Những ngày ở Kon Tum - Ký ức thời lửa đạn của Đặng Kim Âu (Tiếp theo 02)

Ngày đăng: 07:49 14/08/2020 Lượt xem: 485
NHỮNG NGÀY Ở KOM TUM
KÝ ỨC THỜI LỬA ĐẠN CỦA ĐẶNG KIM ÂU
(Tiếp theo 02)
 
GIỎI NHƯ PHAN TỊCH CŨNG CHỈ LÀM ĐƯỢC THẾ
 
     Ngày 26/5, hướng  chủ yếu của trung đoàn ( hướng tây bắc) đã nổ súng tấn công, địch phải tập trung đối phó tưởng là hướng này sẽ bớt căng thẳng hơn. Nhưng không, càng về trưa, cuộc chiến càng ác liệt. Thương binh từ các hướng về phẫu đã khá nhiều. Điện bằng 2W từ các hướng liên tục báo cáo về, chủ yếu là báo cáo tổn thất và đề nghị chi viện. Những lần như vậy, Chính trị viên tiểu đoàn Phan Văn Tịch chỉ trả lời bằng một bức điện rất ngắn : “Kiên cường trụ bám”. Trong sở chỉ huy tiểu đoàn ai cũng sốt ruột. Thiếu úy Vũ Lương Dũng trợ lý tác chiến tiểu đoàn chép miệng “ Giỏi như ông Tịch cũng chỉ điện được có thế”. Sở dĩ Vũ Lương Dũng nói vậy vì trong giai đoạn đó anh Phan Văn Tịch được cấp trên và đồng đội đánh gía rất cao .Anh tốt nghiệp đại học ngoại ngữ khoa tiếng Anh , vào Nam chiến đấu được bố trí vào ban địch vận của trung đoàn. Sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào , anh được điều động về làm Chính trị viên tiểu đoàn 2. Trận anh trực tiếp chỉ huy chiến đấu trên cương vị chính trị viên tiểu đoàn đầu tiên là trận đánh tiêu diệt căn cứ Phượng hoàng ( Đắc Tô 2 ) trong cụm phòng ngự Đắc Tô – Tân Cảnh của địch. Khi đơn vị đang phá hàng rào và đánh  mạnh bằng hỏa lực. Đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt,tên trung đoàn trưởng trung đoàn 47/ sư đoàn 22 ngụy vẫn còn ngoan cố nảy ý định đánh lừa ta để tìm đường chạy thoát thân. Qua máy điện đàm PRC25, hắn đề nghị ta ngừng bắn pháo để hắn dẫn quân ra hàng. Anh Phan Tịch hội ý chớp nhoáng thường vụ đảng ủy tiểu đoàn phân tích âm mưu của địch, dự kiến hướng mà chúng tháo chạy và quyết định tương kế tựu kế : đồng ý với đề nghị của địch : ngừng bắn pháo để chúng ra hàng. Đồng thời nhanh chóng cho đại đội 5 và đâị đội 7 tấn công vào trong đồn. Đại đội 6 cơ động về phía nam vây chặn hướng tháo chạy của chúng ra bờ sông Pô Cô, tiêu diệt và bắt sống hơn 300 tên địch hoàn toàn làm chủ trận địa. Nguyễn Sỹ Hùng thủng thẳng : “  Trong lúc bí bách này còn có thể điện khác được sao. Các hướng họ yêu cầu chi viện nhưng lực lượng dự bị còn đâu. Cả tiểu đoàn có một trung đội dự bị đã phải tung vào chi viện cho đại đôi 6 ở hướng sân bay từ hồi sớm rồi. Đến sở chỉ huy tiểu đoàn bây giờ, mọi người đều tự trang bị súng tiểu liên để cố thủ rồi”. Không muốn để không khí ở sở chỉ huy rối rắm thêm, tôi buông một câu vô thưởng, vô phạt :“ thế đấy”
      Khoảng 14 giờ  ngày 25, sở chỉ huy tiểu đoàn nhận được tin qua mạng VTD của các đại đội báo cáo về : anh Phan Minh Duệ đại đội trưởng đại đội 5; anh Phan Minh Tiêu đại đội trưởng đại đội 7; anh Nguyễn Văn Thảo chính trị viên đại đội 6 hy sinh; chính trị viên đại đội 5 cũng bị thương nặng. Không khí sở chỉ huy rất ảm đạm. Chiều muộn, tiếng súng của cả hai bên đều im ắng. Anh Liêu tiểu đoàn trưởng rủ tôi và Hùng cùng đi kiểm tra tình hình đơn vị. Vừa đi được một đoạn phát hiện ngay một chòi canh của địch mới dựng cao chừng 5 mét. Trong chòi canh một tên lính đang quan sát bằng ống nhòm. Chẳng ai bảo ai, cả ba chúng tôi đều dương súng ngắm bắn. Ba tiếng súng cùng nổ. Tên lính ngụy rơi đánh “ bộp” . Chúng tôi lại kiểm tra. Tên lính nằm sõng soài dưới đất, người mền nhũn,mắt trợn ngược, máu chảy lênh láng. Hùng lấy chân hất ngửa hắn lên rồi xem xét tỉ mỉ : “ Vết ở đầu nhỏ, không bị phá mà chỉ có máu rỉ ra ướt chân tóc là do đạn Cạc bin của ông Liêu rồi. Còn đây hai chỗ phá to ở trên người như hai cái chén uống nước, máu ra nhiều chắc chắn là do đạn AK của hai thằng tôi”. Anh Liêu đang đứng cảnh giới cũng chạy lại xem rồi nói : “ Ba thằng mình bắn tỉa cũng giỏi đấy chứ nhỉ”. Mọi người đều cười vui vẻ và tiếp tục tiến về hướng trận địa phòng ngự của đại đội 5.
 
