“Cùng vì quê hương, lời Bác còn vang…/ Giết giặc, anh sẵn sàng/ Cứu nước, em đảm đang/ Dù bao gian khổ, tiếng ca vẫn rộn ràng”, lời ca trong trẻo, khỏe khoắn và vui tươi của Bùi Hải Thu-cô cán bộ Công ty Thương nghiệp Thanh Hóa tại lễ khai giảng lớp cảm tình Đảng, Công trường 101 (Công trường xây dựng sân bay Sao Vàng, Thanh Hóa) đã làm trái tim Thiếu úy Lê Quang Thanh thổn thức…
Đến thăm Đại tá, CCB Lê Quang Thanh, nguyên Phó viện trưởng Viện Khảo sát-Thiết kế, Binh đoàn 12, chúng tôi cảm nhận được bầu không khí hạnh phúc và ấm cúng bao trùm căn nhà tập thể nhỏ ở phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Năm nay, ông Thanh đã bước sang tuổi 81 và vợ ông-bà Thu-cũng đã 72 tuổi, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được tình yêu hai ông bà dành cho nhau. Những cảm xúc bẽn lẽn, ngại ngùng từ sự rung động đầu đời còn vương vấn trong câu chuyện với chúng tôi.
|
Vợ chồng Đại tá, CCB Lê Quang Thanh xem lại những bức thư kỷ niệm được ông bà nâng niu đóng thành quyển. Ảnh: THÙY DƯƠNG |
CCB Lê Quang Thanh sinh năm 1938, quê ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Bố ông tham gia cách mạng và bị địch giết hại. Là con liệt sĩ nên đến tuổi cắp sách đến trường, ông được đưa ra miền Bắc học tập. Năm 1967, chàng sinh viên Lê Quang Thanh tốt nghiệp ngành xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, được điều động về làm kỹ sư Phòng Kỹ thuật, Bộ tư lệnh Công binh, thực hiện nhiệm vụ xây dựng sân bay Sao Vàng. Với tinh thần trách nhiệm và những thành tích đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Lê Quang Thanh được đơn vị cử đi học lớp cảm tình Đảng của Công trường 101. Đợt này, cô cán bộ trẻ xuất sắc của Công ty Thương nghiệp Thanh Hóa Bùi Hải Thu cũng được đơn vị cử đi học lớp này. Đại tá Lê Quang Thanh kể lại:
- Ngay khi Hải Thu bước vào lớp, cánh nam giới chúng tôi đã bị nụ cười xinh đẹp và đôi mắt sáng đầy nghị lực cuốn hút. Chuẩn bị bước vào lễ khai giảng, ban tổ chức có đề nghị các học viên lên sân khấu biểu diễn văn nghệ. Hải Thu xung phong hát bài “Đường cày đảm đang”, còn tôi thì được các đồng chí cùng đơn vị đề nghị lên đệm đàn ghi ta cho Hải Thu hát. Từ ngày anh đi, việc đồng em giỏi giang. Ruộng cấy chăng dây cây lúa thẳng hàng.
Đào đắp mương dẫn nước quanh làng. Tiếng hát ba đảm đang… Hải Thu cất giọng trong trẻo và nhẹ nhàng. Trái tim Quang Thanh “lỗi nhịp” đưa dòng cảm xúc tuôn trào theo những ngón tay nhảy múa và lướt trên dây đàn.
Sau lần ấy, Quang Thanh nhận thấy trong giọng hát của Hải Thu như chất chứa tâm trạng riêng. Những giây phút nghỉ ngơi trên công trường hoặc sau những giờ lên lớp, hình bóng Hải Thu cứ lấp đầy trong tâm trí Quang Thanh. Anh tìm hiểu và được biết, mẹ Hải Thu bị bom Mỹ giết hại khi cô còn nhỏ. Sự tương đồng về hoàn cảnh cùng xúc cảm ngày đầu gặp mặt đã gieo mầm yêu thương trong trái tim chàng sĩ quan trẻ. Và rồi trái tim đã tiếp thêm sức mạnh, đưa bước chân của Quang Thanh đến căn nhà của Hải Thu đang ở trọ.
Bà Thu bồi hồi nhớ lại: “Kể cũng lạ, sau những lần cùng biểu diễn văn nghệ để góp vui cho lớp, tiếng đàn của ông ấy lúc thì sôi động, lúc thì ngân vang da diết… làm tôi vấn vương. Nhưng lần đầu ông ấy đến tôi còn tiếp. Sau thấy đến thường xuyên hơn, tôi lại ngại ngùng đến nỗi nhiều lúc trốn trong phòng không dám ra. Khi ông ấy về thì lại thấy bâng khuâng nhớ nhung”.
Nghe bà Thu nói, ông Thanh sảng khoái cười và tiếp lời: “Nhất cự ly, nhì tốc độ”, tôi áp dụng chiến thuật tấn công tới tấp để “cưa” bà ấy. Nhiều lần đến tuy không được gặp nhưng được ngồi trong căn phòng tràn ngập bóng hình người mình thầm thương trộm nhớ để đợi chờ cũng là hạnh phúc”.
Nói đến đây, ông Thanh kể tiếp: “Chiến thuật thì vậy, nhưng lúc bấy giờ ngồi bên nhau cũng run lắm vì có bao điều phải sợ: Sợ vì mình gầy gò và đen đúa. Sợ vì mặc cảm chênh lệch tuổi tác!... Bao nhiêu ý định và lời nói muốn tâm tình với bà ấy bỗng biến đâu mất. Chỉ hỏi thăm qua quýt rồi lại ngồi im lặng bên nhau. Nhiều khi phải mượn tiếng đàn để bày tỏ tình cảm, rồi khi ra về lại tự hỏi, bà ấy có biết tâm tình của mình không!”.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, nhiệm vụ ở sân bay Sao Vàng sắp hoàn thành. Dồn hết dũng khí, Quang Thanh cầm bút viết lá thư đầu với bao yêu thương kìm nén bấy lâu. Lúc gặp Hải Thu, trái tim anh đập thình thịch, chỉ kịp trao thư vào tay cô rồi quay đầu cắm cúi đi như một đứa trẻ bị người lớn bắt gặp làm chuyện gì có lỗi. Sau đó, Quang Thanh phải sống trong thời gian chờ đợi hồi âm với hàng trăm câu hỏi cứ giày vò làm anh mất ăn, mất ngủ...
Và niềm vui đã đến khi hai hôm sau trong thư trả lời, Hải Thu tỏ ý chấp thuận tình cảm của Quang Thanh. Tuy nhiên, tình yêu mới chớm nở thì đầu năm 1968, khi hoàn thành nhiệm vụ, Quang Thanh phải theo đơn vị về Hà Nội. Hải Thu về Công ty Thương nghiệp Thanh Hóa tại thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa). Dù sống trong xa cách nhưng những lá thư tiếp tục là cầu nối nuôi dưỡng nhớ thương và tình yêu giữa hai người.
Bà Thu kể tiếp: “Vào tháng 5-1968, ông ấy viết thư cầu hôn tôi. Lúc ấy, công ty thương nghiệp đang có lớp tập huấn toàn tỉnh tại thị xã Thanh Hóa. Tôi viết thư nhận lời và báo cáo với tổ chức. Vừa nhận thư, ông ấy báo cáo đơn vị rồi cùng hai cán bộ đạp xe đạp từ Hà Nội về Thanh Hóa để làm lễ cưới”.
Một đám cưới giản dị đã gắn kết hai trái tim yêu thương với nhau sau buổi bế mạc lớp tập huấn. Cô dâu Hải Thu xinh tươi trong bộ quần áo tự may và chú rể trang nghiêm trong bộ quân phục mới. Để chúc phúc cho đôi uyên ương, các cán bộ thương nghiệp dự tập huấn đã góp tem phiếu để nộp nhà bếp làm cỗ cưới. Ông Thanh vui cười nói: “Cưới xong được hai ngày là tôi lại phải về Hà Nội. Sau đó tôi đi chiến trường Đường 9-Nam Lào, sang Cuba tập huấn rồi lại tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh… Cả cuộc đời nay đây mai đó xa nhà nhiều năm tháng. Tôi rất trân trọng bà ấy vì đã giúp tôi chăm lo chu toàn cho gia đình, xây dựng hậu phương vững chắc để tôi an tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Nở một nụ cười rạng rỡ đầy hạnh phúc, bà Thu cất tiếng hát: Gửi người thân yêu tiếng hát hậu phương/ Thắm đượm hương lúa nồng, có công em trồng/ Đảm đang lo tròn nhắn anh yên lòng/ Còn giặc xâm lăng, tiền tuyến hậu phương… Tất cả ta chung lòng gắng sức hôm nay/ Giặc tan anh về… đón anh thăm đường cày. Đường cày đảm đang. Nghe vợ hát, bàn tay ông Thanh gõ nhịp trên mặt bàn và ánh mắt nhìn vợ trìu mến...
VIỆT HÀ