Những ngày ở Kon Tum - Ký ức thời lửa đạn của Đặng Kim Âu (Tiếp theo 01)
NHỮNG NGÀY Ở KOM TUM
KÝ ỨC THỜI LỬA ĐẠN CỦA ĐẶNG KIM ÂU
(Tiếp theo 01)
KHÔNG SAO RỒI
Đêm 23/5/1972, tiểu đoàn 2 vượt sông Đăc Bla. Dòng sông rộng nhưng cạn vì không phải là mùa nước nên lội qua được. Vừa lội qua sông, bước lên bãi cát khá rộng, Nguyễn Sỹ Hùng nằm xoài trên bãi cát kêu : “ Âu ơi, tao bị thương rồi” . “ Ở đâu”, tôi vừa nói vừa nằm xuống cạnh Hùng, nhanh chóng xé quận băng cá nhân chuẩn bị băng giúp bạn thì lại nghe Hùng nói: “ À không sao mày ạ, viên đạn trúng vào bi đông nước, nước trong bi đông còn âm ấm chảy vào đùi, tao tưởng bị thương nhưng không phải rồi, may quá”. “ Chắc là viên đạn của một tên lính Ngụy gà mờ nào đó bắn vu vơ lạc tới” Cả hai cùng cười và tiếp tục vận động bám theo đội hình đơn vị tiếp cận thị xã. Tới vị trí tập kết, Hùng dốc ngược chiếc bi đông nước còn rất ít và một đầu đạn Các bin rơi ra theo. Hùng cẩn thận nhặt đầu đạn gói trong tờ giấy bỏ vào Xắc cốt ( cặp da đựng tài liệu). Sau hòa bình, có lần bạn bè gặp nhau , nhắc lại trận đánh bi hùng ở Kom Tum năm 1972, Hùng dơ cái đầu đạn cất từ ngày ấy cười khà khà : “ Kỷ niệm Kom Tum đây, cái đầu đạn may mắn đây. Hôm đó chỉ cần nó đi chệch sang phải một chút thôi là sẽ nằm gọn trong xương cạng của mình rồi”.
Thế đấy. Người chiến binh trong chiến tranh, ngoài ý chí chiến đấu, trình độ kĩ chiến thuật tinh thông cũng cần có một chút may mắn dù là rất nhỏ phải không nào.
NHANH NHƯ MỘT CON SÓC.
Trung sỹ Nguyễn Văn Thuật dẫn đầu tổ trinh sát của tiểu đoàn 2 bám đường đưa bộ đội qua sông đột nhập thị xã Kom tum đêm 23/5/1972. Chỉ cần vượt qua sông sang đến bờ bên kia là đã vào tới đất thị xã. Bờ chỉ cao hơn bãi cát bằng ( lòng sông mùa nước lớn) . Trên bờ cỏ mọc cao, thỉnh thoảng có mấy cây sung, cây ruối và những khóm tre cằn cỗi. Bờ cao bằng đầu người. Phát hiện một tên lính ngụy đứng gác, súng khoác trên vai lơ đãng. Nguyễn Văn Thuật nhanh lẹ như một con sóc vọt lên bờ, bằng một động tác võ thuật điêu luyện, Thuật bắt sống tên lính ngụy không gây một tiếng động kéo xuống khai thác. Qua tên lính tù binh, nắm được quy luật hoạt động của địch và những sơ hở của chúng nên đội hình của toàn tiểu đoàn đã vượt sông vào chiếm lĩnh trận địa an toàn trước giờ quy định.
2 giờ 30 phút ngày 24 tháng 5, từ vị trí tập kết : ngã tư đường Đào Duy Từ và Lê Thánh Tôn ( nay là đường Trần Hưng Đạo ) phát triển theo 3 hướng : Đại đội 5 do Trung úy Phan Minh Duệ chỉ huy phát triển dọc theo đường Lê Thánh Tôn tới nhà thờ gỗ.Đại đội 7 do thiếu úy Phan Minh Tiêu chỉ huy đánh chiếm khu hành chính. Đại đội 6 do trung úy Thân Văn Cẩn tiểu đoàn phó chỉ huy đánh vào phía nam sân bay.Các mũi tấn công bước đầu rất thuận lợi. Đại đội 5 chiếm được dãy nhà sàn gỗ ngay trước nhà thờ. Đại đội 7 chiếm được khu hành chính. Đại đội 6 chiếm được một phần phía nam sân bay. Nhưng càng về sau càng gặp khó khăn bởi sự chống trả điên cuồng của địch.
