Quê hương xứ Truồi với Đại tướng Lê Đức Anh
Nguồn: Báo Điện tử Thời Đại
Chúng tôi về làng Bàn Môn, quê hương của Đại tướng Lê Đức Anh-nơi lưu giữ nhiều kỷ vật về Đại tướng mà lòng bồi hồi xúc động. Làng cũ, quê xưa, người quen thân thiết, đơn sơ, mộc mạc...
Con sông Truồi thơ mộng chảy qua làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong một đêm đông tối trời năm 1939, chàng thanh niên Lê Đức Anh đã vượt qua sông này, bí mật rời khỏi làng, dấn thân vào cuộc đời cách mạng. Bối cảnh lịch sử khi đó thực dân Pháp khủng bố phong trào cách mạng ở Thừa Thiên, nhiều đảng viên bị bắt, cầm tù. Đảng chủ trương: “Tất cả đảng viên rút vào hoạt động bí mật, tự thân di tản để bảo toàn lực lượng, khi có thời cơ thì tìm cách bắt liên lạc với tổ chức tiếp tục hoạt động cách mạng”. Tôi hình dung đêm ấy, chàng trai Lê Đức Anh bước đi trong bóng tối dọc bờ sông Truồi để tìm chỗ vượt qua sông. Đi mà không hẹn ngày trở lại, không biết được điều gì sẽ chờ mình ở quãng đời phía trước. Nước sông lạnh buốt, trong bóng tối vẫn lặng lờ trôi dịu dàng như mọi dòng sông ở xứ Huế này...
|
Đại tướng Lê Đức Anh trong Lễ khánh thành nhà văn hóa tại quê nhà (Lộc An, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế), tháng 4-2012. Ảnh tư liệu |
Rời bờ sông Truồi, chúng tôi vào trò chuyện với anh Lê Nguyên Thi, 43 tuổi, là cháu họ Đại tướng Lê Đức Anh, người chăm sóc vườn cây, khuôn viên nhà văn hóa. Anh nói: “Được làm công việc trông coi nhà văn hóa là tâm niệm, nguyện vọng của không chỉ bản thân mà của cả gia đình, dòng tộc tôi. Ngày ngày được đón tiếp các đoàn khách đến viếng, tìm hiểu về Đại tướng Lê Đức Anh, tôi càng hiểu và tự hào về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của người con ưu tú quê hương xứ Truồi. Tôi tự hứa phải làm tốt hơn nữa công việc được giao”. Những ngày này, lượng khách đến với Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh không chỉ là cán bộ, học sinh, sinh viên và người dân mà còn có cả du khách nước ngoài.
Công trình chính của nhà văn hóa là thư viện với hơn 3.000 cuốn sách, được xây dựng theo phong cách nhà rường Huế với 3 gian nhà và các tủ sách bằng gỗ. Trong khuôn viên nhà văn hóa có biểu tượng cột mốc chủ quyền Việt Nam được dựng lại giống như cột mốc tại Trường Sa năm 1988. Tháng 4-2012, phát biểu trong Lễ khánh thành nhà văn hóa, Đại tướng Lê Đức Anh cảm động: “Những đóng góp của quê hương Thừa Thiên Huế đã trở thành truyền thống, thành tài sản văn hóa quý giá cho các thế hệ kế tục học tập, giữ gìn và trân trọng. Học tập, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, luôn vững tin ở thắng lợi của cách mạng ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất chính là một trong những động lực quan trọng để chúng ta thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp, đời sống nhân dân yên vui, ấm no, hạnh phúc. Nhân đây, tôi đề nghị các cơ quan, bạn bè thân hữu hãy tiếp tục sưu tầm sách, báo, tài liệu có giá trị để bổ sung vào nhà văn hóa này nhằm phục vụ nhân dân, góp phần bồi dưỡng tinh thần và nâng cao kiến thức mọi mặt cho nhân dân được tốt hơn. Tôi mong nhà văn hóa này và tất cả nhà văn hóa khác góp phần củng cố, nâng cao ý chí giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn vùng đất liền, vùng biển, đảo và vùng trời. Và nâng cao không ngừng trình độ khoa học và công nghệ trên tất cả các lĩnh vực, góp phần phổ biến những kinh nghiệm, ứng dụng những tiến bộ mới nhất của xã hội cho nhân dân trong vùng”.
Lật giở những dòng lưu niệm của những người đã từng đến thăm Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh, chúng tôi thật sự xúc động trước tình cảm của họ đối với Đại tướng. Bạn Lê Quỳnh Mai, sinh viên Lớp K16, Trường Đại học Vinh (Nghệ An), xúc động viết: “Kính thưa bác Đại tướng Lê Đức Anh! Được đến thăm nhà văn hóa, cháu vô cùng xúc động. Cháu biết được mỗi nơi bác từng sống, chiến đấu, mỗi nẻo đường bác đi qua đều để lại tình cảm thương yêu, trìu mến vô bờ của quân và dân cả nước. Tài năng và đức độ của bác, thế hệ chúng cháu nguyện mãi học tập suốt đời”.
Và đây là những dòng chữ đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư, khi đến thăm nhà văn hóa đã viết: “Đại tướng Lê Đức Anh, một cán bộ quân sự-chính trị và giàu nét văn hóa dân tộc đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng, cho dân tộc. Công lao to lớn của đồng chí, quân đội, nhân dân và Đảng ta mãi mãi trân trọng và học tập, phát huy”.
Về Bàn Môn lần này, tôi thật may mắn khi được anh Lê Hữu Đức, 44 tuổi, cháu ruột của Đại tướng Lê Đức Anh cho biết địa chỉ và giới thiệu gặp được cụ Lê Thị Xoan, người em út trong số 9 anh em của Đại tướng Lê Đức Anh. Cụ Xoan năm nay đã 89 tuổi và rất minh mẫn. Khi được hỏi những kỷ niệm về người anh trai, Đại tướng Lê Đức Anh, cụ xúc động nói: “Hồi nhỏ, tui là em út nên rất được anh cưng chiều, anh thường bày cho tui nhiều trò chơi và luôn dạy em học chữ. Có món quà gì quý anh cũng nhường hết cho em. Tui nhớ nhất là hình ảnh anh cho tui ngồi trên vai chạy quanh sân mỗi khi tui hờn dỗi anh. Đến năm 17 tuổi, anh đi theo cách mạng, vào tận Lộc Ninh, Tây Ninh. Anh đi biền biệt nên anh em tui không gặp được nhau. Cả chục năm bặt tin anh, đến năm 1951, tui vô tình đọc được một bài trên Báo Nhân Dân với tựa đề: “Đồng Tháp Mười đánh giặc” của tác giả Lê Đức Anh. Linh cảm mách bảo chắc chắn anh tui còn sống và tui báo để ba mạ mừng... Sau ngày thống nhất đất nước, anh em tui được gặp nhau nhiều. Mỗi lần gặp, anh luôn dặn dò, động viên con cháu chăm học, chăm làm, xây dựng làng xóm, quê hương giàu mạnh...”.
Ông Lê Quý Mỹ, 95 tuổi đời, 75 tuổi Đảng, nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Lộc, tâm sự: “Mỗi lần Đại tướng về thăm quê, ông rất giản dị, thường đi thăm bà con lối xóm, ân cần thăm hỏi cuộc sống, tình hình lao động sản xuất; động viên bà con, họ hàng, con cháu quê hương luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy tinh thần thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp. Đặc biệt, ông rất thích uống nước chè Truồi và thưởng thức các món ăn được đánh bắt từ đầm phá Cầu Hai để nhớ về tuổi thơ”.
Những ngày này, người dân làng Bàn Môn đang phấn khởi chào đón kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh. Băng rôn, cờ, biểu ngữ đón chào sự kiện trải dài từ trung tâm xã Lộc An đến tận các thôn xóm; trên mỗi con đường về Bàn Môn đều rực rỡ cờ, hoa. Bà con cho biết, Đại tướng Lê Đức Anh lần nào về quê cũng ra sông Truồi, kể chuyện với mọi người về thời thơ bé, thanh thiếu niên của mình. Đại tướng vào thăm trụ sở UBND xã, thường xuyên dặn dò: Quê hương Lộc An còn nghèo, nhân dân còn khó khăn, cho nên cán bộ xã phải nỗ lực trong công việc, đi đầu trong các phong trào, phải biết gần dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân thì mới hiểu và giúp người dân được... Đặc biệt, Đại tướng dặn phải chăm lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn để sau này sống có ích cho xã hội; sống chan hòa, gắn bó với bà con xóm giềng, giúp đỡ những người gặp khó khăn.
Những năm qua, Lộc An-quê hướng Đại tướng, từ một xã nghèo đã phấn đấu vượt bậc, thu nhập bình quân đã đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm. Xã có hơn 3.000 hộ dân, hơn 14.000 nhân khẩu, phát triển kinh tế chủ yếu theo hướng thương mại, dịch vụ, nông-lâm-ngư nghiệp. UBND xã đã quy hoạch nhiều cánh đồng mẫu lớn đưa vào sản xuất lúa, với tổng diện tích 1.466ha, năng suất bình quân đạt 6,3 tấn/ha, sản lượng lương thực đạt hơn 9.400 tấn. Cùng đó, tài nguyên 175ha rừng và 72ha mặt nước nuôi trồng thủy sản cũng góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, xã có từ 50 đến 60 cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Tháng 9-2018, xã Lộc An được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.
“Xứ Truồi ngọt mít, thơm dâu/ Anh đi làm rể ở lâu không về”, câu ca dao đã nói lên khung cảnh yên bình, đầm ấm lâu đời nơi đây. Mỗi lần về thăm quê, Đại tướng Lê Đức Anh luôn được bà con, người thân mời thưởng thức những đặc sản quê hương như dâu, mít và nước chè xanh hái từ trong vườn nhà. Chỉ còn ít ngày nữa là tròn 100 năm Ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh. Sau những cơn bão, lũ vừa qua, dòng sông Truồi dần trong xanh trở lại. 100 năm trước, bên dòng sông này đã bật lên tiếng khóc chào đời của một người rồi sẽ trở thành vị Đại tướng, vị Chủ tịch nước suốt đời phụng sự Tổ quốc, nhân dân.
( C. H sưu tầm)