Archimedes Patti là nhân chứng hiếm hoi khi được mời tham dự sự kiện lịch sử: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Đại sứ Hà Huy Thông chia sẻ với Tuần Việt Nam câu chuyện về Archimedes Patti, nguyên Trưởng đại diện Cơ quan phục vụ chiến lược Mỹ (tiền thân của CIA).
Ông kể:
Đến nay chưa ai thống kê được có bao nhiêu người nước ngoài tham dự lễ 2/9 cách đây tròn 75 năm. Bởi khi ấy có hàng vạn người, nhưng có lẽ ông Archimedes Patti là một trong những nhân chứng hiếm hoi, nếu không nói là người Mỹ duy nhất, có mặt tại quảng trường Ba Đình lúc đó.
|
Đại sứ Hà Huy Thông |
Patti nguyên là Trưởng đại diện Cơ quan Phục vụ chiến lược (OSS - tiền thân của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ - CIA) ở Côn Minh, Trung Quốc. Ông đã theo dõi tình hình Nhật ở Đông Dương từ 1943 - 1944, và bắt đầu tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những ngày tháng 8/1945, Patti tới Hà Nội để theo dõi việc giải giáp quân Nhật. Lần này, ông gặp lại Bác Hồ và được Bác mời tham dự lễ Tuyên ngôn độc lập.
Sau này, trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1980 mang tên "Why Vietnam: Prelude to America's Albatross" (Tại sao Việt Nam: Khúc dạo đầu chim hải âu của nước Mỹ), ông Patti đã kể lại chuyện gặp Bác Hồ, chứng kiến người dân Việt Nam hưởng ứng Tuyên ngôn Độc lập 2/9 và cả khoảnh khắc khi Bác hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.
Gặp lại bạn cũ, người bạn vĩ đại
Ấn tượng của ông khi tháp tùng ông Patti trong chuyến thăm lại Việt Nam năm 1982 như thế nào, thưa Đại sứ?
37 năm sau, ông Patti xin trở lại Việt Nam vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/1982. Tôi may mắn được cử tháp tùng ông ấy, dĩ nhiên là còn cùng với nhiều người khác. Tôi phiên dịch giúp Patti.
Dần dần trong quá trình đi với ông ấy, tôi mới hiểu những nơi ông thăm là lịch sử. Patti vào Lăng viếng Bác, thăm nhà sàn và ao cá, đến số nhà 19-21 Hai Bà Trưng (nguyên là trụ sở Tổng lãnh sự quán - tài sản ngoại giao của Mỹ, nay dùng làm Câu lạc bộ Mỹ)…
|
Ông Patti vào Lăng viếng Bác. Ảnh do Đại sứ Hà Huy Thông cung cấp |
|
Ảnh: Đại sứ Hà Huy Thông cung cấp |
Cá nhân tôi không thể quên ngày ông ấy vào Lăng Bác. Thời điểm năm 1982, cho phép một người Mỹ vào viếng không đơn giản, cần cân nhắc rất kỹ và quan trọng là phải hiểu rõ lý do vì sao họ xin vào viếng. Lúc đó, Patti nói một câu tôi nhớ mãi. Tôi nghĩ câu nói ấy đơn giản mà rất hay, có tính thuyết phục. Ông bảo: “Tôi đi gặp lại bạn cũ, gặp lại người bạn vĩ đại của tôi”.
Khi Patti đi vào Lăng thì thấy dòng chữ vàng nơi tiền sảnh, ông hỏi tôi chữ gì. Tôi giải thích đó là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Patti nói nghe giống Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ do ngài Thomas Jefferson soạn thảo. Sau đó, ông nhấn mạnh, đây không chỉ là tư tưởng của người Mỹ, đây là giá trị chung của nhân loại và Bác Hồ đã sử dụng tinh hoa giá trị nhân loại để đúc rút thành câu ngắn gọn, súc tích như thế này.
Trở lại Việt Nam sau 37 năm, Patti còn đến thăm nhà 48 Hàng Ngang. Khi tôi dẫn ông tới đó, ông kể lại được gặp Bác tại đây. Bác Hồ có hỏi ông về bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ. Patti khi đó đã trích lại những câu kinh điển trong Tuyên ngôn ngày 4/7/1776.
Sau này, trong một số cuộc trả lời phỏng vấn, Patti kể lại ngày 2/9/1945, khi ông dự buổi lễ Tuyên ngôn độc lập, ông đã không ngạc nhiên khi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt quốc hiệu Việt Nam gắn với những từ chỉ giá trị chung của nhân loại được kết tinh hàng ngàn năm nay. Đó là dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Ông nói đó là hơi thở, là xu thế thời đại và Patti hiểu mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi xây dựng một đất nước Việt Nam như thế nào ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập.
|
Sĩ quan tình báo Mỹ Patti thăm di tích nhà sàn Bác Hồ. Ảnh do Đại sứ Hà Huy Thông cung cấp |
Sau khi vào Lăng viếng Bác, ông ấy đi thăm nhà sàn. Ông đã rất trân trọng khi chứng kiến một vị Chủ tịch nước không ở tòa nhà Phủ Chủ tịch mà sống giản dị, hòa giữa thiên nhiên. Patti nói với tôi một câu “vĩ nhân suy nghĩ giống nhau”. Tôi thực sự thấm thía về suy nghĩ sâu sắc của ông ấy về Bác.
Vào cuối năm 1989, khi đang công tác tại Phái đoàn Liên hợp quốc ở New York, tôi nhận được điện thoại của ông Patti đề nghị Phái đoàn giúp ông tham dự hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 5/1990 ở Hà Nội. Và, ông đã được trở lại Việt Nam trong đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ.
Tầm nhìn quan hệ Việt - Mỹ của viên sĩ quan tình báo
Ông Patti là người có nhiều trải nghiệm, nhiều duyên nợ với Việt Nam. Từ góc độ cá nhân, Đại sứ đánh giá thế nào về nhãn quan của một sĩ quan tình báo Mỹ về nước Việt Nam sau năm 1945?
Theo tài liệu có đến nay, Patti thời điểm năm 1945 dường như là người duy nhất và cấp cao nhất của Mỹ tại Việt Nam dự lễ Tuyên ngôn độc lập 2/9.
Khi trả lời phỏng vấn cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ông Patti cho biết, từ sau khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/91945 và chứng kiến sự hưởng ứng của hàng vạn người. Đến đầu năm 1946, ông nhiều lần gửi điện về kiến nghị Nhà trắng và các cơ quan của Mỹ công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ông nói, Việt Nam có thể là kẻ thù của Pháp lúc đó, nhưng một nước Việt Nam từng là đồng minh với Mỹ chống phát xít, thì nay không phải là kẻ thù của Mỹ, nên Mỹ cần công nhận một nước Việt Nam độc lập.
Nhưng Patti cũng thừa nhận, thời điểm đó nước Mỹ đứng trước nhiều thách thức về toàn cầu cũng như trong nước, và ông không hiểu Nhà Trắng phản ứng thế nào với những bức điện ông đã gửi về.
Sau này khi ông trả lời phỏng vấn như thế, thì có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, nhà bình luận nói rằng, nếu như chính phủ Mỹ khi đó chú tâm tới những bức điện của Patti, cả hai nước đã tránh được “chương bất hạnh” sau này trong quan hệ của Mỹ với Việt Nam.
Đại sứ Hà Huy Thông chia sẻ về tư tưởng Độc lập Tự do của Bác Hồ:
Độc lập Tự do là giá trị chung của nhân loại và cũng là tư tưởng của dân tộc Việt Nam. Đây là tư tưởng xuyên suốt và đặc sắc trong đường lối của Đảng, Nhà nước, được thể hiện rõ ràng trong Hiến pháp.
Bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo với chưa đầy 10 người thực hiện gấp trong vòng mấy tháng thể hiện rất rõ tinh thần Độc lập Tự do.
Trả lời các nhà báo nước ngoài vào đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do”.
Trước đó, trong “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” đăng trên Báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945, Bác viết: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Từ những năm bị giam trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác đã từng viết: “Trên đời ngàn vạn điều cay đắng/Cay đắng chi bằng mất tự do”.
Bác ra đi tìm đường cứu nước vào tháng 6/1911. Theo các tài liệu, năm 1912, Bác ở Boston và làm thuê trong một khách sạn. Boston là cái nôi của cách mạng Mỹ bởi những tư tưởng độc lập, tự do, dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bôn ba xứ người, để quan sát cuộc sống, lao động và học tập, nắm bắt nhiều tư tưởng lớn tiến bộ của thời cuộc ở nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tính sáng tạo, tự do tư tưởng. Người viết: "Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng"...
|
Thái An - Ảnh: Phạm Hải