"Cô nuôi quân Trường Sơn Dũng cảm". TG: Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 05:59 14/10/2020 Lượt xem: 403
Cô nuôi quân Trường Sơn
Dũng cảm
 
NGUYỄN KIM CHÚC
 
         Chiến sỹ nuôi quân Cao Thị Tỵ được bình chọn là chiến sỹ Quyết thắng lan truyền trong cơ quan Bộ tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn. Một số người bất ngờ với sự lựa chọn này. Song chúng tôi những người thường xuyên có mặt trực ở sở chỉ huy hoàn toàn ủng hộ. Cô hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “Chiến sỹ quyết thắng” và tấm Huân chương Hạng ba.
         Mùa khô 1972 chúng tôi ở Nam Lào được chuẩn bị rất kỹ từ khi mưa vẫn còn xối xả. Hệ thống đường ô tô được mở mới, di tu, bảo dưỡng … trục dọc có tuyến 128, 22, 24, 17. Trục ngang B46 về khu V cũng đã được khai thông, Kết nối với các đầu mối tiếp nhận của khu V và bắc Kon Tum. Các ngầm vượt sông Sê Kông, ngầm Sêkamán Binh trạm 44; Ngầm Sêkamác Binh trạm 36 cũng đã được tôn tạo. Các trận địa cao xạ đã vào vị trí sẵn sàng đánh địch bảo vệ đội hình xe. Hệ thống thông tin liên lạc từ sở chỉ huy Bộ tư lệnh khu vực xuống tới các đại đội, các điểm điều tiết giao thông cũng đã được thông suốt. Nhân sự cũng đã được bổ xung … Song phương thức chỉ huy vận chuyển hàng hóa về cơ bản chưa có sự thay đổi đột biến vẫn lấy đơn vị Binh trạm là cơ bản. Mỗi Binh trạm đều có các Tiểu đoàn: xe, công binh, cao xạ, giao liên bộ … Các Binh trạm đều được giao quản lý khoảng 200km … Điều đó đặt ra cho các cơ quan tham mưu, cán bộ trực ở sở chỉ huy phải làm việc với cường độ cao mới đáp ứng được yêu cầu của Bộ tư lệnh.
         Sở chỉ huy Bộ tư lệnh khu vực 471 Trường sơn ở sườn phía đông dãy núi Phù Trường luôn âm vang trong lòng đất tiếng các máy trực chỉ huy, trực tham mưu tác chiến hành quân, trực tham mưu công binh và trực tham mưu vận chuyển … chuyển tới các đơn vị những chỉ lệnh, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ. Những cán bộ ưu tú từ các Binh trạm được điều động về bổ xung cho các cơ quan Bộ tư lệnh. Điều hơi đặc biệt hơn những mùa khô trước là đầu mùa khô này cơ quan Bộ tư lệnh được bổ xung hàng trăm cô tân binh từ miền Bắc vào. Họ làm nuôi quân, văn thư, hành chính, thống kê, quân y. Một số cô có năng khiếu hát, hò được bổ xung vào đội tuyên truyền văn hóa văn nghệ Bộ tư lệnh. Cao Thị Tỵ cùng hai bạn gái  nữa được bổ xung về làm nuôi quân phòng tham mưu tác chiến hành quân. Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, các cô tân binh quê Thanh Hóa, Ninh Bình … này đầy tâm sự, suy bì công việc. Cao Thị Tỵ không thế. Cô lao vào công việc bếp núc đầy hứng khởi luôn nhận những việc khó về mình. Ngoài công việc ở bếp ăn Bộ tư lệnh với vai trò là tổ trưởng nuôi quân, cô còn nhận chăm lo cơm nước cho kíp trực ở sở chỉ huy. Ngày bốn lần đều đặn: 6 giờ 30, 11 giờ, 16 giờ 30 và 21 giờ cô tay xách nách mang đưa cơm nước phục vụ kíp trực. Ba bữa chính trong ngày anh em cơ quan Bộ tư lệnh ăn gì, kíp trực được phục vụ như thế. Bữa 21giờ bữa tiêu chuẩn riêng có cho kíp trực. Vì vậy Cao Thị Tỵ một mình phụ trách bữa ăn này cho sở chỉ huy.
         Địch đánh phá dữ dội. Ban ngày nhiều tốp F4 được bọn OV10 chỉ điểm đánh phá gây tắc trọng điểm, tắc ngầm. Đêm đến lũ F4 lại hộ tống AC130 bắn phá đội hình xe ta chạy trên tuyến. Các kíp trực ở sở chỉ huy mệt nhoài với công việc, sức khỏe giảm sút rõ rệt. Mọi thứ có sẵn trong kho hậu cần: đường sữa, bánh kẹo, lương khô, thuốc tăng lực … Cả thuốc lá Thăng long bao bạc cũng được tung ra bồi dưỡng cho kíp trực. Cũng chả cải thiện được tình hình là bao. Các bữa ăn của kíp trực bao giờ cũng thừa. Cao Thị Tỵ nhận thấy điều đó. Khi biết được gạo sấy nấu cơm ăn không có canh rất khó nuốt trôi. Cô đầy trăn trở Cô nói với chúng tôi sẽ tự tìm rau xanh để cải thiện bữa ăn cho kíp trực. Ngày ấy nước bạn viện trợ cho ta gạo sấy khô. Thứ gạo này được đóng vào bao ni lon dày chuyển cho bộ đội ở chiến trường, dù có vận chuyển lâu ngày, mưa gió, ẩm mốc … nhưng gạo vẫn không hề hấn gì chỉ có điều khi nấu cơm hạt cơm không còn nhựa, trơ cứng ăn rất chán. Người mệt mỏi ăn không nuốt nổi.


