"Trường Sơn huyền thoại" - Chùm bài viết của Thiếu tướng Hoàng Kiền - Phần IV
-----------------------------------------------------------
Mãi còn trong trái tim tôi
Bao miền ký ức một thời Trường Sơn
Trân trọng giới thiệu một số phần chính về Trường Sơn - Con đường huyền thoại.
PHẦN IV
NHỮNG CON ĐƯỜNG CHI VIỆN PHỐI HỢP KHÁC
Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Tháng 7 năm 1960, Tiểu đoàn 603 vận tải biển chi viện cho Miền Nam trực thuộc Đoàn 559 được thành lập. Tiểu đoàn chọn cảng cá Thanh Khê bên bờ sông Gianh - Quảng Bình làm nơi đóng quân với danh nghĩa "Tập đoàn đánh cá Miền Nam". Đơn vị khẩn trương xây dựng doanh trại và chuẩn bị thuyền buồm, ngư cụ. Đêm 27 tháng 1 năm 1960 (đêm 30 tết Canh Tý) con thuyền chở chuyến vũ khí đầu tiên của Tiểu đoàn 603 rời cảnh Gianh giao hàng cho Liên khu 5 với hơn 5 tấn vũ khí đạn và thuốc men. Do sóng gió lớn, f*thuyền gãy bánh lái, trôi vào Cù Lao Xanh (Quảng Ngãi). Vũ khí phải thả xuống biển, cả 6 thuỷ thủ bị địch bắt tra tấn dã man, tù đày nhưng một mực không khai, giữ bí mật cho phương thức vận tải đường biển. Trước tình hình đó, tháng 4 năm 1960, Bộ Quốc phòng quyết định giải thể Tiểu đoàn 603. Nhiệm vụ chi viện bằng đường biển được Bộ giao cho Bộ đội Hải quân.
Đoàn tàu không số được thành lập, nay là Lữ đoàn 125 Hải quân.
Trung đoàn công binh 83 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh được giao xây dựng cầu tàu Đồ Sơn. Cầu tàu K15- Cột mốc số 0 của Đường Hồ Chí Minh trên biển, dài 30 m, hình chữ T, kết cấu bê tông cốt thép, mố cầu đặt ở chân núi Nghinh Phong, mép cầu được đóng thêm hệ thống cọc xiên, mặt cầu lát bằng gỗ. Cầu rộng và chịu được xe trọng tải trên 10 tấn. Cầu tàu bí mật bảo đảm cho các con tàu không số cập mạn nhận hàng đưa vào Miền Nam.
Tuy ra đời sau tuyến vận tải quân sự bí mật trên biển đầu tiên từ Quảng Bình vào Miền Nam và các chuyến tàu từ Miền Nam ra Miền Bắc nhận vũ khí và trở lại Miền Nam, nhưng lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn coi đây như "Cột km số 0" của các tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Từ đây các con tàu không số nhận vũ khí theo đường biển vào chi viện cho các tỉnh nam Trung bộ vào tới cực nam Nam Bộ là Cà Mau.
Sau sự kiện Vũng Rô (Phú Yên, tháng 2 -1965), con tàu C143 chở vũ khí vào bị hải quân nguỵ phát hiện vây ráp. Ta đã cho nổ bộc phá huỷ tàu nhưng chỉ bị gẫy làm đôi chìm xuống biển, chúng cho người nhái lặn mò lấy được tài liệu trong phòng chỉ huy. Tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển bị lộ. Việc sử dụng những chuyến "tàu không số" vận chuyển bằng đường biển gặp nhiều trở ngại hơn do phải đối mặt với sự phong tỏa, bao vây, kiểm soát gắt gao của tàu chiến địch. Yếu tố bí mật, bất ngờ đã không còn. Cục Tác chiến báo cáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ thị: "Ngừng ngay việc vận chuyển, tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm.....khẩn trương nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển mới".
