Ông Sáu Dân trong lòng người lính cận vệ

Ngày đăng: 07:18 27/11/2020 Lượt xem: 442

                   Ông Sáu Dân trong lòng người lính cận vệ


                                                            Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bí danh Sáu Dân) thương lính như con, như em, đối xử với họ như người chung một nhà.


Ông Phạm Thanh Dân, nguyên Trưởng phòng PX15, Công an TP.HCM, một trong những người từng cận kề bên ông Sáu Dân thời kháng chiến, kể: "Nguyên tắc của cận vệ là sống để dạ, chết mang theo. Ngay cả giấy tờ, bằng khen anh em cũng không được giữ. 

Ông Sáu Dân trong lòng người lính cận vệ
Đại tá Phạm Thanh Dân (đứng) - thành viên Đội cận vệ A6, nguyên Trưởng phòng PX15, Công an TP.HCM)

Cùng là đồng đội, cùng bảo vệ ông Sáu Dân ở nơi này nơi khác, nhưng anh em gặp nhau cũng chỉ biết tên hoạt động, không biết tên thật. Chẳng người nào, dù gắn bó với ông Sáu lâu đến mấy có được một tấm hình chụp chung với ông. Vậy mà hàng chục năm sau gặp lại, ông Sáu vẫn không hề quên ai, vẫn thuộc tên nhớ nết của từng người". 

Những người lính cận vệ cũng chẳng ai không nhớ ông, thương ông. Cho dù khoảng cách, vị trí công tác giữa ông và họ cách nhau một trời một vực, nhưng suốt những năm gian khổ, cuộc sống sinh hoạt giữa ông và họ vẫn chưa bao giờ cách biệt. Ông Sáu Dân thương lính như con, như em, đối xử với họ như người chung một nhà. 

Gọi là cận vệ cho oai, nhưng kỳ thực, những người đi theo bảo vệ, chăm sóc ông Sáu thời chiến tranh đều là những tân binh còn rất trẻ, chỉ 17-18 tuổi, cá biệt có những "cậu nhỏ" tuổi chỉ mới 15. 

Ông Hồ Văn Một, cận vệ của ông Sáu Dân ở Mỏ Cày, Bến Tre hồi đầu những năm 70 nhớ lại: "Hồi đó, tôi mới 16 tuổi. Nhiệt tình, yêu nước thì đi theo cách mạng chứ nhỏ xíu, vác khẩu AK còn thấy nặng, nghe tiếng đạn rít còn hoảng hồn thì đánh đấm cái gì. Vậy là được cấp trên "bố trí công tác phù hợp", cho đi theo chăm sóc ông Sáu.

Công việc của tụi tôi chỉ là ổng đi đâu, mình theo đó, lo nấu nước, châm trà, mắc mùng, lo chỗ ăn, chỗ ngủ chứ chẳng có nghiệp vụ gì cả. Thậm chí chức vụ của ông Sáu lớn đến cỡ nào, nhiều anh em cận vệ cũng chịu, chỉ tin chắc là ổng làm lớn lắm!". 

Thủ trưởng phụ lính đẩy xuồng

Ông Sáu không quan tâm đến điều đó, chỉ dồn sức cho công việc. Hồi những năm 60, chăm sóc ông Sáu ở R. là anh cận vệ Nguyễn Văn Ấm, quê ở Củ Chi, mới 17 tuổi. Anh này có tật ham ngủ. Đang đi công tác, nghỉ chân giữa chừng, chỉ cần ngồi dựa lưng vào gốc cây là Ấm ngáy pho pho. Đến giờ đi, ông Sáu gọi, anh cận vệ mới giật mình, dụi mắt bật dậy. 

Về đến căn cứ, Ấm mệt quá, lại lăn ra ngủ. Hiếu Dân, con gái của ông Sáu thắc mắc: "Anh Ấm làm cận vệ gì mà ngủ hoài vậy ba?". Ông Sáu cười, gạt đi: "Nó mới 17 tuổi, tuổi ăn tuổi ngủ, kệ nó". Có lần đi công tác ở Tân Tập, Long An, khi trở về, gặp con nước lớn, lại đi ngược dòng, Nguyễn Văn Ấm ráng sức chèo mà xuồng vẫn đi rất chậm. Ông Sáu thấy vậy bèn bảo: "Để tao phụ". Anh cận vệ chưa kịp can, thủ trưởng đã tụt xuống, trầm mình lội dưới sông phụ đẩy xuồng. Thấy Ấm tỏ ra áy náy vì bắt thủ trưởng phải mệt, ông Sáu cười xoà: "Một mình mày chèo thì chậm rì, đi hồi nào mới tới". 

