Trăn trở của một cựu binh

Ngày đăng: 10:49 25/08/2020 Lượt xem: 462
Trăn trở của một cựu binh


 
     Tôi đến thăm anh Nguyễn Trung Thúy, một cựu chiến binh, anh mới từ Quảng Trị trở về. Sau mười ngày đi tìm mộ đồng đội hy sinh nằm lại trong một cánh rừng Nam Lào, tôi thấy anh trong trạng thái bơ phờ, mệt mỏi, đôi mắt đượm buồn. Tôi biết chuyến đi thứ ba này chắc kết quả cũng như lần trước. Đúng vậy, sau khi mời tôi chén nước, anh nhìn vào khoảng không vô định mà nói với tôi:
     - Không thấy gì chú ạ.
     Nắm bàn tay gân guốc, đen sạm của anh sau một chuyến đi dài ngày, tôi như muốn chia sẻ với anh về nỗi thất vọng trong anh về những chuyến đi tìm đồng đội sau chiến tranh mà bất thành.
     Nhấp một ngụm trà, như người có lỗi, anh nói trong ánh mắt ngấn lệ:
    -Nếu đi tìm người sống mà địa chỉ không rõ ràng đã là khó, nhưng may ra cũng còn tìm được. Nếu không gặp được lại đi một nhẽ, đằng này nơi yên nghỉ của năm đồng đội mình hy sinh trong chiến đấu có địa điểm cụ thể, do chính tay mình chôn cất anh em, đánh dấu mộ chí, nhưng nay vẫn không tìm được mới đau chứ.
       Như muốn vợi đi nỗi buồn của anh, tôi đề nghị anh kể về sự hy sinh của các anh ấy cho tôi nghe.
      Anh kể: Tháng 1năm1971, tiểu đoàn 1 pháo binh chúng tôi đóng quân ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Tết năm đó, anh em được ăn Tết tại chỗ nhưng luôn luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu và cơ động chiến đấu. Mồng 3 Tết Tiểu đoàn báo động và được lệnh hành quân đi chiến đấu. Đội hình hành quân bằng xe cơ giới chạy trên quốc lộ số 1. Đêm tối mịt mùng, lái xe chỉ được chạy bằng đèn gầm. Nhiều đoạn đường bị bom đánh phá, thanh niên xung phong san lấp bằng đất đá nên gồ ghề, xe chạy rất xóc. Bỏ quốc lộ 1 rẽ vào một con đường khác, xe chạy vào đường mới ước được hơn ba giờ đồng hồ thì dừng lại. Chúng tôi xuống xe hành quân bộ. Mọi người đã nghe thấy tiếng máy bay ầm ì trên không, tiếng bom nổ và những ánh chớp, pháo sáng ở dãy núi xa xa trước mặt. Tiểu đoàn bộ được bố trí vào nghỉ ở một hang núi hẹp trong dãy núi đá cạnh đường. Sáng sớm hôm sau chúng tôi hành quân bộ khoảng một tiếng đồng hồ lên chiếm lĩnh ngọn đồi để lập đài quan sát. Sau một ngày đào hầm trú ẩn, từ đài quan sát nhìn sang cao điểm 500, đó là một quả đồi yên ngựa rất rộng không lấy một ngọn cây xanh. Trước chiến dịch nổ ra, bọn địch đã cho máy ủi san bằng ngọn đồi và làm bãi đỗ trực thăng, hầm để xe tăng, lô cốt, ụ súng, sở chỉ huy và rất nhiều công sự liên hoàn. Từ dưới chân cao điểm đến đỉnh đồi chúng bố trí nhiều lớp hàng rào dây kẽm gai và các loại mìn. Địch ném xuống đây một tiểu đoàn tinh nhuệ, thiện chiến mang số hiệu 39 “biệt động quân”. Hôm đó vào buổi chiều ngày 17 tháng 2 năm1971, sau đợt pháo kích của tiểu đoàn chúng tôi dội xuống cao điểm 500, 3 máy bay trực thăng đang đổ quân đã bị thiêu hủy. Địch cay cú gọi máy bay phản lực ào ào bay tới và thi nhau cắt bom đủ các loại. Bom tức thì, bom bi, bom đào, bom chụp và cả bom napan xuống những vị trí mà bọn OV10, L19 bắn chỉ điểm nghi là trận địa pháo của ta. Những dãy đồi vốn đã tơi tả vì những trận bom, pháo bầy nay lại gồng mình hứng chịu những trận bom của địch. Sau đó B52 đến “rải thảm” hết tốp này đến tốp khác. Rừng núi Nam Lào rung lên như những trận động đất liên hoàn. Khói bom sặc sụa, đất đá bay rào rào. Sau gần một tiếng rải thảm, bầu trời và không gian trở lại im ắng. C130 lại ì ì bay tới thả pháo sáng. Những chiếc đèn dù như những bóng ma chơi. Tin từ chỉ huy tiểu đoàn cho biết trận bom vừa qua  B52 đã đánh trúng đội hình C2, tôi và một chiến sỹ 2 W được lệnh về trận địa phối hợp tìm và cấp cứu thương binh. Trận địa C2 cây cối đổ ngổn ngang, hố bom chồng chất lên nhau. Tôi cùng mọi người tích cực đào bới những căn hầm bị sập để cứu anh em. Thời gian tính bằng giây. Rồi bốn người được đưa lên khỏi mặt đất. Y tá làm hô hấp nhân tạo, thổi ngạt… nhưng tất cả đều đã hy sinh. Khi kiểm tra quân số ở trận địa thì còn thiếu một trinh sát viên của D bộ tăng cường là Bùi Đình Phi. Đồng chí tham mưu trưởng lệnh cho C2 cử một bộ phận phải tìm cho được thi hài đồng chí Phi và phân công người cáng bốn liệt sĩ về phía sau (chân đèo Tà Rịt) để mai táng. Tôi được cử đi theo để vẽ sơ đồ mộ chí. Nơi chôn cất bốn anh em là ở bãi đất bằng dưới chân đèo Tà Rịt. Bốn liệt sĩ được để trong bốn cỗ quan tài bằng gỗ thông làm bằng vỏ hòm đạn ghép lại và đánh số: 1, 2, 3, 4, 5 để dưới đầu bốn liệt sĩ và cắm trên mộ. Để giữ bí mật, không được ghi họ tên, quê quán trên bia. Khi đưa bốn liệt sĩ vào áo quan không ai cầm được nước mắt. Những bó hoa mua màu tím ở vạt rừng gần đó được đưa đến đặt trên bốn nấm mộ. Bên cạnh bốn ngôi mộ còn một hố và một cỗ áo quan còn để đó vì C2 vẫn đang tìm anh Bùi Đình Phi. Tôi và anh Phi nhập ngũ cùng một ngày. Anh đã có vợ và hai con. Hai anh em chúng tôi rất thân nhau. Khi biết tin anh hy sinh tôi thật sự choáng và rất buồn. Mãi 5 giờ chiều hôm sau (19/2/1971), bộ phận tìm kiếm mới thấy thi hài của anh dưới một khóm lồ ô cách hầm anh chừng 10m. Lễ truy điệu cũng được diễn ra như bốn liệt sĩ hôm trước. Như vậy cả năm liệt sĩ: Hùng (Thanh Hóa); Học (Nghệ An); Luận (Hà Nội); Trình (Bắc Giang); Phi (Phú Thọ) đều đã yên nghỉ tại mảnh đất Nam Lào này. Tôi đứng lặng như người mất hồn. Mắt nhòe lệ nhìn năm nấm mồ nằm song song bên nhau dưới nắng Lào mà thấy xót xa vô cùng… 6 ngày sau, cao điểm 500 bất khả xâp phạm của Tiểu đoàn 39 Biệt động của địch không chịu nổi sức tiến công của quân giải phóng đã tháo chạy và bị tiêu diệt gọn.
          Tháng 2/2016, tôi và anh Tích (người Thường Tín), anh Thạch Lợi (người Hà Nội) ở d1, e45, f351 cùng thân nhân, con cháu của 5 liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Nam Lào 1971 cùng vào Quảng Trị để tìm hài cốt các anh. Thật buồn là không thấy. Sau chuyến đi đó, tôi cứ day dứt lương tâm hoài và đến tháng 3/2017, tôi rủ thêm cậu Tích, chiến sĩ thông tin của C2 chết hụt trong trận B52 ấy đi cùng vào Quảng Trị. Nhưng vẫn như chuyến đi trước, sau 3 ngày lội suối săm soi trong rừng, mò mẫm vào những chỗ nghi vấn vẫn chỉ thấy những vết tích hầm hào một thời chiến tranh mà chẳng thấy dấu tích các anh… Thời gian, đất, đá và cây rừng lại khiến chúng tôi một lần nữa về tay không.
        Thấm thoắt đã 49 năm rồi, ba lần đi tìm đồng đội mà vẫn không có kết quả. Tiễn tôi ra cổng anh nói:
       -Tôi nay đã 73 tuổi rồi nhưng sẽ không bỏ cuộc nếu trời vẫn cho tôi còn sức khỏe. Giọng anh nhỏ lại - nếu lần sau đi tiếp, mong hương hồn các anh chỉ cho nơi các anh đang yên nghỉ, để gia đình các anh đón về quê nhà. Và chúng tôi những đồng đội của các anh không còn day dứt vì đã hoàn thành trách nhiệm của mình...
       Nắm bàn tay anh, tôi biết anh vẫn quyết tâm đi tìm đồng đội lần nữa.
 
         Ảnh: CCB Nguyễn Trung Thúy                                                                            
 
                                                                                      Tháng 7/2020
                                                                                      Phí Mạnh Cần

tin tức liên quan