---------------------------------------------------------------
Rét trên đỉnh Trường Sơn.
Hoàng Văn Kính
Những ngày mùa đông, được tận hưởng cái lạnh tê tái trên dưới dưới 10 độ, ai nấy đều xuýt xoa khoác lên người đủ thứ: giầy da cao cổ, áo lông, mũ bông, găng tay da, khẩu trang kín mặt…trông cứ như Ninda chẳng còn nhận ra người hay là…ma. Ấy là ra đường, còn ở trong nhà thì máy sưởi, đèn sưởi, điều hòa 2 chiều chạy vi vu 24/24 tiếng, nước nóng thường trực trong bình. Đêm ngủ thì giường đệm, gối bông, chăn bông, chăn dạ, chăn len phủ kín toàn thân ấy thế mà lúc nào cũng rên rỉ, kêu rét.
Cuộc sống đủ đầy hôm nay, kí ức bỗng gợi nhớ về cái rét cắt da, cắt thịt những năm tháng sống và chiến đấu trên đỉnh Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tôi vào Trường Sơn tháng 9/1965 nhưng phải đến những tháng cuối năm 1966 đầu năm 1967 mới thực sự được tận hưởng cái rét khủng khiếp của núi rừng Trường Sơn. Đặc trưng của cái rét trên đỉnh Trường Sơn là gió bấc, mưa phùn, sương muối. Bầu trời là là trên đầu một mầu đen xám xịt; gió lùa hun hut, thổi dần dật, cây cối nghiêng ngả; sương mù dăng dăng trắng xóa phả hơi lạnh vào mặt, đứng cách chục mét là không nhìn thấy nhau. Lạnh tê tái, mặt mày xám ngoét, chân tay run rẩy, hai hàm răng thi nhau gõ mõ.
Để chống chọi lại, gia tài của mỗi chúng tôi là một cái áo nỉ chui cổ mầu tím than, 2 bộ quần áo vải Triều Tiên để mặc cả mùa hè và mùa đông, 2 cái quần đùi, 1 cái mũ cối “ đểu” và một đội giầy vải cao cổ hiệu Trung Quốc. Ngoài ra còn một cái chăn chiên, một màn đơn và một chiếu cói. Đêm ngủ có bao nhiêu chất hết lên người, đắp chồng 2 cái chăn, 2 cái màn và chồng 2 cái chiếu dải ở dưới, phía trên cùng phủ tâm nilon đi mưa vừa để chống những hạt sương “ quá mù hóa mưa” từ trên nhỏ xuống vừa để chống rét. 2 đứa nằm co ro, úp thìa ôm chặt “ khít khìn khịt ” để chuyền hơi ấm sang cho nhau. Da thịt chỗ nào hở ra thì cái rét sắc lẹm như lưỡi dao cứa vào.
(Ảnh minh họa)
Lán ở được dựng dấu kín dưới tán cây, làm bằng khung tre, lợp lá cọ xung quanh được che chắn bằng phên nứa, gió và sương muối cứ thế luà vào. Gió rít, căn lán run lên bần bật. Ngày thì cấm không được đốt lửa sưởi vì sợ khói, tối cũng cấm vì sợ ánh lửa gọi bọn máy bay và thám báo đến.
Mùa khô năm ấy, đường 20-Quyết Thắng mới được khai thông, một nửa con đường phải đi trên nền đất, việc bảo đảm giao thông ở những cung đường này chủ yếu là chống lầy. Đường đất mượn chỉ rộng chừng 3-4m, gặp mưa phùn thành một thứ hỗn hợp nhão nhoét, chỉ được vài chiếc xe đi đầu trót lọt, còn lại những chiếc sau đều bị mắc lầy. Gầm cầu bị đất cản lại, 2 bánh sau quay tít, mùi cao xu khét lẹt, bùn đất bắn tung tóe về phía sau theo vòng quay của bánh xe.
Đi trực là đi vào cuộc chiến, ấy vậy mà chỉ phong phanh một bộ quần áo vẫn còn ẩm trên người, gió thổi tơi tả. 10 đầu ngón chân bị cước sưng tấy, mọng đỏ, đau nhức. Chỉ cái cuốc, cái xẻng cầm trên tay là vô tư không biết rét là gì. Căn hầm trực đủ chỗ cho 1 tiểu đội cả con trai, con gái, 2 cái chăn chiên ẩm mốc hôi xì xì. Nằm đấy chờ, khi có tiếng súng báo hiệu sự cố, tất cả vùng dậy với bộ quần áo phong phanh lao ra mặt đường.
Cái rét cũng phải chào thua. Ngơ ngác không hiểu ngoài da thịt, những con người này nam nữ tuổi mười tám đôi mươi còn được gia cố bằng cái gì mà lại kiên cường đến thế.
Ngoài những chiếc xe có tời tự thoát ra được, còn lại phải dùng đến sức người. Cả tiểu đội trực túm vào vừa kéo, vừa đẩy rồi thay nhau chui xuỗng gầm bới đất giữa 2 vệt bánh xe. Cứ như thế việc cứu xe kéo dài đêm này qua đêm khác. Cứ như thế qua một đêm trên người mỗi chúng tôi bê bết bùn đất, quần áo ướt đẫm sương, run rẩy trong cái lạnh thấu xương thịt của núi rừng Trường Sơn.
Sáng hôm sau phải leo núi vượt hàng cây số đường mòn trơn trượt, lội qua 2 con suối mới về đến lán. Nước suối mùa này chỉ lưng bắp chân nhưng lạnh đến tê tái, mặc cứ thế mà lội. Vội vã rửa ráy, giặt giũ sơ qua, nhanh chóng và lưng cơm với rau tầu bay luộc chấm mắm tôm thùng của Trung Quốc ( hôm nào có bữa tươi thì thêm đĩa cá khô rim mặn chát ). Tranh thủ chìm vào giấc ngủ như 2 cái thìa úp chặt vào nhau. Quần áo giặt đưa vào một cái lán làm riêng để hong sấy. Sợ máy bay Mỹ phát hiện ra khói nên chỉ đến tối mới được nhóm lửa. Nếu sáng hôm sau mà không kịp khô thì vẫn phải mặc vì chẳng còn gì để khoác lên người cả. Chui vào trong chăn hơi người sẽ sấy tiếp thể nào nó cũng khô.
Với cánh con trai chúng tôi vài tuần không tắm là “ chuyện nhỏ”. Chẳng dại gì lại cởi hết quần áo, trần như nhộng phơi mình giữa đại ngàn để đón gió lạnh, để đổ lên người cái thứ nước lạnh giá như băng tuyết ấy. Thà bẩn còn hơn. Ẩm thấp, dơ day đứa nào cũng trở thành mồi ngon cho lũ ghẻ. Hai bên bẹn như 2 miếng bánh đa nướng, 2 bàn tay không có lúc nào rỗi, ngoài cầm cuốc xẻng thì chức năng chủ yêu là thọc vào 2 bên túi gãi ghẻ. Chẳng thế mà túi quần bao giờ cũng bị rách trước…
Có một điều rất lạ: rét như thế, điều kiện sống kham khổ như thế, nhưng không hề có một lời kêu ca, than vãn, ốm đấy rồi lại khỏe. Kệ. Tuổi trẻ cứ vô tư, bom đạn còn chẳng ngán, rét như thế ăn nhằm gì, chịu được bởi vì trong mỗi chúng tôi còn có một dòng máu nóng từ ngàn đời cha ông truyền lại không biết sợ, không biết khuất phục.
Rét trên đỉnh Trường Sơn thật sự khủng khiếp. Nếu ai đã từng một lần được chứng kiên thì chắc chắn cả đời sẽ không bao giờ quên. Sau này, cứ mỗi mùa đông tới kí ức về cái rét trên đỉnh Trường Sơn lại ùa về trong tôi.
Nhớ Trường Sơn, nhớ cái rét như cắt da cắt thịt, nhớ đồng đội…
Hoàng Văn Kính
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn