"Bạch Long Vỹ đảo thân yêu" - Ký ức một thời của Thiếu tướng Hoàng Kiền (Tiếp theo và hết)
BẠCH LONG VĨ ĐẢO THÂN YÊU
(Ký ức một thời của Thiếu tướng Hoàng Kiền)
(Tiếp theo và hết)
Tôi chuyển sang làm Tổ trưởng tổ Tác huấn thay đồng chí Nguyễn Văn Quý ra quân. Lại quay ra Bạch Long Vỹ khảo sát quy hoạch, cắm mốc đánh dấu các bãi mìn chống đổ bộ đường biển đồng bộ theo phương án chiến đấu. Tiếp theo là thiết kế làm thí điểm hệ thống vật cản chống đổ bộ đường biển. Các bãi biển nằm trên hướng địch có thể đổ bộ rất dốc, sóng gió lớn việc bố trí vật cản vô cùng khó khăn, tôi cùng kỹ sư Đoàn Duy Linh và đơn vị công binh vượt qua bao gian nan vất vả mới lắp dựng được các ụ chống đổ bộ thí điểm.
Đêm đêm tàu cá của người Hoa rải khắp vùng biển xung quanh đảo đánh cá chịu sóng gió rất giỏi, những khi gió mùa đông bắc mạnh dân ta về hết thế mà người họ vẫn bám biển không lùi. Tầu cá của họ vào rất gần đảo nhiều khi phân đội trực chiến được lệnh hạ pháo 37 ly 2 nòng bắn cảnh cáo xua đuổi nhưng họ vẫn lì lợm không chạy, bắn rất rát họ mới chịu ra xa.
Đảo Bạch Long Vĩ là nơi trú ngụ của loài bào ngư, một thứ hải sản quý hiếm vì giá trị dinh dưỡng của nó rất cao. Bộ tư lệnh Hải Quân chỉ đạo Vùng 1 thành lập một đội chuyên khai thác bào ngư nằm trong Trung đoàn 952. Đội có các thiết bị lặn sâu để bắt Bào ngư xung quanh đảo. Mỗi năm khai thác được khoảng 30 tấn bào ngư tươi phơi khô để xuất khẩu thu Đôla cho Quân chủng mua sắm trang bị. Chỉ huy Trung đoàn quản lý rất chặt, Bộ đội không được tự do lặn bắt Bào ngư, mỗi năm đến ngày lễ tết mới được phân phối mỗi người một đến hai con thôi. Tôi là khách quý nên được Ban chỉ huy Trung đoàn là anh Hoành, tiếp đến là anh Khâm Trung đoàn trưởng; anh Hoa Chính uỷ tiếp đến là anh Phả là Bí thư Đảng uỷ thống nhất ưu tiên cho tôi mỗi tuần 3 con. Gần ba năm ở đảo tôi đã tiết kiệm phơi khô một phần để mang về làm quà cho bố mẹ vợ con ở quê để được thưởng thức món đặc sản này và còn bán một ít lấy tiền làm nhà. Ruột bào ngư rất béo, do nó ăn loại tảo biển mà chỉ môi trường Bạch Long Vỹ mới nhiều. Bộ độ trên đảo thường đến chỗ chế biến lấy ruột về nấu canh, nhưng một tuần chỉ ăn hai bữa, ăn nhiều không tiêu hoá được sẽ bị tiêu chảy. Từ đó có câu chuyện vui truyền miệng là ra đảo không được ăn Bào ngư mà chủ yếu là ăn phân bào ngư, tôi viết bài thơ:
"ĂN PHÂN"
Tiếng loa thông báo vang lên
Đơn vị khắp đảo mọi bên kéo về
Thùng to, xô nhỏ xúc bê
Cán, binh rạng rỡ hả hê bội phần
Chiều nay mừng được "ăn phân"
Nồi canh béo ngậy nổi vần vàng tươi
Tuần vài ba bữa tiệc xơi
Xài nhiều hơn nữa bụng thời khó tiêu
Bạch Long Vĩ đảo thân yêu
Bào ngư cung cấp thật nhiều phân ngon
Ba năm sóng gió chẳng sờn
Đường hầm... vật cản vẹn tròn dựng xây
Kỹ sư khách quí nơi đây
Mỗi tuần một bữa đĩa bầy ba con
"Phân" ngon, thân mới tuyệt giòn
Hoàng Kiền Thượng uý mãi còn nhớ ghi.
Vùng biển này cũng khá nhiều cá, các đơn vị đều tổ chức thả lưới đêm đánh bắt cá cho Bộ đội ăn. Đặc biệt ở đây rất nhiều cá mập, những con cá mập nặng hàng tạ mắc lưới, anh em ăn khen ngon nhưng tôi không ăn được vì mùi nó rất gây, ít gia vị chế biến nên cũng chịu thiệt thòi.
Đảo không có dân, diện tích khá rộng nên Bộ đội nuôi một đàn bò khoảng 150 con. Bò tự do tìm cỏ di động trên đảo nên chúng như những động vật hoang dã, không có chuồng trại gì cả mà cứ lang thang khắp mặt đảo ngày đêm quanh năm để kiến ăn sinh sống. Vào các ngày lễ tết đảo tổ chức giết bò cấp cho Bộ đội liên hoan, do sống hoang dã nên không bắt được mà phải dùng súng AK bắn.
Ngày ấy đảo không có cầu cảng, âu tầu mà chỉ có một bến nghiêng dã chiến, duy nhất có tầu há mồm loại LCU và LCM8 ra đảo cập bến để tiếp tế, thay quân và vận chuyển hàng ra xây dựng công trình. Đi biển trên những chuyến tầu này vô cùng gian lao, tầu nhỏ, đáy bằng sóng to là nó lắc lư chòng chành chao đảo như chiếc lá tre liệng trên mặt nước, tất cả đều nằm trên sàn tàu không có mái che, sóng tràn vào ướt hết quần áo, người rét run, say nhừ tử, hầu như tất cả đều nôn ra mật xanh mật vàng, không ai dám ăn uống gì từ khi xuống tầu cho đến khi cập bến. Mỗi năm mấy lần ra vào thường là mùa sóng gió, chuyến nào tôi cũng say, tất cả cán bộ chiến sỹ đi theo tầu đều thế cả, chỉ một vài anh em biên chế của tầu là không say thôi. Tôi là Kỹ sư sỹ quan nên được Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thoại ưu tiên cho ngủ trên buồng lái, nhưng càng cao càng lắc càng say không chịu được thế là tôi xuống mặt boong nằm chung với anh em chiến sỹ, ướt như chuột lột, say nhừ tử, nôn ra mật xanh mật vàng.
Tầu nhỏ gió dập sóng bồi
Thân run, bụng tóp, miệng mơi mật vàng
Mỗi lần trên chuyến tầu hàng
Khắc sâu tâm trí bàng hoàng biển khơi
Một lần vào cuối tháng 12 năm 1983 tôi lên tầu LCU mang số hiệu HQ 557, khởi hành từ khu vực Bến Bính ra Bạch Long Vỹ. Tầu xuất phát vào 2 giờ chiều, gió mùa đông bắc to tầu lắc mạnh trôi dạt lênh đênh trên biển, quá nửa đêm không bắt được đảo, qua 5 tiếng mà vẫn không thấy đảo đâu. Tôi cùng hội ý với Thượng uý Nguyễn Văn Thoại Thuyền trưởng xác đinh là lạc đường rồi, đã chạy quá sang phần biển của Trung Quốc, quyết định quay tầu về bờ, chiều hôm sau mới vào đến bờ thế là một chuyến đi thất bại. Nguyên do là tầu nhỏ độ trôi dạt lớn, việc tính toán hàng hải cũng chưa chính xác. Khi đó chưa có đinh vị vệ tinh, chỉ đi theo góc phương vị trên hải đồ trừ đi độ trôi dạt nên việc sai lệch lạc đường xảy ra thường xuyên khó khắc phục. Những chuyến đi biển vô cùng gian nan vất vả có khi không thành. Từ đây tôi gắn bó với thuyền trưởng Nguyễn Văn Thoại trên những chuyến tàu ra vào đảo trong ba năm liền, thân nhau như anh em.
Tiếp tục về Phòng Công Binh công tác. Một hôm nghe tiếng gọi ngoài hàng rào của Phòng Công binh, tôi ngó qua thấy Thoại đi xe đạp đèo chiếc xoong nhôm hai lít còn trong bọc giấy xi măng, anh nói muốn gặp trao đổi việc riêng. Hết giờ tôi ra cùng ngồi quán nước trao đổi. Thoại nói sự việc không may xảy ra, anh tổ chức bán dầu thừa sau một số chuyến đi, bị chiến sỹ bất mãn làm đơn kiện, cấp trên chỉ thị cho các cơ quan pháp luật của Quân chủng xác minh xét xử. Nghe mà lo và thật sự cảm thương, tôi dẫn Thoại vào gặp anh Đỗ Quảng là thẩm phán toà án Hải Quân bạn thân cùng quê gần nhà tôi trình bầy nhờ giúp đỡ. Anh Quảng nói vụ này được Tư lệnh chỉ đạo xử trọng điểm, đơn tố cáo đã gửi cho Phòng điều tra hình sự Quân chủng rồi nên không thể không xử được, chỉ có cách là vận dụng với mức thấp nhất trong khung hình phạt thôi. Quà chạy án chỉ có một chiếc xoong nhôm nhỏ mới được phân phối, không có phong bì gì cả. Anh Quảng không nhận và bảo là có giấy chia tiền chiến sỹ mang nộp rồi, bán 10 mét khối dầu do 3 chuyến đi Bạch Long Vỹ tiết kiệm góp lại, chia cho tất cả cán bộ chiến sỹ trên tầu theo danh sách. Một chiến sỹ đi tranh thủ đến chậm bị phạt, thế là cậu ấy lấy trộm danh sách chia tiền đi tố cáo. Anh thẩm phán nói: Có chứng cứ nên không giúp được, sẽ xử ở cận dưới.
Tôi có lời rằng:
Thưa anh Thẩm phán Hải quân
Xe nào mà chả mấy lần bán xăng
Tầu nào mà chẳng "tung tăng"
Bán dầu trên biển đo bằng thùng can
Máy bay hạ cánh an toàn
Xăng dầu thừa cũng sẻ san rì rào
Thủ kho chìa khoá được giao
Lựa khi cấp phát gửi vào tầu xe
Cơ quan quản lý ngành nghề
Chỉ tiêu phân phối đưa về gửi thêm
Cũng do hoàn cảnh đi kèm
Mong anh thông cảm xét xem nhớ rằng
Bao giờ dùng nước thay xăng
Tầu ta mới hết tung tăng bán dầu
Bấy giờ anh sẽ đi đâu
Giải nghề xin hỏi là sầu hay vui
Thoại đây sóng cả chẳng lùi
Nay mắc khuyết điểm ngậm ngùi trình thưa
Xoong nhôm phân phối mới mua
Gọi là nho nhỏ chút quà mà thôi
Cám ơn không nhận, ngồi chơi
Hình phạt thấp nhất xin mời xem ngay
Ba năm tù với tội này
Thương thân Thuyền trưởng đắng cay đời tàn...
Sau đó tôi vào Học viện Lục quân rồi đi khắp mọi miền đất nước.. Thời gian trôi đi, chúng tôi mất liên lạc, bấy giờ cũng chưa có điện thoại di động. Mãi đến năm 2010 nhân dịp ngày lễ 30/4 tôi về quê, rất mừng gặp lại anh Thẩm phán khi xưa. Anh em ngồi hàn huyên ôn lại chuyện cũ. Tôi trêu anh đã xử oan một con người, Anh nêu là theo chỉ đạo của trên, tôi nói anh chưa có chính kiến của mình. Anh đã xử tù một Sỹ quan tốt, bây giờ đi tìm xem Thoại ở đâu. Thế là anh điện cho cán bộ thuộc quyền cũ đi tìm qua danh sách của cơ quan cán bộ, về tận Thái Bình đến gia đình. Sau khi ra tù Thoại xấu hổ bỏ quê, bỏ vợ con gia đình ra Cát Hải ẩn dật và lấy vợ ở đó. Cháu Hùng ra Cát Hải lần mò mấy ngày tìm đến tận nhà. Thật đau buồn, Thoại đã mất vì bệnh ung thư đúng vào hôm Tôi và Anh thẩm phán đàm đạo. Vào dịp 49 ngày tôi cùng vợ và anh Thẩm phán được cháu Hùng dẫn đường ra Cát Hải thắp hương cho bạn tôi. Nghe chị vợ mới của Thoại kể lại thật là thương xót. Anh ở Cát Hải sắm tầu chở hàng sang Trung Quốc bán, gặp giông tố tầu bị chìm mất hết cả, rồi lâm bệnh ốm, ung thư không có tiền chạy chữa nên đã ra đi ở tuổi 57. Chúng tôi cùng thắp cho Anh nén hương, lặng lẽ cúi đầu cầu khấn cho linh hồn anh được thanh thản dưới suối vàng, trong lòng nặng trĩu nỗi buồn sâu thẳm, thương xót một con người, đồng đội, người bạn của tôi…
Ba năm gắn bó với Bạch Long Vỹ nghề Kỹ sư của tôi được phát huy tối đa, ban ngày ra công trường cùng anh em Công binh xây dựng công trình phòng thủ, tối về ngồi vẽ thiết kế nhà mái bằng cho mình. Anh em cán bộ của đảo thấy thế cũng đến nhờ vẽ thiết kế hộ. Thế là tôi trở thành kỹ sư thiết kế nhà mái bằng cho tất cả cán bộ trên đảo có nhu cầu, ai cũng phấn khởi mang bản vẽ về quê để xây dựng nhà cho mình với phương án tiết kiệm nhất.
Ba năm miệt mài với công việc, gắn bó với cán bộ chiến sỹ trên đảo để lại cho tôi những kỷ niêm thật sâu sắc, những tình cảm tốt đẹp với đồng chí, đồng đội, anh em. Khi chia tay vào hẳn trong bờ được Ban chỉ huy tổ chức liên hoan, tiễn chân xuống tầu với tình cảm thật lưu luyến. Cũng nhờ có những năm tháng công tác ở Bạch Long Vỹ, sắt thép cũ mang ra từ trước không sử dụng để han rỉ rỗ sâu bỏ đi, tôi đã xin nhặt nhạnh nhờ đồng chí Chương là trợ lý hàng hải của đảo, bạn học với thuyền trưởng Thoại giúp bó buộc lại và nhờ thuyền trưởng Thoại mang vào bờ đưa về quê làm nhà mái bằng theo kiểu của người nghèo…
Có một chiếc tàu đánh cá của người Hoa bị hỏng máy dạt vào đảo mắc cạn họ phải bỏ lại. Tôi ra leo lên xem lấy được chiếc ròng rọc bằng thép rất tốt, mang về quê làm dụng cụ kéo vật liệu xây nhà 2 tầng ở quê trong 10 năm rất hiệu quả. Càng sâu đậm thêm những kỷ niệm với đảo Bạch Long Vĩ, nhớ mãi trong đời.
Cuối năm 1984 hoàn thành nhiệm vụ tôi vào bờ công tác. Về đến nhà thấy con trai út Hoàng Quang Huỳnh đã ra đời được 8 tháng. Mang được một ít Hải sâm khô về nấu cháo để Cô giáo có thêm sữa cho con út bú, biếu bố mẹ ít bào ngư khô, món ăn đặc sản tại đảo Bạch Long Vĩ. Xe đạp đèo được ít sắt thép rỉ đơn vị bỏ đi từ Bạch Long Vĩ mang về, chương trình làm nhà ở quê cũng mở ra từ đây.
Năm 2005 tôi quay trở lại hòn đảo này với cương vị Tư Lệnh Công Binh, lần thứ hai bay trên máy bay trực thăng, lần này của Công ty bay Miền Bắc do Công ty xây dựng Lũng lô thuê bay ra nghiệm thu Âu tầu Bạch Long Vĩ, thật vui mừng.
Sau 21 năm xa cách, thấy sự thay đổi kỳ diệu của đảo mà lòng tôi xao xuyến bồi hồi, trào dâng những kỷ niệm một thời gắn bó với nơi đây, nhớ tới những đồng chí, đồng đội đã cùng nhau xây dựng bảo vệ hòn đảo tươi đẹp những năm tháng gian nan nơi trùng khơi sóng gió.
Âu tàu khá lớn đã hoàn thành cho tàu vào neo đậu tránh gió bão rất tốt, dân ra đảo sinh sống làm ăn đã khá đông, các công trình được xây dựng, doanh trại của Trung đoàn 952 cũng được xây dựng mới. Tôi tranh thủ buổi trưa đến thăm Chỉ huy Trung đoàn, toàn cán bộ mới cả, giới thiệu lại anh em vẫn biết.
Nhớ đến Bào ngư, tôi hỏi thăm, anh em cho biết do cho dân Đài Loan, Hồng Công vào khai thác hải sản, họ bơm thuốc cho cá ngất đi để bắt thế là bào ngư chết hết, gần đây, cấm việc dùng thuốc đánh bắt cá nên bào ngư đã phát triển trở lại.
Lần tới đây ra thăm Bạch Long Vĩ được Huyện đội trưởng mời, đi tàu du lịch, ra nghỉ Khách sạn, sẽ có thời gian thăm đảo với nhiều kỷ niệm sâu đậm một thời gắn bó.
Ba năm gắn bó nơi đây
Phương án phòng thủ dựng xây công trình
Những người chiến sĩ Công binh
Đường hầm... vật cản tận tình hăng say
Niềm vui trở lại hôm nay
Tròn bốn thập kỷ nhớ ngày năm xưa
Mái đầu tuyết phủ tóc thưa
Bồi hồi nhớ lại như vừa hôm qua.
Năm 1997 về Bộ tư lệnh Công binh công tác, tháng 5/1998 tôi được mời dự gặp mặt truyền thống do Ban liên lạc truyền thống Hải quân khu vực Hà Nội tổ chức, gặp lại Chuẩn đô đốc Phạm Huấn, tôi đến chào bắt tay ông.
- Thủ trưởng có nhớ em không?
- Nhớ chứ, đánh cờ chộp ở Bạch Long Vĩ suốt một tháng mà, tớ không nhớ tên, chỉ nhớ cậu là Công binh thôi, đánh cờ với Thủ trưởng cũng chộp nhanh chả kém .
Hai thầy trò cùng cười.
- Thủ trưởng giao cho em đào đường hầm ĐHB mà.
- Ừ, nhớ chứ.
Sau đó còn theo Thủ trưởng giảng bài cho lớp tập huấn về bảo đảm Công binh chiến đấu phòng thủ đảo, Bảo đảm Công binh cho Hải quân đánh bộ đổ bộ....Rất nhiều kỷ niệm sâu sắc .
Khi về hưu, mình lên Hà Nội sống rồi lập ra Ban liên lạc truyền thống Hải quân khu vực Hà Nội đấy, khi nào cậu về hưu cố gắng tham gia nhé.
- Vâng ạ.
Mãi thắm nghĩa tình đồng đội Hải quân, một thời với Bạch Long Vĩ đảo thân yêu.
Đến năm 2018 tôi được bầu làm Trưởng ban liên lạc truyền thống Hải quân khu vực Hà Nội là người thứ 3.
Lần lượt: Chuẩn đô đốc Phạm Huấn; Đại tá Nguyễn Thế Chinh và Thiếu tướng Hoàng Kiền
Những kỷ niệm về “Bạch Long Vĩ đảo thân yêu” một thời là như thế đấy.
Hà Nội ngày 20/2/2021
(Mùng 9 tết Tân Sửu 2021)
Thiếu tướng AHLLVTND - Hoàng Kiền