2. Một cán bộ cách mạng có tác phong làm việc trách nhiệm, tâm huyết, mềm dẻo nhưng rất cương quyết
Trước những khó khăn chung của đất nước do bị tàn phá sau chiến tranh, trên cương vị Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí Lê Đức Anh quyết định chỉ giữ lại Sư đoàn 330 thường trực, còn đưa Sư đoàn 8 và Sư đoàn 4 đi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế; tổ chức đào tạo cán bộ quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang; kiểm kê quản lý và sử dụng chặt chẽ, hiệu quả toàn bộ tài sản, kể cả số vũ khí, cơ sở vật chất thu được của địch. Những quyết định trên, không gây biến động lớn về tổ chức biên chế mà còn tạo được sự ổn định vững chắc cả về con người, tổ chức và xã hội trên địa bàn Quân khu 9. Do vậy, khi quân Pol Pot gây hấn, lực lượng vũ trang Quân khu 9 đã đánh bại địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Lợi dụng tình hình khó khăn sau chiến tranh và sự yếu kém của một bộ phận cán bộ địa phương, các thế lực thù địch lôi kéo nhân dân tiến hành bạo loạn ở Trà Vinh. Đồng chí Lê Đức Anh chủ trương không đưa lực lượng quân sự xuống dẹp bạo loạn mà phải giải quyết vấn đề mềm dẻo, khôn khéo, nhưng cương quyết, dứt khoát, không để đổ máu. Ông đã cùng Tỉnh ủy Trà Vinh tìm hiểu những sai trái, lệch lạc trong đội ngũ cán bộ, từ đó tiến hành kiểm điểm, sửa sai, xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ vi phạm. Với cách xử lý khôn khéo, cương quyết đó, đồng chí đã cùng lãnh đạo tỉnh Trà Vinh dẹp được bạo loạn, giữ vững ổn định chính trị.
Quá trình chỉ đạo giúp cách mạng Campuchia, Đại tướng luôn trăn trở làm sao để bạn mạnh lên, từng bước tự đảm đương được sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước và máu của cán bộ, chiến sĩ ta đỡ đổ. Chính vì vậy, ông đã chỉ đạo xây dựng tuyến phòng thủ biên giới (K5) dài 800km, góp phần chia cắt chiến lược, hạn chế và ngăn chặn sự xâm nhập của địch từ Thái Lan vào nội địa Campuchia, để ở trong nội địa, ta và bạn kết hợp tiến công truy quét làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch.
Là một cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, Đại tướng có gần 50 năm gắn bó với quân đội, với các lực lượng vũ trang, nhân dân trên các chiến trường. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và gần 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia, Đại tướng rất tâm huyết với công việc “Tổng kết kinh nghiệm chiến tranh cách mạng”, để lý giải tính đúng đắn của cách mạng Việt Nam, đồng thời rút ra bài học cho công cuộc giữ nước mai sau. Cuối nhiệm kỳ Đại hội VI của Đảng, Đại tướng đã đề đạt nguyện vọng xin không ứng cử vào Quốc hội khóa IX và xin rút khỏi danh sách đề cử vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ VII, để chuyên trách công tác tổng kết kinh nghiệm chiến tranh. Tuy nhiên, trước yêu cầu sự nghiệp cách mạng, ý nguyện của đồng chí không được Bộ Chính trị chấp thuận.
3. Một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, phong cách đổi mới, nhanh nhạy, bám sát thực tiễn, luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc trên hết
Đại tướng Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, nhạy bén, linh hoạt trong xử lý các tình huống phức tạp. Sau khi trực tiếp tham gia chỉ huy giải phóng miền Nam, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot và hồi sinh đất nước, đến khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tiếp tục là một trong những người chèo lái đưa đất nước ta dần thoát khỏi khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Đời sống nhân dân từng bước cải thiện, quan hệ quốc tế được mở rộng, vị thế của Việt Nam trên thế giới được nâng cao.
Trước những vấn đề lớn, phức tạp, Đại tướng luôn trăn trở, đề xuất được những giải pháp phù hợp, hiệu quả. Đại tướng đã từng tâm sự: “Thực hiện đường lối đổi mới tại Đại hội VI năm 1986, tôi đang làm Bộ trưởng Quốc phòng thì được Bộ Chính trị giao cho việc tìm cách nào đó để phá thế bao vây cấm vận của Mỹ. Lúc đó, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không có một kênh tiếp cận nào cả nên rất khó làm. Vả lại, chiến tranh mới kết thúc hơn 10 năm, sự hận thù vẫn còn sâu sắc lắm. Không thể tiếp cận với nhau bằng chính trị, kinh tế, vậy thì phải tìm ở lĩnh vực khoa học - kỹ thuật”.
Từ những trăn trở, tìm tòi, Đại tướng đã tìm ra bước đi khôn khéo với chiến dịch “Phẫu thuật nụ cười” và “Tìm kiếm người Mỹ mất tích - MIA” để mở ra đột phá khẩu trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Kết quả những bước phát triển lịch sử trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước và hoà bình ổn định ở khu vực ngày nay, đã minh chứng tầm nhìn chiến lược và công lao đóng góp của Đại tướng.
Ngày 9/11/1993 tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân tổ chức lễ đón, chào mừng Chủ tịch nước Việt Nam Lê Đức Anh.