóng Quảng Nam-Quảng Ngãi( 24/3/1975 -24/3/2020)
--------------------------------------------------------------------------------

                Chiến dịch Nam - Ngãi “ào ào như thác đổ”.

            Phối hợp chặt chẽ với mặt trận Trị Thiên Huế và mặt trận Tây Nguyên, đầu tháng 3 năm 1975, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 của ta mở chiến dịch Nam - Ngãi với mục tiêu chia cắt Quân khu I và Quân khu II ngụy trên bộ; phối hợp với Quân đoàn 2 và Quân khu Trị Thiên hợp vây Quân đoàn I ngụy tại Huế và Đà Nẵng. Tham gia chiến dịch gồm có sư đoàn 2 (chủ lực Quân khu 5), trung đoàn 141 (sư đoàn 3 Sao Vàng), lữ đoàn bộ binh 52 độc lập, các trung đoàn pháo binh 368 và 572, các trung đoàn địa phương 94 và 96, các tiểu đoàn địa phương 70 và 72. Hướng tấn công chủ yếu là vùng Tây Nam Quảng Nam và Tây Bắc Quảng Ngãi trên tuyến Tiên Phước - Tam Kỳ - Núi Thành và Trà Bồng - Bình Sơn. Đây là tuyến phòng thủ yếu nhất của quân ngụy tại Nam Quân khu I, xa trung tâm Đà Nẵng, bị chia cắt bởi nhiều sông ngòi. Phía quân ngụy phải rải quân ra 77 điểm chốt. Địa bàn Nam Quân khu I được giao cho tướng Trần Văn Nhựt, tư lệnh sư đoàn 2 bộ binh chỉ huy với lực lượng tương đối mỏng so với hai địa bàn còn lại của Quân khu I ngụy. Tất cả chỉ có sư đoàn 2 bộ binh, liên đoàn 12 biệt động quân, liên đoàn 916 bảo an, thiết đoàn 11, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 hải đội tuần duyên và 1 giang đội.
      4 giờ 30 phút ngày 10 tháng 3, tiểu đoàn 5 (trung đoàn 38) đã đồng loạt nổ súng tấn công đánh chiếm các chốt Núi Vú, Núi Ngọc, Dương Côn, Suối Đá, Núi Vỹ; trung đoàn 36 tiêu diệt các chốt Trung Liên, Đồi Đá, Đồi Không tên, Hố Bạch và điểm cao 215; trung đoàn Ba Gia chiếm giữ các điểm cao 269 và 310, hình thành trận địa đánh chặn phản kích từ hướng Tuần Dưỡng; Lữ đoàn 52 đánh chiếm các cứ điểm Gò Hàn, Phước Tiên, Dương Ông Lựu, Dương Huê, Núi Mỹ, Hòn Nhọn, Cửa Rừng, Đèo Liêu và đồi Đất Đỏ. 23 chốt quan trọng của biệt động quân ngụy bị tràn ngập sau 4 giờ giao chiến. 9 giờ sáng ngày 10 tháng 3, trung đoàn pháo binh 368 được lệnh kéo 12 khẩu pháo 85mm, 105 mm và 122mm lên Núi Vú và Hàn Thôn hạ nòng bắn thẳng vào cứ điểm 211 và quận lỵ Tiên Phước để yểm hộ cho trung đoàn 31 tấn công hai vị trí này. Sau hai cuộc phản kích lấp cửa mở không thành công, lúc 13 giờ 30 phút, quân ngụy tại quận lỵ Phước Lâm thấy không chống đỡ được đã tan chạy. Viên quận trưởng quận lỵ Tiên Phước điện về Chu Lai xin chi viện nhưng chỉ có hai chiếc A-37 đến ném bom yểm hộ, không cản được đội hình tiến quân của sư đoàn 2 chủ lực Khu 5. 16 giờ cùng ngày, quận lỵ Tiên Phước bị  ta  bao vây đánh chiếm hoàn toàn.
       Mất Tiên Phước và Phước Lâm, liên đoàn bảo an 916 ngụy phải rút lui khỏi căn cứ 211. Tiểu khu quân sự Tam Kỳ trực tiếp bị uy hiếp. Ngày 11 tháng 3, tướng Ngô Quang Trưởng lệnh cho chuẩn tướng Trần Văn Nhựt điều động sư đoàn 2 (thiếu), liên đoàn 12 biệt động quân, 1 tiểu đoàn bảo an và chi đoàn 1 (thiết đoàn 11) phản kích từ Tuần Dưỡng ra Cẩm Khê và Dương Côn; đưa trung đoàn 5 (sư đoàn 2), 2 tiểu đoàn bảo an và chi đoàn 4 (thiết đoàn 11) đánh lên Dương Leo, Núi Thám. Trung đoàn 2 (sư đoàn 3) từ Đà Nẵng và trung đoàn 4 từ Chu Lai được tăng phái cho chuẩn tướng Nhựt  nhằm giữ  cho được Tam Kỳ. Trong các ngày 14 và 15 tháng 3, các tiểu đoàn 70 và 72 (tỉnh đội Quảng Nam) tấn công phía Tây Thăng Bình, buộc trung đoàn 2 (sư đoàn 3 ngụy) đang chuyển quân vào Tam Kỳ phải quay lại đối phó..
Ở hướng Nam cùng thời gian này trung đoàn 94 (tỉnh đội Quảng Ngãi) đã tấn công Quận lỵ Bình Sơn, cắt đường 1 ở Châu Ổ, giam chân trung đoàn 4, sư đoàn 2 tại Châu Ổ. Lực lượng phản kích của Quân đoàn I ngụy trên hướng này đã bị căng mỏng. Thêm vào đó, tướng Ngô Quang Trưởng lại rút liên đoàn 14 biệt động quân ra Quảng Trị thay cho 2 lữ đoàn dù vừa bị tổng thống Thiệu điều về Sài Gòn. Nhận thấy lực lượng trong tay không đủ sức, chuẩn tướng Trần Văn Nhựt phải bỏ dở cuộc phản kích, điều quân về giữ Tam Kỳ, Chu Lai và các chốt dọc đường số 1, bỏ cả hai quận lỵ Trà Bồng và Sơn Hà.
       Nhận thấy tuyến phòng thủ của sư đoàn 2 và liên đoàn 12 biệt động quân bị kéo dài từ Quảng Ngãi đến Hội An, trong đó, địa đoạn trọng yếu trước mặt là Tam Kỳ chỉ có trung đoàn 5 và một tiểu đoàn của trung đoàn 4, thuộc sư đoàn 2 ngụy đóng giữ; Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định tấn công vào đây. 5 giờ 30 phút sáng 21 tháng 3, sư đoàn 2 Quân khu 5 của ta tấn công tuyến phòng thủ Suối Đá. Đến 12 giờ, tuyến phòng thủ che chở cho Tam Kỳ bị vỡ một mảng lớn, chuẩn tướng Trần Văn Nhựt vội điều trung đoàn 4 từ Quảng Ngãi ra lấp lỗ hổng, làm suy yếu cánh quân phòng thủ Quảng Ngãi. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 ngay lập tức điều lữ đoàn 52 vào phối hợp với trung đoàn 94 nhanh chóng chớp thời cơ tấn công Quảng Ngãi. 7 giờ sáng ngày 24 tháng 3 hầu hết các điểm phòng thủ của địch ở cả Tam Kỳ và Quảng Ngãi cùng lúc bị  ta tấn công .Trên hướng Tam Kỳ, trung đoàn 4 và phần còn lại của trung đoàn 5 (sư đoàn 2 QLVNCH) tan vỡ sau hơn hai giờ giao chiến. Ở hướng thứ yếu tại Cẩm Khe, Khánh Thọ và Đức Tân, hai tiểu đoàn 37 và 39 của liên đoàn 12 biệt động tan chạy. 10 giờ sáng 24 tháng 3, sư đoàn 2 Quân khu 5 tung trung đoàn Ba Gia từ đội dự bị vào trận phối hợp với trung đoàn 31 đánh chiếm thị xã Tam Kỳ chỉ trong một giờ. Cũng vào 7 giờ 30 phút sáng 24 tháng 3, lữ đoàn 52 cùng 2 tiểu đoàn đặc công có xe tăng, xe bọc thép của trung đoàn 574 đi cùng nổ súng tấn công thị xã Quảng Ngãi. Đến 14 giờ chiều, số quân còn lại của trung đoàn 6 (thiếu), liên đoàn biệt động quân 12 (thiếu) và thiết đoàn 4 ngụy không chống cự nổi phải rút về Chu Lai và bị rơi vào ổ phục kích của trung đoàn 94 của ta tại đoạn đường số 1 dài 15 km từ cầu Nước Mặn đến Dốc Trạm (Sơn Tịnh). Toàn bộ hơn 4.000 quân của trung đoàn 6 (sư đoàn 2 ngụy), liên đoàn biệt động quân 12 và thiết đoàn 4 ngụy hoàn toàn tan rã, số bị chết chỉ khoảng 600, số bị bắt lên đến 3.500. Một nhóm nhỏ chạy được về Chu Lai cùng với Bộ Tư lênh sư đoàn 2 trốn thoát ra tàu biển. 23 giờ 30 phút cùng ngày, lữ đoàn 52 đã đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn thị xã Quảng Ngãi. Chiến dịch Nam Ngãi kết thúc sau hai tuần giao chiến cam go quyết liệt.  Sự kiện Quảng Nam, Quảng Ngãi bị QĐNDVN đánh chiếm được xem như đã bổ đôi toàn bộ chiến trường miền Nam Việt Nam. Chỉ trong hai ngày 23 và 24 tháng 3, hai hướng phòng thủ chiến lược của ngụy tại Trị Thiên Huế (phía Bắc) và Quảng NamQuảng Ngãi (Phía Nam) bị tan vỡ. Vào buổi chiều  ngày 24/3 năm 1975 cả hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đã hoàn toàn được giải phóng. Chiến dịch Nam Ngãi kết thúc thắng lợi được ví như bàn đạp thép của quân và dân ta chuẩn bị tiếp cho cuộc tấn công nổi dậy giành mùa xuân đại thắng 30/4/1975 lịch sử .

 
                                                 PHẠM HUY CHƯƠNG.
                      ( Nguồn TLTK: Lịch sử quân sự Việt Nam)
 

 
 

tin tức liên quan