Từ chuyến đi thành công của tàu Phương Đông 1 ngày 1 tháng 10 năm 1962 đến tháng 2 năm 1965, tuyến chi viện chiến lược Đường Hồ Chí Minh trên biển mở ra chi viện kịp thời cho chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ địa bàn ven biển nơi mà chi viện trên bộ chưa vươn tới kịp, với 88 chuyến tàu chi viện chiến lược trên biển đưa tới các chiến trường được gần 5.000 tấn vũ khí và các mặt hàng thiết yếu.
Từ năm 1965, việc tổ chức, sử dụng tàu vận chuyển bằng đường biển phải chuyển sang phương thức mới cho phù hợp. Sau khi nghiên cứu tình hình, Đảng ủy Quân chủng Hải quân nhận định: Mặc dù vùng ven biển Miền Nam, địch đã dùng ra-đa, tàu thuyền chiến đấu, máy bay kiểm soát khá chặt chẽ, song ở ngoài khơi xa (đường biển quốc tế) chúng vẫn còn sơ hở, vì thế, ta có thể lợi dụng để hoạt động. Yếu tố bí mật về con đường đi trên biển của ta không còn, nhưng từng chuyến đi, cách thả hàng, lối đi vào từng bến… đều do ta chủ động, nên vẫn có thể khiến địch bị bất ngờ. Trên cơ sở đó, Quân chủng xác định phương án vận chuyển theo phương thức mới: Đi xa bờ, xác định vị trí tàu bằng thiên văn (còn gọi là đi bằng phương pháp hàng hải thiên văn), xen lẫn vào dòng tàu buôn ngược xuôi ngoài Biển Đông. Nhiều lúc gặp khó khăn, tổn thất, do địch tăng cường vây ráp, đánh phá quyết liệt, song nhờ tổ chức phù hợp, khéo léo, kiên quyết, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, Đoàn 125 tiếp tục tìm mọi biện pháp vận chuyển chi viện tiếp theo đến đích thắng lợi. Tuy vậy do địch tăng cường tuần tra phát hiện, vây ráp đánh phá, 3 tàu không số bị quân địch vây bắt thu tàu và toàn bộ vũ khí tài liệu. Sau đợt cuối tháng 2 năm 1968, không đạt yêu cầu đề ra, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải Quân tạm ngừng vận chuyển.
Tổng kết lại từ năm 1962 chuyến tàu đầu tiên của tàu không số Phương Đông 1 đến chuyến cuối cùng của Nguyễn Văn Hiệu năm 1972, đã có 168 chuyến tàu lên đường, phần lớn vào đến đích, một số buộc phải quay lại. Có 9 chuyến phải phá tàu, 3 chuyến bị đối phương bắt giữ. Chở được 6.638 tấn vũ khí trang bị, đưa hàng nghìn cán bộ vào Nam.
Kết quả đã vận chuyển chi viện kịp thời vũ khí trang bị cho quân và dân Miền Nam trên chiến trường Nam Trung Bộ và Nam Bộ chiến đấu, đẩy mạnh tiến công quân địch.
VẬN CHUYỂN GẦN.
Ngày 31/10/1968, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom Miền Bắc Việt Nam để tiến hành hội đàm tại Hội nghị Pa ri. Đoàn 125 triển khai chiến dịch VT5 vận chuyển hàng từ Hải Phòng vào cảng Sông Gianh - Quảng Bình giao cho BTL 559. Đội 8 Công binh Hải quân tiến hành rà phá thuỷ lôi cả ở Hải Phòng và cửa Sông Gianh bảo đảm cho tàu hoạt động an toàn. Qua 90 ngày đêm, Đoàn 125 đã giao cho BTL 559 là 21.737 tấn hàng để vận chuyển tiếp theo đường Trường Sơn vào chiến trường.
