Tròn nửa thế kỷ - Ngày đồng đội chúng tôi lên đường đánh Mỹ. Ký ức của Hoàng Kiền

Ngày đăng: 10:46 18/08/2020 Lượt xem: 731

-----------------------------------------------------------------------------------------

TRÒN NỬA THẾ KỶ - NGÀY ĐỒNG ĐỘI CHÚNG TÔI
LÊN ĐƯỜNG ĐI ĐÁNH MỸ
         
         Nhân dịp kỷ niệm 50 năm - Nửa thế kỷ lên đường đi đánh Mỹ, do dịch covid nên chưa tổ chức gặp mặt kỷ niệm được, tôi viết bài gửi tới các đồng đội đồng ngũ 19/8/1970 - Tiểu đoàn 605 - Trung đoàn 19 - Tỉnh đội Nam Hà, để cùng nhau ôn lại một thời với những kỷ niệm sâu sắc và tự hào.
         Ngày 19/8/1969 tốt nghiệp trường Trung cấp sư phạm cấp 2 khoa tự nhiên tỉnh Nam Hà, tôi về nhận công tác tại Trường cấp 2 xã Giao Tân huyện Xuân Thuỷ tỉnh Nam Hà. Dạy học được tròn 1 năm.
         Ngày 19/8/1970 tôi cùng nhiều thầy giáo trong huyện lên đường đi đánh Mỹ. Tạm biệt mái trường thân yêu sau 1 năm gắn bó; chúng tôi xa trường rời lớp lên đường.
Thế rồi năm ấy thu sang
Bước chân theo ánh sao vàng thắm tươi
Tiền phương thôi thúc lòng người
Những thầy giáo tuổi hai mươi lên đường
Xa trò tạm biệt quê hương
Gió reo lá vẫy sân trường mưa rơi
Tiền phương khói lửa ngút trời
Lửa lòng thôi thúc chúng tôi quân hành
           ...
         Huyện Xuân thuỷ nhập ngũ đợt này gần 100% là các thầy giáo cấp 1, cấp 2. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã bước vào giai đoạn vô cùng ác liệt, có tính chất quyết định. Năm 1970 có 3 đợt nhập ngũ, đợt 1 vào tháng 4, tất cả học sinh cấp 3 đang học dở lớp 10 làng tôi đi hết, chiến tranh kết thúc không ai trở về. Đợt 2 vào tháng 8/1970 hầu hết là giáo viên, đợt 3 vào tháng 12....
         Đợt 2 chúng tôi, cả tỉnh Nam Hà được biên chế vào Tiểu đoàn 605 - Trung đoàn 19 với quân số hơn 500 người phần lớn là giáo viên cấp 1, cấp 2, một số công nhân các ngành và học sinh cuối cấp. Nhận quân phục binh nhì, đời chiến sĩ bắt đầu từ đây.
         Cuộc hành quân bộ từ thành phố Nam Định vào Yên Thắng - Ý Yên, gần ba chục cây số, thử thách đi bộ đầu tiên. Ba tháng huấn luyện miệt mài ngày ngày trên thao trường luyện tập kỹ chiến thuật, đêm đêm đeo ba lô đất hành quân bộ với chiếc gậy Trường Sơn rèn luyện trèo đèo leo núi để vượt Trường Sơn. Sọt đất tăng dần 15 ki lô gam đến 35 ki lô gam. Cả tiểu đoàn vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu
Rèn chân đồng vai sắt
Xây ý chí kiên cường
Để vượt dải Trường Sơn
Vào Nam tiêu diệt Mỹ.
         Khí thế hừng hực tất cả cùng hướng ra chiến trường đánh Mỹ.
Sau 3 tháng huấn luyện, bắn đạn thật, ném lựu đạn, đốt bộc phá "3 tiếng nổ", kiểm tra chiến thuật chiến đấu bộ binh, đủ tiêu chuẩn chiến sĩ vào chiến trường. Chúng tôi được về phép một tuần, một số đồng đội tranh thủ cưới vợ, tôi là con trưởng trường, bố mẹ tôi cũng giục lấy vợ , nhưng quyết tâm đi đánh giặc, thắng Mỹ mới về xây dựng gia đình.
         Lên đơn vị hành quân vào xã Yên Quang, an dưỡng một tuần. Đầu tháng 11 năm 1970 lên đường vào Nam chiến đấu. Đến ga Ninh Bình lên tàu. Vào 5 giờ chiều tiếng còi tàu vang lên, nghìn bàn tay trên tàu giơ vẫy xuống, người thân và nhân dân ra tiễn đông nghịt trên sân ga, tiếng hô của đoàn quân trên tàu : "Quyết chiến - Quyết thắng" vang lên làm rung chuyển cả sườn núi cánh diều.
Ô tô xe đạp dừng chân
Người dân đưa tiễn tình thân đậm lời
Tiếng hô Quyết chiến vang trời
Ninh Bình thị xã , tàu rời sân ga
Tu tu còi rú ngân ngân nga
Nghìn bàn tay dẹp như hoa vẫy vời
Chờ ngày trở lại bạn ơi
Đoàn tàu lăn bánh chuyền dời phương Nam
Giật mình tỉnh giấc, sương tan
Tiếng loa vang báo Tiểu đoàn xuống ngay
Gió lùa lạnh buốt đôi tay
Rời ga nhanh bước chân bay thập thình
Thành Vinh mà chẳng thấy Vinh
Nhà tan, phố vắng, đường sình, mưa rơi
Mau mau lệnh giục liên hồi
Hưng Nguyên lối ngập bùn trôi lội vào
Lòng dân Xứ Nghệ dạt dào
Đón đoàn quân đến biết bao tâm tình
Tiếp cho sức mạnh vươn mình
Miền Nam vẫy gọi chương trình đường xa.
         Tàu hoả chở vào Vinh, dừng chân nghỉ tại Hưng Nguyên. Chiều tối xe ô tô ba cầu đến đón, trung đội ba mươi người lên một xe, khoảng 6 giờ tối bắt đầu hành quân. Khi ấy Mỹ đã ngừng ném bom miền Bắc, nhưng hành quân vẫn đi ban đêm, chạy đèn rùa. Mấy tiếng sau đến xã Cẩm Thắng huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà tĩnh thì dừng vào nhà dân nghỉ, tối hôm sau lại tiếp tục hành quân. Đêm nay đi qua đèo ngang, trời có mưa nhẹ tối đen như mực, vẫn nghe dưới chân đèo tiếng sóng biển vỗ vào sườn núi rầm rầm. Đường xấu xóc lắm, những năm chiến tranh phá hoại máy bay, tàu chiến của Mỹ ngụy tập trung ném bom, bắn đạn pháo vào khu vực đèo ngang vô cùng ác liệt, mặt đường bị cày xới nay vẫn còn lổn nhồn gập ghềnh xóc lắc ngả nghiêng, trên con đường mấy cây số.
Đêm nay hành quân vượt qua đèo ngang
Mấy năm bom pháo tàu phang mịt mùng
Con đèo nằm ngang con đường chạy dọc
Xe leo khó nhọc hàng dọc hành quân
         Vào đến Cự Nẫm - Bố Trạch - Quảng Bình dừng chân. Mưa dầm mùa đông lạnh giá, bữa cơm thiếu rau xanh bắt đầu từ đây , ra vườn xin nắm rau lang của dân luộc ăn. Những chuyện vui về quê Bọ Mạ bắt đầu mở ra từ đây.
- Chú đi vô hay đi ra?
- Nếu đi vô thế nào cũng có chú chết, nếu đi ra thì được cấp mới, mấy chú cho Bọ xin một chiếc mũ cối.
- Con đi ngang....
         Vui thế đấy, chứ người dân Quảng Bình thật là tuyệt vời, xe chưa qua thì nhà không tiếc, nhường nhà cửa chỗ ở cho bộ đội, giúp đỡ bộ đội hết lòng, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Kiên cường giữ vững tinh thần
Mấy nơi có được như dân Quảng Bình.
         Đêm hôm sau chúng tôi tiếp tục hành quân. Đi qua thị xã Đồng Hới, trời sáng trăng mờ mờ , nhìn ra thị xã bị tàn phá hoàn toàn đổ nát hoang tàn. Cả thị xã chỉ còn lại một cổng thành cửa Bắc và một chiếc tháp chuông nhà thờ. Cảnh chiến tranh thật là khốc liệt.
Chặng dài gian khó vượt sang
Băng qua Đồng Hới âm vang Quảng Bình
Xưa kia thành luỹ xây trình
Tường cao kè rộng dáng hình oai phong
Bao đời thị xã trong lòng
Đỏ tươi mái ngói thoả mong vui đời
Thế mà chỉ mấy năm thôi
Đạn bom tàn phá tơi bời tan hoang.
         Vào đến nông trường Quyết Thắng của Vĩnh Linh thì dừng chân. Ở vùng tuyến lửa, đi qua Vĩnh Linh vào ban đêm, nhưng không khí chiến tranh bao trùm lên tất cả, bom đạn đánh phá những năm chiến tranh phá hoại vô cùng ác liệt, dấu vết vẫn còn, đường xe đi vô cùng gian nan.
Một vùng đất lửa mênh mông
Đạn bom tàn phá đường không còn đường.
Quân dân trung dũng kiên cường
Dìm trong lòng đất Quê hương chống thù.
         Dừng chân chuẩn bị vượt sông Bến Hải sang bờ Nam. Mấy ngày không vượt sông được lại quay ra Cự Nẫm .
         Vượt Trường Sơn.
         Đêm hôm ấy tiểu đoàn chúng tôi rời Cự Nẫm lên ca nô, đoàn ca nô chạy ngược nước lên phía Trường Sơn, sông sâu khá rộng, nhìn thấy làn nước trong xanh ngắt, không biết là sông gì. Mấy tiếng sau ca nô cập bến, xe ba cầu có mui đón, trung đội lại lên xe. Tiếp tục hành trình. Đi được mấy phút là xe bắt đầu lắc lư rồi nhảy lên dập xuống, nghiên bên này ngả bên kia. Không thể tưởng tượng được sao nó lại xóc đến thế . Do đường quân sự làm gấp, mưa dầm làm cho đất nhão ra thành bùn, các gốc cây trồi lên, các hòn đá hộc trồi lên thế là chiếc xe cứ như cóc nhảy vây. Đồng đội trên xe bắt đầu say dần, nôn mửa dần, thế rồi nôn mửa ra xe hết, có người nôn ra mật xanh mật vàng. May mắn sao cả xe chỉ có mình tôi không bị nôn. Chạy khoảng ba tiếng đồng hồ xe dừng bánh. Lệnh xuống xe, từng người tụt xuống mà toát hết mồ hôi hột ra giữa đêm đông lạnh giá mưa phùn trên núi rừng Trường Sơn. Cuộc hành quân bộ bắt đầu từ đây.
          Mỗi người đeo một ba lô quân tư trang, súng đạn, một bao tượng gạo, bộ xoong nồi tiểu đội chia nhau mang vác, đến trạm giao liên nghỉ dừng chân đào bếp Hoàng Cầm nấu cơm ăn. Vẫn quán triệt phương châm : "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng". Trời còn rơi rớt những trận mưa nhỏ, đường trơn, dốc đứng vực sâu, chống gậy hành quân thật là gian nan.
          Khi tới các khu vực trọng điểm, máy bay địch đánh phá, thả pháo sáng suốt đêm, dưới ánh đèn dù chiếu qua kẽ lá, cả đoàn quân nhanh chân băng băng chạy qua, hồi hộp toát mồ hôi hột ra.
         Một sự cố bất ngờ đến với tôi, hôm ấy được phân công đun nước, xoong 20 đã sôi, tôi gọi anh em mang bi đông đến để lấy nước, đang rót bỗng dưng non nửa xoong nước đổ ụp xuống hai chân, bàng hoàng hoảng hốt. Anh em cả tiểu đội kéo đến, cán bộ khung, quân y đều có mặt. Có tiếng hô đổ hết gạo vào xoong ngâm chân ngập trong gạo, sau đó đồng chí y sĩ bôi thuốc mỡ kín hai bàn chân, pha nước muối đầy chậu cho chân vào ngâm. Nằm trên võng nghiêng mình hai bàn chân ngập trong xoong nước muối, chập chờn trong giấc ngủ mà lo ngày mai phải nằm lại trạm giao liên, xa đội hình, nỗi buồn man mác trong lòng. Mờ sáng hôm sau tỉnh giấc nhấc chân ra khỏi chậu nước đứng dậy, hồi hộp reo lên: Chân tôi khỏi rồi, đồng đội kéo đến thật mừng, tiếp tục trong đội hình hành quân ra mặt trận.
         Trong tiểu đội có anh Đặng Quý Thiều người thành phố Nam Định, học cùng lớp sư phạm, sức khoẻ yếu quá, hành quân bộ khoảng một tuần bạn không đi được nữa. Chúng tôi báo cáo lên trên để anh ở lại trạm giao liên rồi quay ra, nhưng Quí Thiều không chịu, cứ nhất định xin đi cùng vào chiến trường đánh Mỹ. Chúng tôi chia ba lô của anh Thiều ra cho tiểu đội mang giúp, tôi còn mang theo bộ sách toán - lý - hoá cấp 3 vào chiến trường tự học, ôn thi đại học. Tôi nhận dắt bạn Thiều suốt đường hành quân, anh chống gậy đi người không, gắng nâng bước trên con đường giao liên dốc đứng vực sâu, trơn trượt nhơm nhớp bùn nâu, vô cùng vất vả.
         Không khí tết đã thấp thoáng trên đường giao liên ra mặt trận, mai rừng vàng rực trên các bản làng xa xa, trên các cánh rừng bên sườn núi. Những đoàn quân đi qua trên con đường mòn này suốt bao nhiêu năm tháng, người Lào đã biết đến cái tết nguyên đán của dân tộc Việt Nam, họ mang những cành hoa mai nhỏ cùng các loại thực phẩm: gà, chuối, đu đủ, các loại rau quả ra dọc đường hành quân, những điểm dừng nghỉ chân, các trạm giao liên để đổi cho bộ đội Việt Nam lấy mì chính, kim chỉ khâu, bật lửa, đá lửa, giấy viết, bút bi... Bộ đội hành quân trước khi vào chiến trường đã được phổ biến kinh nghiệm của các cán bộ dẫn quân vào truyền lại.
Anh Đặng Quí Thiều làm bài thơ đón tết:
         ...
Cánh đào ngoài Bắc gọi xuân sang
Mai đón tết đây rực rỡ vàng
Đón xuân mẹ ngắm đào mai nở
Giao cành trùm biếc trời Bắc - Nam.
         Sau hơn một tháng vào đến đường 9 Nam Lào, chúng tôi được bổ sung cho đoàn 559 - Trường Sơn.
        Cuộc hành quân bộ vượt Trường Sơn theo đường giao liên vô cùng khó khăn, gian khổ, nguy hiểm; nhưng khí thế lên đường vẫn hừng hực, hào hùng thôi thúc đoàn quân ra chiến trường đánh Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vào đến đường 9 Nam Lào đã là một một sự cố gắng lớn. Những đơn vị vào miền Đông Nam Bộ phải đi mất gần 6 tháng vượt Trường Sơn. Đến miền Tây Nam Bộ mất bảy tháng hành quân, chưa chiến đấu cũng xứng đáng được thưởng huân chương rồi.
         Tiểu đoàn chúng tôi được biên chế về các binh trạm ở khu vực Bắc - Nam đường 9, chia tay nhau mỗi người một nơi. Tôi về Ban tham mưu Công binh - Binh trạm 32 đúng sát tết âm lịch. Không khí đón tết đang nhộn nhịp cơ quan đoàn bộ. Trường Sơn không có hoa đào, bộ đội ta vào rừng tìm chặt hoa mai rừng, hoa chuối rừng, hoa phong lan...về trang trí tết. Hàng tết một phần được cung cấp từ miền Bắc vào, còn lại phần lớn là hậu cần tại chỗ từ tăng gia chăn nuôi, bộ đội vào bản đổi hàng cho dân Lào lấy gạo nếp, thịt lợn, lá dong cắt trong rừng. Tìm đến những bản làng cũ dân đã bỏ dời đi để thu hái rau quả. Các món đón tết cổ truyền vẫn cố gắng bảo đảm, gồm thịt lợn, bánh chưng, dưới nhà hầm vẫn có bàn thờ đặt mâm ngũ quả trưng bầy ngày tết.

 
VƯỢT TRƯỜNG SƠN

Tuổi đời mười tám đôi mươi
Trong như tiếng hạc lưng trời bay xa
Vai đeo khẩu súng AK
Ba lô con cóc đẫy đà trên lưng
Trường Sơn điệp điệp trùng trùng
Núi cao cao tới tận cùng mây xanh
Vành nguỵ trang, cắm lá cành
Giục ta thôi thúc bước nhanh trên đường
Khó khăn gian khổ coi thường
Vững chân vượt dốc dặm trường trèo non
Dép cao su, đá núi mòn
Mũ tai bèo gọn để còn hành quân
Trạm giao liên điểm dừng chân
Bếp Hoàng Cầm vội đào gần suối khe
Cành cây thấy khói phủ che
Tiểu đội cơm nấu, ăn ... vê nắm tròn
Mỗi ngày một chặng đường mòn
Đêm đêm mắc võng ngáy giòn giấc say
Chăn đơn phủ ấm sương bay
Tăng che mưa nắng những ngày trường chinh
Đường vào tuyến lửa quang vinh
Thắm tình đồng đội, nặng tình nước non
Khó khăn gian khổ chẳng sờn
Bừng lên ý chí lòng son kiên cường
Cùng nhau hướng tới tiền phương
Dẫu cho bom đạn cản đường chặn ta
Mưa rừng, muỗi vắt, vàng da
Gian nan thử thách vượt qua một lòng
Mai ngày kháng chiến thành công
Trường Sơn huyền thoại mãi không phai nhoà
Tình đồng đội đẹp như hoa
Vào Nam đánh Mỹ, bài ca diệt thù.
         Phần lớn anh em tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào vào đầu năm 1971. Chiến dịch phản công giành thắng lợi rất lớn, có ý nghĩa cao về chiến lược, làm phá sản chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của Tổng thống Mỹ - Nich Xơn, quân đội nguỵ Sài Gòn, nòng cốt của chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" bị giáng một đòn thất bại nặng nề.
         Trong chiến dịch này, một số đồng đội của chúng tôi hy sinh, bị thương .
        Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, niềm vui vô bờ bến của nhân dân cả nước, đặc biệt với những người chiến sĩ trên chiến trường. Phần lớn đồng đội từ Tiểu đoàn 605 chúng tôi trở về quê hương dạy học, công tác, lao động, một số ít đi đào tạo, tiếp tục phục vụ lâu dài trong quân đội trong đó có Thượng sĩ Hoàng Kiền.
Ra trường tôi gắn bó với biển đảo - Trường sa, cứ biền biệt xa quê, mãi năm 1997 về Hà Nội công tác mới có điều kiện cùng anh Đỗ Chí Thanh - Nguyên cán bộ khung của tiểu đoàn 605 và một số anh em tìm nhau thành lập Ban liên lạc đồng ngũ tháng 8/1970 - Tiểu đoàn 605 - Nam Hà, kết nối dần được 300 anh em. Cũng với mục đích phát huy truyền thống và vì nghĩa tình đồng đội.
         Chúng tôi tổ chức cấp tỉnh Nam Hà, cấp huyện, thành phố gắn kết chặt chẽ, giúp nhau về giấy tờ làm chế độ thương binh, chất độc da cam, chế độ liệt sĩ cho 1 trường hợp, đang đề nghị tiếp. Giúp nhau xoá đói giảm nghèo, làm nhà tình nghĩa, tạo việc làm cho con cháu đồng đội, quan tâm đến các gia đình liệt sĩ. Giao lưu kết nối thăm hỏi lúc ốm đau, tiễn biệt lúc ra đi thật là tình nghĩa.
         Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ, tổ chức gặp mặt toàn thể, tôi viết và tặng tập thơ : TÌNH ĐỒNG ĐỘI, với ý nghĩa sâu sắc về những kỷ niệm một thời gian khổ mà tự hào vinh quang.
Năm 2015 gặp mặt kỷ niệm 45 năm ngày nhập ngũ, tôi tặng mỗi người 1 quyển "KỶ YẾU CỰU CHIẾN BINH" Hội đồng ngũ 19/8/1970 - Tiểu đoàn 605 - E19 - Nam Hà
          Năm nay có kế hoạch gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ, tôi đã viết tặng mỗi đồng đội một quyển sách TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI. Do dịch bệnh covid nên phải lùi đến dịp 22/12/2020.
         Nhân dịp này xin gửi tới thân nhân các gia đình liệt sĩ và các đồng đội nhập ngũ Tháng 8 năm 1970 tiểu đoàn 605 - Trung đoàn 19 - Nam Hà lời chào và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Tròn nửa thế kỷ đã qua
Hôm nay ôn lại lòng ta tự hào
Nhớ nhau từ những năm nào
Người còn người mất biết bao nỗi niềm
Ra đi lứa tuổi thanh niên
Chống Mỹ cứu nước trung kiên một lòng
Góp phần kháng chiến thành công
Nước nhà thống nhất non sông vững vàng
Hoà bình về phố về làng
Tâm ta in đậm những trang đường đời
Tình đồng đội mãi sáng ngời
Giữ lưu trân trọng một thời hành quân.

 

Kỷ niệm lần gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ tổ chức tại Trường chính trị Trường Chinh - Nam Định

Ngày 18/8/2020
Trưởng ban liên lạc

Thiếu tướng Hoàng Kiền
 

tin tức liên quan