“CỎ XANH NON ƠI, XIN CHỚ VÔ TÌNH” *

Ngày đăng: 04:00 26/07/2020 Lượt xem: 467
“CỎ XANH NON ƠI,  XIN CHỚ VÔ TÌNH” *
                                                                   Phạm Hồng Loan
                                                        Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

Sau một ngày vượt qua mấy trăm cây số, chúng tôi đã đến thôn Bích La Nam, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong. Được báo trước, anh chị Tuyến - Hoà ra tận đầu thôn đón chị em chúng tôi. Nụ cười sáng bừng trên khuôn mặt khắc khổ của chị:
-Từ lúc nghe điện, biết gia đình bác Tư vào, chúng em mừng thôi là mừng. Đêm nỏ ngủ được chi mô.
Bước chân xuống xe, lòng tôi bồi hồi. Đây mảnh đất thiêng Quảng Trị. Mảnh đất mà suốt bao năm qua tôi đau đáu một niềm được đến tận nơi, được thắp một nén nhang không chỉ cho người anh thân thương của tôi, mà còn biết bao người như anh đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước
Tôi lặng lẽ chắp tay trước cây nhang anh Tuyến lập cho anh tôi sau ngày đưa hài cốt anh trở về quê hương. Anh hãy cùng đồng đội về đây thưởng thức chút đặc sản quê mình. Muốn nói nhiều cùng anh mà nước mắt cứ tuôn trào. Anh có biết đứa em gái ngày xưa được anh yêu quí nhất đang đứng nơi anh đã  từng sống, chiến đấu và hy sinh để rồi 29 năm sau, gia đình tôi mới tìm đến được để đón anh về trong niềm yêu thương, xúc động đến nghẹn ngào. Đâu rồi từng dãy chiến hào chằng chịt trên vùng cát trắng ngày đêm vật lộn cùng bao cơn gió quái ác quật lên, quật xuống? Đâu rồi cái không gian đặc quánh  trong mùi khét lẹt của đạn bom, của từng cụm khói bốc lên vật vờ trong gió? Chẳng còn đâu những cánh đồng trù phú màu mỡ. Chẳng còn đâu tiếng trẻ bi bô học bài. Làng xóm tiêu điều, xơ xác, tan hoang. Đồng ruộng khô cháy. Tất cả là sự im lặng chết chóc. Rồi tất cả lại vỡ oà trong tiếng réo gầm của mưa bom, bão đạn. Nơi nào anh đã cùng đồng đội  chia nhau từng nắm cơm, ngụm nước, đọc từng mẩu tin nhà? Nơi nào là căn hầm anh đã sống để trụ vững trước quân thù? Ngách chiến  hào nào anh chia lửa cùng đồng đội đến hơi thở cuối cùng? Tôi quì xuống góc vườn, nơi lưu giữ hình hài anh, bốc lên một nắm đất. Hạt cát nào thấm máu của anh? Nắm đất nào thịt da anh hoá thành? Viên đạn nào thoát ra từ nòng súng kẻ thù đã nhằm trúng anh trong trận chiến quyết liệt, bảo vệ từng tấc đất yêu thương? Giá như đừng có chiến tranh, có thể bây giờ anh đã có một công việc, một địa vị xứng đáng bởi ngay từ nhỏ, anh đã là một cậu bé có chí tiến thủ. Những ngày học cấp 1, cấp 2, anh luôn là học sinh điển hình cho cả trường noi theo về thành tích học tập, về đức tính cần cù, chăm chỉ. Bạn bè ai cũng khâm phục cậu bạn bé nhỏ, có đôi mắt sáng đến lạ kì mà giàu nghị lực. Có lần, thấy anh mải mê với cuốn sách dày cộp, cô bé 9 tuổi là tôi lúc đó, níu tay anh, tò mò:
-Anh đọc sách gì mà mải mê thế?
 Anh cười:
- Đây là cuốn Goor-ki bàn về văn học. Sau này lớn lên em sẽ hiểu. Phải cố gắng học thật giỏi trong bất kì hoàn cảnh nào, em ạ.
          Tình yêu văn chương anh nhen nhóm cho tôi là từ đó. Từ bao câu chuyện bất tận anh kể cho chị em chúng tôi trong những đêm hè, nằm trên chiếc chõng tre ngoài sân đếm sao. Từ những chiều hè, anh đưa các em ra biển. Mấy anh em mải miết cào lá phi lao. Anh xếp đống lá cào được lên chiếc xe cút kít trông thật tròn, thật đẹp, trông xa như cây nấm khổng lồ. Xong xuôi, anh rút trong túi ra một cuốn sách:
-Các nhóc lại đây, anh đọc truyện cho nghe nào.
Trong tiếng thì thầm của biển biếc, lũ trẻ chúng tôi mắt tròn, mắt dẹt nghe như nuốt lấy từng lời, rồi để cho trí tưởng tượng của mình bay bổng lên đến chín tầng mây trong những câu chuyện cổ tích. Đưa lá phi lao về để dành nấu bếp trong những ngày đông tháng giá xong, chúng tôi lại theo anh ra vườn nhặt cỏ, bắt sâu. Anh luôn giành lấy công việc nặng nhọc nhất là gánh nước. Anh gò lưng, bặm môi gánh từng thùng  dưới ao lên. Chúng tôi chỉ việc nhẹ nhàng múc từng gáo, thận trọng tưới đẫm những luống rau. Khi anh được chọn vào lớp chuyên văn của trường cấp 3 Lê Hồng Phong (Nam Định) và ở cùng cha trong Ty Thuỷ sản, chúng tôi cứ ngẩn ngơ buồn vì nhớ anh. Một hôm nhà có giỗ, sau bữa ăn, tôi thấy Hải, lúc đó khoảng 4 tuổi, gói ghém một bọc, mang vào trong buồng cất kĩ. Hầu như cả ngày nó đứng canh ở cửa. Ai vào, nó cũng đi theo. Tuần đó, có lẽ nó là đứa mong anh về nhất. Một ngày, nó hỏi không biết bao lần: “Chị ơi, bao giờ đến thứ bảy?” Rồi ngày cuối tuần cũng đến. Nó lao ra sân như tên bắn khi nghe tiếng tôi reo ngoài ngõ. Vừa ôm chầm lấy anh, nó đột ngột buông ra rồi chạy vào buồng, khệ nệ bê ra một bọc lá chuối. Thì ra đó là nắm xôi đã lên men, mốc xì và mấy quả chuối ngả màu thâm đen, chuột gặm nham nhở. Cả nhà cười ồ, còn cậu ta thì mếu máo. Vậy là anh phải công kênh nó lên vai, đi mấy vòng quanh sân thì mới chịu nín. Chẳng phải riêng nó mà cả chúng tôi cũng đếm từng ngày mong chóng đến thứ bảy được đón cha và anh về. Quãng đường gần 50km, hai cha con chở nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch phải mất sáu bảy tiếng. Thế mà đầu năm học lớp 9, khi được nhà trường phân phối một chiếc xe đạp thiếu nhi Liên-Xô thì anh lại nhường cho bạn khác, vì theo anh, nhà bạn ấy còn khó khăn hơn mình. Cuối học kì I lớp 10, anh xung phong lên đường khi đã có tên trong đội tuyển chuẩn bị cho kì thi chọn học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc. Anh được nghỉ ba ngày rồi lên trường, nhập ngũ với bạn bè. Những ngày anh ở nhà, không lúc nào tôi rời anh. Anh chụp ảnh cùng bạn bè cũ, tôi cũng chen vào, đứng cạnh. Buổi chiều trước khi lên đường, anh đưa về một cây mít. Mấy anh em hì hục đào hố trồng. Thấy nét mặt buồn rười rượi của tôi, anh cười:
-Làm sao mà trông em gái của anh buồn thế kia? Phải vui lên chứ. Anh đi rồi, nhớ ở nhà chăm sóc cây cho tốt nhé. Đánh Mĩ xong, anh sẽ về. Lúc đó anh em mình tha hồ ăn mít.
 Bữa cơm liên hoan tiễn anh đi, tôi không sao nuốt được. Một linh cảm mơ hồ đau xót cứ bóp nghẹt trái tim tôi. Tôi lặng lẽ ra sau nhà, nước mắt chan đầy bát cơm mang theo.
Đêm ở Bích La Nam hình như đến nhanh hơn. Theo dự định, chị em tôi làm mấy mâm cơm, gặp mặt bà con đã gắn bó với gia đình tôi trong những ngày tìm hài cốt của anh. Nghe tin gia đình bác Tư vào, mọi người trong xóm kéo đến chơi rất đông. Căn nhà đơn sơ rộn rã tiếng cười nói. Không thể kể hết được những tình cảm nồng hậu thân thương mà gia đình anh chị Tuyến, Hòa cùng bà con cô bác dành cho chúng tôi. Ngày ấy, qua chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, biết được đây là nơi có  hài cốt anh tôi thì gia đình chị và bà con trong xóm đã coi đó là công việc mình. Trong ba ngày gia đình tôi đào bới mảnh vườn tìm anh, bà con hầu như bỏ cả công ăn việc làm đến động viên, giúp đỡ. Rồi khi anh hiện ra với  nguyên vẹn dáng hình trong sự xác nhận của anh Đặng Ngọc Tiến, người đồng đội cũ, người bạn học cùng lớp 10A năm xưa, người đã tự tay chôn cất cho anh, bà con lại bắt tay vào giúp gia đình tôi nhanh chóng làm các thủ tục đưa anh về trong sự lưu luyến khôn nguôi. Thực sự người dân ở đây đã coi anh như một người con của Bích La Nam. Trong những ngày lễ tết, mọi người đến cây nhang thắp hương cho anh. Vậy là người anh thân thương của tôi đã có hai quê hương. Đó là Thịnh Long, nơi anh sinh ra, lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, bạn bè. Là Bích La Nam, nơi anh đã sống, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ từng tấc đất yêu thương.
 Trong suốt buổi gặp mặt, mọi người ôn lại chuyện cũ. Bác Thương, nguyên Xã đội trưởng, kể cho chúng tôi nghe về năm 1972 ác liệt của chiến trường Quảng Trị. Nhằm tạo áp lực lên bàn Hội nghị hoà bình ở Pa-ri, nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình, ta đã mở chiến dịch lớn, đánh vào Quảng Trị, chọc thủng phòng tuyến của quân ngụy, chiếm được thị xã Đông Hà và thành cổ Quảng Trị. Nhận thấy nguy cơ vùng một chiến thuật mất vào tay Quân giải phóng, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã huy động toàn bộ lực lượng chiếm lại Quảng Trị với sự yểm trợ tối đa của hoả lực Mĩ. Trong mùa hè đỏ lửa đó, Thành cổ Quảng Trị là một chảo lửa khổng lồ. Quân địch huy động nhiều lực lượng: bộ binh, lính dù, thuỷ quân lục chiến  dưới sự yểm trợ của Mĩ kết hợp hạm pháo và B52 rải thảm. Ngày anh Tư hành quân vào Triệu Phong thì chiến dịch 81 ngày đêm ở Thành cổ đã bước sang giai đoạn cuối nhưng ta với địch vẫn còn giành giật nhau từng tấc đất để cắm cờ Mặt trận Giải phóng. Có những lúc hai bên ngừng tiếng súng, còn nghe rõ tiếng cãi cọ, chửi bới của bọn giặc bên kia chiến hào. Giọng bác nghẹn ngào:
- Nhìn những anh em bộ đội đằng mình từ miền Bắc mới vào thương lắm. Hỏi ra thì toàn là học sinh, sinh viên các trường đại học. Anh nào cũng hồng hào, trắng trẻo, thư sinh. Những người như thế mà chết thì uổng lắm. Chỗ đứng của họ phải là giảng đường đại học để xây dựng đất nước chứ không phải cầm súng mà lao vào cái cối xay thịt không biết ngán này. Xót xa lắm. Chiến tranh thật là tàn nhẫn.
      Anh Dương Đình Lục, người cựu chiến binh của đất Triệu Đông cứ nhắc đi nhắc lại: “Bà con chúng tôi nơi đây đời đời biết ơn sự hi sinh của anh Tư, của bà con cô bác ngoài miền Bắc đã góp phần lớn lao, đánh đuổi quân xâm lược, đem lại cuộc sống yên bình cho một nửa của đất nước.”
 Không khí buổi gặp mặt chợt trầm xuống khi chị tôi đọc lá thư duy nhất của anh còn lại viết về cho gia đình trên mảnh đất Gio An khi chưa đặt chân đến tuyến lửa Triệu Phong. Nghe như tiếng anh đâu đây thầm thì vọng về: “...Có lẽ vùng này trước đây cũng đẹp lắm. Đất cũng giống đất quê mình, nước cũng dòng nước ấy nhưng bây giờ chỉ là  vùng cát trắng với những cơn gió quái ác. Gió gào rít trên những cánh cỏ tranh bốc cát tung bụi mù mịt. Đó đây một vài bụi tre thấp lưa thưa xen với những ngôi nhà lụp xụp lợp tôn gió đánh lên đánh xuống suốt  đêm. Đó là vết tích của một thời nô lệ, vết tích của những vành đai trắng và ấp chiến lược, vết tích tội ác của bầy giặc Mĩ và tay sai. Con không đi qua Trường Sơn hùng vĩ, nơi đã in dấu chân của hàng triệu chiến sĩ, trong đó có dấu chân của anh Thọ, anh Tiếu, anh Dân, nhưng con đã đi qua những mảnh đất muôn quí ngàn yêu mà bao nhiêu năm nay, bao nhiêu xương máu đã đổ ra để giành lại. Mỗi tấc đất con đi qua còn quí gấp vạn lần những tấc vàng. Bởi chỉ có xương máu mới có thể đổi lấy được. Cuộc sống ở vùng giải phóng đang hồi sinh qua khói lửa. Đi trên vùng đất này, chúng con thường nói với nhau rằng mai này khi chiến thắng, máy móc sẽ biến nơi đây thành những vùng trồng cây công nghiệp rất giàu của đất nước...” Cái nhìn, cách nghĩ tươi rói của người lính về chiến tranh, về ngày mai mới đẹp làm sao. Bao năm qua, mặc dù đã thuộc lòng từng câu, từng chữ, nhưng giờ đây tim tôi vẫn ứ nghẹn.       
Sáng hôm sau, mấy chị em dậy sớm để tiếp tục cuộc hành trình. Tôi đến bên khóm tre cuối vườn. Hoa màu lên xanh trên mảnh đất khó có thể gọi là màu mỡ này. Cả khu vườn ngập tràn hương thơm của cây trái. Cuộc sống thật yên ả, thanh bình. Tôi đứng lặng trên mảnh đất nơi anh đã hi sinh trong thoang thoảng hương trầm. Không. Anh không bao giờ mất. Anh vẫn sống mãi trong tình yêu thương vô bờ của mọi người. Anh vẫn sống mãi cùng quê hương đất nước mà anh muôn quí ngàn yêu.
Rời gia đình anh chị Tuyến Hòa, chỉ lát sau, chị em tôi đã đến bờ sông Thạch Hãn. Thời gian không có nhiều nhưng em trai tôi vẫn dừng xe lại. Những rặng tre xanh lặng im duyên dáng nghiêng nghiêng soi bóng. Tôi bước chân xuống lớp cát mịn phù sa, khoả tay xuống nước. Dăm ba con thuyền nhỏ lững lờ trôi. Trước mắt tôi, dập dìu trong sóng nước mênh mang những cánh hoa trắng muốt ai vừa thả. Tôi chợt nhớ câu chuyện về một người lính đã từng sống và chiến đấu nơi đây. Ngày hoà bình, anh trở lại  với con thuyền chở đầy hoa. Nâng niu từng cánh hoa ngát hương, anh lặng lẽ thả xuống dòng sông rồi nghẹn ngào gọi tên đồng đội mình. Và những vần thơ ứa máu bật lên, nức nở: “Đò lên Thạch Hãn ơi, chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”(Lê Bá Dương) Nơi đây chỉ cách thành cổ Quảng Trị khoảng 500m, là bến vượt đẫm máu của những đại đội vào giữ Thành cổ. Một mảnh đất chưa đầy 3 cây số vuông mà hàng nghìn chiến sĩ đã hi sinh. Mỗi đêm, một đại đội vượt sông, nhưng sáng hôm sau chỉ khoảng mười chiến sĩ trở về. Nơi đây một thời máu lửa. Nơi đây là nghĩa trang không bia mộ nhưng tên tuổi các anh đã hoá thành sông núi, đã khắc bia trong lòng những người còn sống.
          Xe qua Đông Hà. Đường phố chuyển mình, bắt đầu một ngày mới. Mặc dù hành trình đến với vùng nắng gió Tây Nguyên còn dài, mọi người vẫn quyết định ghé thăm Thành cổ Quảng Trị. Bước chân trên con đường lát gạch, đến bên tượng đài, một cảm giác lạ lùng ùa về xâm chiếm. Tôi chợt gượng nhẹ bước chân. Có ai đến đây có cảm giác như tôi không, khi nghĩ rằng mỗi bước đi của mình sẽ làm đau đớn xương cốt của các chiến sĩ mà thân thể họ đã hoà tan vào lòng đất mẹ? Nơi đây, bao nhiêu người đã hi sinh? Nơi đây, mỗi tấc đất, ngọn cỏ đều thấm bao tấc máu? Đều gợi lên bao trang sử huyền thoại về những chiến công phi thường. Tôi càng thấm thía điều anh viết: “Mỗi tấc đất con đã đi qua còn quí gấp vạn lần những tấc vàng. Bởi chỉ có xương máu mới có thể đổi lấy được.” Tôi thắp một bó nhang lớn. Làm sao chia đều cho các anh đây? Chỉ xin các anh nhận lấy lời tri ân của những người đang sống.“Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ. Xin chớ vô tình với người hy sinh”(Cỏ non Thành cổ - Tân Huyền) Không ai vô tình với các anh. Không ai quên các anh. Trong sự linh thiêng của đất trời, nét trầm mặc của thành cổ buổi sáng sớm, tôi chợt nhớ lời của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết về những người lính nơi đây: “Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ, những người khác tiếp tục được sống trong tự do và hoà bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh.
                                      Tháng 7/2006
*Dựa theo lời bài hát Cỏ non thành cổ -Tân Huyền
 

tin tức liên quan