MỞ ĐƯỜNG THÔNG TUYẾN
      Tám giờ sáng ngày 28/5 tiểu đoàn 2 được lệnh phát triển về hướng tây bắt liên lạc với tiểu đoàn 3 và tiểu đoàn 1 trong Biệt khu 24 nối 2 phía đông và tây thị xã. Đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn, phải đánh địch mở đường mà tiến. Địch có cả ở phía trước và phía sau, len lỏi trong các căn nhà và án ngữ các ngã ba đường phố. Ta phải dành dật với địch từng căn nhà, từng góc phố. Trận chiến rất ác liệt.Khoảng 9 giờ, trung đoàn phó Nguyễn Như Lộc và chính trị viên tiểu đoàn Phan Văn Tịch bị thương phải chuyển về phía sau. Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn nhưng tốc độ chậm. Chỉ một đoạn gần hai cây số ( đo trên bản đồ)mà tới 15 giờ, đội hình của tiểu đoàn mới vào được Biệt khu 24. Đội hình tiểu đoàn 2 lúc này được bố trí ngay phía nam sở chỉ huy tiền phương Trung đoàn, hình thành trận địa có tính be bờ giữ vững khu vực đã giải phóng đồng thời chặn đánh quân địch từ phía trong phản kích ra và từ phía ngoài( địch đã đổ quân phía ngoài căn cứ bọc phía sau lưng đội hình của trung đoàn) đánh vào. Chiến sự diễn ra rất ác liệt. Tiếng súng nổ liên hồi kỳ trận.
      Tôi và Hùng đang loay hoay tìm hầm trú ẩn thì thấy một cánh tay vẫy vẫy. Cả hai cùng “vọt tiến” chạy lại. Người vẫy tay gọi chúng tôi là anh Nguyễn Đức Hòa chủ nhiệm thông tin trung đoàn đang cầm súng AK cảnh giới .Đây là sở chỉ huy tiền phương của trung đoàn được bố trí trong một boong ke của địch xây rất kiên cố giữa sân bê tông ngay phía trước dẫy nhà để xe trong khu hậu cần kỹ thuật của địch mà ta mới đánh chiếm được. Trong hầm chỉ huy tiền phương lực lượng rất tinh gọn, chỉ có trung tá Trần Quang Lập trung đoàn trưởng; Trung tá Lê Lung chính ủy; mấy cán bộ đầu ngành của ban tham mưu như trưởng tiểu ban tác chiến; chủ nhiệm trinh sát; chủ nhiệm thông tin; chủ nhiệm công binh; chủ nhiệm pháo binh và một tổ vệ binh bảo vệ. Tôi nhờ máy tác chiến báo cáo về tiểu đoàn. Người cầm máy là anh Đoàn Quế chính trị viên phó tiểu đoàn vừa được chỉ định thay thế anh Phan Văn Tịch( mới bị thương buổi sáng) . Anh Quế nói : “ Tạm thời các anh cứ ở yên đấy chưa cần về tiểu đoàn vì về đã chắc gì về  đến nơi giữa lúc pháo binh của địch đánh dữ dội thế này. Mà có về tới nơi cũng có việc gì mà làm ngoài việc ngồi hầm đội pháo và đốt thuốc lá hun muỗi” . Chính ủy Lê Lung quay sangg cười:  “Hai đứa bay ở lại đây luôn. Thiếu gì việc cho bọn bay làm” Chúng tôi ở lại sở chỉ huy tiền phương Trung đoàn cũng là một điểm tốt vì ít nhất cũng có thêm hai tay súng trong lúc lực lượng ở đây quá mỏng. Vả lại tôi đã từng làm trợ lý công tác chính trị trung đoàn hơn một năm, thường xuyên quan hệ với cơ quan tham mưu trong huấn luyện và chiến đấu nên biết nhau cả. Nguyễn Sỹ Hùng là trợ lý tác chiến đi đốc chiến cùng trung đoàn phó Nguyễn Như Lộc, giờ Trung đoàn phó bị thương, anh về sở chỉ huy trung đoàn cũng là phải nên mọi người hòa đồng với nhau rất nhanh.
 