2. CON ĐƯỜNG "QUÁ CẢNH" CAMPUCHIA
+ Sau sự kiện Vũng Rô năm 1965, đoàn tàu không số hoạt động rất khó khăn và hạn chế. Việc chi viện vũ khí cho chiến trường Tây Nam Bộ là vô cùng khó khăn. Năm 1966, Trung ương quyết định mở ra hướng mới chuyển hàng qua cảng Sihanoukville của Campuchia. Lúc này Hoàng thân Sihanouk làm Quốc trưởng. Campuchia có tư tưởng trung lập, thân thiện với Việt Nam. Các tàu chở hàng của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa viện trợ vũ khí trang bị, hậu cần cho Việt Nam cập cảng Sihanoukville. Ta thành lập Đoàn hậu cần 17, có kho để tiếp nhận hàng. Từ đây hàng được vận chuyển bằng đường bộ, đường sông, kênh rạch về chiến trường miền Tây Nam Bộ.
Tất cả hàng cập cảng, quân đội Campuchia do tướng Lon Non cầm đầu lấy 1/3, còn 2 / 3 ta chở về nhưng phải hối lộ cho quân đội Lon Non. Cứ 1 ki lô gam vũ khí phải chi 2 USD, 1 ki lo gam hàng hậu cần phải chi 1USD.
Từ năm 1966 đến 1969 ta nhận được:
20.478 tấn vũ khí
1.284 tấn quân trang
731 tấn quân y
65.810 tấn gạo
5.000 tấn muối
Tiền chi lót đường là : 36.642.653,52 USD.
+ Ông chủ Đức Phương
Để có nguồn hàng hậu cần tại chỗ, một phương thức bảo đảm mới được mở ra.
“Ông chủ lớn” Nguyễn Đức Phương và những câu chuyện huyền thoại về Nhiệm vụ đặc biệt.
Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh có một nhánh ít người biết đến, nhưng vô cùng độc đáo, vô cùng hiệu quả, âm thầm lặng lẽ cung cấp lương thực, xăng dầu, thuốc men, vũ khí… cho chiến trường Miền Nam. Một trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam đóng vai “Ông chủ lớn”.
Một ngày tháng 7-1963, đang là học viên Trường Văn hóa Quân đội đóng ở Lạng Sơn, Trung tá Nguyễn Đức Phương được Bộ Quốc phòng gọi về Hà Nội nhận nhiệm vụ đặc biệt.
Nhiệm vụ quan trọng như thế nào mà đích thân Bộ trưởng giao? Trung tá Nguyễn Đức Phương không khỏi băn khoăn, hồi hộp.
Vài hôm sau, khi đang nghỉ tại Trạm khách 66, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Nguyễn Đức Phương và 30 anh em cùng chung nhiệm vụ. Sau khi hỏi thăm sức khỏe và gia đình từng người, Đại tướng giao nhiệm vụ: Đường Trường Sơn do Đoàn 559 đảm trách rất có hiệu quả trong việc chi viện sức người, sức của từ Miền Bắc vào Miền Nam, nhưng đang bị địch ngăn chặn, gặp rất nhiều khó khăn. Cần có thêm một tuyến đường nữa trợ giúp, bắt nguồn từ các tỉnh biên giới của nước bạn Lào và Campuchia giáp với vùng Tây Nguyên nước ta… Nhiệm vụ chính của Đoàn 763 do Trung tá Nguyễn Đức Phương làm Đoàn trưởng là tạo nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men càng nhiều càng tốt để cung cấp cho chiến trường Miền Nam. Đoàn hoạt động độc lập, nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Bộ Quốc phòng. Cuối cùng, Đại tướng căn dặn:
Vào trong đó xa Trung ương, xa hậu phương, các đồng chí sẽ thiếu thốn đủ thứ. Các đồng chí cần đoàn kết, khéo làm ăn để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ.
Đoàn được Bộ Quốc phòng cấp 30 con dao rựa, 10 kg hạt giống rau để làm “vốn” tăng gia và được giao 5 triệu kíp (tiền Lào) để sử dụng thu mua vũ khí, đạn dược, hàng hậu cần. 5 triệu Kíp (tiền Lào, hồi đó là một số tiền rất lớn). Một ngày cuối tháng 7-1963, Đoàn 763 lên đường. Trung tá Nguyễn Đức Phương không ngờ rằng, từ một anh nông dân, một cán bộ hậu cần, anh sắp trở thành “Ông chủ lớn” của cả vùng biên giới Việt-Lào-Campuchia.
Sau hơn hai tháng dầm mưa, dãi nắng đi bộ dọc theo dải Trường Sơn, Đoàn 763 đã đến địa điểm đóng quân. Đó là khu rừng ven sông Sekong thuộc huyện Xamakhisay, tỉnh Attapeu (Lào), cách ngã ba Đông Dương khoảng 60 km. Bên kia sông là Đồn Biên phòng Đôn Phầy của Campuchia. Đây là địa điểm rất thuận lợi cho đoàn trong thu mua và vận chuyển hàng hóa ở Lào và Campuchia, lúc bấy giờ còn trung lập, để chi viện cho chiến trường Miền Nam và vùng Hạ Lào. Ban đầu, việc thu mua lương thực ở Lào thuận lợi, tuy nhiên ông Bun Mạc, Thường vụ Tỉnh ủy Attapeu phụ trách kinh tế băn khoăn:
- Xưa nay chưa bao giờ chúng tôi chủ trương thu mua lương thực. Thu mua rồi có thành lệ không? Sang năm, nếu nhân dân không ủng hộ, cứ yêu cầu thu mua thì làm thế nào?
Nguyễn Đức Phương giải thích:
- Muốn thắng Mỹ, ta phải có lương thực, thực phẩm dự trữ nuôi quân. Không thu mua, các đồng chí và chúng tôi sẽ không có đủ gạo ăn để nuôi mình, nói gì đến nuôi quân. Không thu mua, nhân dân không có tiền mua sắm vải vóc, kim chỉ, thuốc men… Đoàn chúng tôi còn ở đây lâu dài, tôi bảo đảm thu mua chỉ có lợi, không có hại.
Tỉnh ủy Attapeu chấp nhận ý kiến của Đức Phương. Bí thư Tỉnh ủy Thoong Đăm ký 40 giấy giới thiệu cho phép cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6, lấy danh nghĩa Bộ đội Pathet Lào, được về các bản vùng Hạ Lào để thu mua lương thực.
Cuối tháng 10-1963, Đoàn 763 điện về Bộ Quốc phòng: “Đã lập được 3 kho, bước đầu có 100 tấn lúa dự trữ”. Bộ trả lời: “Rất hoan nghênh. Chú ý khai thác thêm nguồn hàng mới trong lòng địch. Cần bao nhiêu tiền báo cáo”.
Nhận chỉ thị, Nguyễn Đức Phương nhờ bạn xoay xở giấy tờ hợp pháp để cử người vào buôn bán ở Pakxe, một thị xã giàu có, nhiều hàng hóa của tỉnh Champasack do Chính phủ Hoàng gia Lào thân Mỹ kiểm soát. Tại đây, nhờ sự khéo léo và tài trí của mình, các anh móc nối với Đại tá Khăm Lượm, Quân khu phó Quân khu 4 và vợ của y là em gái Hoàng thân Bun Ùm, nhân vật phái hữu có thế lực nhất vùng Hạ Lào. Biết là người của Pathet Lào, nhưng do hám tiền nên vợ chồng Khăm Lượm chấp nhận “làm ăn” với ta. Từ đó, lương thực do vợ chồng Khăm Lượm chuyên chở ùn ùn về kho dự trữ của Đoàn 763. Tuy nhiên, đề phòng địch vừa chở hàng vừa thăm dò lực lượng của ta, việc khơi nguồn hàng từ Pakxe tạm chấm dứt.
Tuyến đường bí mật C4
Năm 1964, tiếp tục phát huy thắng lợi đã đạt được, đồng chí Đức Phương đã đề xuất với Bộ Quốc phòng cho mở đường buôn bán sang Căm Phu Chia và được Bộ đồng ý cho thành lập đơn vị mới có mật danh là “Ấp 97” sau đổi thành “K20”. Đơn vị có nhiệm vụ khai thác nguồn hàng ở Cam phu chia.
Trung tá Nguyễn Đức Phương tiếp tục là Đoàn trưởng Đoàn K20, thuộc quân số của Binh trạm 37, Đoàn 559, nhưng nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Bộ Quốc phòng. Tuyến đường bí mật mang tên C4 theo đề nghị của anh, bắt nguồn từ Đồn Tà Ngâu, điểm cuối cùng của Binh trạm 37 (Đoàn 559) sang Đồn Biên phòng Đôn Phầy, đến huyện Xiêm Pạng (đều thuộc tỉnh Stung Treng, Campuchia). Từ đó nối xuống tận cảng Sihanoukville của Campuchia. Nhiệm vụ của K20 là phải lập ra cơ sở buôn bán tại chỗ dưới danh nghĩa một công ty; mở được tài khoản ngay trong hệ thống tài chính của Campuchia để ta chuyển tiền vào; thu mua và chuyển hàng vào chiến trường Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Trung tá Nguyễn Đức Phương đã chọn vị trí đóng quân mới của K20 đối diện đất Lào, cách con sông Sê Công, đoạn đường từ Xiêm Pạng đến đồn Đôn Phầy của Căm puchia 60 km. Ông chủ Đức Phương có trong tay 1.000 cu ly và 150 xe ô tô vận tải các loại. Ông đã chỉ huy đơn vị liên lạc được với Đoàn 17 của B2, đoàn nhận hàng viện trợ qua cảng Sihanoukville. Đồng thời móc nối được các nhà tư sản Hoa Kiều - Công ty Quách An, thuê xe của Công ty Hắc Lí chở gạo đơn vị thu mua được, chở thẳng từ Phnôm Pênh lên Đôn Phầy, và tổ chức cho các nhà buôn ở Xiêm Pạng, ở Stungtreng ùn ùn chở hàng lên cho ta.
Nhu cầu gạo cho bộ đội ở chiến trường Miền Nam ngày càng lớn. Năm 1968 địch tập trung đánh phá đường Trường Sơn vô cùng ác liệt, hàng không vận chuyển vào được. Nhiều đơn vị cấp Sư đoàn cũng không còn gạo, dù chỉ để nấu cháo cho bộ đội. Mục tiêu lúc này là, làm thật nhanh con đường dài 60 km nối Xiêm Pạng với Đôn Phây để có đường chở gạo, cứu đói cho Bộ đội tại B2, Tây Nguyên và Bộ đội Đoàn 559. Đồng thời với việc tổ chức cho các nhà buôn ở Xiêm Pạng, Stung treng chở gạo lên Đôn Phầy được đặt ra cho đồng chí Nguyễn Đức Phương và K20 hai nhiệm vụ cùng một lúc. Nhưng với sự thương thuyết tài tình của "Ông chủ" Nguyễn Đức Phương, quan huyện Xiêm Pạng đã đồng ý để “Culi” của “Ông chủ lớn” (là các chiến sỹ của Trung đoàn 98 Công binh) nhanh chóng, thần tốc hoàn thành con đường trong thời gian đặc biệt ngắn (chỉ trên 1 tháng). Nhờ có đường C4 nên Bộ Tư lệnh 559 đã kịp thời đưa xe ô tô vào lấy hàng tại kho K20 do nhà tư sản “Ông chủ lớn” Đức Phương mua của Campuchia để cứu đói khẩn cấp cho các đơn vị ở Tây Nguyên và Khu 5 trước mùa mưa. Lần đầu tiên, qua C4, đoàn 20 nhận được ngót 40 tấn hàng trong một ngày. Gạo dự trữ tăng vùn vụt, từ 100 tấn lên 2.000 rồi 3.000 tấn…kịp thời cứu đói cho bộ đội và đáp ứng đủ lương thực cho Bộ đội của chiến trường Nam Bộ, Tây Nguyên và Bộ đội Trường Sơn.
Đồng thời, theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Trung tá Nguyễn Đức Phương đã chỉ huy đơn vị tổ chức mua xăng chuẩn bị cho chiến dịch. Trước yêu cầu của mặt trận, Ông đã cử cán bộ, chiến sỹ của đơn vị sang tận Thái Lan để mua xăng, móc nối với tướng tá ngụy ở Sài Gòn mua xăng dầu cho bộ đội ta. Chiến dịch mua xăng đã thắng lợi giòn giã. Ban đầu ta chỉ mua mỗi ngày được 100 thuyền (mỗi thuyền 4.800 lít ), sau tăng dần, lúc nhiều nhất 240 thuyền, kịp thời cung cấp được xăng dầu, đầu cho các xe, thuyền, vận tải lương thực, vũ khí, đạn dược, quân trang …phục vụ hậu cần cho các đơn vị tham gia những chiến dịch lớn của Quân giải phóng và Bộ đội Trường Sơn.
- Đặc biệt, trong chiến dịch lần này tại CămPuChia, đồn Đôn Phầy gần như biệt lập, không có đường bộ, đường thủy cũng không sử dụng được, do có nhiều thác lớn, nước chảy xiết. Nhưng, chỉ sau vài tháng, đồng chí Nguyễn Đức Phương và đơn vị, đã khôn khéo, mưu trí, sáng tạo “biến” Đồn trưởng Sun, thành cầu nối để quân ta đến các tỉnh thành khác của CămPuChia kéo nguồn hàng về đồn Đôn Phầy để ta thu mua. Cũng từ đây, đồng chí Nguyễn Đức Phương đã mưu trí qua “Sếp Sun” mà K20 đã khai thông được đường thủy, mở ra một hướng vận chuyển mới bằng đường thủy qua Campuchia kết hợp đường bộ về Việt Nam, kịp thời cung cấp được một lượng lương thực, xăng dầu, quân trang… cho chiến trường Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
- Không chỉ mua lương thực, thực phẩm, các mặt hàng chiến lược cho mặt trận Tây Nguyên và một phần Nam Bộ, K20 còn vận chuyển “mặt hàng đặc biệt” là A22 (tên lửa vác vai) vào chiến trường B và nhiều lần đưa đón thành công, an toàn tuyệt đối các đoàn cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam, các Đoàn đặc công của ta ra Bắc, vào Nam công tác. Đưa, đón, bảo vệ an toàn đoàn Quốc vương Xi Ha Núc và Chính phủ lưu vong của CămPuChia về nước trên con đường mà đồng chí Đức Phương và K20 đảm nhiệm.
