"Bạch Long Vỹ đảo thân yêu" - Ký ức một thời của Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 08:12 22/02/2021 Lượt xem: 857
BẠCH LONG VĨ ĐẢO THÂN YÊU
(Ký ức một thời của Thiếu tướng Hoàng Kiền)

         Đầu xuân Tân Sửu - 2021, nhận được điện thoại của Thượng tá Phạm Hồng Thất - Huyện đội trưởng huyện Đảo Bạch Long Vỹ mời gia đình ra thăm đảo. Bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ba năm gắn bó xây dựng công trình chiến đấu nơi đây bốn thập kỷ trước. Thời covid ngồi ở nhà là chống dịch, mở máy ra viết lại ít dòng lưu lại .


         Sau gần sáu năm chiến đấu, công tác ở Trường Sơn bên nước bạn Lào, tháng 4/1976 cùng trong đội hình Sư đoàn Công binh 565 rút quân về nước dừng chân tại Khe Sanh. Tôi được về quê lấy giấy tiếp nhận về tiếp tục nghề "gõ đầu trẻ" cấp 2. Vào đơn vị được Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó Tư lệnh Sư đoàn gọi lên hỏi: cậu có đi thi Đại học không?
         Thật bất ngờ, đây là niềm mơ ước của tôi, thế là chuẩn bị ngay theo xe vào Trường quân sự của Bộ Tư lệnh Trường Sơn ôn thi. Học được 1 tháng thì đột ngột có thông báo: bằng Trung cấp Sư phạm 7+3 nhưng lại học có 2 năm (1967 - 1969) không đủ điều kiện thi Đại học, nghỉ học chờ quyết định trả về Ban Công binh - Phòng Tham mưu - Sư đoàn 565.
         Suốt một tháng trời, hơn 300 đồng đội miệt mài học tập luyện thi, một mình tôi cứ ra bãi biển Qui Nhơn thơ thẩn nhìn ra biển xanh mênh mông vô tận mà nỗi buồn sâu thẳm tận đáy Đại dương… Bỗng dưng lại có thông báo đồng chí Hoàng Kiền được thi Đại học, lại một bất ngờ mới, thế là lao vào ôn tập suốt ngày đêm, quên ăn quên ngủ. Tôi học hết lớp 7, đi học Sư phạm có 2 năm, các môn toán - lý - hoá mới học hết học kỳ 1 của lớp 10, vào Trường Sơn mang sách đi theo tự học hết lớp 10 ở chiến trường trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ ác liệt với hi vọng thắng giặc trở về sẽ thi vào Đại học. Nay lại ôn kém các bạn một tháng, phải cố gắng với quyết tâm cao nhất. Sau 3 tháng ôn luyện, (tôi được 2 tháng thôi), trường cho thi thử theo đề thi Đại học, kết quả tôi đạt điểm cao nhất, toán 10, lý 10, hoá 9, thế là yên tâm đi thi. Đầu tháng 7 chúng tôi hành quân ra quê Bác Hồ thi Đại học, lần đầu tiên được đến thăm quê Bác, nghỉ ngay ở Làng Sen, trước khi vào phòng thi, rất xúc động , thêm vững niềm tin, kết quả thi đỗ điểm cao thật. Chúng tôi về Đại Mỗ - Từ Liêm Hà Nội chờ sau chuyển sang Ô cách - Gia Lâm ở Tiểu đoàn khảo sát của Bộ tư lệnh Tường Sơn.
         Cơ quan tuyển sinh xuống thông báo có 14 đồng chí đỗ điểm cao được chuyển vào học tại Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, (sau đổi thành Học viện Kỹ thuật Quân sự) trong đó có Thượng sĩ Hoàng Kiền. Riêng tôi hồ sơ Đảng viên thiếu mẫu M3, phải quay vào đơn vị làm bổ sung. Nghe thông báo thật là ngao ngán, tôi đề nghị bỏ hồ sơ Đảng viên của tôi đi, là quần chúng thôi, vào học tôi phấn đấu kết nạp Đảng lại, đồng chí cán bộ nhất định không nghe, nói là nếu anh không vào làm lại lý lịch Đảng, tôi sẽ làm quyết định trả anh về đơn vị cũ. Phải quay vào, có một mình đi thôi, thẫn thờ ra !!!
         Tôi về quê, mẹ nấu cơm nếp luộc mấy quả trứng gói cho, thế là lại lên tàu vào Nam, một hành trình vô cùng gian nan kể ra dài lắm, Sư đoàn không ở Khe Sanh nữa mà đi làm lâm nghiệp ở miền Tây Quảng Bình, biết đâu mà tìm, điện thoại bấy giờ không có làm sao đây. Loay hoay mãi thế rồi tôi cũng tìm đến nơi làm bổ sung hồ sơ, được Thủ trưởng Lợi chỉ đạo nên đã hoàn thành. Lại quay ra Hà Nội, vào nhập trường cuối tháng 11, Ban tuyển sinh của Trường Đại học kỹ thuật Quân sự thông báo : anh đủ điểm đi học nước ngoài, nhưng lớp tiếng Nga đã học hơn 1 tháng rồi vào không theo kịp, nên học ở trong nước.
Tôi đồng ý ngay.
Các khoa đủ hết rồi, còn thiếu mỗi Khoa Công trình Quân sự thôi!
Tôi nhất trí.
Các lớp đủ hết rồi còn mỗi lớp công sự 11 thôi.
Tôi nhất trí.
         Thế là vào nhập lớp Công sự ( tên đầy đủ là lớp Công sự - Công trình ngầm ), thấy lính mới vào anh em trêu, sao anh lại vào "khoa nông dân", lớp "vai u thịt bắp mồ hôi dầu"?
Mình vốn dĩ như thế mà, vào đây với các bạn là vui rồi.
         Học hết học kỳ 1, Nhà trường chọn một số học viên đi học Kỹ thuật hàng không ở Tiệp khắc, anh Ngọ - Chính trị viên Đại đội gọi tôi lên động viên, đồng chí Kiền đủ tiêu chuẩn đi học Tiệp Khắc, nhưng Đảng uỷ xét thấy cần giữ đồng chí lại để làm nòng cốt xây dựng lớp Công sự K11, làm lớp trưởng kiêm Bí thư Chi bộ.
          Nếu không vào làm bổ sung hồ sơ Đảng viên chắc chuyến này đi Tây rồi.
          Tôi đồng ý, là Đảng viên phải chấp hành sự phân công của tổ chức, chả biết chạy chọt xin xỏ gì.
Hai lần bị trượt đi Tây
Mà Em vẫn cứ hăng say nhiệt tình
Học tập rèn luyện vững tin
Kỹ sư xây dựng công trình vẻ vang.
         Thế là bốn năm rưỡi làm lớp trưởng kiêm Bí thư Chi bộ, cùng tất cả 23 học viên phấn đấu học tập xây dựng lớp tiến bộ đồng đều.
        Kết thúc khoá học, tôi tốt nghiệp đứng đầu trong số 5 học viên đạt loại giỏi gồm : Hoàng Kiền; Đoàn Trí Dũng; Dư Xuân Bình; Nguyễn Mạnh Đạt ; Nguyễn Văn Minh.
       Tôi được thông báo có danh sách giữ lại trường, được về phép trước để lên đón học viên khoá mới vào nhập học. Nghỉ phép xong lên lại có thông báo nhận quyết định về Bộ tư lệnh Hải quân công tác.
       Thế là từ rừng xuống biển.
       Tháng 11 năm 1981 Trung uý Hoàng Kiền được biên chế vào Phòng Công binh Hải quân, quần xanh áo trắng bắt đầu từ đây.
       Ngày 29 tết năm 1982, vừa đạp xe từ Hải Phòng về quê, đang cùng gia đình chuẩn bị đón tết nguyên đán với niềm vui tươi phấn khởi của một Kỹ sư quân sự - Sỹ quan mới ra trường, được anh em, họ hàng làng xóm đón chào trân trọng là kỹ sư đầu tiên ở làng lúc đó. Đột ngột nhận được điện khẩn, tôi phóng xe đạp ra ngay, hơn 110 ki lô mét mãi đêm 30 tết mới đến nơi. Đúng sáng mùng một tết Phòng Công binh phân công theo đoàn công tác do Chuẩn đô đốc Phạm Huấn - Phó Tư lệnh Hải quân kiêm Cục trưởng Cục Tham mưu Lục quân ra trực chiến tại đảo Bạch Long Vỹ. Lúc này trên biên giới phía Bắc sau cuộc chiến tranh xâm do Trung Quốc gây ra từ 17/2/1979 đến 18/3/1979 họ đã rút quân, nhưng xung đột vũ trang vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi rất ác liệt, nhất là khu vực Vị Xuyên - Hà Giang. Trên biển tình hình hết sức căng thẳng, họ cho tàu chiến bao vây uy hiếp đảo Bạch Long Vĩ. Chúng tôi lên máy bay trực thăng săn ngầm Ka 25 từ sân bay Cát Bi bay ra đảo. Nhìn xuống Hải Phòng thành phố tưng bừng rực rỡ cờ hoa trong ngày đầu năm mới. Vượt qua biển xanh lớp lớp sóng cồn bọt tung trắng xoá như báo hiệu những gì nguy nan đang chờ chúng tôi ở phía trước. Máy bay hạ cánh an toàn xuống hòn đảo tươi đẹp "Đuôi Rồng Trắng" này, Bộ đội ra đón, cát, bụi bay mù mịt nhưng vẫn rộn lên niềm vui khi lần đầu tiên "cầu hàng không" được nối liền đảo với bờ. Thế là tôi gắn bó với nơi đây ba năm làm nhiệm vụ, chuyển giai đoạn mới từ rừng xuống biển. Sau gần 6 năm ở Trường Sơn, 5 năm đào tạo tại Học viện Kỹ thuật Quân sự nay ra đảo Bạch Long Vĩ nơi trùng khơi sóng vỗ…
       Bạch Long Vĩ còn có tên là "Hải Bào" do nơi đây có nhiều bào ngư. Đảo nằm giữa vịnh Bắc Bộ, cách Hải Phòng 120 ki lô mét, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 130 li lô mét, chiều dài 3 km, chiều ngang 1,5 km, đỉnh cao nhất là 110 mét. Năm 1887 Trong công ước Pháp – Thanh, Bạch Long Vỹ nằm ở phía tây kinh tuyến 105 độ 43 phút đông (lấy kinh tuyến Pa Ri làm gốc ) nên thuộc về An Nam. Năm 1920 mới tìm ra nước ngọt từ đó dân Quảng Yên và Hải Nam ra sinh sống. Năm 1937 vua Bảo Đại phái 12 người ra lập đồn cai quản hòn đảo này. Trong đại chiến thế giới lần thứ hai Nhật đảo chính Pháp, tước khí giới của quân lính Bảo Đại. Năm 1946 Pháp quay trở lại Đông Dương và thiết lập lại chế độ cai trị trên đảo. Năm 1949 Tưởng Giới Thạch chạy khỏi lục địa Trung Hoa chúng ra chiếm Bạch Long Vỹ. Năm 1954 pháp thua trận tại Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, Pháp rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam, Việt Nam dân chủ cộng hoà chưa có điều kiện ra giải phóng đảo Bạch Long Vĩ, đảo Bạch Long Vĩ vẫn do Tưởng Giới Thạch chiếm giữ. Năm 1955 Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đánh chiếm đảo từ tay quân Tưởng. Năm 1957 Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng lao động Việt Nam đã ký một thoả thuận Trung Quốc trao trả Bạch Long Vĩ cho Việt Nam, khi đó cư dân Trung Quốc trên đảo được gọi là Hoa kiều. Trước khi ký kết Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã điện sang thông báo, Chủ tịch Việt Nam dân chủ cộng hoà là Hồ Chí Minh nói là Việt Nam không có tầu, nhờ Trung Quốc giữ hộ, Mao Trạch Đông tặng ta hai chiếc tầu vận tải để ra tiếp quản Bạch Long Vỹ. Thế là sau bao biến động thăng trầm, chính thức năm 1957 Bạch Long Vỹ mới thuộc chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hòn đảo nhỏ nằm giữa vịnh Bắc Bộ này với những điều đặc biệt có một không hai trên đất nước Việt Nam, bốn nước một bên đã thay nhau chiếm giữ cuối cùng vẫn thuộc về chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
       Hiện nay có nhiều ý kiến xung quanh sự việc này. Có ý kiến cho rằng do tình hữu nghị anh em giữa hai nước nên Trung Quốc trao trả Bạch Long Vĩ cho Việt Nam. Có ý kiến cho rằng đây là một âm mưu của Trung Quốc " thả con săn sắt, bắt con cá sộp", cả hai luồng ý kiến đều có lý.
       Dân sinh sống trên đảo gồm cả người Việt và người Hoa chủ yếu làm nghề đánh cá và lặn bắt Bào ngư. Năm 1965 Mỹ ném bom đánh phá đảo, cư dân sơ tán vào hết đất liền Quảng Yên - Việt Nam và Hải Nam - Trung Quốc, chỉ còn lại Bộ đội giữ đảo. Năm 1982 tôi ra đây, Trung đoàn 952 thuộc Vùng 1 Hải Quân đang giữ đảo, toàn đảo chỉ có mầu xanh trắng của Bộ đội và mầu vàng của đàn bò.
       Ra đến đảo, Phó Tư lệnh Phạm Huấn tổ chức cuộc họp ngay nghe đồng chí Hoành Trung đoàn trưởng báo cáo, sau đó Phó tư lệnh phổ biến tình hình và quán triệt nhiệm vụ phải tăng cường phòng thủ nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu đề phòng đối phương đổ bộ đánh chiếm đảo. Ông giao cho Trung uý - Kỹ sư Hoàng Kiền trong một tháng phải đào ngay một đường hầm xuyên qua núi để dấu lực lượng Bộ binh khi địch tập kích hoả lực, mang tên đường hầm ĐHB
       Tôi báo cáo ở đây không có phương tiện máy móc đo đo đạc gì cả không đủ điều kiện để khảo sát thiết kế. Ông nghiêm nét mặt quát: Đây là mệnh lệnh chiến đấu, đồng chí chấp hành không bàn cãi. "Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên", một trong mười lời thề danh dự của quân đội nhân dân Việt Nam buổi chào cờ nào cũng đọc, hôm nay lần đầu tiên thực hành đối với tôi. Kỹ sư vừa mới ra trường, cũng lo về trách nhiệm, về kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm cho khảo sát, thiết kế, thi công. Nhờ có kinh nghiệm một năm làm chiến sỹ khảo sát đường Trường Sơn liên tục với các dụng cụ đo đạc thủ công rất thành thạo, lại được học môn trắc địa tại Học viện Kỹ thuật Quân sự rất vững. Đêm hôm ấy không thể ngủ được nằm trằn trọc suy nghĩ, đầu sáng lên khi đã tìm ra cách làm. Sáng hôm sau, tôi cùng đồng chí Dần - Chủ nhiệm Công binh của đảo đến mượn phương hướng bàn của Tiểu đoàn pháo binh để làm dụng cụ lấy thăng bằng, dùng thước dây đo xa theo phương pháp đo vòng tròn khép kín. Từ một điểm cửa hầm chân núi phía Bắc đo lên đỉnh núi sang chân núi bên phía Nam đến vị trí cửa hầm rồi đo ngược lại điểm cũ phía Bắc, khớp cao độ, thế là yên tâm, qua đó lập được mặt cắt ngang của quả núi. Thế rồi ngồi vẽ ra thiết kế đường hầm ngay tại đảo bằng giấy can và bút chì mang theo, trình Phó tư lệnh Phạm Huấn phê duyệt, cho thi công ngay. Tôi tổ chức huấn luyện cho Đại đội Công binh của đảo, chia làm hai mũi đào từ hai đầu vào, công việc tiến hành rất khẩn trương. Đồng thời Phó tư lệnh Phạm Huấn yêu cầu tôi đi theo, ông xác định các vị trí xây dựng công sự bắn lướt sườn. Thế là triển khai thiết kế đồng thời ngay.
       Ban ngày ra công trường chỉ đạo thi công, tối về Thủ trưởng gọi lên đánh cờ tướng, đã hăng lên là hai bên đều chộp cả, cấm hoãn. Cứ khi nào Thủ trưởng thắng mới được đi ngủ, rất vui gần gũi thân tình, tôi rất kính trọng Ông.
       Sau một tháng, tình hình đã bớt căng thẳng, trên đã hạ cấp sẵn sàng chiến đấu, đoàn cán bộ Hải quân có máy bay trực thăng ra đón, Phó tư lệnh giao cho tôi ở lại tiếp tục triển khai thi công. Đoàn về, một mình cậu Kỹ sư ở lại, nhìn máy bay cất cánh bay vào bờ mà bâng khuâng một lúc lâu cho đến khi máy bay bay khuất qua vòng cầu mặt biển, tôi lại bước vào công việc khẩn trương ngay.
         Tôi đã viết thư gửi về phòng Công binh báo cáo và đề nghị cử cán bộ kỹ thuật ra tăng cường. Kỹ sư Vũ Đình Nghị bạn học cùng lớp Đại học với tôi ở Phòng Công binh Hải quân và Kỹ sư Nguyễn Văn Thấn thuộc Ban Công binh vùng 1 ra tham gia hướng dẫn kỹ thuật thi công, mỗi người phụ trách một hướng đầu hầm. Do yêu cầu thi công nhanh, nếu đổ bê tông liền khối rất lâu nên dùng phương án bê tông thanh lắp 3C15. Tôi theo tàu vận tải LCU vào trong đất liền sang Phòng Công binh Quân khu 3 gặp anh Nguyễn Mạnh Đạt đồng đội Trường Sơn, cùng học khoá 11 - Khoa Công trình Quân sự tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, là trợ lý Phòng Công binh Quân khu tìm hiểu. Được anh Đạt hướng dẫn, giới thiệu, Trung uý Hoàng Kiền đi cùng Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh Trưởng phòng Công binh Hải quân mới ở Trung đoàn 83 lên, đến liên hệ với Lữ đoàn công binh 513 / QK3 xin vay thanh bê tông đang đúc để mang lên biên giới phía Bắc xây dựng công trình phòng thủ. Nay xin vay để đưa ra Bạch Long Vĩ thi công cho kịp rồi trả bằng vật liệu và tiền công để đơn vị đúc lại sau, được đồng chí Oánh là Lữ đoàn trưởng tiếp đón và tạo điều kiện cho vay. Tàu há mồm của Hải quân tiếp nhận chở các thanh bê tông ra đảo kịp thời.
       Với quyết tâm rất cao, đường hầm đã được hoàn thành, đào từ hai đầu vào, đo đạc ban đầu hoàn toàn thủ công, sau có đội đo đạc của Đoàn 6 đo đạc biên vẽ hải đồ của Bộ tham mưu Hải quan ra giúp, bảo đảm đúng hướng, lệch cao độ 80 cm, phải xử lý tạo dốc nối lại.
       Cũng năm 1982 Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài bay ra kiểm tra sẵn sàng chiến đấu tại đảo Bạch Long Vỹ, ông chui vào kiểm tra đường hầm. Kiểm tra xong ra ông hỏi : đứa nào thiết kế đường hầm này?
Báo cáo Tôi Trung uý kỹ sư Hoàng Kiền.
Sao lại làm thấp thế, may đầu tao là đầu cá trê nên đi qua không việc gì, nếu đầu nhọn là vỡ đầu.
Tôi báo cáo Thủ trưởng: đây là đường hầm trú ẩn cho bộ binh, thanh bê tông sản xuất theo mẫu chung của Bộ tư lệnh Công binh là như vậy ạ.
Ông nói, thế thì được, thế là tốt rồi.
       Cuối năm 1982 tôi được bầu là Chiến sĩ thi đua, được thăng quân hàm từ Trung uý lên Thượng uý với thời gian chỉ một năm trên niên hạn 3 năm.
       Tiếp theo tôi làm nhiệm vụ thiết kế xây dựng bổ xung hệ thống công sự trận địa hoả lực cho các trận địa pháo phòng không, pháo mặt đất, các hầm dấu pháo để đồng loạt xây dựng. Một công trường lớn được mở ra, lực lượng Công binh được tăng cường. Tôi đã đi kiểm tra tất cả các đường hầm, hầm dấu pháo, công sự trận địa trên đảo Bạch Long Vĩ, cho đến nay sau bốn thập kỷ vẫn nhớ, vẫn thuộc như lòng bàn tay. Bạch Long Vĩ biên chế cấp Trung đoàn nhưng số lượng pháo rất lớn, tương đương với Trung đoàn pháo binh hỗn hợp.
Khi công trình cơ bản xây dựng xong tôi được lệnh vào đất liền, việc chỉ đạo kỹ thuật, thi công công sự, đường hầm tại Bạch Long Vĩ do kỹ sư Vũ Đình Nghị phụ trách.

 
(Còn nữa)

tin tức liên quan