"Máy cưa tự hành" - Ký ức của Nguyễn Thanh Liêm

Ngày đăng: 05:51 12/09/2020 Lượt xem: 523
MÁY CƯA TỰ HÀNH

 
         Năm 1969 tôi đang công tác tại Nhà máy đại tu ô tô Q169 thì được điều động vào chiến trường. Đoàn có 13 người rút từ các nhà máy về 40  Đặng Dung, Hà Nội – Cơ quan Cục quản lý xe lúc bấy giờ. Ở lại Hà Nội một ngày, hôm sau đi thẳng vào Cự Nẫm (Bố Trạch, Quảng Bình). Tiếp đó hành quân bộ theo đường giao liên vào Bộ tư lệnh Đoàn 559.
         Tôi được phân công về Binh đoàn 42, công tác tại Xưởng Tiểu tu thuộc Tiểu đoàn vận tải ô tô 55 với chức danh kỹ thuật viên.
         Công tác sửa chữa xe ở chiến trường hết sức khó khăn, không như khi công tác ở miền Bắc. Công cụ, máy móc, thiết bị, phụ tùng đều thiếu thốn, xưởng có một máy phát điện UĐ2 công suất hữu công 4kw, một máy hàn điện tự hành, một máy tiện, một máy xạc ắc quy phin mắc và các loại công cụ cầm tay.
         Binh trạm 42 hoạt động trên tuyến đường B45, là tuyến cắt ngang Trường Sơn chi viện cho chiến trường Trị Thiên – Huế, bắc Quảng Đà.
         Đêm đêm xe của Tiểu đoàn hành quân liên tục bị chặn đánh. Đủ các loại bom mìn, máy bay bắn phá. Nguy hại nhất là máy bay C130, nó canh giữ thâu đêm suốt sáng với 2 loại đạn: 20 ly vạch đường và đạn cối 40 ly có tia hồng ngoại dẫn đường.
         Đêm nào cũng có xe bị đánh, bị hỏng hóc, thủng két nước, gãy khuỷu, thủng lốp, nặng hơn thì lột biên, gãy xắc xi, vỡ cầu, thùng bệ bị xiêu, gãy nát… Cánh lái xe thường đùa vui: “Đổ kéo méo gò” để động viên nhau khi qua các trọng điểm ác liệt.
         Xe hỏng phải đưa về xưởng được phân loại xe nào hỏng nhẹ chữa được trong ngày là giải phóng để các đại đội đủ đầu xe thực hiện kế hoạch vận chuyển. Những xe hỏng nặng như lột biên, gãy xắc xi, gãy thành xiêu bệ … phải nằm bãi đến mấy ngày.
         Đồng chí Thân Ngọc Châu (người Quảng Nam) Tiểu đoàn phó phụ trách Kỹ thuật thường xuyên có mặt tại xưởng, cùng Ban chỉ huy giải quyết công việc.
         Trong số những xe lưu bãi lâu nhất là những xe gãy thành, nát bệ: Biện pháp duy nhất là thay ván thành, làm lại thùng bệ đều cần nhiều ván gỗ. Trong lúc đó ván gỗ xẻ bằng tay, sản xuất không kịp. Tổ xẻ mộc chỉ có 5 người vừa xẻ vừa mộc cho nên có lúc phải điều thợ máy, thợ hàn qua trợ giúp.
         Vấn đề đặt ra là phải lắp cưa máy mới khắc phục được khó khăn do thiếu ván gỗ. Nhưng lấy đâu ra động lực khi cả trạm chỉ có một máy phát điện 4kw đã dùng hết công suất. Đồng chí Vũ Thi (người Hải Phòng) Binh trạm phó xuống trực tiếp động viên và giao nhiệm vụ.
          Trạm thành lập một tổ sáng kiến – cải tiến kỹ thuật do đồng chí Lai Trạm trưởng kiêm nhiệm. Tôi được giao trách nhiệm tính toán, gia công lắp đặt … sao cho phù hợp điều kiện chiến trường.
         Ở miền Bắc các loại cưa sọc, cưa vòng, cưa đĩa lắp đặt chẳng mấy khó khăn. Nhưng ở chiến trường lấy đâu ra điện 3 pha. Sau mấy hôm suy nghĩ, vận dụng những kiến thức đã học ở Khoa cơ khí động lực trước đây, tôi đề xuất dùng động cơ ô tô thay động cơ điện. Các tài liệu hướng dẫn lắp đặt kiểu máy cưa này chưa ai làm nên không có. Đã có ý kiến bàn lùi, sợ thất bại. Nhìn những chiếc xe hư hỏng nằm chờ gỗ ván thay thế tôi đề đạt với đồng chi Lai là cứ làm, chả nhẽ mình bó tay.
         Tôi vẽ phác thảo cách lắp đặt, chuyển trục truyền động (các đăng) của cầu sau lên lắp cho trụ máy cưa, qua tính toán là hợp lý nhất. Với tốc độ định mức của xe Gát (GA3) mômen quay của các đăng khi đi qua hai hộp số chính, phụ là phù hợp (loại xe này có tải trọng 2,5 tấn).
         Lưỡi cưa được chọn loại có đường kính 700 phù hợp vì nó nằm gọn giữa 2 thành dọc xắc xi (khung xe).
