"Nhớ mãi những lần được gặp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu" - Ký ức của Lê Trung Khiên

Ngày đăng: 07:06 13/08/2020 Lượt xem: 496
NHỚ MÃI NHỮNG LẦN ĐƯỢC GẶP
NGUYÊN TỔNG BÍ THƯ LÊ KHẢ PHIÊU
 
         Dù biết rằng “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật với mọi người sinh ra trên thế gian, song khi biết tin nguyên tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần ở tuổi 89, tôi vẫn không tin đó là sự thật. Ông là “ nhà lãnh đạo tài năng của Đảng cộng sản Việt Nam”, “ Một tấm lòng sắt son với Đảng, trọn nghĩa với dân”; ông đã vĩnh biệt chúng ta, “ Đây là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta” ( trích báo Nhân dân ra ngày 11/8/2020).
         Hơn 70 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, trong đó hơn 40 năm ở quân ngũ, ông đã trải qua nhiều chiến trường ác liệt trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế. Đối với tôi khi còn ở trong quân ngũ, chưa một lần được gặp ông. Nhưng một cơ may đã đến vào những năm đầu thập niên 90, ông về thăm huyện Yên Định, lúc đó ông mang quân hàm Thượng tướng, chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam, là đại biểu Quốc hội khóa IX bầu cử tại khu vực Thanh Hóa.
         Sau buổi làm việc với lãnh đạo huyện, ông gặp chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện đưa ông đến thăm một cán bộ công tác tại Tòa án nhân dân dân huyện ( tên là Diện). Trên đường đi bộ đến nhà riêng, ông cho biết Diện là cần vụ khi ông còn ở chiến trường và sau ngày kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, Diện xây dựng gia đình với cô Quân y sỹ tên là Tân quê Thái Bình cũng được ông giúp đỡ. Trong khoảng thời gian mươi, mười lăm phút  thăm hỏi vợ chồng người chiến sỹ cũ, ông nhắc nhở hai vợ chồng công tác tốt, giữ gìn sức khỏe, nuôi dạy các cháu học hành thành đạt. Ông ghé thăm Ban chỉ huy quân sự huyện, nhìn trụ sở cơ quan huyện đội còn khó khăn, ông động viên ban chỉ huy và trao đổi với lãnh đạo huyện quan tâm tạo điều kiện xây dựng nơi làm việc cho cán bộ, chiến sỹ. Chia tay ông, tôi nhớ mãi hình ảnh một vị Tướng đức độ mang phong cách anh bộ đội cụ Hồ, khi về cơ sở vẫn gần gũi, giữ trọn thình thương yêu, quan tâm đến nơi ăn, chốn ở của chiến sỹ.
         Lần thứ hai, vào năm 1992 tôi được gặp ông tại Hà Nội trong một chuyến công tác cùng chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện. Hôm đó ông dự Đại hội công đoàn toàn quân nên cho thư ký thông báo sẽ gặp vào 7h30 tối tại nhà riêng. Đúng hẹn, chúng tôi đến Lý Nam Đế, đã được thư ký riêng đón ở cổng và dặn: Thủ trưởng tiếp 30 phút, vì 20 giờ còn làm việc với Bộ Lao động Thương binh Xã hội. Tại phòng khách, ông niềm nở bắt tay chúng tôi rồi nói: Mình đã đọc thư của anh Nam chủ tịch huyện, rất mừng là lần này huyện Yên Định chủ trương xây dựng cơ sở vật chất cho huyện đội. Ông ân cần hỏi thăm sức khỏe Cán bộ huyện và Cán bộ Chiến sỹ cơ quan huyện đội; vẫn với tác phong nhanh nhẹn, cởi mở, thân tình của một vị Tướng đã để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc không bao giờ quên. Thời gian trôi nhanh, đã đến giờ theo lời dặn của đồng chí thư ký, chúng tôi xin phép ông ra về. Tiễn ra sân, ông còn căn dặn đi đường về khách sạn cẩn thận.
         Những năm sau đó, tôi ít được gặp ông trực tiếp; mãi đến tháng 01 năm 2001, ông về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XV nhiệm kỳ 2000- 2005 trên cương vị tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, tôi mới được gặp ông trong giờ nghỉ giải lao. Giữa hàng trăm đại biểu đứng xung quanh, nhưng ông vẫn nhớ nhiều đồng chí lãnh đạo huyện Yên Định. Vẫn với tác phong quân đội, giản dị, cách giao tiếp gần gũi, lời nói khiêm nhường đã để lại trong chúng tôi tình cảm khó phai mờ. Sáng hôm sau, trên trang nhất Báo Thanh Hóa in tấm ảnh trang trọng ông nói chuyện với đoàn đại biểu huyện Yên Định, trong đó còn có ông Nguyễn Di Niên nguyên bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đã 20 năm trôi qua, tôi giữ tấm ảnh làm kỷ niệm và xem đây là một sự may mắn, niềm tự hào  trong thời gian công tác của mình.

 

Nguyên tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với đại biểu huyện Yên Định tại Đại hội lần thứ XV
( nhiệm kỳ 2000- 2005) Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ( tác giả đứng thứ hai hàng đầu từ trái sang)

 
         Điều ấn tượng với tôi trong 20 năm làm chủ tịch Hội Khuyến học huyện là năm 2016 khi đã về hưu, ông quyết định thành lập quỹ khuyến học mang tên mình với mong muốn được đóng góp trực tiếp cho công tác khuyến học, khuyến tài của quê hương Thanh Hóa. Ngay sau khi thành lập, ông đã có thư kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ xây dựng, phát triển Qũy ngày càng lớn mạnh. Sau 5 năm quỹ khuyến học, khuyến tài Lê Khả Phiêu từ 3 tỷ đã phát triển lên  6,2 tỷ. Từ nguồn quỹ này, Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa đã trao học bổng cho trên 200 học sinh, sinh viên… với số tiền 590 triệu đồng. Ông từng căn dặn “ Bác Hồ đã dạy: Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu. Tất cả các lĩnh vực phải vươn lên tốp đầu, trong đó có giáo dục. Phải làm sao để thầy phải là thầy kiểu mẫu, trò phải cố gắng để học cho giỏi, biết nghiên cứu, vận dụng kiến thức và phải có đạo đức tốt”.
 

Nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu với học sinh Thanh Hóa

 
          Vậy là ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng, trong niềm tiếc thương vô hạn, tôi bùi ngùi nhớ lại những lần được gặp ông khi còn là một vị tướng và cả khi trở thành tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Với tôi, lúc nào ông cũng gần gũi, thân thương, bình dị mang đậm hình ảnh bộ đội cụ Hồ./.

Lê Trung Khiên
CTV Báo điện tử TW Hội Trường Sơn.
 

tin tức liên quan