Đại tá Mai Trọng Phước, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần. Ảnh: PHẠM QUANG

Chiến trường ngày càng phát triển thì việc vận chuyển hàng hóa, vũ khí, trong đó có xăng dầu chi viện bằng phương tiện thô sơ ngày càng trở nên bất cập. Tình hình bức bách dẫn đến ý tưởng phải tìm một con đường khác để vận chuyển xăng dầu liên tục, thường xuyên và an toàn, hiệu quả hơn. Ông Mai Trọng Phước đã nghe nhiều vị chỉ huy cấp trên kể lại, khởi nguồn cho ý tưởng này chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong một lần Đại tướng sang thăm Liên Xô đã được nước bạn viện trợ hai bộ đường ống dẫn xăng dầu dã chiến, loại đường kính 10cm, mỗi bộ dài 100km. Song, hệ thống này đưa về ta được cất trong kho, chưa dùng vào việc gì. Trong một lần họp với các chỉ huy cao cấp toàn quân, Đại tướng gợi ý mọi người suy nghĩ xem có thể sử dụng nó tại chiến trường được hay không? Hầu hết những người được hỏi đều chưa trả lời được. Riêng đồng chí Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, hưởng ứng ngay, còn hứa sẽ sớm biến ý định dẫn xăng dầu vào chiến trường thành hiện thực.

Cục Xăng dầu được thành lập tháng 4-1955, trong biên chế không có đơn vị chuyên lắp đặt đường ống dẫn xăng dầu. Ngày 12-4-1968, Tổng cục Hậu cần thành lập một đơn vị đặc biệt mang tên “Công trường thủy lợi 01” với 34 cán bộ, chiến sĩ được huấn luyện cấp tốc về kỹ thuật lắp đặt đường ống. Đến ngày 29-4, đơn vị này được điều vào Nghệ An với mật danh “Công trường 18”, có nhiệm vụ xây dựng hệ thống ống dẫn xăng dầu đầu tiên tại tuyến lửa Khu 4. Ông Mai Trọng Phước lúc đó là cán bộ của Cục Xăng dầu được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy công trường. Trước khi ông dẫn quân vào Nghệ An, Chủ nhiệm Đinh Đức Thiện còn căn dặn: Nếu cần dát vàng vào để cho các đồng chí làm được tuyến đường ống thì tổng cục cũng không tiếc!

Nữ chiến sĩ đơn vị xăng dầu trên đường Tây Trường Sơn những năm chiến tranh. Ảnh: VƯƠNG KHÁNH HỒNG


Ngày đó chưa một ai được học về đường ống dẫn xăng dầu, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đội ngũ kỹ thuật của Cục Xăng dầu gồm những kỹ sư học ở các trường: Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Mỏ-Địa chất... Họ được giao việc tính toán sơ bộ các thông số của tuyến đường ống, vừa thiết kế vừa thi công. Đến ngày 10-8-1968, đoạn đường ống đầu tiên đã được “Công trường 18” lắp đặt qua vùng “tam giác lửa” Nam Đàn-Vinh-Linh Cảm dài 42km, nối từ kho xăng N1 (xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) vượt sông Lam và sông La tới kho N2 (xã Nga Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Đoạn vượt sông Lam gay go nhất. Đại tá Mai Trọng Phước nhớ lại: Phải dùng sức người kéo ống như kéo pháo vào Điện Biên năm xưa. Đêm 22-6, công trường bắt đầu tổ chức vượt sông, máy bay Mỹ gầm rú trên đầu, thả pháo sáng rực trời. Anh em lợi dụng ánh sáng đó để thi công. Cứ lắp xong một đoạn ống, hiệu lệnh kéo vang lên, bờ bên này nâng ống, bờ bên kia níu dây kéo ống qua. Khi đường ống dài cả 100m thì sức người không kéo nổi, phải dùng xe Zip Rumani kéo đỡ. Đến 5 giờ sáng ngày hôm sau thì toàn bộ đoạn ống dài 500m đã được kéo qua sông Lam an toàn, nó đã nằm im lìm dưới đáy sông, máy bay địch không thể phát hiện. Sau khi lắp xong đoạn đầu tiên vượt sông, những đoạn còn lại “chạy” trên mặt đất. Phải đặt trong đêm để ban ngày vùi đất lấp kín. Không có máy móc chuyên dụng, chỉ huy “Công trường 18” đã mượn trâu của địa phương, cày một đường thật sâu trên mặt đất để đặt từng đoạn ống rồi lấp lại. Cứ như vậy, mỗi đêm đặt được khoảng 1km. Sau 45 ngày, toàn bộ đường ống dài 42km đã hoàn thành. Đoạn này được mang mật danh “X42” và đó là khởi đầu của cả tuyến đường ống Bắc-Nam sau này. Từ đây, theo lệnh của đồng chí Đinh Đức Thiện, đoạn đường ống được triển khai ra hai đầu. Một đầu từ kho Nam Thanh vươn ra phía Bắc để tạo nguồn xăng dầu vào ổn định. Một đầu từ kho Nga Lộc tiếp tục vươn về phía Nam bảo đảm cho tuyến vận tải chiến lược vượt Trường Sơn vào đến tận Nam Bộ.

Đến đầu tháng 3-1969, Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần đã xây dựng tuyến đường ống xăng dầu từ Cổng Trời (Quảng Bình) theo Đường 12 vượt Trường Sơn vào tuyến đường vận tải của Đoàn 559. Ngày 2-6-1969, tuyến đường ống từ K200 đến Ra Mai (Quảng Bình) dài 18km đã hoàn thành. Ngày 15-8-1969 tổ chức vận hành được 200 tấn xăng dầu đầu tiên phục vụ các lực lượng vận tải của Đoàn 559. Cũng thời gian này, Đảng ủy, Bộ tư lệnh 559 kiến nghị Quân ủy Trung ương cho được tổ chức lực lượng khảo sát, thi công, xây dựng một tuyến đường ống xuyên suốt Trường Sơn từ cửa khẩu vào tới chiến trường, xa nhất là miền Đông Nam Bộ với chiều dài khoảng 1.400km. Đề án này đã được Quân ủy Trung ương phê duyệt. Đường ống xăng dầu từ Ra Mai đã được xây dựng tiến vào Bản Mày (Quảng Trị), giáp biên giới Lào, bắt đầu vận hành. Ngày 22-12-1969, lễ khánh thành đoạn đường ống đầu tiên của Trường Sơn được tổ chức trước sự chứng kiến của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên.

Trong quá trình xây dựng tuyến đường ống, mỗi lần vượt đèo đều rất khó khăn. Điển hình là đoạn vượt đèo Đá Bàn (Quảng Nam) có độ cao gần 1.000m. Đến thời điểm ấy, trên thế giới cũng chưa có nơi nào thi công, vận hành tuyến đường ống lên độ cao như thế. Bơm xăng dầu đến độ cao 1.000m có nghĩa là áp lực trên đường ống tới 400 át-mốt-phe, một áp lực cực lớn, nếu đường ống không kín, xăng dầu phun ra rất nguy hiểm. Tại Đá Bàn, đã mấy lần bơm thử vượt đèo, xăng dầu không qua được. Cuối cùng, đơn vị thi công nghĩ ra giải pháp: Đặt nhiều trạm bơm đẩy kiểu PNU35/70 để bơm dần lên từng cấp. Bằng việc làm đó đã bơm được xăng dầu qua đèo và đường ống không bị vỡ. Một công việc chưa từng có tiền lệ!

Năm 1970, Bộ Quốc phòng phê duyệt đề nghị của Bộ tư lệnh Trường Sơn (trước đây là Bộ tư lệnh 559) thành lập hai trung đoàn đường ống là Trung đoàn 592 do Trung tá Mai Trọng Phước làm Trung đoàn trưởng, Chính ủy là Trung tá Lê Đức và Trung đoàn 532 do Thiếu tá Nguyễn Tuấn là Trung đoàn trưởng; Thiếu tá Trần Ninh Châu là Chính ủy. Đây là hai lực lượng xây dựng đường ống xăng dầu đầu tiên của Trường Sơn. Ngày 20-1-1975, đường ống xăng dầu đã được Bộ đội Trường Sơn xây dựng vào tới Bu Prăng (nay thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông). Đến tháng 3-1975, Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được 596km đường ống kéo dài tới Bù Gia Mập (nay thuộc tỉnh Bình Phước), hình thành một hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn Đông và Tây Trường Sơn. Đồng thời với tuyến ống là hệ thống đồng bộ kho tàng phục vụ cấp phát suốt dọc tuyến với gần 50 kho lớn, nhỏ có trữ lượng 27.000m3, 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 600-800m3/ngày đêm trên một hướng. Về tổng chiều dài đường ống xăng dầu trên Đường Hồ Chí Minh có nhiều con số khác nhau. Nếu tính từ điểm xuất phát của cả hai nhánh Đông-Tây Trường Sơn tại Bến Quang, Quảng Bình vào tới Bù Gia Mập thì tổng chiều dài là 1.445km. Nếu tính cả hệ thống đường ống dẫn từ các ngả Lạng Sơn, Móng Cái vào Nhân Mục rồi từ đây vào Quảng Bình với nhiều nhánh hợp lưu, nhánh phân chia, các đoạn song song, đoạn nối ngang... thì tổng chiều dài của đường ống lên tới 5.000km!

 Trong cuốn “5 đường mòn Hồ Chí Minh” của GS Đặng Phong xuất bản năm 2008 có đoạn dẫn ý kiến của một chuyên gia quân sự ở Lầu Năm Góc về động thái của quân đội Mỹ trước việc ta triển khai hệ thống đường ống xăng dầu: “... Những toán biệt kích theo dõi các đoàn xe di chuyển trên các con đường và đã gián tiếp thấy những hoạt động xây cất những ống dẫn dầu này. Họ chỉ báo cáo lại cấp trên mà không hành động gì. Còn kế hoạch đánh phá đường ống thì nằm trong kế hoạch chung nhằm ngăn chặn ở các tuyến xâm nhập để ít tốn kém hơn về bom đạn”. Thực tế chiến trường cho thấy: Mỹ-chính quyền Sài Gòn hầu như bất lực trước sự phát triển ngày càng sâu rộng của tuyến đường ống dẫn xăng dầu. Từ cuối năm 1969, khi tuyến đường ống tiến sâu đến các vùng giải phóng ở miền Nam, đã phục vụ kịp thời các chiến dịch, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

PHẠM QUANG ĐẨU