(Ảnh minh họa)
         Cao Thị Tỵ quyết tâm cải thiện bữa ăn cho kíp trực chỉ huy. Cô mày mò ngâm gạo rồi lấy mũ sắt làm cối giã bột tráng thành bánh cuốn, rồi làm bún phục vụ bữa ăn cho sở chỉ huy. Việc tráng bánh, làm bún của cô ở nơi này không dễ dàng gì. Phải mất nhiều thời gian, công sức cô đi các kho xin gạo phù hợp về ngâm bột, chế biến thành bún, bánh phở … công việc của cô được nhiều người giúp sức ủng hộ. Đồng đội còn chế tác tặng cho cô chiếc cối xay bột từ gỗ rừng Trường Sơn, đã giúp cô nhẹ nhàng hơn trong việc phục vụ kíp trực chỉ huy.
         Công việc nguy hiểm với cô lại là những giờ phút một mình, một súng đeo gùi lội suối kiếm rau rừng phục vụ bữa ăn cho bộ đội. Phía trước sở chỉ huy Bộ tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn là những trục dọc 128, 22, 24 … ngày cũng như đêm không quân Mỹ trút bom đạn ngăn chặn hoạt động của ta. Để kiếm được rau rừng Cao Thị Tỵ phải lội ngược các con suối đi vào rừng sâu phía sau khu đóng quân của Bộ tư lệnh. Phía ấy chiến sự đang diễn ra ác liệt giữa lực lượng chiến đấu của Sư đoàn 968 và Bộ tư lệnh 471 với bọn Ngụy Lào cùng với lính đánh thuê Thái Lan. Vòng lượn của bọn cường kích cánh quạt AD6, T28 yểm trợ cho quân lấn chiếm bay sát khu vực. Và rất có thể phía ấy còn có những toán biệt kích thám báo của địch hoạt động. Vào nơi ấy kiếm rau rừng là đầy hiểm nguy. Cô biết rõ điều đó. Song cứ nhìn đồng đội ăn cơm gạo sấy, chan ít nước thịt hộp … phần ăn còn thừa mứa cô lại không đành lòng. Cuộc chiến ác liệt ai cũng có nhiệm vụ quan trọng phải làm. Vì vậy cô thận trọng một mình, một súng theo con nước tìm kiếm rau rừng.
         Cứ như vậy ngày nối ngày chuẩn bị bữa sáng cho bộ đội xong. Khoảng giữa trưa cô lại một mình, một súng đi kiếm rau rừng. Cô tích lũy được nhiều kinh nghiệm tìm kiếm rau rừng từ những ngày ở quê nhà Sầm Sơn - Thanh Hóa và những ngày hành quân bộ trên đường giao liên. Các loại rau như rau dớn, rau khoai lang rừng, rau miễn công nấu canh ngon như mì chính … được cô thu hái cải thiện bữa ăn cho bộ đội nhất là phục vụ các bữa ăn cho kíp trực chỉ huy luôn có rau xanh. Đảm bảo sức khỏe cho kíp trực được mọi người luôn nhắc tới tên cô và muốn cô phục vụ kíp trực lâu dài.
         Sự lỗ lực của Cao Thị Tỵ được thủ trưởng cơ quan ghi nhận động viên kịp thời. Cơ quan hậu cần không phải chạy ngược xuôi lo bồi dưỡng cho kíp trực. Song mỗi người đều nhận ra công việc cô vô cùng nguy hiểm nhất là về đêm. Ngày nào cũng vậy sau cơm chiều cô bắt tay vào chuẩn bị bữa ăn đêm cho kíp trực chỉ huy. Từ khi có cối xay bột, cô luôn đổi bữa cho kíp trực: chế biến phở, mỳ gạo thịt hộp, bánh cuốn, bún … Khoảng 9 giờ tối cô lại một mình tay xách nách mang với chiếc đèn pin được che bớt ánh sáng dò dẫm từng bậc từ chân đồi  - nơi đặt bếp Hoàng Cầm - ngược dốc cao hàng trăm mét lên gần đỉnh đồi - nơi đặt sở chỉ huy. Có đêm đang leo dốc AC130 bay trên đầu bắn phá tuyến. Tiếng nổ đầu nòng của các loạt đạn 40ly từ AC130 tưởng như chúng đang bắn phá khu vực. Một thoáng bối rối, sợ hãi cô nép vội vào gốc cây ven đường chờ bọn AC130 bay xa rồi đi tiếp. Những lúc như thế người cô ướt đầm mồ hôi bủn rủn chân tay nhưng cô vẫn giữ các xuất ăn được cô chằng buộc cẩn thận không bị đổ vỡ.
         Trưởng ban quân lực Bộ tư lệnh Nguyễn Uẩn trong buổi giao ban đề nghị Ban 5 cử các đồng chí nam giới mang xuất ăn đêm cho kíp trực, để tránh những nguy hiểm dễ gặp phải. Nhưng những ngày tiếp sau đó vẫn thấy Cao Thị Tỵ phục vụ kíp trực đủ cả bốn bữa trong ngày. Hỏi cô, cô bảo: “Tôi xin tự mình phục vụ sở chỉ huy để còn biết cách để làm tốt hơn”. Còn chúng tôi những thành viên kíp trực được cô phục vụ chu đáo thật sự không muốn rời xa cô. Cô và chúng tôi trở thành thân thiết gắn bó với nhau cho tới khi Hiệp định Pa ri được ký kết. Sở chỉ huy Bộ tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn ở Phù Trường - Nam Lào chấm dứt hoạt động. Chúng tôi lật cánh về Đông Trường Sơn làm tiếp nhiệm vụ của mình cho tới ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
         Hết chiến tranh Cựu chiến binh Cao Thị Tỵ về lại quê nhà xây dựng gia đình nuôi con. Hàng năm chúng tôi vẫn tổ chức gặp mặt. Năm nay, sau khi hết giãn cách xã hội do dịch COVID - 19 tôi lại về khu phố Sơn Hải, phường Trường Sơn, thành phố Sầm Sơn - Thanh Hóa thăm cô. Trong căn phòng rộng rãi thoáng mát bảy đứa cháu nội ríu rít bên bà nội Cao Thị Tỵ. Lần nào gặp nhau chúng tôi cũng nói về những ngày chúng tôi sống và chiến đấu trên chiến trường Nam Lào. Cao Thị Tỵ lại có dịp đem những kỷ niệm chiến trường của cô khoe với chúng tôi. Cầm trên tay: “Giấy chứng nhận đeo Huân chương Chiến công” của cô tôi hỏi:
- Những lần núp gốc cây chịu trận bắn phá  của địch có bao giờ cô thấy quá sức chịu đựng không? Cô đáp ngay.
- Hề hấn gì đâu anh. Mới đầu có hoảng một chút. Song xung quanh còn có đồng đội mà. Nản nhất là những lúc gùi rau rừng kiếm được về lại bếp. Chẳng may vào mùa sinh sản lũ rắn độc tìm kiếm bạn tình, chúng vờn nhau chắn lối về, phải đợi chúng rời đi mới dám bước qua …
          Cô còn bảo: “Công sức của bọn em bỏ ra thấm thoát gì với máu xương của bao đồng đội đổ xuống cung đường. Em thấy bọn em còn may mắn chán”. Còn bọn tôi lại nghĩ cô là cô nuôi quân Trường Sơn dũng cảm.

Nguyễn Kim Chúc
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

 

 

tin tức liên quan