"Người lái xe của Chính ủy Bùi Tùng ngày 30-4-1975". TG: Nguyễn Việt Phát

Ngày đăng: 08:32 14/01/2021 Lượt xem: 1.536
Câu chuyện cuối năm:
 
NGƯỜI LÁI XE CỦA CHÍNH ỦY BÙI TÙNG NGÀY 30/4/1975


 
         Giữa những ngày cuối năm bận rộn và rét mướt, đoàn cựụ lính xe tăng do đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, chủ trang phây “LÍNH XE TĂNG” dẫn đầu, đã hành quân “thần tốc” lên Cao Bằng thực hiện một “sứ mệnh” lịch sử để gặp và xác minh người lái chiếc xe bọc thép K63 đưa chính ủy lữ đoàn 203 Bùi Tùng vào dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975.
         Chuyến đi đột xuất này bắt nguồn từ chuyện tôi chia sẻ những bài báo nói về chuyện chính ủy Bùi Tùng xứng đáng được phong tặng danh hiệu AHLLVTND. Thế là Trần Đức Khang, bạn đồng ngũ với tôi 50 năm về lần tìm được số điện thoại của tôi và gọi hỏi xem có đúng tôi là NGUYỄN VIỆT PHÁT của C3, D33, F304B ngày xưa không. Trong câu chuyện Khang còn “khoe” với tôi rằng chính Khang đã lái xe K63 đưa chính ủy Bùi Tùng từ Đà Nẵng vào dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Bạn cũ gặp lại nhau trên phây sau nửa thế kỷ và thông tin “hot” ấy được Đào Lê, một thành viên của trang Lính xe tăng (con trai của Phó tư lệnh chính trị binh chủng tăng thiết giáp, thủ trưởng của trung tá Bùi Tùng ngày xưa) đã “cấp báo” cho “Tư lệnh” Nguyễn Khắc Nguyệt và nhờ tôi dẫn đường cho chuyến “đột kích” vào quá khứ cuối năm này.
         Một con xe 10 chỗ cũ kỹ, 6 cựu lính tăng rất ngầu và một cựu trinh sát pháo binh ngót U70 đã hăm hở xuyên một mạch 5 con đèo trên quốc lộ 3 là đèo Giàng, đèo Gió, đèo Ngân Sơn, đèo Cao Bắc và đèo Tài Hồ Sìn để lên Cao Bằng giữa tiết trời dưới 10 độ. Các “quê” tăng Chiến, Hiệp, Huấn người thì 207, kẻ thì 203 đã liên hệ bố trí nơi ăn ngủ chu đáo cho đoàn.
         Đừng ai bảo chỉ có dân miền Nam càng ngồi nhậu lâu càng thêm đông đội hình. Bên nồi lẩu thập cẩm nóng hôi hổi, các cú gọi, nhắn tin tới tấp được phát lên không gian waifai mà hầu như quán nào cũng có đã chẳng mấy chốc giúp thêm đông chiến hữu. Đêm đầu tiên tại thành phố Cao Bằng, dù đã gần 10 giờ đêm nhưng chúng tôi vẫn dắt nhau đi vãn cảnh phố đêm lung linh huyền ảo, đang đổ sắc màu xanh đỏ tím vàng xuống dòng sông Bằng sóng sánh. Và cuối cùng là xuýt xoa thử bát cóong phù nòong viên xanh viên đỏ ngọt cay mùi gừng và chỉ có ở đêm đông ở miền biên viễn này.
         Sáng hôm sau chúng tôi được đồng đội dẫn đến nhà Khang. Đó là một ngôi nhà cấp 4 đơn sơ trên lưng chừng sườn dốc tới 20 độ. Cả nhà Khang hồ hởi đón chúng tôi. Nhìn Khang ngoài đời với Khang nghệ sĩ kiêm nghệ nhân đàn tính mà VTV1 và VTV Cao Bằng đã giới thiệu chẳng khác gì mấy. Dù xắp 70 tuổi nhưng vẫn đẫy đà, trắng trẻo và linh hoạt nhanh nhẹ lạ thường. Sau những vòng ôm và bắt tay và chén rượu ngô cay nồng thân thiết, Khang kể cho chúng tôi về câu chuyện mà chúng tôi hằng mất công lặn lội lên đây để nghe sự thật.
         Ngày ấy giữa tháng 5/1971, đang trong biên chế của đoàn văn công tỉnh Cao Bằng, Khang nhập ngũ vào C3, D33, sư đoàn 304B đóng tại Tân Yên, Hà Bắc. Vài tháng sau Khang được cử đi học lớp tiểu đội trưởng, rồi lại được chuyển sang học lái xe tăng và làm trợ giáo xe tăng tại trung đoàn 207. Nhờ có năng khiếu văn nghệ, đàn hát nên Khang được giữ lại chưa phải vào chiến trường. Cho đến tận 28/3/1975 Khang mới nhận được lệnh vào Nam chiến đấu. Khi tới A Sầu A Lưới, Khang được giao trong ba ngày phải chữa xong chiếc xe thiết giáp K63 bị hỏng rơle khởi động, nhưng chỉ trong một ngày Khang đã chữa xong và liền được giao lái chiếc xe đó. Trên đường Trường Sơn, gặp đoạn qua vực nguy hiểm, Khang bảo mọi người xuống để mình anh lái xe vượt qua an toàn. Tới ngày 13/4/1975 vừa tới Đà Nẵng thì Khang được lệnh lái xe cho chính ủy lữ đoàn 203 Bùi Tùng. Ngày 28/4 đội hình 5 xe chỉ huy của Lữ đoàn 203 tiến về Sài Gòn. Theo đại tá nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt thì xe đầu chở lữ trưởng 203 Nguyễn Tất tài. Xe thứ hai chở chính ủy Bùi Văn Tùng. Xe thứ ba chở lữ phó Trần Minh Công. Xe thứ tư chở ban tham mưu và xe thứ năm chở Tham mưu phó Nguyễn Đức Hiển. Tới cầu Sài Gòn xe chở Lữ phó Trần Minh Công bị trúng pháo khiến lữ phó Công bị thương và 6 chiến sĩ hy sinh.
         Trần Đức Khang kể tiếp: Gần trưa 30/4/1975, anh lái chiếc K63 biển số R15 thẳng theo đường Hồng Thập Tự đưa chính Ủy Tùng vào dinh Độc Lập, sau khi thấy xe tăng 390 đã húc đổ cổng dinh. Tới cổng dinh anh dừng xe và chạy theo thủ trưởng Tùng vào dinh, sau đó leo lên tầng hai của dinh, thấy bộ đội ta đã vào dinh và một số phóng viên nước ngoài đang lia máy ảnh chụp lia lịa, rồi anh phải trở ngay ra ngoài xe để trực chiến đấu. Tối hôm đó anh mới được lái chiếc K63 vào đỗ cạnh hàng cây cổ thụ trước cửa Dinh.
         Khi được hỏi mong muốn bây giờ là gì, Trần Đức Khang bảo chỉ mong sớm được gặp lại chính ủy Bùi Văn Tùng, người thủ trưởng luôn nhắc anh em chuẩn bị một bình sữa nóng cho lái xe trên đường hành quân. Còn chuyện anh được chở thủ trưởng vào dinh để tiếp nhận địch đầu hàng trưa 30/4 đó chỉ là cơ duyên may mắn chứ đâu phải chiến công gì to tát, nên mấy chục năm qua anh chỉ kể qua loa cho vợ con nghe mà thôi.
         Kể xong chuyện chiến trường xưa, Khang lại say xưa cầm cây đàn tính vừa đàn vừa hát cho chúng tôi nghe những khúc hát then mượt mà đa phần do anh tự biên tự diễn. Anh còn tiết lộ riêng với tôi rằng mỗi tháng sản xuất được mươi cây đàn bán kiếm được dăm bảy triệu để trang trải cuộc sống.
         Trước ông kính máy quay của đài truyền hình Cao Bằng, hội trưởng lính xe tăng Cao bằng Nguyễn Xuân Hiệp thì nói trong ngấn lệ: Thật khó hiểu là tại sao đến giờ chính ủy Bùi Văn Tùng chưa được phong tặng danh hiệu AHLLVTND. Nhưng dù thế nào thì trong trái tim cựu lính tăng Cao Bằng chúng tôi và trong lính xe tăng cả nước, chính Ủy Bùi Văn Tùng đã là một người anh hùng.
         Riêng Đại tá Nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, cũng là một cựu lính tăng có mặt trong giờ phút trọng đại trước dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, bây giờ là chủ trang phây búc “Lính xe tăng” với 2,5 vạn thành viên hoạt động hiệu quả và thiết thực trong khắp cả nước thì khẳng định rằng: Với cuộc hội ngộ đặc biệt lần này, với những giấy tờ gốc mà “quê” Khang giữ được, những lời kể khớp với lịch sử và sự chứng thực của bao đồng đội cũ thì có thể khẳng định chắc chắn rằng, Trần Đức Khang chính là chiến sĩ lái chiếc xe K63 biển số R15 đưa chính ủy Bùi Văn Tùng vào dinh Độc Lập để rồi sau đó tiếp nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh trưa ngày 30/4/1975.
         Còn với tôi, hy vọng cuộc gặp mặt giữa những người lính tăng với Trần Đức Khang tại Cao Bằng lần này chưa phải là kết thúc. Tôi mong sớm được chứng kiến một cuộc hội ngộ giữa Khang với đại tá Bùi Văn Tùng và có thể thêm một số đồng đội cũ dưới quyền ông ngay tại dinh Thống Nhất vào một ngày không xa, khi mà ông Tùng đã vào tuổi 90 với bao bệnh tật khó lường.
         Tôi cũng nghĩ rằng, trong ba nhân vật được lịch sử “ lựa chọn” thực hiện những hành động cuối cùng để góp phần kết thúc chiến tranh kể từ trưa 30/4/1975 ấy là trung úy Bùi Quang Thận (người cắm cờ lên nóc dinh Độc Lập), đại úy Phạm Xuân Thệ, người có mặt đầu tiên bắt nội các Sài Gòn đầu hàng và tham gia chỉ huy dẫn giải Dương Văn Minh ra đài phát thanh đọc lời đầu hàng, và trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy lữ tăng 203, người soạn thảo lời đầu hàng của Dương Văn Minh, viết và đọc lời tiếp nhận đầu hàng cùng lời tuyên bố MIỀN NAM HOÀN TOÀN GIẢI PHÓNG ngày ấy, hai người đã được phong anh hùng, thì việc phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho chính ủy Bùi Văn Tùng là hoàn toàn xứng đáng và cần làm ngay.
         Đó mới là sự công bằng của lịch sử.

 
Đêm 11/1/2021
Nguyễn Việt Phát

tin tức liên quan