------------------------------------------------------------------------------
XA CÁCH VÀ CHIẾN ĐẤU
Đinh Thành Trung
Bây giờ đã là năm 2020. Bốn mươi lăm năm, nước ta tụ lại thành một dải. Ký ức chiến tranh đã vơi đi cùng năm tháng. Ký ức đi theo những người ngã xuống đất mẹ và người ra đi trong thời bình. Cảm xúc còn đọng lại là hào hùng, bi tráng và có cả tình yêu nồng hậu, thuần khiết.
20 năm trong thời chiến, có một tình yêu chỉ hiện lên trong lòng và nỗi nhớ. Lửa của khát vọng tự do, hòa cùng lửa của trái tim, trở thành nhiệt huyết, thành sức mạnh. 45 năm kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, chúng ta dâng trào cảm xúc biết ơn thế hệ cha anh không tiếc xương máu, rồi còn bao xa cách họ phải nén lòng quên đi để dân tộc ta có được ngày hôm nay. Bà nội tôi là một trong những người như thế. Bà là Trần Thị Điểm (tên thời kháng chiến là Trần Thị Thủy Ngân), nguyên Trưởng ngành giáo dục huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
Giấc mơ có thật sau 20 năm bà phải xa ông. Khi đó, vợ chồng mới cưới được vài tháng. Bà có mang cha tôi, chưa kịp biết để báo tin vui thì ông bị bắt. Người nông dân một nắng hai sương ấy, người sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, lúc đó tim thắt lại, lòng trào lên căm tức khôn nguôi.
Sở dĩ bà vẫn kìm nén được cảm xúc lúc ông bị bắt vì bà đã chứng kiến chuyện đó rồi. Cha bà là cụ Trần Trực, năm 1908 tham gia phong trào chống sưu cao thuế nặng của bọn cai trị phủ Tam Kỳ, bị lính Pháp bắt giam ở phủ đường cùng nhiều người yêu nước trong huyện. Cụ bị trói chân tay, đóng cọc phơi nắng, bỏ đói, hành hạ nhưng vẫn cương quyết đấu tranh không sợ chết.
Tra tấn cũng không khai
Bà kể lại, ngày 7/7/1955, cái ngày bọn nguỵ quyền gọi là ngày song thất, chúng tổ chức mit tinh, chúng huy động tất cả chỉ để một người trông nhà, còn mọi người phải nghỉ việc đi dự hết. Cơ sở được phổ biến tìm mọi cách chống lệnh hoặc lợi dụng những sai sót của chúng để đấu tranh hợp pháp. Sáng hôm đó một số quần chúng dậy sớm ra đồng, người làm việc nọ, việc kia, rải rác một số tập trung đi dự, trong đó có bà.
Ra đến sân vận động, tên thôn trưởng trước đây không được kết nạp Đảng nên bất mãn đứng lên ghế quát to:
- “Xếp hàng nam bên tả nữ bên hữu!”.
Mọi người cứ đi qua đi lại lộn xộn làm hắn tức chửi thề:
- “Các người sao ngu thế”
Chỉ chờ có thế, lập tức ở dưới sân bà con xầm xì:
- ‘‘Ông ngu thì có!”
Thôn trưởng mặt đỏ tía tai, gầm lên như con hổ đói:
- ‘‘Ai nói đó, ai dám nói tôi ngu’’
Ở dưới sân nhiều tiếng nói vọng lên:
- ‘‘Ông nói người ta ngu thì người ta nói ông ngu chứ sao?’’
Thấy gặp phải đám dân ngang như cua, tên thôn trưởng biết đã có người vận động nên dân mới phản bác kiểu có tổ chức như vậy. Hắn tiu nghỉu cho dân giải tán. Ngọn lửa đấu tranh trong bà con đã bắt đầu được nhen nhóm. Đó là do bà Điểm đã khéo léo vận động quần chúng nhân dân kiên quyết đấu tranh, không chịu nhường một phân nào đối với bọn ngụy quyền, bọn cường hào ác bá.
Khoảng đầu tháng 7/1959 bà Điểm bị bắt, Sau khi đi Cẩm Khê mua lúa về nhà mẹ chồng, chính quyền quận cho người bắt bà vào tra hỏi suốt một đêm. Bà không hé răng một lời, sáng ra chúng cho về đi bán gạo. Hai hôm sau bà đang ngủ ở nhà chị dâu ở Tam Kỳ, nửa đêm lại bị bắt lên quận tra tấn dã man rồi nhốt vào xà lim liền 20 ngày.
Bà chỉ nhớ mình bị tra tấn chết đi sống lại. Những cái tên bọn an ninh quận bà vẫn còn nhớ. Những khuôn mặt cùng là người một nước, cùng nói một thứ tiếng lại có thể biến thành thứ sinh vật ghê tởm.
“Thằng Chi, thằng Nhã, thằng Xuyên, thằng Nam... nó cột hai cánh tay tôi ra sau lưng bắt đứng lên bàn, rút dây lên trần nhà rồi khiêng bàn đi treo tôi lơ lửng giữa nhà. Hai thằng vừa khiêng bàn tôi dùng chân câu cứng cổ một thằng, nó để xuống gỡ chân tôi ra đưa tay vào khiêng là tôi câu tiếp. Nó tức quá xô ngã bàn và dùng cây đánh tới tấp từ tối đến 3 giờ sáng, cho xe đưa vào nhốt xà lim nền xi măng hẹp chỉ có một lỗ thông hơi hình thoi nhỏ hơn bàn tay, mỗi ngày cho ăn hai vắt cơm với muối, một ca nước lã”.
Bây giờ, bà vẫn còn nhớ hình ảnh những người bạo ngược với nhân dân, không còn chút nhân tính. Họ giết và hành hạ đồng bào mình, trong lòng họ cảm thấy vui sướng, thấy thỏa mãn. Đó là lý do họ không có được nhân dân. Bà kể, thời gian đó tụi nó bắt quá nhiều: nào ông bà già, phụ nữ, có cả trẻ em 12-13 tuổi, cứ đưa tốp này về, chuyển tốp khác đi suốt đêm ngày tra tấn dã man kêu ca không ngớt nhiều người chết đi sống lại. Một số anh chị em bị đánh tra sưng cả chân tay mặt mũi, tím bầm da thịt, cứ hai ngày một lần nó đưa từng người sang nhà thương kế bên tiêm thuốc rồi đưa về tống vào xà lim. Bắt thì bắt, tra tấn thì tra tấn, bà chỉ một mực nói:
“Chồng tôi đi tập kết, tôi không làm gì, bắt tôi cũng chẳng được gì”.
“Tưởng dân theo ông Ngô sung sướng ai dè cực như chó”
Cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Điểm có thể gói gọn trong những từ “gian khổ” và “xa cách”. Bà hoạt động gian khổ thì cũng như những chiến sĩ khác thôi, bà xa cách chồng gần hai mươi năm thì cũng có nhiều người như vậy, điều đáng nói là đến bây giờ bà vẫn nhắc lại những kỷ niệm đó cho con cháu và dùng tinh thần cách mạng của mình để giáo dục con cháu, truyền lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Ông nội tôi khi đó công tác ở huyện ủy Thị xã tam Kỳ - Tỉnh Quảng Nam. Ông bà cưới nhau chỉ vội vã trong một buổi và không có giấy đăng ký kết hôn như bây giờ, và cũng chỉ vài tháng sau ông bà phải xa cách. Lúc sắp chia tay, ông nói với bà: "Anh sẽ chuyển vùng hoạt động, nếu không có dịp về được thì hai năm chúng mình gặp nhau, nhưng đối với tất cả mọi người thì em nói là anh đi tập kết".
Kể từ đó, ông bà hoạt động ở hai đầu đất nước, ông tập kết ra Bắc còn bà hoạt động ở trong miền Nam. Ba tôi ở cùng bà một thời gian rồi bí mật ra Bắc. Là người phụ trách ngành giáo dục cách mạng ở Kiên Giang, bà Điểm đã dành gần như cả cuộc đời hoạt động cách mạng để tuyên truyền, lan tỏa tinh thần đầu tranh cách mạng cho chiến sĩ, người dân, làm suy yếu ngụy quân, ngụy quyền trên mặt trận tư tưởng. Những đóng góp của bà trên mặt trận ấy đã đóng góp vào thành công của cách mạng giải phóng miền Nam.
Bà không trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, nhưng là chiến binh năng nổ trên mặt trận tư tưởng. “Dân hiểu là thắng lợi”. Bà cùng cán bộ các ngành của xã làm đủ mọi việc: vận động xây trường lớp, học bình dân, họp phụ nữ vận động ra nội thành đấu tranh chính trị, họp nông hội, du kích, tòng quân, đảm phụ kháng chiến kể cả y tế, hộ sinh, việc gì cũng làm. Đến mùa khô, dân thu hoạch thóc lúa bà cũng đi gặt, đi cắt với họ để tiện bề tuyên truyền, đem lửa cách mạng cho nhân dân. Bà còn đi dự lớp đở đẻ, rồi tham gia đỡ đẻ cho phụ nữ ở địa bàn công tác.
Song song với các phong trào văn hoá, giáo dục, binh vận, phong trào đấu tranh chính trị lên cao, bà Điểm là người chủ chốt cùng chị em phụ nữ xã Vĩnh Hòa tổ chức một cuộc đấu tranh chính trị kéo ra đồn bót giặc đưa đơn yêu sách đòi chúng không được bắn phá, đổ quân đi càn để bà con làm ruộng. Đối mặt với các cuộc đấu tranh liên tục của phụ nữ, giặc cũng không dám bắn bừa. Bà Điểm khéo léo khơi gợi chút nhân tính cuối cùng của lính địch, kể những chuyện về quê hương, gia đình để làm giặc dịu đi ác tính. Cuối cùng, giặc chấp nhận yêu sách của bà con, không bắn phá và bắt người bừa bãi. Ở Kiên Giang khi ấy, phong trào đấu tranh vô cùng sôi nổi chính vì có lực lượng tuyên truyền mạnh mẽ, trong đó nhiều chị em phụ nữ đã phát huy tốt vai trò của mình.
Những kỷ niệm vừa hào hùng, vừa hững khởi cứ tuôn chảy mãi không thôi. Bà kể, lúc đó không khí cách mạng chưa bao giờ lên cao như thế. Những năm 1960 trở đi, quân dân miền Nam mở nhiều trận đánh vào đòn bót địch, lợi dụng mùa nước nổi đánh bất ngờ, thoắt ẩn thoắt hiện làm địch không kịp trở tay. Bà Điểm kể, khi đó, bộ đội tỉnh về đi xuồng nườm nượp. Theo chủ trương trên, địa phương nhận đưa đón, cứu chữa thương binh. Bà Điểm nhập vào đoàn xung phong vào rừng U Minh làm lán trại để tiếp đón thương binh. Bà cùng tổ đội chọn chỗ đắp hầm nổi, đốn tràm dựng trại, bơi xuồng ra xóm xin lá dừa, đợi trời tối đem về để lợp. Khoảng mười ngày đã làm được 7-8 trại có cả hầm trú ẩn, ngụy trang kín đáo, mỗi cái cách nhau từ 100-200m, làm cả cầu đi lại từ trại này qua trại khác, đắp cả bếp nấu ăn, sạp nằm... toàn bằng cây tràm.
Bà Điểm còn vận động nhân dân ủng hộ mặt trận, thương binh rầm rộ. Nhờ cán bộ sâu sát, sống cùng dân nên bà con ủng hộ rất nhiều: gà, trứng, mắm, cá khô, gạo nếp... Làm công tác bí mật, hằng đêm phải vượt rừng, lắm lúc bà phải ngủ giữa rừng với đầy rẫy nguy hiểm. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo mà bệnh viện dã chiến đã cứu chữa được nhiều thương binh. Ai nhẹ thì chữa trị 5 đến 10 ngày cho ra, nặng thì đưa đi quân y, có người hy sinh tại trại phải đi chôn cất. Bà nhớ lại, có đêm nhận vào 15, 20 người, đêm sau chuyển đi tiếp hoặc để lại chăm sóc. Hai tổ 12-14 người vừa y tế, hộ lý, cấp dưỡng liên tục, gần ba tháng trời thiếu ăn thiếu ngủ, tập trung phục vụ thương binh nhưng anh em vẫn trò chuyện ca hát vui vẻ, làm việc hết mình với tinh thần tập thể rất cao. Nhiều lần máy bay địch quần đảo nhưng trại dược ngụy trang kín đáo do đó vẫn được yên.