        Muốn gá lắp được lưỡi cưa cần phải gia công giá đỡ, trong đó trục quay trên 2 vòng bi trước sau. Một đầu lắp lưỡi cưa, đầu kia lắp vào các đăng.
         Gia công được một giá đỡ như vậy không phải dễ dàng gì, khi mà các phụ kiện thiếu thốn, máy chuyên dùng không có, trong đầu tôi tự nhiên lóe lên ý nghĩ thử dùng “con lợn” thay cho giá đỡ này. Đây là bộ phận nối các đăng ra cầu sau của xe Din 3 cầu (nó có hình thù kích thước như chú lợn con, cánh lính thợ đặt cho nó cái tên thật ngộ nghĩnh).
         Khi đo đạc lại phát hiện trục con lợn không đủ dài để gá lắp lưỡi cưa cần phải nối dài thêm trục này. Chúng tôi cắt một đoạn láp ngang (chi tiết nối từ hộp vi sai ra bánh xe) vì loại này có đường kính phù hợp cho lỗ của lưỡi cưa và thép lại rất tốt.
         Hai đồng chí thợ hàn, thợ tiện có dịp phô diễn tay nghề. Nếu mối hàn không tốt khi lưỡi cưa chém gỗ có thể bị gãy, nguy hiểm đến người vận hành.
        Lắp xong chúng tôi cho chạy thử không tải. Từ số 1, số 2, số 3, số 4 máy chạy êm, lưỡi cưa không đảo, không lắc.
         Bước đầu cưa thử, phiến gỗ  dày 3cm tăng dần lên 5, lên 7 và khi tăng lên độ dày 15cm lưỡi cưa có vấn đề. Do ma sát phát nhiệt, lưỡi cưa bị “oặt” không chém được gỗ.
         Tôi đã xử lý bằng cách làm mát thủ công. Dùng 1 ty ô đồng uốn cong, hình chữ U ôm lấy lưỡi cưa, lắp sát dưới mặt bàn cưa. Phía trong tuy ô này dùi các lỗ nhỏ cho nước bắn thẳng vào lưỡi cưa, một nhánh chữ U dùi 10 lỗ. Đáy chữ U nối với một ty ô dẫn từ thùng phuy nước 200l đặt cao hơn mặt bàn 50cm có khóa đóng mở do đồng chí đi ga, đi số trong Ca bin kiêm nhiệm, khi máy chạy: mở khóa, máy ngừng đóng khóa.
         Một cây gỗ thông đường kính 40-50cm chỉ cần dùng cưa tay bổ dọc, thành 2 phiến gỗ cho lên máy cưa thái ngon lành.
         Một bệ gỗ dài 3,7m có độ dày 25cm (chỗ dày nhất) khả năng, chúng tôi làm thêm giá trượt. Đó là 2 giá gỗ trên đó có các con lăn cũng bằng gỗ có F = 8cm, bê gỗ trượt trên hệ thống con lăn này đỡ rất nhiều sức cho 2 người đẩy gỗ vào. Tuy thế vẫn còn nặng, chúng tôi lại làm thêm một cái tời tay bằng gỗ… Dùng 1 dây cáp lụa một đầu cuộn vào tời, một đầu ngoắc vào đinh đỉa ở đầu phiến gỗ. Với 2 bộ phận trợ giúp này mà bê gỗ cưa thành các phiến mỏng vừa nhẹ nhàng, lại năng suất. Cả dây chuyền này bố trí 5 người vừa đúng các đồng chí của tổ mộc xẻ.
         Lượng gỗ ván sản xuất ra không những đáp ứng đủ mà còn dư cung cấp cho các Đại đội vào các việc cần thiết.
         Khi cần cơ động đến cánh rừng khác, chuyển lắp các đăng vào cầu xe, vì thế chúng tôi đặt tên cho nó là : Máy cưa tự hành.
         Với sáng kiến cải tiến này tổ được tặng 1 bằng khen, 1 tút thuốc lá Tam Đảo. Riêng tôi được tặng thêm cái bút máy Hồng Hà.
         Tôi kể lại câu chuyện nhỏ này để gợi nhắc lại ký ức một thời công tác ở Trường Sơn – có những chiến công oanh liệt, vang dội nhưng cũng có những việc làm thầm lặng, không chịu bó tay trước khó khăn, đóng góp sức mình vào công cuộc chiến đấu chung của Tiểu đoàn, của Binh trạm.
         Nhắc lại chuyện này tôi cũng muốn gửi gắm đến các đồng chí đã động viên hợp tác với nhau, không biết bây giờ ai còn, ai mất. Trong các thành viên của tổ cũng đã có 3 đồng chí hy sinh trong mùa khô năm 1971 là các đồng chí: Nghinh; đồng chí Điệng và đồng chí Bảy.
         Chiến tranh đã lùi xa ba bốn chục năm nhưng những năm tháng đồng cam cộng khổ lúc đói cơm, thiếu thuốc, lúc đối mặt với bom đạn trên từng cung đường trọng điểm… không bao giờ nguôi ngoai trong lòng. Giá như bây giờ được gặp lại các đồng chí đồng đội năm xưa thì hạnh phúc biết bao./.
 
Nguyễn Thanh Liêm
Hội viên Hội TTTSĐHCM
ĐT: 0947.325.527
Đ/c: Xóm 18C, Nghi Liên, Tp Vinh, Nghệ An

tin tức liên quan