NHẤT CỬ LƯỠNG TIỆN
Khoảng 6 giờ sáng ngáy 24/5 , súng trên các hướng tấn công của tiểu đoàn đều nổ dòm dã. Cứ nghe tiếng súng AK, B40, Tiểu liên cực nhanh và các loại hỏa lực nổ xen kẽ nhau là biết ngay chiến sự đang diễn ra ác liệt. Lác đác đã có thương binh nhẹ từ các hướng chạy về phẫu tiểu đoàn. Tôi đang tổ chức tiếp nhận thương binh thì thấy 2 tên lính ngụy mặc quần áo rằn ri khênh một chiếc cáng đi tới. Người ngồi trên cáng ôm khẩu AK, súng chĩa vào lưng tên ngụy khênh phía trước là Thượng sỹ Lê Minh Cược phân đôi trưởng trinh sát tiểu đoàn ( nay là trung tướng nguyên chính ủy quân khu 2 nghỉ hưu tại Hà Nội). Trung úy Thân Văn Cẩn tiểu đoàn phó tập tễnh đi phía sau, khẩu AK trong tay lăm lăm hướng vào 2 tên lính ngụy khênh sau cáng.
Tôi hỏi Cẩn: “ Cái trò gì thế này” . Cẩn cười nhăn nhó “ À nhất cử lưỡng tiện ấy mà”. Rồi vừa ngồi cho quân y kiểm tra , băng bó lại vết thương, anh vừa kể:
-Trên đường tấn công vào sân bay, Cược trinh sát bị trúng một viên đạn đại liên xiên từ đùi phía trước ra phía sau phá to như cái chén, bó cả 2 quận băng vẫn chưa cầm được máu. Mình bị một viên đạn tiểu liên , viên đạn vẫn còn nằm trong đùi nên đi tập tễnh. Đang lúc bí, phát hiện trong căn nhà trước mặt có tiếng động, đoán là có địch, mình lã vào mấy loạt AK rồi gọi hàng và bắt được 3 tên tù binh, thu 2AR15 và 1 DM72. Mình dùng ngay chúng để khênh Cược và mang súng chiến lợi phẩm về đây.
-Thế còn đồng chí chuyền đạt đi với ông đâu ?
-Cậu ấy hy sinh rồi. Mình đã bàn giao cho anh Thảo chính trị viên đại đội 6 để tổ chức chuyển về phía sau.
Truyện là như vậy. Sau ngày hòa bình, bạn bè gặp nhau nhắc lại chuyện cũ, ai cũng cười chảy ra nước mắt.
TẮM ĐÊM
Sau mấy ngày hành quân và một ngày vật lộn với cuộc chiến, quần áo ai cũng bết đất và mồ hôi và cả máu của thương binh nữa, người hôi và chua. Hùng rủ tôi:
-Ra sông tắm qua cho đỡ bẩn đi !
-Sông xa quá đi không tiện. Thôi ta vào nhà dân tắm nhờ tốt hơn.Hùng đồng ý ngay.
Khoảng 23 giờ ngày 25/5 không còn tiếng súng, đường phố vắng ngắt tôi và Hùng định sục vào nhà dân tắm nhờ nhưng dân đã sơ tán hết, nhà nào cũng đóng cửa. Đi một đoạn xa thấy một ngôi nhà to, cánh cổng mở toang. Bước vào trong sân , tôi đoán đây là nhà cơ quan ngụy quyền hoặc doanh trại lính đã bỏ chạy khi bị quân ta tấn công buổi sáng nay. Nằm sát tường bao phía trong là một bể nước công cộng khá to, đầy nước. Nhìn quanh không thấy gáo múc nước. Tôi và Hùng nhảy vào bể tắm, đang khỏa nước, kì cọ, ngụp nặn tân hưởng cái mát của nước trong bể giữa đêm hè . Bỗng nghe mấy loạt súng AR 15 từ ngôi nhà phía sau. Đoán là có tàn binh sót lại thấy tiếng động nên bắn. Hai chúng tôi vọt ra khỏi bể, ôm vội quần áo phóng ra đường phố chạy một mạch về sở chỉ huy tiểu đoàn. Thật là hú vía. Một tổ chuyền đạt được cử đi tảo trừ, bắt được một tù binh. Hắn là trung sỹ tiểu đội trưởng bảo an bị thương ở chân , bị đồng bọn bỏ lại. Nghe có tiếng người nói chuyện, hắn bắn súng báo hiệu vị trí để xin hàng.
Đặng Kim Âu
(Còn nữa)