Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói về “anh Mười” cố vấn

Ngày đăng: 08:33 07/08/2020 Lượt xem: 468

      Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói về “anh Mười” cố vấn

                                                    Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí

“Tôi chưa từng có can thiệp gì vào việc chính sự sau khi nghỉ, anh Mười cũng không. Trước đây, người ta sợ anh ấy can chính nhưng không phải, anh ấy không can thiệp, áp đặt gì. Bao lâu rồi, mỗi khi gặp tôi, hỏi tình hình thực tế, anh ấy cũng chỉ luôn một câu “Phiêu ơi, công nghiệp nặng giờ làm đến đâu rồi?” – nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chia sẻ những ký ức về cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.

 

Vị Tổng Bí thư luôn tranh luận đến cùng khiến có lúc tưởng ông áp đặt

- Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vừa từ trần. Là người kế nhiệm Tổng Bí thư Đỗ Mười trong nửa sau nhiệm kỳ thứ 2 của ông trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông hẳn có nhiều thời gian làm việc, gắn bó, có dấu ấn sâu đậm về “cụ” Mười?

- Với tôi, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là một người rất dũng cảm, kiên cường. Dù đảm nhận cương vị nào, lãnh nhiệm vụ nào, anh Mười cũng hoàn thành xuất sắc, để lại nhiều dấu ấn trên các lĩnh vực.

Xét về góc độ các bộ ngành, ít cán bộ, lãnh đạo nào có thể am hiểu và chỉ đạo được nhiều bộ ngành như anh Mười. Phải nói thẳng là như thế. Thậm chí là chỉ đạo Hội Phụ nữ anh ấy làm cũng tốt. Hồi đó chưa có lãnh đạo Hội Phụ nữ đâu, sau này Hội hoạt động lâu rồi rồi mới là các chị đảm nhận, chứ trước đó là đảng chỉ định anh Mười làm Chủ tịch Hội Phụ nữ đó.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Tôi chưa từng có can thiệp gì vào công việc chính sự sau khi nghỉ công tác, anh Mười cũng không.
 

Nhấn để phóng to ảnh

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: "Tôi chưa từng có can thiệp gì vào công việc chính sự sau khi nghỉ công tác, anh Mười cũng không".

- Hồi tưởng về người tiền nhiệm lúc này, ông ấn tượng nhất điểm nào ở cố Tổng Bí thư Đỗ Mười?

- Trên 70 năm liên tục công tác, được phân công phụ trách nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của Đảng và Nhà nước, cả trong chiến tranh và trong giai đoạn hòa bình, anh Mười luôn thể hiện là một cán bộ có bản lĩnh vững vàng, sắc sảo, quyết đoán, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Ở nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, lý luận và thực tiễn quyện chặt với nhau, nói phải đi đôi với làm chứ ông cũng rất ghét kiểu lý thuyết suông.

Trong xây dựng và phát triển kinh tế, anh Mười được phân công phụ trách nhiều lĩnh vực quan trọng. Anh rất quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp cơ khí chế tạo. Anh đi nhiều, nghe nhiều, đọc nhiều và rất thích tranh luận trong các hội nghị các ngành ở Trung ương và cả các cuộc họp ở cơ sở.

Tôi nhớ nét đặc trưng anh nói thì rất to, lúc nào cũng đứng trước hội trường huơ tay huơ chân khiến ai chưa quen thì hơi sợ nhưng tiếp xúc mới thấy đó là con người đạo đức rất trong sáng, thái độ rất đúng đắn. Anh nói rất thuyết phục, còn làm luôn, làm thật, làm cho bằng được chứ không để dở dang công việc.

Mỗi lần anh phát biểu đều rất hùng hồn, có khi kéo dài tới vài ba tiếng tiếng đồng hồ. Sau này tôi hay nói đùa trêu anh ấy là anh nói hay nhưng quá dài thì anh ấy thành thật bảo “biết thế nhưng không biết sao khi bắt đầu nói rồi thì cứ thế “phát” mãi”. Hai anh em nói chuyện thế là cùng bật cười.

- Nhiều người kể lại, cũng như ông nói, cố Tổng Bí thư rất có tướng tá, phong thái oai hùng khiến cấp dưới phải nể sợ. Có vẻ như với ông, ngoài đời thường, cố Tổng Bí thư lại thoải mái, dễ gần?

- Với thái độ quyết liệt trong công việc, mỗi cuộc thảo luận, anh Mười luôn rất say sưa, tranh luận đến cùng từng sự việc, khiến cho có người, có lúc tưởng ông có tư tưởng áp đặt, mất dân chủ. Nhưng càng gần anh, càng hiểu anh, tôi càng thấy anh là một người làm nhiều, là một lãnh đạo thực sự cầu thị. Có lúc anh nói rất căng nhưng khi được nghe trình bày lại một cách cặn kẽ, hiểu rõ thì anh sẵn sàng thay đổi quan điểm, thay đổi nhận xét cả trong các công việc, cả về những con người cụ thể.

- Nói như vậy, ông có lẽ chính là người được cố Tổng Bí thư chọn làm người kế nhiệm mình, thưa ông? Là cán bộ thuộc lớp đàn em, kế cận, có bao giờ ông bị “ngợp” trước “anh Mười”?

- Anh Đỗ Mười là một con người sâu sát thực tế, sâu sát quần chúng nhân dân, nói đi đôi với làm, có tư duy nhạy bén, sắc sảo. Trong công tác xây dựng Đảng, anh luôn giữ vũng nguyên tắc, kiên định lập trường, chịu lắng nghe, chăm lo phát hiện và bồi dưỡng cán bộ cho Đảng.

