Chính ủy Đặng Tính trong ký ức đồng đội

Ngày đăng: 09:24 11/04/2020 Lượt xem: 514


              Chính ủy Đặng Tính trong ký ức đồng đội

 

                                          Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân

Đại tá Đặng Tính sinh năm 1920 tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ông nguyên là Chính ủy Liên khu 3, Tư lệnh Khu Tả ngạn; Cục phó Cục Dân quân; Cục trưởng Cục Không quân; Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ); Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng PK-KQ; Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

 


Ông đã anh dũng hy sinh trên đường đi làm nhiệm vụ ở Nam Lào vào ngày 4-4-1973. Thế nhưng, trong ký ức của đồng đội, hình ảnh người cán bộ chính trị giản dị, tài ba, mẫu mực thì vẫn luôn tỏa sáng.  

“… Bí thư Đảng ủy Đặng Tính là hạt nhân lãnh đạo tiêu biểu của tập thể ngay từ ngày đầu hợp nhất Quân chủng. Đó là người chỉ huy có phong cách lãnh đạo khiêm nhường, điềm đạm, biết tôn trọng tập thể và luôn biết lắng nghe ý kiến mọi người. Ông có khả năng đoàn kết, tập hợp quần chúng, sâu sát cơ sở và tạo sức cuốn hút được mọi đảng viên có chung ý chí, chung một quyết tâm để vượt mọi khó khăn. Với Tư lệnh tài ba Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính có một vị trí thật đặc biệt. Họ luôn là cặp bài trùng với sự thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ…”, Thiếu tướng Phạm Liêm, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không (nay là Quân chủng PK-KQ) đã tâm sự với chúng tôi về người Chính ủy đáng kính của ông như vậy.

Chính ủy Đặng Tính trong ký ức đồng đội
Chính ủy Đặng Tính (thứ hai từ phải sang).

Ông bảo, ông và Chính ủy Đặng Tính vốn có cơ duyên từ rất sớm, khi Chính ủy Đặng Tính về làm Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thái Bình. Năm 1963 ông về nhận công tác tại Quân chủng PK - KQ. Đã đôi lần ông có dịp gặp Chính ủy Đặng Tính ngoài chiến trường. Và cũng đôi lần được Chính ủy trực tiếp giao nhiệm vụ. Nhớ nhất là lần vào đầu năm 1968. Ông đang làm Chính ủy Trung đoàn 224 thì được lệnh vào chiến trường Khe Sanh làm Chính ủy Trung đoàn 241- một đơn vị mới vào còn chưa quen chiến trường nên đánh địch chưa hiệu quả. Chính ủy Đặng Tính đã trực tiếp gặp gỡ ông với những lời căn dặn ân cần: Nhiệm vụ khó khăn nguy hiểm như thế đấy, đồng chí có thể vào chiến trường được không? Vào đó phải làm cho anh em thông suốt, xác định rõ trách nhiệm được giao. Phải nắm cho chắc tình hình mới thiên biến vạn hóa được. Vào đến nơi, nhớ lời căn dặn của Chính ủy, ông đã dành thời gian để nghiên cứu nắm thêm địa hình chiến đấu; chưng cầu ý kiến dân chủ, ổn định tư tưởng anh em. Sau đó đơn vị ông đã đánh địch rất hiệu quả, nhiều trận đánh tốt, bắn rơi nhiều máy bay, được đồng chí Lê Quang Đạo, Chính ủy Mặt trận B5T8 khen tặng.

Sau mỗi sự kiện như thế, Thiếu tướng Phạm Liêm đã học từ Chính ủy Đặng Tính được rất nhiều điều. Đó là tác phong, phương pháp, trách nhiệm của người làm công tác Đảng, công tác Chính trị. Đối với nhiệm vụ phải luôn sâu sát, nhiệt tình, sẵn sàng đến những nơi gian khổ, hiểm nguy, lấy nhiệm vụ Đảng trao, lấy hoàn thành nhiệm vụ làm mục tiêu phấn đấu. Đối với anh em thì gần gũi chia sẻ nhưng cũng phải giữ đúng nguyên tắc: Luôn luôn đúng giờ, luôn luôn đúng hẹn. Nếu không thực hiện được phải báo lại và phải có lời xin lỗi.

Còn Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên Phó chính ủy Quân chủng PK-KQ trải lòng: “Tôi cũng như các đồng chí trong Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, trong đó có các anh em ở cơ quan Cục Chính trị, vô cùng quyến luyến đồng chí Chính ủy, Bí thư Đảng ủy đức độ, mẫu mực, sắc sảo và nhạy bén, giàu trí tuệ, là hạt nhân đoàn kết trong Đảng bộ, trong Quân chủng. Anh Đặng Tính là một cán bộ chính trị có đức, có tài, có kiến thức, năng lực lãnh đạo và chỉ huy. Anh có tác phong và phương pháp lãnh đạo vừa sâu sát, xông xáo và rất thực tế. Anh thường đi tới những nơi chiến đấu ác liệt để kiểm tra và phát hiện, giải quyết những vấn đề quan trọng. Nhận được tin anh đã hy sinh trên đường đi làm nhiệm vụ, mắt chúng tôi ai nấy đều đẫm lệ, ruột đau như cắt. Ngày 9-4-1973, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ tang anh. Tại hội trường lớn của Quân chủng, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã tới dự lễ tiễn biệt anh. Hiện tên anh đã được khắc vào tấm bia liệt sĩ của Quân chủng, đặt tại Bảo tàng PK-KQ.”.

Cho đến bây giờ Thiếu tướng Phạm Liêm vẫn nhớ như in một kỷ niệm rất đặc biệt đối với người Chính ủy mà ông luôn kính trọng. Đó là lần Chính ủy Đặng Tính về thăm gia đình ông vào một ngày giáp Tết năm 1972. Xe qua phà Tân Đệ, bên kia đã là mảnh đất Thái Bình với thành tích nổi tiếng “5 tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”. Chính ủy Đặng Tính đã phân tích rất say sưa tác dụng to lớn của việc quê hương ông đạt 5 tấn thóc 1 héc ta. Ngoài việc thúc đẩy phong trào sản xuất ở khắp nơi, có thêm gạo để gửi ra chiến trường thì số thóc tăng năng xuất ấy đã cứu đói biết bao gia đình trong mùa giáp hạt. Những lời chia sẻ ấy đã làm ông vô cùng xúc động. Về đến căn nhà đơn sơ của gia đình ông, gương mặt Chính ủy ánh lên niềm vui thân thiện và ấm áp. Giống như người thân đi xa mới về, Chính ủy ân cần quan tâm đến mọi việc làm ăn, học hành của vợ và 2 cô con gái ông. Cái dáng đi tập tễnh quen thuộc ấy đã đến rất nhiều nơi, đến thăm cả trận địa của nữ dân quân Tiền Hải. Tấm ảnh Chính ủy chụp chung với gia đình ông tại mảnh vườn năm xưa hiện vẫn được gia đình ông cất giữ cẩn thận, dẫu cho thời gian đã làm nước ảnh nhòa mờ.

Chúng tôi đã từng được nghe rất nhiều câu chuyện tựa như huyền thoại xung quanh cuộc đời người Chính ủy trí dũng song toàn Đặng Tính. Qua những lời kể mộc mạc của các vị tướng, dường như những nét đời thường của ông lại thêm hiển hiện, lung linh. Mẫu mực, tài ba, giản dị, khiêm nhường… là những phẩm chất mà những người cán bộ, chiến sĩ đã từng sống, chiến đấu, công tác cùng Chính ủy Đặng Tính thường nhắc tới, mỗi khi có dịp nhớ về ông.

Người Chính ủy đầu tiên của Quân chủng Phòng không – Không quân đã, đang và sẽ mãi ở trong lòng đồng đội với những câu chuyện riêng như thế.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan