Ký ức về Tết ở Tây Trường Sơn.

Ngày đăng: 11:49 12/02/2021 Lượt xem: 427

 

Ký ức về Tết ở tây Trường Sơn.


 Báo Nhân dân:  Ðất nước thống nhất đã mấy chục năm, được sống trong hòa bình để cùng nhau chung tay xây dựng đất nước, chúng ta vẫn không bao giờ quên được những ngày chiến tranh gian khổ, và ký ức về ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn trong những thế hệ đã đi qua chiến tranh...

Vào chiến trường được hơn nửa năm, cánh lính Hà Nội chúng tôi ai cũng đều ngấm đòn vài trận sốt rét. Riêng tôi, đã bị ba trận. Hai trận đầu thì ít, đến trận thứ ba thì tôi lăn lóc ngót nghét gần nửa tháng. Sốt lên sốt xuống, mà lúc đó tôi lại đang chỉ huy một đại đội thanh niên xung phong (TNXP) hầu hết là nữ, từ Hà Nội mới vào nhập tuyến để thi công đoạn tuyến nhánh xuống ngầm, kịp phục vụ đưa đón các đoàn xe từ bắc vào nam... trong dịp Tết.

Sau hơn mười ngày, bác sĩ Huyên ở bệnh xá phải thay phác đồ điều trị thì tôi mới cắt hẳn cơn sốt. Tôi ngồi dậy đi lại, bắt đầu thèm ăn. Sáng hôm ấy, đang ngồi bên gốc đá trước cửa hang ra vào bệnh xá để sưởi nắng thì xa xa có tiếng ai đó nói: "Anh Minh đây rồi".

Tôi nhìn sang mé sườn đồi, nhận ra Vân cùng năm chị em đang đi về phía tôi. Như người thân lâu ngày gặp lại, nhất là giữa chiến trường lại cùng là người Hà Nội xa nhà, lại đã có những ngày đồng cam cộng khổ, chia bùi sẻ ngọt từng ngọn rau rừng, chung hớp nước, chung căn hầm mỗi khi có máy bay lao xuống thả bom... Vân và các bạn kể khi tôi bị sốt rét ác tính mê man không biết gì nữa, chị em đưa tôi lên võng, thay nhau khiêng tôi vượt tắt cánh rừng, chuyển đến đội bệnh xá binh trạm: "Từ hôm anh đi viện, binh trạm đã cử một cán bộ bên quân đội về thay anh chỉ huy chúng em. Anh ấy hiền khô, ít vui nhộn...

Theo kế hoạch, đơn vị sẽ hoàn thành đoạn tuyến xuống ngầm vượt trước ba ngày, và bàn giao cho binh trạm chiều 28 Tết... Dự kiến của ban chỉ huy là ngày 29 Tết chúng em sẽ chuẩn bị dọn dẹp lán trại để chiều mồng 1 Tết, xe binh trạm đến đón hành quân vào phía trong nhận công trình khác. Còn ngày 30 Tết tổng kết, nghỉ ngơi, chuẩn bị đón giao thừa...". Vân nói tiếp: "Chúng em vào chiến trường lúc đầu chưa quen, giờ thì chẳng sợ gì bom đạn nữa". Nhìn Vân và các bạn, tôi thấy thương thương, đồng cảm.

Nhớ cách đó chừng một tháng, tôi được lãnh đạo binh trạm giao nhiệm vụ đi nhận một đại đội TNXP nữ, quê Hà Nội, chân ướt chân ráo vào nhập tuyến. Hôm đó, nhìn nước da cô nào cũng trắng trẻo, hồng hào. Còn bây giờ khí hậu núi rừng, nước độc, kèm theo ăn uống thiếu thốn, nước da họ đã xạm đi rất nhiều, nhưng xem qua gian khổ họ lại rắn chắc, dày dặn hơn...

Cắt cơn sốt rét được ba hôm, theo nguyện vọng của tôi, bác sĩ Huyên đã làm giấy xuất viện để tôi sớm trở về binh trạm. Nghỉ được một hôm, tôi được bổ sung vào tiểu đoàn vận tải, chuẩn bị chuyển một số hàng hậu cần, đạn dược vào chi viện chiến trường Quảng Trị. Trước mắt từ đây đến Tết âm lịch còn bảy hôm nữa, binh trạm phải chuyển xong gần 1.000 tấn hàng.

Trong những ngày giáp Tết, ta chuyển hướng không hành quân đêm mà đi ban ngày. Sáng tinh mơ hôm sau, tôi ngồi ở ca-bin xe đầu với chính trị viên tiểu đoàn. Ðoàn xe thong dong chạy vun vút giữa ban ngày. Sau một tuần, chúng tôi đã tập kết giao hàng đủ. Chiều 30 Tết, chúng tôi được lệnh dừng chân nghỉ đón giao thừa. Như đã hẹn trước, tôi sang lán ban công binh gọi Trường (quê Từ Liêm, Hà Nội) cùng đi xuống đại đội TNXP, đơn vị cũ tôi phụ trách dự bữa cơm thân mật cuối năm, kết hợp đón giao thừa, chung cái Tết đầu tiên xa Hà Nội với chị em.

Trời chiều Trường Sơn xuống rất nhanh. Rừng săng lẻ vào xuân sớm, đã đâm chồi non, nảy lộc tím sẫm cả khu rừng, giữa những tia nắng vàng loang loáng. Len qua đoạn đường có sườn đồi, khe suối, chúng tôi đến khu lán của đại đội. Từ bên kia suối, chị em chạy ùa ra vây lấy chúng tôi, mừng rỡ khôn xiết rồi vừa đi vừa kể chuyện rất hồn nhiên. Mùi bánh chưng xanh từ bếp bốc ra thơm phức càng làm chúng tôi nhớ Hà Nội da diết.

Ở giữa khu nhà lán ban chỉ huy, ngọn đèn măng-sông toả sáng rực. Bên cạnh ngọn đèn, chị em dựng sẵn một lùm cây thon nhỏ như cây tùng, trên mình được trang trí bằng những búp hoa giấy mầu xanh, vàng, đỏ... cùng với những mẩu giấy gấp hình con chim, bên trong là những câu hỏi chuẩn bị cho cuộc chơi "Hái hoa dân chủ" đón giao thừa. Chị em còn vào rừng kiếm được phong lan đem về treo. Có cành tai trâu đã chúm chím nở hoa, phảng phất mùi hương.

Anh chị em chúng tôi quây quần bên nhau trên những chiếc ghế do bàn tay chị em tự đục đẽo từ gỗ rừng. Rồi các em đứng lên hát và ngâm thơ. Từ Ðêm Trường Sơn nhớ Bác đến Chào em cô gái Lam Hồng, riêng Vân thì hát bài Những ánh sao đêm... Dưới ánh đèn măng-sông tỏa sáng, lúc này tôi mới nhìn rõ hơn từng khuôn mặt, dáng điệu của các em. Ðêm càng về khuya, không khí hát ca càng sôi nổi, hào hứng.

Tiếng hát cứ bay lên theo gió vang xa cho đến khi chiếc đài bán dẫn phát ra lời chúc Tết của Chủ tịch nước đón chào năm mới và tiếp sau là bài hát của Ðỗ Nhuận phổ từ bài thơ của Bác Hồ: "Năm qua thắng lợi vẻ vang - Năm nay tiền tuyến ắt càng thắng to...". Tự nhiên cả lán im lặng hồi lâu. Chúng tôi đều hướng ánh mắt về phương bắc, về Hà Nội thân yêu. Nơi đó có Chùa Một Cột, có Hồ Gươm, có đường Thanh Niên và bao đường phố thân yêu còn lưu giữ ky niệm thời niên thiếu của mỗi người. Khi ấy, chắc bạn bè ở Hà Nội đang nắm tay bên nhau đi quanh Bờ Hồ đón xuân.

Và người thân của chúng tôi, những người cha, người mẹ, người anh, người chị đang đoàn tụ trước bàn thờ Tổ tiên cầu mong cho con em mình đi xa chóng trở về. Mãi đến gần mờ sáng, chúng tôi mới chia tay đại đội. Giờ phút người đi kẻ ở dùng dằng. Riêng Vân, chờ khi hai chúng tôi tách hẳn đám đông mới chạy theo, dúi vào tay tôi mảnh giấy, nói khẽ: "Nếu có dịp về Hà Nội, anh ghé vào thăm nhà em, địa chỉ là...". Qua ánh đèn pin, tôi nhìn theo bóng Vân khuất dần.

Tôi không nghĩ rằng, đó cũng là lần gặp cuối cùng chia tay Vân ở Trường Sơn. Ba hôm sau, đoàn xe chúng tôi đến địa điểm tập kết trả hàng dưới chân đèo bản Tà Rùng phía miền tây Quảng Trị, khi trở về qua ngầm Xê Băng Hiên, được tin, đại đội TNXP nữ quê Hà Nội, đơn vị cũ tôi phụ trách, chiều hôm qua hành quân qua đây đã bị máy bay Mỹ oanh tạc. Tuy không bị thương vong nặng nhưng có hai người hy sinh, trong đó có Vân. Vân đã nằm lại phía nam dòng sông biên giới Việt Nam - Lào.

...Ðã 38 mùa xuân qua. 38 cái Tết. Mỗi cái Tết đều để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Nhưng có cái Tết xa Hà Nội đầu tiên cùng chị em đại đội TNXP đón giao thừa trên mảnh đất phía tây Trường Sơn là cái Tết của tình cảm, của những dấu ấn sâu đậm khó quên về một thời trai trẻ ở chiến trường, tôi đã cùng anh chị em thanh niên Hà Nội đi mở những con đường vào chiến dịch...

          TRƯƠNG ÐÌNH MINH


tin tức liên quan