Chẳng bao giờ bị ông Sáu la rầy, nhưng gần nửa thế kỷ sau, nghe bà Hiếu Dân nhắc lại chuyện này, ông Nguyễn Văn Ấm vẫn còn đỏ mặt vì xấu hổ. 

Nguyễn Văn Ấm sau giải phóng là quận ủy viên, công tác ở Ban Thanh tra quận 4, TP.HCM. Ông là một trong số những cận vệ có thời gian đi theo ông Sáu lâu nhất. Năm 1967, ông Sáu về hoạt động ở khu vực Bến Dược, Củ Chi. Cơ quan đóng chỗ nào là địch lao theo bắn phá chỗ đó rất dữ, cứ như thể chúng có tai mắt ở trong cứ. 

Cán bộ đi công tác chỗ nào cũng có địch bám theo, tình thế nguy hiểm luôn căng như sợi dây đàn. Chỗ ông Sáu ở chỉ có duy nhất một căn hầm. Đêm đến, anh cận vệ định nằm bên ngoài với nhiều anh em khác, dành căn hầm cho thủ trưởng. Nửa đêm, ông Sáu kêu: "Ấm, vô đây ngủ với tao! Bom pháo vầy, mày nằm ngoài đó không an toàn". 

Vào hầm, hai chú cháu nằm chung một chiếc chõng cây. Vừa đặt lưng là anh cận vệ lại ngáy, chẳng biết trời trăng gì cả. Tiếng ngáy to quá khiến ông Sáu không tài nào chợp mắt được. Gần sáng, ông phải trở dậy, nằm ngược đầu với Ấm. Vẫn chưa yên. Thủ trưởng quay đầu thì cận vệ mê ngủ gác chân lên ngực, lên bụng. Ông Sáu phải lấy tay cất chân ra khỏi người mấy lần, Ấm cũng chẳng hay biết. Được một chốc, ngủ mê, chân Ấm lại gác lên người ông tiếp. Có lúc, chòi đạp thế nào, chân Ấm còn kẹp cứng cổ thủ trưởng.

Chịu không nổi, ông Sáu phải tụt xuống trải nilon nằm đất, để giường cho anh cận vệ tha hồ chòi đạp. Lúc đó ông mới yên thân nhưng chưa kịp nhắm mắt thì trời đã sáng. Ngủ dậy, Ấm sợ hết hồn. Ông Sáu chẳng kêu ca, phàn nàn gì, chỉ nói với mọi người: "Nó ngáy, nó gác quá trời, tao ngủ hổng nổi!". 

Linh cảm của người lãnh đạo

Từ giữa năm 1967 đến đoạn đầu chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, ông Sáu Dân có mặt thường trực ở căn cứ Khu ủy T4 (Sài Gòn - Gia Định). Dường như đánh hơi thấy cách mạng sắp mở trận chiến lớn nên địch tăng cường đánh phá rất dữ. Nơi làm việc của cơ quan khu uỷ phải thay đổi liên tục, lúc đóng ở gần Mỹ Tho, lúc lùi sâu vào tận Mỏ Cày, Bến Tre. 

Cứ đánh hơi thấy cơ quan đóng chỗ nào là bom pháo địch rót xuống tơi bời ở đó. Giữa những ngày ác liệt đó, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy Sài Gòn - Gia Định gồm Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Trần Bạch Đằng (Tư Ánh), Mai Chí Thọ (Năm Xuân)… vẫn quyết tâm triệu tập được một hội nghị cán bộ Hoa Vận nội thành Sài Gòn - Gia Định bàn công tác chuẩn bị lâu dài trước chiến dịch Tết Mậu Thân. 

Hội nghị diễn ra bí mật, an toàn, họp 3 ngày liên tục tại xã Tân Phú Tây, Mỏ Cày, Bến Tre. Chiều 12/8/1967, hội nghị bế mạc. Không hiểu sao cả ngày cuối cùng diễn ra hội nghị, các hoạt động bắn phá, tuần càn của địch bỗng dưng ngưng lại hết. Suốt ngày hôm đó, khắp xã Tân Phú Tây và các xã Thành An, Thạnh Ngãi, Tân Bình lân cận đều không một tiếng pháo, trên trời cũng không có một bóng máy bay trinh sát nào. 

Ông Sáu Dân trong lòng người lính cận vệ
Tại căn cứ Trung ương Cục Miền Nam. Từ trái sang: Ông Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), ông Phạm Văn Xô (Hai Xô), ông Phạm Thái Bường (Ba Bường), ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân). Ảnh tư liệu

Kinh nghiệm, trực quan sắc sảo của một cán bộ lãnh đạo dày dạn khiến ông Võ Văn Kiệt linh cảm trước được nguy cơ sắp ụp xuống. Ông chỉ đạo các bộ phận phải lập tức tổ chức giao liên khẩn trương đưa các đại biểu về lại Sài Gòn ngay trong đêm. Riêng ông vẫn nấn ná ở lại thêm một đêm vì cần làm việc thêm với đồng chí Nghị Đoàn, cán bộ phụ trách Hoa vận T4.

Trước khi làm việc, ông Võ Văn Kiệt còn gọi anh em phụ trách công tác giao liên, bảo vệ đến, yêu cầu triệu tập cán bộ chiến sĩ họp bàn kế hoạch tác chiến, phân công nhiệm vụ đến từng tổ, từng người cụ thể và chuẩn bị công sự, vũ khí đề phòng một trận chiến đấu ác liệt sắp nổ ra. 

Quả nhiên, 3h sáng ngày hôm sau, 13/8/1967, cả trời đất đều rung chuyển bởi hàng loạt trận bom B52. 6h sáng, bom ngưng, nhường chỗ cho đạn pháo và rốc két vãi như mưa. Chừng 1 giờ rưỡi sau, một tiểu đoàn lính VNCH thuộc Sư đoàn 7 được trực thăng đổ xuống nhiều nơi tạo thành gọng kìm bao vây căn cứ của ta ở ấp 5, xã Tân Phú Tây. Quân địch đông hơn gấp bội, hoả lực mạnh, lại được trực thăng phóng pháo hỗ trợ tối đa. 

 

Tuy nhiên, phía ta nhờ chủ động bố phòng, lại thông thạo địa hình nên các đợt rải quân thọc sâu của chúng đều bị đẩy lùi. Có những lúc địch và ta cách nhau chỉ chừng 40-50m nhưng chúng vẫn chưa dám liều mạng xộc thẳng vào. Từ sáng đến trưa, ông Sáu Dân trực tiếp quan sát chiến sự, nghe báo cáo tình hình, không một lần xuống hầm. Đầu giờ chiều, ông chỉ đạo: vừa đánh vừa rút về tuyến hai có công sự cố thủ để bảo toàn lực lượng. 

Thương binh đặc biệt

Đến giữa chiều, ông Năm Xuân (Mai Chí Thọ) sốt ruột quá, cho người sang đón ông Sáu Dân về căn cứ ở Mỹ Tho, bên kia cầu Rạch Nhum. Trong khi nhảy qua mương tránh trực thăng, ông Sáu bị đạp chông, một cây tre nhọn dài tới 5 tấc cắm xuyên bàn chân lút đến quá nửa. Một cận vệ chiến đấu tên là Ba Mương chạy đến, rút cây chông ra và cõng ông Sáu Dân lội rạch suốt 2 giờ liền mới về đến căn cứ ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Tối hôm đó, vết thương nhiễm trùng, ông Sáu Dân lên cơn sốt. 

Ông Sáu Dân trong lòng người lính cận vệ
Các ông Phan Văn Đáng, Trương Chí Cương, Nguyễn Văn Linh, Phạm Thái Bường, Võ Chí Công (hàng trước), Võ Văn Kiệt, Trần Văn Quang, Phạm Văn Xô (hàng sau) dự hội nghị Trung ương Cục miền Nam lần thứ nhất tại Mã Đà, chiến khu Đ năm 1961. Ảnh tư liệu

Nghe tin ông Sáu bị thương, anh Phạm Thanh Dân vừa được cử đi học y sĩ về tức tốc xách theo cả cây chông còn dính máu đuổi theo thủ trưởng. Xem xét vết thương, Ba Dân nhận định phải mổ ngay. Ngặt nỗi, bác sĩ Mười Lù, người chăm sóc sức khoẻ của ông Sáu vẫn còn kẹt lại giữa trận chiến. Ông Sáu Dân quyết định liền: "Không có bác sĩ thì y sĩ cũng mổ. Cần mổ thì cứ mổ liền đi, đợi cái gì". Anh y sĩ nghe theo, làm liền. Vừa làm, anh vừa run vì không ngờ "thương binh" đầu tiên để anh thử tay nghề lại là ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt! 

Đã về cứ an toàn, nhưng vì tình thế cấp bách nên anh em vẫn chưa kịp đào hầm trú ẩn. Anh cận vệ Nguyễn Văn Ấm và một số anh em bảo vệ khác chỉ kịp tìm được một chiếc lu mái cao chừng 1m đào đất chôn xuống rồi làm nắp đậy lên, đưa ông Sáu Dân xuống trú. Số anh em cận vệ còn lại thì nằm nép mình ven những bờ mương lạch. 

Những ngày sau đó, bom pháo vẫn giã liên tục nhưng rất may là anh em không ai bị dính miếng nào. Cứ sau mỗi đợt bom, dù chân vẫn còn buốt nhức, người vẫn sốt, ông Sáu vẫn cứ đội nắp hầm, ngó quanh và đếm đủ mặt từng người lính bảo vệ mới yên. Sợ ông gặp nguy hiểm, anh Ấm quên mất vị trí, quát ầm lên: "Bom pháo quá trời, chú ra đây làm gì, chết thì sao?". 

Không giận, ông Sáu Dân chỉ cười: "Thì cũng phải thấy tụi bây an toàn hết, tao mới yên lòng được chứ. Nằm trong cái lu đó nóng quá trời!".

Chuyện lính nạt thủ trưởng, anh Ấm không phải là người duy nhất. Thương lính, lại dân chủ, cởi mở, hễ lính nói đúng là chịu nên đôi khi ông Sáu Dân cũng bị cận vệ "quát ầm trời". "Uống mật gấu" quát thủ trưởng thường là mấy "cậu nhỏ" mới vô làm cận vệ, nói vui theo kiểu của anh em là "ỷ nhỏ ăn hiếp lớn, hổng biết trời cao đất dày là cái gì". 

Chuyện nấu nước của cậu bé 15 tuổi

Ở căn cứ Trung ương Cục tại Tây Ninh, có một "cậu nhỏ" 15 tuổi cứ nằng nặc đòi đi cầm súng "uýnh nhau". Thấy cậu còn nhỏ, cơ quan đưa cậu qua chỗ lán ông Sáu, chuyên nấu nước, pha trà. Ngày nào cũng lui cui ra vào một chỗ chẳng được đi đâu, cậu nhỏ nổi quạu. Một hôm, cậu bé ngang xương chặn đường ông Sáu, vừa la vừa khóc: "Bác Sáu, bác phải trả lời cho con ngay. Sao hứa cho con đi chiến đấu mà cứ bắt con nấu nước hoài vậy? Bác kêu người khác đi, con không làm nữa". 

Thấy cậu bé làm dữ, anh em trong cơ quan hơi lo lo, sợ nó "làm nư" gây phiền phức, định tới đưa cậu ra. Ông Sáu nhẹ nhàng ngăn mọi người lại, gọi cậu bé ra riêng, bảo ngồi đối diện.