CUỘC ĐẢO CHÍNH Ở CAMPUCHIA
Tình báo Mỹ đã phát hiện ra việc chuyển hàng qua cảng Sihanoukville và những hoạt động của "Ông chủ Đức Phương" trên đất Campuchia. Ngày 17 tháng 3 năm 1970, nhân lúc Quốc trưởng Campuchia Sihanouk đi sang Pháp chữa bệnh, Mỹ đã xúi giục và giúp Lon Non đảo chính lật đổ Quốc vương Sihanouk. Từ đây các hoạt động công khai, hợp pháp của Đường quá cảnh qua cảng Sihanoukville chấm dứt hoạt động. Công ty của ông chủ Đức Phương cũng ngừng hoạt động. Trung tá Nguyễn Đức Phương về làm Phó Tư lệnh Sư đoàn 470. Từ tháng 3 năm 1970 đến năm 1974, ông được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo các đoàn thu mua 671, 673, 165 thuộc Binh trạm 53, làm nhiệm vụ thu mua, tổ chức vận chuyển tới các hướng chiến trường B2 (Nam Bộ), B3 (Tây Nguyên), chủ yếu bằng phương tiện thuyền, xe GMC của các nhà tư sản Hoa Kiều, Việt Kiều và một phần của ngụy Lào. Các đội tiếp tục thu mua lương thực thực phẩm, thuốc men ở vùng Đông Bắc Campuchia và vươn tới tận Phnom Pênh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
POLPOT BẮT ĐẦU TRỞ MẶT
Hiệp định Paris kí kết ngày 27 tháng 1 năm 1973. Mỹ ngừng ném bom trên toàn bộ chiến trường Đông Dương. Đoàn gọi là “Chính phủ Campuchia Dân Chủ” từ nước ngoài qua Trung Quốc rồi nhờ Việt Nam giúp đỡ theo đường Trường Sơn về nước. Khiêu Xăm Phon về trước, Iêng Xa Ri cùng đoàn chính phủ lưu vong hơn ba chục người về sau. Họ về vào tháng 9 năm 1973, giữa trung tâm của mùa mưa vô cùng khó khăn. Bộ đội Trường Sơn rải quân chống lầy suốt từ Bản Đông đường 9 vào đến sông Sê Na Nông với chiều dài khoảng trăm rưỡi ki lô mét. Đường lầy lội lắm, phải chặt gỗ lát nhiều đoạn cho xe đi. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 472 cử một đại đội công binh vượt qua sông sang ứng cứu. Một chiếc xuồng máy chở 18 cán bộ chiến sĩ công binh bị lũ nhấn chìm, chết 12 người. Sau nửa tháng lũ rút mới tìm thấy xác. Ta vẫn quyết tâm chống lầy, ghép phà đưa họ qua sông. Đoàn dừng chân tại Sư đoàn bộ Sư đoàn 472 khu vực Tà Ôi - Xa Ra Van bên bờ nam sông Sê Na Nông. Đường vào phía trong quá lầy lội không thể đi được, phải dừng chân ở Sư đoàn bộ một tháng liền. Trong điều kiện dã chiến, Sư đoàn nhường chỗ ở tốt nhất cho Đoàn. Họ mặc toàn đồ đen, quần áo đen, mũ nồi đen, đeo cái túi đen, đi dép đen. Ieng Sary to cao, mập, da đỏ như gà chọi. Đêm nào cán bộ chiến sĩ cơ quan Sư đoàn bộ chúng tôi cũng giao lưu nói chuyện gọi nhau bằng đồng chí, thật vui vẻ, thân tình.
Trung Quốc viện trợ cho Khmer Đỏ 100 xe ô tô Giải phóng chở đầy vũ khí mang theo. Việt Nam đã giúp đưa số xe này qua Việt Nam theo đường Trường Sơn vào đất Campuchia bàn giao đầy đủ cho họ.
Đồng thời Việt Nam cũng giúp đỡ Khmer Đỏ về vũ khí, hậu cần vận chuyển trên đường Trường Sơn để kháng chiến chống lại quân đội của Lon Non.
Từ khi chính phủ lưu vong Campuchia Dân Chủ về nước, họ đã có những hoạt đông chống phá Việt Nam.
Đường Trường Sơn đi qua 4 tỉnh đông Bắc Campuchia từ năm 1966 bảo đảm vận chuyển chi viện cho chiến trường Miền Nam và giúp đỡ cách mạng Campuchia. Sau khi về nước, họ trở mặt, ngăn chặn việc vận chuyển của Việt Nam qua đất Campuchia. Thậm chí họ còn tổ chức chặn xe, chiếm vũ khí, hàng hậu cần của ta. Từ năm 1974, chúng ta phải chuyển đường vận chuyển sang hết đất Việt Nam.
Ngay sau khi Việt Nam giải phóng Miền Nam, họ ra mặt thù địch gây xung đột biên giới với Việt Nam. Chúng tôi không thế tưởng tượng được sao họ lại phản bội ta như vậy.
4. CON ĐƯỜNG CHUYỂN TIỀN
Để bảo đảm hậu cần cho chiến trường và chi tiêu các mặt, ngoài việc vận chuyển hàng vào còn cần tiền chi tiêu mua sắm tại chỗ. Tiền Việt Nam Cộng hoà, tiền Campuchia được chuyển vào chiến trường bằng hai con đường.
Qua đường Trường Sơn, gùi bộ, chở bằng xe ô tô. Có trường hợp xe bị bom đạn đánh cháy thiệt hại rất lớn.
Bằng con đường vòng qua hệ thống ngân hàng quốc tế.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chính nghĩa của Việt Nam đã được nhiều nước Xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế hết lòng ủng hộ bằng nhiều hình thức, trong đó có các loại ngoại tệ. Tuy nhiên, trong chiến tranh ác liệt, chúng ta gặp vô vàn khó khăn trong nhiệm vụ nhận viện trợ, chế biến (hối đoái) và phân phối tiền để mua lương thực, vũ khí, thuốc men... cho chiến trường Miền Nam.
Thời điểm ấy, Ban Ngân khố tín dụng R (C32) là một bộ phận của Ban Kinh Tài Trung ương Cục Miền Nam, do đồng chí Trần Dương, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam trực tiếp lãnh đạo. Tập thể C32 gồm những chiến sỹ thầm lặng hoạt động trong điều kiện bí mật, nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn, nhưng tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và liêm khiết trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, C32 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển, hối đoái ngoại tệ, bảo quản, giữ gìn tuyệt đối an toàn hàng trăm triệu USD, cung cấp kịp thời cho tiền tuyến. Chỉ với số người ít ỏi, mọi thứ máy móc đều lạc lậu, quá trình vận chuyển thô sơ hàng trăm triệu đô la bạn bè quốc tế viện trợ đã vượt qua bom đạn, sự kiểm soát gắt gao của địch để đến các chiến trường ác liệt nhất ở Miền Nam.
Đặc biệt, trong thời kỳ không thể chuyển tiền bằng phương pháp chuyển khoản (FM), thì sự đóng góp của C32 làm hối đoái bằng phương thức tiền mặt (AM) thật sự không phải nhỏ. Dù có điều kiện tiếp xúc dễ dàng với tiền, nhưng không ai tham ô, tham nhũng tiền của cách mạng. Hoạt động gần địch, trong lòng địch nhưng không theo địch, rất hiểu địch nhưng không khinh địch, biết cách đối phó với địch rất hiệu quả.
“Sau bao lần phân tán tiền ra để tránh địch tấn công, thì tiền khi mang về nộp lại luôn luôn nguyên vẹn, không mất một đồng. Tuy làm nhiệm vụ trong điều kiện đặc biệt khó khăn, chiến tranh ác liệt, giữa sống và chết, họ sẵn sàng chọn cái chết để bảo toàn tài sản của cách mạng”.
Tiền các nước viện trợ cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam được chuyển về Hà Nội, sau đó chuyển sang Quảng Châu - Trung Quốc, chuyển sang Phnom Pênh một phần cung cấp cho ông chủ Đức Phương rồi đổi ra tiền Campuchia chi tiêu, một phần chuyển về Sài Gòn qua C32 đổi ra tiền Việt Nam Cộng hoà chi tiêu.
Liên Xô mỗi năm viện trợ cho Việt Nam 9 tấn vàng, phải bán đổi ra USD gửi qua ngân hàng bên Anh ở Hồng Kong, rồi từ đó chuyển qua nhiều bước mới về được Miền Nam Việt Nam.
Đây cũng là một con đường huyền thoại.
Thiếu tướng Hoàng Kiền
( còn nữa )