Cụm hang Hóa Tiến, Hóa Thanh (Minh Hóa, Quảng Bình) đặt Sở chỉ huy tiền phương từ năm 1965-1966. Cụm hang trên tập trung trong bán kính 5km2, là nơi lý tưởng cho công tác của các binh trạm, bộ đội nghỉ chân và thuận lợi cho hoạt động tác chiến cũng như đưa ra sách lược trên các trục đường mòn.
Khi nhu cầu vận chuyển đạn dược, vũ khí, nhân lực vào chiến trường ngày càng mạnh mẽ, để có cách tiếp cận nhanh với Hà Nội, nơi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo và có cái nhìn toàn diện hơn về chiến trường miền Nam, các cung đường ở Lào, Campuchia, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đã dời căn cứ ra khỏi hang đá, chọn Hương Đô (Hương Khê, Hà Tĩnh) làm Sở chỉ huy tiền phương từ 1968-1970. Cụm hang Hóa Tiến, Hóa Thanh bàn giao lại cho các binh trạm đến ngày nước nhà thống nhất.
Hương Đô (Hương Khê, Hà Tĩnh) là nơi đặt Sở chỉ huy tiền phương của Đoàn 559 và Đoàn 500 đặt ở thôn 7. Người dân Hương Đô nói đây là sự kiện ngàn năm có một, bởi trong thời gian đó họ phục vụ 4 Trung tướng của quân đội nhân dân Việt Nam gồm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Trung tướng Vũ Xuân Chiêm, Trung tướng Nguyễn Đôn, Trung tướng Lê Quang Đạo.
Những năm 1971-1973, nhu cầu chiến trường ngày càng mạnh mẽ, một lần nữa Bộ Tư lệnh Đoàn 559 dời sở chỉ huy tiền phương vào Quảng Bình, đóng quân ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh. Ở đây, nhà thờ các họ tộc được trưng dụng làm trạm thông tin, bộ đội Đoàn 559 ở các bộ phận hậu cần, điều hành, chỉ huy và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở trong dân.
Bộ ảnh do PV Báo SGGP thực hiện tại các địa điểm này:
Trên các hang động ở Hóa Tiến, Hóa Thanh vẫn còn những dòng chữ : Nhớ mãi người y tá 1973
Di tích hội trường đoàn 559 ở Hương Khê, Hà Tĩnh
Khu lán và hầm chỉ huy của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Biển cụm di tích tại thôn 7, Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Một phần bản đồ chỉ huy của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Nhà và hầm làm việc liên thông của Bộ tư lệnh đoàn 559 tại Hương Đô
Nhà ăn và bếp Hoàng Cầm ở Hương Đô
Bên dưới nhà ăn và bếp Hoàng Cầm
Ngày nay các di tích ở Hương Đô đã được sửa sang, trong hình là hào giao thông giữa các khu chức năng được phục dựng bởi binh đoàn 12.
Một chiếc cầu ở Hương Đô người dân vẫn hay gọi cầu bác Đồng Sỹ Nguyên khi ông vận động các đơn vị có dự án cho người dân phát triển.
Ông từng trở lại thăm Hương Đô 2 lần và luôn có những giúp đỡ thiết thực để Hương Đô phát triển.
Cụ ông Ngô Đăng Nghĩa, thôn 7, Hương Đô nói: "Chúng tôi nhớ mãi tướng Đồng Sỹ Nguyên thương dân thương nước".
Kinh tế Hương Đô ngày nay phát triển bằng trồng bưởi, trầm dó và các sản vật bản địa khác.
Để tưởng nhớ vị tướng Trường Sơn, người dân thôn 7 Hương Đô đã thỉnh nhà sư về lập trang thờ tại căn nhà vị tướng từng sinh sống để cầu siêu truy linh.
Ở xã Hiển Ninh, nhà thờ họ Trương, họ Nguyễn, họ Lê từng được đoàn 559 sử dụng làm nơi tác chiến bí mật. Nay cả 3 nhà thờ này được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nhà khách Đoàn 559 từng đón đoàn hoàng thân Xihanuc và phu nhân những năm bom đạn, hiện di tích này đã xuống cấp, nằm trong khuôn viên trường cấp 3 Nguyễn Hữu Cảnh, huyện Quảng Ninh.
Hơn 200 hiện vật của đoàn 559 được sưu tầm cất giữ trong căn nhà cấp 4 cũ nát cần được phục dựng để bảo quản tốt hơn.
Người dân Hiền Ninh rất quý trọng Đoàn 559, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và mong muốn Binh đoàn 12, tiền thân là Đoàn 559 giúp bà con phục dựng bảo tàng hiếm có này để tướng nhớ vị tướng Trường Sơn, tưởng nhớ các thế hệ chiến đấu ở Trường Sơn.
MINH PHONG