Bằng giọng rất nghiêm túc, ông hỏi: "Nè nhỏ, mày có biết ‘cái sự quan trọng’ của chuyện nấu nước không?". Cậu bé không muốn nghe: "Uýnh giặc mới quan trọng chớ nấu nước thì quan trọng gì?". Ông Sáu nghiêm mặt: "Bậy hết sức. Khát nước còn khổ hơn đói ăn. Ngày nào cũng phải uống nước, không thì khỏi sống. Họp hành cũng phải uống nước. Nếu không quan trọng, ai nấu nước cũng được, gặp phải đứa xấu, nó cho thuốc vô nồi nước, cơ quan chết ráo trọi thì còn ai đánh giặc. Mày nói coi vậy có quan trọng không?". 

Ngay tức khắc, mặt cậu bé tươi như sáo, quên béng mất lý do chặn đường thủ trưởng. Cậu bé nói rất cả quyết: "Việc quan trọng vậy, bác Sáu cứ yên tâm để con làm, khỏi cho ai giành nấu nước nữa". 

Nhưng hơn một năm, khi cậu bé đã lớn hơn một chút, mỗi lần đi công tác, ông Sáu cũng gọi cậu đi cùng. Ở Trung ương Cục, hai bác cháu thường đi công tác bằng xe đạp. Ông Sáu ưa nhanh nhẹn, cứ lên xe là đạp rất nhanh, trong khi cậu bảo vệ thì vừa đi vừa phải để ý quan sát nên thường bị thụt lại.

Có lần, ông đi nhanh quá, đạp đến nơi vẫn chưa thấy cậu bảo vệ đâu, đành đứng chờ. Cậu bé đạp xe tới, ông chưa kịp nói gì, cậu đã… chỉ tay quát cho ông một tràng: "Tui nói bác biết nghe! Trách nhiệm của tui là bảo vệ an toàn cho bác. Bác đi rầm rầm vậy, ai theo kịp mà bảo vệ được, hả?". 

Ngang nhưng có lý, ông Sáu cười xoà: "Nhứt trí, lần sau tao rút kinh nghiệm". Từ đó, đi đâu, làm gì mà có cậu bé theo, ông Sáu Dân cũng phải… dè chừng. Ông bảo: "Thằng nhỏ này ghê lắm, hễ mình sai là nó cự liền, hổng có chuyện nể nang gì ráo trọi!". Vậy nhưng ông cũng chưa yên được với cậu bé. 

Ra khỏi rừng, để sang khu không hợp pháp bao giờ cũng phải qua một khoảng trống. Để ý, ông thấy cậu bảo vệ có kiểu di chuyển rất lạ lùng: cứ đi ra khỏi rừng thì cậu chầm chậm đạp xe sau ông. Nhưng khi về thì bao giờ cậu cũng hối hả đạp vượt lên, đi trước. Lấy làm lạ, ông hỏi: "Mày đi kiểu gì kỳ vậy, nhỏ?". Lập tức, ông lại bị cậu bảo vệ cự lại, giọng rất to: "Bác không biết hả? Bác có súng thiệt, còn con thì mấy chú chê nhỏ, kêu mang súng giả. Ra ngoài, nếu con đi trước, lỡ nó bắn con sao con bắn lại? Khi về, con đi sau, nó bắn sau lưng con thì sao?". 

Ối trời, thì ra là tự ái trẻ con. Ông Sáu nghe khoái chí, cười ha hả. Sau lần đó, ông yêu cầu phát ngay cho cậu một khẩu súng thiệt, vì "khôn như thằng này thì không nhỏ nữa, cầm súng… thật được rồi". 

Cậu bé ưa thắc mắc ấy tên thật là Lê Văn Dũng, quê ở Củ Chi. Sau này trưởng thành, anh là một điệp báo viên rất giỏi, nổi tiếng khắp khu Sài Gòn - Gia Định về sự gan lỳ, quả cảm.

Trong chiến dịch Tết Mậu Thân, Dũng tham gia đánh vào nội thành và hy sinh. Nghe tin anh mất, ông Sáu buồn, khóc như cha khóc con. Hàng chục năm sau, trong những lần gặp gỡ anh em cận vệ, bảo vệ từng chung sống, ông Sáu vẫn nhắc đến Lê Văn Dũng, mắt thường rơm rớm: "Thằng nhỏ ấy ngang nhưng rất tình cảm. Nó thương tao lắm. Tao cũng thương nó nhất"

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan