“MỘT THỜI ĐỂ NHỚ” CỦA MỘT CHIẾN SĨ CÔNG BINH TRƯỜNG SƠN.
Ngày đăng:
12:10 15/10/2020
Lượt xem:
899
“MỘT THỜI ĐỂ NHỚ” CỦA MỘT CHIẾN SĨ CÔNG BINH TRƯỜNG SƠN.
Anh Nguyễn Quốc Thiện – một đồng đội của tôi khi còn ở Binh trạm 35, Sư đoàn 471 Trường Sơn vừa cho ra mắt cuốn hồi ức “MỘT THỜI ĐỂ NHỚ”. Sách dày 180 trang do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.
Anh sinh năm 1948 tại số 12 Ngõ Trạm, Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm nhưng gốc tích gia đình lại ở làng Phú Xá, Phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Mảnh đất phù sa mầu mỡ ven sông Hồng của làng Phú Xá đã nuôi lớn anh…
Ngày 28 tháng 1 năm 1966, chàng trai Nguyễn Quốc Thiện đang học cấp III Xuân Đỉnh đã lên đường nhập ngũ. Sau 2 năm khoác áo bộ đội công binh của Trung đoàn 251 xây dựng sân bay Yên Bái, Nguyễn Quốc Thiện đã cùng trung đoàn hành quân bổ sung cho lực lượng công binh Trường Sơn.
Từ tháng 3 năm 1968 cho tới tháng 10 năm 1975 anh luôn ngồi trên chiếc máy húc T100 tham gia mở đường Trường Sơn. Chàng trai đất đào Phú Thượng nổi tiếng cùng chiếc máy húc đã có mặt trên nhiều trọng điểm ác liệt của Trường Sơn. Anh từng nhiều ngày đêm bảo đảm giao thông trên trọng điểm ATP. Rồi sau đó anh cùng Tiểu đoàn 41 công binh Binh trạm 35 bảo vệ trọng điểm Đèo Long – Sông Bạc ở Nam Lào. Sau này anh chuyển về Tiểu đoàn 43 công binh Binh trạm 36, làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên trọng điểm Cua Đá, rồi ngầm Đắc Hiệt, đèo Bô Phiên, ngầm Sê Ca Máng…Ngày ngày, đêm đêm anh từng đối mặt với các loại máy bay, đối mặt với các loại bom đạn Mỹ. Chiếc máy húc T100 của anh đã nhanh chóng san lấp hàng trăm hố bom, gạt hàng ngàn mét khối đất đá do bom đạn địch đổ xuống những con đường để nhanh chóng bảo đảm thông đường cho những dòng xe chuyển hàng ra mặt trận…Bom đạn Mỹ và sự khắc nghiệt của chiến tranh trên Trường Sơn đã tôi luyện người chiến sĩ công binh dạn dày Nguyễn Quốc Thiện.
Đất nước thống nhất, Nguyễn Quốc Thiện vẫn ở lại Trường Sơn tiếp tục làm nhiệm vụ giúp bạn cho tới tháng 6 năm 1982. Ngày 16/6/1982, sau 14 năm 3 tháng chiến đấu trên Trường Sơn và giúp Bạn Lào, Nguyễn Quốc Thiện trở về Đất Mẹ. Tháng 7 năm 1989, Đại úy Nguyễn Quốc Thiện chính thức cởi áo lính trở về quê hương…
“MỘT THỜI ĐỂ NHỚ” của Nguyễn Quốc Thiện còn ghi lại chặng đường gần 30 năm tham gia nhiều xây dựng quê hương với nhiều trọng trách: Bí thư Chi bộ, Chủ tịch UBMT Tổ quốc phường, Trưởng ban xây dựng di tích văn hóa, lịch sử của địa phương…Và những năm tháng lăn lộn với Ban Liên lạc Truyền thống Trung đoàn công binh 251, với Hội Trường Sơn của Phường, của Quận…
Hiện nay anh Nguyễn Quốc Thiện hiện làm Chủ tịch Hội TS quận Tây Hồ, Hà Nội, Ủy viên BCH Hội TS Sư đoàn 471, Ủy viên Thường vụ - Trưởng ban Tổ chức Hội TS TP. Hà Nội.
Với giọng văn mộc mạc, chân thực, Nguyễn Quốc Thiện là người kể chuyện kể về những năm tháng cuộc đời gắn bó với bao kỷ niệm; biết bao câu chuyện, những tình huống cảm động về tình đồng chí, đồng đội trong cuộc chiến đấu gian khổ và ác liệt trên đại ngàn Trường Sơn…Những dấu ấn về 30 năm lăn lộn xây dựng quê hương sau khi trở về cuộc sống đời thường.
Tác giả tâm sự một cách chân thật khi nói về cuốn sách của mình: “Tôi tập hợp và tóm tắt những sự kiện, những kỷ niệm, những thành công cùng những việc chưa làm được, cóp nhặt những gì còn sót lại trong trí nhớ để mai sau con cháu hiểu biết về cuộc đời của người cha, người ông đã sống và chiến đấu trong những năm tháng đã đi qua…”. Nhưng với tôi, thì cuốn “MỘT THỜI ĐỂ NHỚ” đã trở thành cuốn sách “tự thuật chân dung” một cách chân thật về cuộc đời nhiều sóng gió, nhiều trắc ẩn nhưng với bản chất rất đẹp của một người lính Trường Sơn. Nó góp phần làm giàu thêm lịch sử, truyền thống Trường Sơn huyền thoại.
Cám ơn Đại úy Nguyễn Quốc Thiện và chúc mừng anh đã góp “MỘT THỜI ĐỂ NHỚ” đầy ý nghĩa.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và các đồng đội Trường Sơn cuốn sách này.
NB-NV Phạm Thành Long
tin tức liên quan