Ký ức về thời chiến đã phai nhạt ít nhiều, nhưng cứ ai hỏi là bà Điểm lại nhớ nhiều lắm. Cũng có thể đó là trí nhớ tốt của người chuyên về công tác tuyền truyền và hậu cần. Bà nhớ, bất cứ lúc nào mình cũng cố gắng tuyên truyền cho người dân về cách mạng, về Bác Hồ vĩ đại. Bà thường nói với người dân và cả bọn lính ngụy: “Tôi ở Bắc di cư vào tưởng dân theo ông Ngô sung sướng ai dè cực như chó, thế này còn ai theo nữa”. Chính cách nói dân dã, giản dị làm cho bà con nghe theo. Cả binh lính địch phần nào cũng lung lay ý chí chiến đấu.
Rồi cấp trên giao cho bà Điểm nhiệm vụ quan trọng là đào tạo cán bộ cho cách mạng. Bà hiểu rõ vấn đề đó, vì vùng giải phóng rộng dần, phải có trường cho các em học, có học mới có cán bộ sau này”. Trong quá trình dạy học, bà đã vận động được nhiều học sinh tòng quân và thoát ly phục vụ cách mạng. Bà hoạt động đến quên cả bản thân, cũng bởi nghĩ đến trách nhiệm của mình với đất nước và một tình yêu được cất giấu trong lòng. Dù hoạt động ở đâu, lòng bà vẫn luôn hướng về chồng ở Bắc, vẫn luôn tự nhủ: mình cố gắng lao động và chiến đấu cũng chính là ủng hộ chồng.
Từ giữa những năm 1964 đến giữa năm 1965, quân dân miền Nam đánh mạnh tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hỏng đại bộ phận ấp chiến lược, khu dồn dân, giải phóng rộng vùng nông thôn đồng bằng và miền núi, áp sát địch đến tận đường quốc lộ, thị xã, thành phố. Thời điểm này, chúng ta đã mở rộng công tác giáo dục, bổ túc văn hóa cho nhân dân, cùng với đó tuyên truyền cho bà con để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. Vừa dạy học, bà Điểm vừa tăng cường xuống dân tuyên truyền vận động tổ chức học tập, xây dựng nhà cửa trường lớp giáo dục, y tế, văn hóa, văn nghệ. Những hoạt động giáo dục, tuyên truyền của bà đã nâng cao văn hóa và lòng yêu nước cho nhân dân, âm thầm giúp sức cho cuộc kháng chiến miền Nam, thống nhất tổ quốc.
Gặp nhau
Đó là ngày bà không thể quên. Hai mươi năm, quá dài đối với một đời người trong thời chiến. Ngày 20-1-1974, bà Điểm đã được gặp chồng. Được cấp trên cho ra Bắc chữa bệnh, bà đã theo đường dây hợp pháp lên Lò Gò - Xa Mát -Tây Ninh, nhập chuyến ra Hà Nội. Bà đã được gặp chồng con, một hạnh phúc quá lớn sau bao năm phải xa nhau do chiến tranh.
Bà không kể nhiều về cảm xúc khi gặp lại người mình tin tưởng và yêu thương nhất. Tôi hỏi lý do tại sao, bà nói rằng lúc đó, lòng yêu nước phải được đặt lên trên tình cảm cá nhân. Bà bảo, chỉ cần tin tưởng vào người mình yêu. Phần bà luôn tâm niệm phải cố gắng làm tròn bổn phận của một cán bộ, một đảng viên. Còn nhiệm vụ làm một người vợ thì đành bù sau vậy.
Câu chuyện kết thúc. Bà nhờ tôi bắc ghế lấy tấm Huân chương Độc lập hạng Ba xuống lau chùi sạch sẽ. Có lẽ, danh hiệu đó không chỉ là sự tưởng thưởng với công lao của bà, mà còn nhắc chúng tôi không được quên những gì thế hệ trước khó khăn lắm mới giành được để gia đình này đang sống bây giờ.
Năm 2020, 45 năm nước ta giành được độc lập, tự do. Bao gia đình được đoàn tụ. Và cũng có bao người phải chia xa.
Đinh Thành Trung
Địa chỉ: B4/261 Thụy Khuê – Tây Hồ - Hà Nội
Điện thoại: 0912573597
E-mail: hell.wavetau@gmail.com