Cách đây 52 năm, vào một buổi tối đầu năm 1968, tôi lấy tin tức chiến đấu của Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 6 đang đánh địch phản kích ở Đại nội Huế về sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn ở Cửa Chánh Tây để nghe báo cáo tình hình kết quả chiến đấu của trung đoàn trong ngày thì gặp đồng chí Cao Sen, trợ lý bảo vệ của trung đoàn. Thấy tôi vào, đồng chí Cao Sen đứng dậy, kéo tôi lại gần báo tin rất quan trọng: Đồng chí Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 9 hy sinh trong lúc đang đi kiểm tra đơn vị đánh địch ở phía nam Huế, cấp trên đã quyết định cử đồng chí Lê Khả Phiêu, Chính ủy trung đoàn kiêm Trung đoàn trưởng.
|
Số báo Tết Mậu Thân có bài viết của Chính ủy Lê Khả Phiêu. |
Lúc đó, quân-dân Huế đang dồn sức đánh địch phản kích trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Với sự nhạy bén của người làm báo ở chiến trường, tôi nói như cầu khẩn đồng chí Cao Sen: "Đêm nay hay sáng mai, đồng chí có thể dẫn tôi đến gặp Chính ủy Lê Khả Phiêu được không? Tôi rất cần được gặp đồng chí ấy!”. Đồng chí Cao Sen nhìn tôi vẻ ái ngại, đáp lời: "Trung đoàn 9 thuộc Sư đoàn 304, là quân chủ lực của bộ. Trung đoàn được bộ bổ sung cho Quân khu Trị-Thiên. Tôi chỉ biết Trung đoàn 9 chia làm hai lực lượng. Một lực lượng bổ sung cho mặt trận cánh nam Huế; một lực lượng bổ sung cho cánh bắc Huế. Trung đoàn đánh ở vòng ngoài nên tôi không biết sở chỉ huy của trung đoàn ở đâu, lại càng không biết Chính ủy Lê Khả Phiêu hiện đang ở cùng lực lượng nào của trung đoàn...".
Thế mà sau hơn một tháng, trong cuộc họp cán bộ Cục Chính trị Quân khu Trị-Thiên diễn ra tại căn hầm nửa chìm nửa nổi, đồng chí Cục trưởng Cục Chính trị vui vẻ giới thiệu với mọi người một tin vui: Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 được bộ điều động và bổ nhiệm Trưởng phòng Tổ chức của quân khu ta.
Các đồng chí dự cuộc họp đều là cán bộ bậc tiểu đoàn và bậc trung đoàn. Tôi chỉ là cán bộ bậc trung đội và chỉ là phóng viên nên lên bắt tay và chào đồng chí Lê Khả Phiêu sau cùng.
Thế là tối hôm đó, tôi mạnh dạn xin phép được đến thăm đồng chí. Bên bếp lửa hồng ấm áp trong căn hầm chữ A kiên cố, tôi chăm chú nhìn kỹ đồng chí. Tôi chưa kịp cất lời thì đồng chí hỏi tôi: "Làm báo ở chiến trường chắc vất vả, gian nguy lắm phải không? Phóng viên phải bám sát đơn vị, cùng đi chiến đấu với bộ đội, lấy tin tức, gương điển hình rồi lại chạy bộ băng rừng về tòa soạn viết bài, in báo...". Tôi hết sức ngạc nhiên, không ngờ đồng chí lại hiểu công việc của chúng tôi đến vậy. Như được cởi tấm lòng, tôi nói với đồng chí: "Hiện nay, các đơn vị đang tiến hành công tác tổng kết cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Huế, rất mong thủ trưởng dành ít thời gian viết về một số kinh nghiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong đợt Mậu Thân này cho báo. Được vậy thì rất tốt và sẽ là tài liệu quý cho các đơn vị tham khảo, trao đổi, học tập".
Đồng chí Lê Khả Phiêu nhìn tôi tủm tỉm cười, không đề cập đến nội dung tôi nói mà hỏi tôi: "Hồi tháng 11-1967, tôi có viết bài gửi về tòa soạn Báo Quân Giải phóng Trị-Thiên, không hiểu các đồng chí có nhận được không?". Tôi hỏi lại: "Bài đó là bài gì, thủ trưởng có nhớ không?". Đồng chí trả lời ngay: "Bài nói về mấy kinh nghiệm công tác chính trị trong chiến đấu của cấp phân đội ở đoàn bộ binh S".
|
Nội dung tài liệu của nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị gửi cho tác giả. |
Tôi thốt lên: "Có phải bài “Mấy tiến bộ về công tác chính trị trong chiến đấu của các phân đội đoàn S bộ binh” không ạ?". Đồng chí Lê Khả Phiêu nhìn tôi rồi nói ngay: "Đúng rồi!". Thật là một bất ngờ, thú vị nữa lại đến với tôi. Không ngờ tác giả LKP của bài viết “Mấy tiến bộ về công tác chính trị trong chiến đấu của các phân đội đoàn S bộ binh” lại chính là đồng chí Lê Khả Phiêu. Bài báo trên được đăng ở trang 7 trong chuyên mục “Trao đổi kinh nghiệm” của số báo Tết Mậu Thân 1968, Báo Quân Giải phóng Trị-Thiên. Số báo Tết này là một kỷ niệm quan trọng, quý giá trong thời kỳ làm báo ở chiến trường mà hiện nay tôi vẫn lưu giữ. Nội dung của bài báo nói lên nhãn quan, bản lĩnh và kinh nghiệm công tác Đảng, công tác chính trị của một cán bộ chính trị trải qua, trưởng thành trong chiến đấu.
Tác giả cho rằng: Điểm nổi bật trong công tác chính trị của các phân đội là đã xây dựng được cho cán bộ, chiến sĩ một quyết tâm chiến đấu cao độ. Quyết tâm đó được biểu hiện ngay trước khi chưa tác chiến. Từ sự phân tích: Công tác chính trị cũng rất coi trọng việc thống nhất tư tưởng chiến thuật, thống nhất từ cách đánh của từng mũi, từng hướng, từng mục tiêu và nhất là những mục tiêu công kích quan trọng. Trên cơ sở đó, tác giả rút ra bài học kinh nghiệm “bảo đảm thống nhất từ trên xuống dưới”...
Cũng từ đây, mối quan hệ giữa tôi, anh em Báo Quân Giải phóng Trị-Thiên với thủ trưởng Lê Khả Phiêu càng gần gũi, thân mật. Anh em tòa soạn chúng tôi đều mừng thầm, từ nay báo có một thủ trưởng-một cộng tác viên đắc lực về chuyên mục "Trao đổi kinh nghiệm" công tác Đảng, công tác chính trị. Thật là một điều may hiếm có.
Nhưng niềm vui của chúng tôi không được kéo dài. Bởi tháng 3-1974, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị-Thiên Lê Khả Phiêu được bộ điều động và bổ nhiệm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị-Thiên (sau là Quân đoàn 2)-một trong những quân đoàn chủ lực của bộ để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn hơn trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Chia tay ông, lòng chúng tôi bùi ngùi và tiếc nuối.
Từ đó... mãi đến mùa thu năm 1988, khi tình hình đất nước Campuchia đã ổn định, Quân tình nguyện Việt Nam rút về nước, Trung tướng Lê Khả Phiêu được cấp trên điều động về làm Phó chủ nhiệm TCCT, tôi mới có dịp gặp lại ông, mặc dù trước đó tôi vẫn luôn theo dõi tin tức về ông, nhất là khi ông được giữ chức Phó tư lệnh về Chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ tư lệnh 719, Phó bí thư Ban Cán sự Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
Nhân kỷ niệm 43 năm Báo Quân đội nhân dân ra số đầu tiên, ngày 20-10-1993, Thượng tướng Lê Khả Phiêu, Chủ nhiệm TCCT ra thăm Báo Quân đội nhân dân. Trong phát biểu của mình, Thượng tướng Lê Khả Phiêu biểu dương “nét nổi bật của phóng viên Báo Quân đội nhân dân là luôn có mặt ở các chiến trường, ở các khu vực và địa bàn nóng bỏng như biên giới, hải đảo. Nhiều đồng chí phóng viên từng là chiến sĩ trực tiếp cầm súng hoặc trực tiếp công tác ở cơ sở. Một số đồng chí đã anh dũng hy sinh ngoài mặt trận... Báo được Đảng, Nhà nước, được các ngành, các đoàn thể, nhân dân và bộ đội tin yêu. Quân-dân cả nước tin cậy, cộng tác với báo. Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đánh giá cao cố gắng và đóng góp của các đồng chí...”. Rồi đồng chí Chủ nhiệm TCCT cũng thẳng thắn chỉ ra: “So với yêu cầu nhiệm vụ nặng nề đặt ra, những cố gắng của báo đã đạt được vẫn còn là khoảng cách. Đó là những nhược điểm của ta, không tránh khỏi... có bài va vấp, song cái chính là phải quyết tâm khắc phục”.
Đó là lời căn dặn một cách thẳng thắn, thực tế, đầy tâm huyết của vị "tư lệnh" công tác Đảng, công tác chính trị toàn quân đối với Báo Quân đội nhân dân. Lời căn dặn ấy làm cho cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân phải suy nghĩ một cách nghiêm túc cả trong tư tưởng và hành động để không ngừng đổi mới cả về hình thức và nội dung, nhằm nâng cao chất lượng Báo Quân đội nhân dân trong thời kỳ mới-thời kỳ thực hiện cơ chế thị trường định hướng XHCN.
Từ tháng 6-1991, đồng chí Lê Khả Phiêu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến năm 1992, ông là Bí thư Trung ương Đảng. Rồi tháng 1-1994, ông được bầu vào Bộ Chính trị. Việc nước, việc Đảng, việc quân đội đặt lên vai ông rất nặng nề, ông phải cố gắng dành mọi thời gian để giải quyết. Tuy thế, ông vẫn quan tâm đến sự trưởng thành của Báo Quân đội nhân dân.
Trước kia, chia tay ông “Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Lê Khả Phiêu”, lòng chúng tôi bịn rịn, luyến tiếc. Giờ tiễn biệt Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ nhiệm TCCT, nguyên Tổng Bí thư, lòng chúng tôi nghẹn ngào dậy lên một cảm xúc đau thương, mất mát khôn nguôi. Tôi-Phong Hải, cái tên mà ông thường gọi tôi ở chiến trường Trị-Thiên cũng như thời gian sau này, thuộc cấp của ông, đồng đội của ông trên chiến trường Trị-Thiên xin thắp một nén hương thơm kính cẩn đưa ông về cõi vĩnh hằng, về với Bác Hồ kính yêu, về với các bậc tiền bối.
Vĩnh biệt ông-“Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 Lê Khả Phiêu”.
Thiếu tướng PHAN KHẮC HẢI (PHONG HẢI),
nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân
(PS st Theo Quân đội nhân dân online)