LỄ TRUY ĐIỆU SỐNG     
         Khoảng 17 giờ, trong hầm chỉ huy đã tối đen phải đùng nến nhưng ngoài trời vẫn sáng rực vì địch bắn pháo sáng đầy trời. Tôi và Hùng đến hầm của chỉ huy đại đội 17 thông tin. Ở đây đang diễn ra buổi làm lễ truy điệu sống cho hai chiến sỹ hữu tuyến điện chuẩn bị đi làm nhiệm vụ nối dây. Dưới lá quốc kỳ ( không có ảnh Bác) là một băng bằng giấy tráng với hàng chữ : “ Lễ truy điệu sống”. Không có nhạc chiêu hồn. Không có điếu văn với lời lẽ bi ai thống thiết. Sau lễ chào cờ, anh Kim Xuân Đích chính trị viên đại đội tóm tắt lý lịch của hai quân nhân được phân công đi làm nhiệm , thành tích các đồng chí đã lập được trong chiến dịch cùng với lời dặn dò động viên. Nhìn nét mặt hừng hực khí thế của hai chiến sỹ, tôi có cảm nghĩ : “ Đây là việc mang tính chất như buổi giao nhiệm vụ dưới cờ hơn là một lễ truy điệu”. Đợi khi hai chiến sỹ ra khỏi hầm, Kim Xuân Đích lại bắt tay tôi và Hùng , anh nói giọng trầm trầm :
     - Hai ông thông cảm, mình làm việc này cũng chẳng biết nó đúng hay sai, Chưa có hướng dẫn nào của cơ quan cấp trên về vấn đề này. Mình làm cũng xuất  phát từ nguyện vọng của đồng đội và cũng là để động viên , xây dựng quyết tâm cho anh em thôi mà !
    - Thế ông làm tất cả bao nhiêu đợt rồi ?  
    - Hai ngày vừa qua đã 6 lần rồi !
    -Số anh em hoàn thành nhiệm vụ trở về có nhiều không ?
    - Ít ! Ngừng một chút để nén xúc động, anh nói tiếp : “ Là một người trưởng thành từ thông tin, chắc ông cũng biết đấy, đào tạo được một chiến sỹ thông tin có bản lĩnh, có trình độ kỹ thuật nghiệp vụ mất nhiều thời gian và công phu lắm. Nay nhìn thấy anh em lần lượt ra đi, mình buốt ruột lắm. Mong sao còn giữ được một số để về làm nòng cốt xây dựng đơn vị ông ạ”
     - Thế đó, lính thông tin là thế đó. Ai dám bảo là lính thông tin không ác liệt ?
Đại đội trưởng Vũ Nhật Thu moi trong ba lô ra một gói mỳ tôm vui vẻ :
    -Tối rồi, ta ăn tối cái đã. Vừa nói anh vừa xé gói mỳ , bẻ nhỏ chia cho mỗi người một mảnh. Chúng tôi cùng ăn mỳ tôm sống (chiến lợi phẩm) vừa cười nói vui vẻ.
Anh Kim Xuân Đích nói vui : “ Ăn mỳ tôm sống với nhau mà cứ như là ăn tiệc vậy”.Hùng cười tế nhị : “ Thì cứ coi như thế đi. Tôi còn nhớ, trong tập “ Bộ tổng tham mưu Xô Viết trong chiến tranh” có thuật lại khi đại tướng Zukoop tới kiểm tra đơn vị, Tướng Va tu tin nói rằng : “ Thưa đại tướng, đơn vị vừa tới nơi chưa triển khai được công sự, xin đồng chí hãy coi  chúng ta đang ngồi đây như ngồi trong công sự kiên cố để làm việc”. Họ thế được thì ta cũng coi việc ăn mỳ tôm sống giữa chiến trường hôm nay như ăn đại tiệc cũng được chứ sao”. Thu siết tay Hùng tán thưởng : “Ý kiến rất hay. Khi nào về hậu cứ,đại đội thông tin giết heo mở tiệc ăn mừng, tôi sẽ mời , hai ông tới nhé. Chúng mình tha hồ ôn lại truyện của ngày hôm nay”. Mọi người đều hưởng ứng, nói cười vui vẻ cứ như thể ngoài kia không có bom rơi đạn nổ. Lính chiến chúng tôi luôn lạc quan như vậy đó.
      Khi đơn vị rút ra khỏi thị xã Kom Tum, càng dây điện thoại bảo đảm cho tiểu đoàn 3 dài 500 mét( là cuộn dây mới của Liên Xô) chỉ còn 420 mét mà có tới 52 mối nối. Mỗi mối nối ấy đã thấm bao nhiêu máu của người chiến sỹ thông tin .Cuộn dây hiện đang để trong phòng truyền thống của Trung đoàn Ba gia ba lần được tuyên dương  Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân( trung đoàn 1/ Sư đoàn 2/ Quân khu 5) . Chỉ nhìn vào càng dây ấy, ai cũng hình dung ra được tính ác liệt trong những ngày chiến đấu ở Kom Tum ngày ấy như thế nào !
 
Đặng Kim Âu
(Còn nữa)
tin tức liên quan