Còn nhớ, khi tôi là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, một lần anh Mười cùng dự sinh hoạt với Quân ủy Trung ương, lắng nghe tôi phát biểu, cùng tranh luận, ít lâu sau anh đề nghị với Quân ủy Trung ương dành thời gian thích đáng để tôi được tham gia trực Đảng cùng với anh Đào Duy Tùng. Khi cả anh và anh Đào Duy Tùng đi công tác vắng, anh gọi tôi đến và giao tôi trực Đảng. Anh nói: "Việc này mới đối với đồng chí nhưng cứ làm rồi quen dần".

Tôi hiểu đây là cách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Tổng Bí thư Đỗ Mười, không chỉ riêng tôi mà trong nhiều trường hợp khác. Qua cách chọn cán bộ, giao việc của anh Mười tôi thấy anh là người luôn chăm lo đào tạo cán bộ cho Đảng và Nhà nước, nhất là những cán bộ đã kinh qua chiến đấu ở các chiến trường, con em các đồng chí cách mạng lão thành, con em các đồng chí thương binh, liệt sĩ.

"Người ta từng sợ anh Mười can chính nhưng không phải"

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chúc mừng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhân dịp anh Mười nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
 

Nhấn để phóng to ảnh

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu chúc mừng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhân dịp "anh Mười" nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

- Như ông nói, cố Tổng Bí thư đã để lại nhiều dấu ấn trên các lĩnh vực, các thời kỳ công tác. Ngay cả khi đã rời các cương vị, cố Tổng Bí thư vẫn được cho là có ảnh hưởng lớn tới đất nước khi vẫn tham gia Ban cố vấn trong thời gian dài. Là người kế nhiệm “anh Mười” làm Tổng Bí thư, ông đánh giá thế nào về giai đoạn hoạt động này của người tiền nhiệm?

- Anh Mười nhiều dấu ấn vì tinh thần hoạt động của anh ấy rất mạnh mẽ, còn sức là còn làm việc. Ngay khi anh ấy nghỉ rồi thì còn sức anh cũng vẫn tham gia công việc, tham gia đến cùng nhưng thái độ rất đúng đắn chứ không phải cho rằng mình là cố vấn hay lão thành cách mạng thì áp đặt tư tưởng. Anh góp ý kiến với lãnh đạo đương chức với thái độ chân tình nhưng là để cho các đồng chí nghiên cứu, tiếp thu, sử dụng nếu cần thôi.

Khi tôi làm Tổng Bí thư, tuổi đời không nhiều trong khi anh Mười, anh Lê Đức Anh… thuộc hàng “bô lão”, là các cố vấn cấp cao nhưng các anh vẫn thể hiện thái độ chuẩn mực. Tôi thậm chí từng đề nghị là nếu có việc cần xin ý kiến, tôi sẽ báo cáo và trực tiếp đến “thụ giáo” nhưng các anh rất cởi mở, khi cần là đều trực tiếp đến cơ quan gặp tôi để trao đổi. Thái độ chân thành như vậy, tôi thấy là người cán bộ đáng quý.

Tôi thấy có lẽ nên đóng góp với tinh thần xây dựng như thế nên khi tôi nghỉ, cũng có đề xuất tôi làm cố vấn nhưng tôi nghĩ không nên làm Ban cố vấn làm gì, cứ để các lãnh đạo đương chức làm việc, nếu có gì khó, anh em hỏi ý kiến thì mình góp thêm vào thôi. Làm như vậy, chúng tôi cũng thấy thoải mái mà không gây áp lực cho anh em.

Tôi chưa từng có can thiệp gì vào công việc chính sự sau khi nghỉ công tác, anh Mười cũng không. Trước đây, người ta sợ anh ấy can chính, can thiệp nhưng không phải vậy đâu. Bao lâu rồi, mỗi khi gặp tôi, hỏi tình hình thực tế đất nước, anh ấy cũng chỉ luôn một câu “Anh Phiêu ơi, công nghiệp nặng giờ làm đến đâu rồi?”.

- Cố Tổng Bí thư có mối quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực mình từng phụ trách trong một thời gian dài, trong quá trình cải cách công thương nghiệp một thời?

- Sau khi nghỉ, đến khi tuổi đã cao nhưng nhiều lần đến thăm anh Mười, tôi vẫn thấy anh miệt mài đọc sách. Câu chuyện trong những lần gặp đó giữa chúng tôi thường là trăn trở làm thế nào để công tác xây dựng Đảng ngày càng tốt hơn để ngày càng giảm đi những cán bộ lãnh đạo thoái hóa, biến chất, mất lòng dân, làm thế nào để chọn đúng những cán bộ chủ trì của Đảng, Nhà nước, xứng tầm với sự lớn mạnh của Đảng, sự phát triển của đất nước.

Những lần gặp sau nữa thì những gì nhớ nhiều anh bày tỏ sự quan tâm nhiều, đó là tình hình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Anh hay hỏi tôi công nghiệp hoá đến đâu rồi, công nghiệp nặng ra làm sao. Anh rất mong xây dựng công nghiệp nặng là lĩnh vực hàng đầu. Năm ngoái, khi ốm rồi, tôi đến anh ấy vẫn hỏi như thế, công nghiệp nặng làm đến đâu rồi.

Mấy chục năm mà anh Mười vẫn giữ nguyên tính cách của một người cộng sản trung kiên, một con người của hành động. Tôi quý trọng và học tập tinh thần cách mạng, mãi tận tuỵ, tận hiếu của anh.

- Xin cảm ơn nguyên Tổng Bí thư về cuộc trao đổi!

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan