Bạch Long Vỹ đảo thân yêu - Ký của Thiếu tướng - Nhà thơ Hoàng Kiền

Ngày đăng: 05:03 26/02/2021 Lượt xem: 481
 
BẠCH LONG VĨ ĐẢO THÂN YÊU

Ký của Thiếu tướng - Nhà thơ Hoàng Kiền


 
   Đầu xuân Tân Sửu - 2021, nhận được điện thoại của Thượng tá Phạm Hồng Thất - Huyện đội trưởng huyện Đảo Bạch Long Vỹ mời gia đình ra thăm đảo. Bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm ba năm gắn bó xây dựng công trình chiến đấu nơi đây bốn thập kỷ trước. Thời covid ngồi  ở nhà là chống dịch, mở máy ra viết lại mấy dòng lưu lại .
                             
                                        *******
       
     Sau gần  sáu năm chiến đấu, công tác ở Trường Sơn bên nước bạn Lào, tháng 4/1976  cùng trong đội hình Sư đoàn Công binh 565 rút quân về nước dừng chân tại Khe Sanh. Tôi được về quê lấy giấy tiếp nhận về tiếp tục nghề "gõ đầu trẻ" cấp 2. Vào đơn vị được Trung tá Nguyễn Đức Lợi - Phó tư lệnh sư đoàn gọi lên hỏi: cậu có đi thi đại học không?
Thật bất ngờ, đây là niềm mơ ước của tôi, thế là chuẩn bị ngay theo xe vào Trường quân sự của Bộ tư lệnh Trường Sơn ôn thi. Học được 1 tháng thì đột ngột có thông báo: bằng Trung cấp sư phạm 7+3 nhưng lại học có 2 năm (1967 - 1969) không đủ điều kiện thi đại học, nghỉ học chờ quyết định trả về Ban Công binh - Phòng Tham mưu - Sư đoàn 565.
Suốt một tháng trời, hơn 300 đồng đội miệt mài học tập luyện thi, một mình tôi cứ ra  bãi biển Qui Nhơn thơ thẩn nhìn ra biển xanh mênh mông vô tận mà nỗi buồn sâu thẳm tận đáy đại dương. Bỗng dưng lại có thông báo đồng chí Hoàng Kiền được thi đại học, lại một bất ngờ mới, thế là lao vào ôn tập suốt ngày đêm, quên ăn quên ngủ. Tôi học hết lớp 7, đi học sư phạm có 2 năm, các môn toán - lý - hoá mới học hết học kỳ 1 của lớp 10, vào Trường Sơn mang sách đi theo tự học hết lớp 10 ở chiến trường trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ ác liệt với hi vọng thắng giặc trở về sẽ thi vào đại học. Nay lại ôn kém các bạn một tháng, phải cố gắng với quyết tâm cao nhất. Sau 3 tháng ôn luyện, tôi được 2 tháng thôi, trường cho thi thử theo đề thi Đại học, kết quả tôi đạt điểm cao nhất, toán 10, lý 10, hoá 9, thế là yên tâm đi thi. Đầu tháng 7 chúng tôi hành quân ra quê Bác Hồ thi đại học,  lần đầu tiên được đến thăm quê Bác, nghỉ  ngay ở Làng Sen, trước khi vào phòng thi, rất xúc động , thêm vững niềm tin, kết quả thi đỗ điểm cao thật. Chúng tôi về Đại Mỗ - Từ Liêm Hà Nội chờ sau chuyển sang  Ô cách - Gia Lâm ở Tiểu đoàn khảo sát của Bộ tư lệnh Tường Sơn.
  Cơ quan tuyển sinh xuống thông báo có 14 đồng chí đỗ điểm cao được chuyển vào học tại Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, sau đổi thành Học viện Kỹ thuật Quân sự trong đó có Thượng sĩ Hoàng Kiền. Riêng tôi hồ sơ đảng viên thiếu mẫu M3, phải quay vào đơn vị làm bổ sung. Nghe thông báo thật là ngao ngán, tôi đề nghị bỏ hồ sơ đảng viên của tôi đi, là quần chúng thôi, vào học tôi phấn đấu kết nạp Đảng  lại, đồng chí cán bộ nhất định không nghe, nói là nếu anh không vào làm lại lý lịch Đảng, tôi sẽ làm quyết định trả anh về đơn vị cũ. Phải quay vào,  có một mình đi thôi, thẫn thờ ra !!!
 Tôi về quê, mẹ nấu cơm nếp luộc mấy quả trứng gói cho, thế là lại lên tàu vào Nam, một hành trình vô cùng gian nan kể ra dài lắm, sư đoàn không ở Khe Sanh nữa mà đi làm lâm nghiệp ở miền Tây Quảng Bình, biết đâu mà tìm, điện thoại bấy giờ không có làm sao đây. Loay hoay mãi thế rồi tôi cũng tìm đến nơi làm bổ sung hồ sơ, được Thủ trưởng Lợi chỉ đạo nên đã hoàn thành. Lại quay ra Hà Nội, vào nhập trường cuối tháng 11, Ban tuyển sinh của Trường Đại học kỹ thuật Quân sự thông báo : anh đủ điểm  đi học nước ngoài, nhưng lớp tiếng Nga đã học hơn 1 tháng rồi vào không theo kịp, nên học ở trong nước.
Tôi đồng ý ngay.
Các khoa đủ hết rồi, còn thiếu mỗi Khoa Công trình Quân sự thôi!
Tôi nhất trí.
Các lớp đủ hết rồi còn mỗi lớp công sự 11 thôi.
Tôi nhất trí.
Thế là vào nhập lớp Công sự ( tên đầy đủ là  lớp Công sự - Công trình ngầm ), thấy lính mới vào anh em trêu, sao anh lại vào "khoa nông dân", lớp "vai u thịt bắp mồ hôi dầu"?
Mình vốn dĩ như thế mà, vào đây với các bạn là vui rồi.
Học hết học kỳ 1, nhà trường chọn  một số học viên đi học Kỹ thuật hàng không ở Tiệp khắc, anh Ngọ - Chính trị viên đại đội gọi tôi lên động viên, đồng chí Kiền đủ tiêu chuẩn đi học Tiệp Khắc, nhưng Đảng uỷ xét thấy cần giữ đồng chí lại để làm nòng cốt xây dựng lớp Công sự K11, làm lớp trưởng kiêm bí thư chi bộ.
Nếu không vào làm bổ sung hồ sơ đảng viên  chắc chuyến này đi Tây rồi.
Tôi đồng ý, là đảng viên phải chấp hành sự phân công của tổ chức, chả biết chạy chọt xin xỏ gì.
 
Hai lần bị trượt đi tây
Mà Em vẫn cứ hăng say nhiệt tình
Học tập rèn luyện vững tin
Kỹ sư xây dựng công trình vẻ vang.
 
Thế là bốn năm rưỡi làm lớp trưởng kiêm bí thư chi bộ, cùng tất cả 23 học viên phấn đấu học tập xây dựng lớp tiến bộ đồng đều.
 
Kết thúc khoá học, tôi tốt nghiệp đứng đầu trong số 5 học viên đạt loại giỏi gồm :
Hoàng Kiền
Đoàn Trí Dũng
Dư Xuân Bình
Nguyễn Mạnh Đạt
Nguyễn Văn Minh.
 
Tôi được thông báo có danh sách giữ lại trường, được về phép trước để lên đón học viên khoá mới vào nhập học. Nghỉ phép xong lên lại có thông báo nhận quyết định về Bộ tư lệnh Hải quân công tác.
Thế là từ rừng xuống biển.
Tháng 11 năm 1981 Trung uý Hoàng Kiền được biên chế vào Phòng Công binh Hải quân, quần xanh áo trắng bắt đầu từ đây.
 
Ngày 29 tết năm 1982, vừa đạp xe từ Hải Phòng về quê, đang cùng gia đình chuẩn bị đón tết nguyên đán với niềm vui tươi phấn khởi của một kỹ sư quân sự - sỹ quan mới ra trường, được anh em, họ hàng làng xóm đón chào trân trọng là kỹ sư đầu tiên ở làng lúc đó. Đột ngột nhận được điện khẩn, tôi phóng xe đạp ra ngay, hơn 110 ki lô mét mãi đêm 30 tết mới đến nơi. Đúng sáng mùng một tết Phòng Công binh phân công theo đoàn công tác do Chuẩn đô đốc Phạm Huấn - Phó Tư lệnh Hải quân kiêm Cục trưởng Cục tham mưu Lục quân ra trực chiến tại đảo Bạch Long Vỹ. Lúc này trên biên giới phía Bắc sau cuộc chiến tranh xâm do Trung Quốc gây ra từ 17/2/1979 đến 18/3/1979 họ đã rút quân, nhưng xung đột vũ trang vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi rất ác liệt, nhất là khu vực Vị Xuyên - Hà Giang. Trên biển tình hình hết sức căng thẳng, họ cho tàu chiến bao vây uy hiếp đảo Bạch Long Vĩ. Chúng tôi lên máy bay trực thăng săn ngầm Ka 25 từ sân bay Cát Bi bay ra đảo. Nhìn xuống Hải Phòng thành phố tưng bừng rực rỡ cờ hoa trong ngày đầu năm mới. Vượt qua biển xanh lớp lớp sóng cồn bọt tung trắng xoá như báo hiệu những gì nguy nan đang chờ chúng tôi ở phía trước. Máy bay hạ cánh an toàn xuống hòn đảo tươi đẹp "Đuôi Rồng Trắng" này, bộ đội ra đón, cát, bụi bay mù mịt nhưng vẫn rộn lên niềm vui khi lần đầu tiên "cầu hàng không" được nối liền đảo với bờ. Thế là tôi gắn bó với nơi đây ba năm làm nhiệm vụ, chuyển giai đoạn mới từ rừng xuống biển. Sau gần 6 năm ở Trường Sơn, 5 năm đào tạo tại Học viện Kỹ thuật Quân sự nay ra đảo Bạch Long Vĩ nơi trùng khơi sóng vỗ.
     Bạch Long Vĩ còn có tên là "Hải Bào" do nơi đây có nhiều bào ngư. Đảo nằm giữa vịnh Bắc Bộ, cách Hải Phòng 120 ki lô mét, cách đảo Hải Nam 130 li lô mét, chiều dài 3 km, chiều ngang 1,5 km, đỉnh cao nhất là 110 mét. Năm 1887 Trong công ước Pháp - Thanh Bạch Long Vỹ nằm ở phía tây kinh tuyến 105 độ 43 phút đông (lấy kinh tuyến Pa Ri làm gốc ) nên thuộc về An Nam. Năm 1920 mới tìm ra nước ngọt từ đó dân Quảng Yên và Hải Nam ra sinh sống. Năm 1937 vua Bảo Đại phái 12 người ra lập đồn cai quản hòn đảo này. Trong đại chiến thế giới lần thứ hai Nhật đảo chính Pháp, tước khí giới của quân lính Bảo Đại. Năm 1946 Pháp quay trở lại Đông Dương và thiết lập lại chế độ cai trị trên đảo. Năm 1949 Tưởng Giới Thạch chạy khỏi lục địa Trung Hoa chúng ra chiếm Bạch Long Vỹ. Năm 1954 pháp thua trận tại Điện Biên Phủ, hiệp định Giơ ne vơ được ký kết, Pháp rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam, Việt Nam dân chủ cộng hoà chưa có điều kiện ra giải phóng đảo Bạch Long Vĩ, đảo Bạch Long Vĩ vẫn do Tưởng Giới Thạch chiếm giữ. Năm 1955 Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đánh chiếm đảo từ tay quân Tưởng. Năm 1957 Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng lao động  Việt Nam đã ký một thoả thuận Trung Quốc trao trả Bạch Long Vĩ cho Việt Nam, khi đó cư dân Trung Quốc trên đảo được gọi là Hoa kiều. Trước khi ký kết chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã điện sang thông báo, Chủ tịch Việt Nam dân chủ cộng hoà là Hồ Chí Minh nói là Việt Nam không có tầu, nhờ Trung Quốc giữ hộ, Mao Trạch Đông tặng ta hai chiếc tầu vận tải để ra tiếp quản Bạch Long Vỹ. Thế là sau bao biến động thăng trầm, chính thức năm 1957 Bạch Long Vỹ mới thuộc chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hòn đảo nhỏ nằm giữa vịnh Bắc Bộ này với những điều đặc biệt có một không hai trên đất nước Việt Nam, bốn nước một bên đã thay nhau chiếm giữ cuối cùng vẫn thuộc về chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
 
Hiện nay có nhiều ý kiến xung quanh sự việc này. Có ý kiến cho rằng do tình hữu nghị anh em giữa hai nước nên Trung Quốc trao trả Bạch Long Vĩ cho Việt Nam. Có ý kiến cho rằng đây là một âm mưu của Trung Quốc " thả con săn sắt, bắt con cá sộp", cả hai luồng ý kiến đều có lý.
   
     Dân sinh sống trên đảo gồm cả người Việt và người Hoa chủ yếu làm nghề đánh cá và lặn bắt bào ngư. Năm 1965 Mỹ ném bom đánh phá đảo, cư dân sơ tán vào hết đất liền Quảng Yên - Việt Nam  và Hải Nam - Trung Quốc, chỉ còn lại bộ đội giữ đảo. Năm 1982 tôi ra đây, Trung đoàn 952 thuộc Vùng 1 Hải Quân đang giữ đảo, toàn đảo chỉ có mầu xanh trắng của bộ đội và mầu vàng của đàn bò.
    Ra đến đảo, Phó tư lệnh Phạm Huấn tổ chức cuộc họp ngay nghe đồng chí Hoành Trung đoàn trưởng báo cáo, sau đó  Phó tư lệnh phổ biến tình hình và quán triệt nhiệm vụ phải tăng cường phòng thủ nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu đề phòng đối phương đổ bộ đánh chiếm đảo. Ông giao cho Trung uý - Kỹ sư Hoàng Kiền trong một tháng phải đào ngay một đường hầm xuyên qua núi để dấu lực lượng bộ binh khi địch tập kích hoả lực, mang tên đường hầm ĐHB
  Tôi báo cáo ở đây không có phương tiện máy móc đo đo đạc gì cả không đủ điều kiện để khảo sát thiết kế. Ông nghiêm nét mặt quát: Đây là mệnh lệnh chiến đấu, đồng chí chấp hành không bàn cãi. "Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên", một trong mười lời thề danh dự của quân đội nhân dân Việt Nam buổi chào cờ nào cũng đọc, hôm nay lần đầu tiên thực hành đối với tôi. Kỹ sư vừa mới ra trường, cũng lo về trách nhiệm, về kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm cho khảo sát, thiết kế, thi công. Nhờ có kinh nghiệm một năm làm chiến sỹ khảo sát đường Trường Sơn liên tục với các dụng cụ đo đạc thủ công rất thành thạo, lại được học môn trắc địa tại Học viện Kỹ thuật Quân sự rất vững. Đêm hôm ấy không thể ngủ được nằm trằn trọc suy nghĩ, đầu sáng lên khi đã tìm ra cách làm. Sáng hôm sau, tôi cùng đồng chí Dần - Chủ nhiệm Công binh của đảo đến mượn phương hướng bàn của tiểu đoàn pháo binh để làm dụng cụ lấy thăng bằng, dùng thước dây đo xa theo phương pháp đo vòng tròn khép kín.  Từ một điểm cửa hầm chân núi phía Bắc đo lên đỉnh núi sang chân núi bên phía Nam đến vị trí cửa hầm rồi đo ngược lại điểm cũ phía Bắc, khớp cao độ, thế là yên tâm, qua đó lập được mặt cắt ngang của quả núi. Thế rồi ngồi vẽ ra thiết kế đường hầm ngay tại đảo bằng giấy can và bút chì mang theo,  trình Phó tư lệnh Phạm Huấn phê duyệt, cho thi công ngay. Tôi tổ chức huấn luyện cho đại đội Công binh của đảo, chia làm hai mũi đào từ hai đầu vào, công việc tiến hành rất khẩn trương. Đồng thời Phó tư lệnh Phạm Huấn yêu cầu tôi đi theo, ông xác định các vị trí xây dựng công sự bắn lướt sườn. Thế là triển khai thiết kế đồng thời ngay.
Ban ngày ra công trường chỉ đạo thi công, tối về thủ trưởng gọi lên đánh cờ tướng, đã hăng lên là hai bên đều chộp cả, cấm hoãn. Cứ khi nào Thủ trưởng thắng mới được đi ngủ, rất vui gần gũi thân tình, tôi rất kính trọng Ông.
Sau một tháng, tình hình đã bớt căng thẳng, trên đã hạ cấp sẵn sàng chiến đấu, đoàn cán bộ Hải quân có máy bay trực thăng ra đón, Phó tư lệnh giao cho tôi ở lại tiếp tục triển khai thi công. Đoàn về, một mình cậu kỹ sư ở lại, nhìn máy bay cất cánh bay vào bờ mà bâng khuâng một lúc lâu cho đến khi máy bay bay khuất qua vòng cầu mặt biển, lại bước vào công việc khẩn trương ngay.
 
   Tôi đã viết thư gửi về  phòng Công binh báo cáo và đề nghị cử cán bộ kỹ thuật ra tăng cường. Kỹ sư Vũ Đình Nghị bạn học cùng lớp  đại học với tôi ở Phòng Công binh Hải quân và kỹ sư Nguyễn Văn Thấn thuộc Ban Công binh vùng 1 ra tham gia hướng dẫn kỹ thuật thi công, mỗi người phụ trách một hướng đầu hầm. Do yêu cầu thi công nhanh, nếu đổ bê tông liền khối rất lâu nên dùng phương án bê tông thanh lắp 3C15. Tôi theo tàu vận  tải LCU vào trong đất liền sang phòng công binh Quân khu 3 gặp anh Nguyễn Mạnh Đạt đồng đội Trường Sơn, cùng học khoá 11 - Khoa Công trình Quân sự tại Học viện Kỹ thuật Quân sự, là trợ lý Phòng Công binh quân khu tìm hiểu. Được anh Đạt hướng dẫn, giới thiệu, Trung uý Hoàng Kiền đi cùng Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh Trưởng phòng Công binh Hải quân  mới ở Trung đoàn 83 lên, đến liên hệ với Lữ đoàn công binh 513 / QK3 xin vay thanh bê tông đang đúc để mang lên biên giới phía Bắc xây dựng công trình phòng thủ. Nay xin vay để đưa ra  Bạch Long Vĩ thi công cho kịp rồi trả bằng vật liệu và tiền công để đơn vị đúc lại sau, được đồng chí Oánh là Lữ đoàn trưởng tiếp đón và tạo điều kiện cho vay. Tàu há mồm của Hải quân tiếp nhận chở các thanh bê tông ra đảo kịp thời.
 Với quyết tâm rất cao, đường hầm đã được hoàn thành, đào từ hai đầu vào, đo đạc ban đầu hoàn toàn thủ công,  sau có đội đo đạc của Đoàn 6 đo đạc biên vẽ hải đồ của Bộ tham mưu Hải quan ra giúp, bảo đảm đúng hướng, lệch cao độ 80 cm, phải xử lý tạo dốc nối lại.
   Cũng năm 1982 Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài bay ra kiểm tra sẵn sàng chiến đấu tại đảo Bạch Long Vỹ, ông chui vào kiểm tra đường hầm. Kiểm tra xong ra ông hỏi : đứa nào thiết kế đường hầm này?
    Báo cáo Tôi trung uý kỹ sư Hoàng Kiền.
   Sao lại làm thấp thế, may đầu tao là đầu cá trên nên đi qua không việc gì, nếu đầu nhọn là vỡ đầu.
  Tôi báo cáo Thủ trưởng: đây là đường hầm trú ẩn cho bộ binh, thanh bê tông sản xuất theo mẫu chung của Bộ tư lệnh Công binh  là như vậy ạ.
    Ông nói, thế thì được, thế là tốt rồi.
    Cuối năm 1982 tôi được bầu là chiến sĩ thi đua, được thăng quân hàm từ trung uý lên thượng uý với thời gian chỉ một năm trên niên hạn 3 năm.
 
     Tiếp theo tôi làm nhiệm vụ thiết kế xây dựng bổ xung hệ thống công sự trận địa hoả lực cho các trận địa pháo phòng không, pháo mặt đất, các hầm dấu pháo để đồng loạt xây dựng. Một công trường lớn được mở ra, lực lượng Công binh được tăng cường. Tôi đã đi kiểm tra tất cả các đường hầm, hầm dấu pháo, công sự trận địa trên đảo Bạch Long Vĩ, cho đến nay sau bốn thập kỷ vẫn nhớ, vẫn thuộc như lòng bàn tay. Bạch Long Vĩ biên chế cấp  Trung đoàn nhưng số lượng pháo rất lớn, tương đương với Trung đoàn pháo binh hỗn hợp.
   Khi công trình cơ bản xây dựng xong tôi được lệnh vào đất liền, việc chỉ đạo kỹ thuật, thi công công sự, đường hầm tại Bạch Long Vĩ do kỹ sư Vũ Đình Nghị phụ trách.
Tôi chuyển sang làm Tổ trưởng tổ Tác huấn thay đồng chí Nguyễn Văn Quý ra quân. Lại quay ra Bạch Long Vỹ khảo sát quy hoạch, cắm mốc đánh dấu các bãi mìn chống đổ bộ đường biển đồng bộ theo phương án chiến đấu. Tiếp theo là thiết kế làm thí điểm hệ thống vật cản chống đổ bộ đường biển. Các bãi biển nằm trên hướng địch có thể đổ bộ rất dốc, sóng gió lớn việc bố trí vật cản vô cùng khó khăn, tôi cùng kỹ sư Đoàn Duy Linh và đơn vị công binh vượt qua bao gian nan vất vả mới lắp dựng được các ụ chống đổ bộ thí điểm.
    Đêm đêm tàu cá của người Hoa rải khắp vùng biển xung quanh đảo đánh cá chịu sóng gió rất giỏi, những khi gió mùa đông bắc mạnh dân ta về hết thế mà người họ vẫn bám biển không lùi. Tầu cá của họ vào rất gần đảo nhiều khi phân đội trực chiến được lệnh hạ pháo 37 ly 2 nòng bắn  cảnh cáo xua đuổi nhưng họ vẫn lì lợm không chạy, bắn rất rát họ mới chịu ra xa.
     Đảo Bạch Long Vĩ là nơi trú ngụ của loài bào ngư, một thứ hải sản quý hiếm vì giá trị dinh dưỡng của nó rất cao. Bộ tư lệnh Hải Quân chỉ đạo Vùng 1 thành lập một đội chuyên khai thác bào ngư nằm trong Trung đoàn 952. Đội có các thiết bị lặn sâu để bắt bào ngư xung quanh đảo. Mỗi năm khai thác được khoảng 30 tấn bào ngư tươi phơi khô để xuất khẩu thu đô la cho quân chủng mua sắm trang bị. Chỉ huy trung đoàn quản lý rất chặt, bộ đội không được tự do lặn bắt bào ngư, mỗi năm đến ngày lễ tết mới được phân phối mỗi người một đến hai con thôi. Tôi là khách quý nên được Ban chỉ huy trung đoàn là anh Hoành, tiếp đến là anh Khâm Trung đoàn trưởng; anh Hoa chính uỷ tiếp đến là anh Phả là Bí thư đảng uỷ thống nhất ưu tiên cho tôi mỗi tuần 3 con. Gần ba năm ở đảo tôi đã tiết kiệm phơi khô một phần để mang về làm quà cho bố mẹ vợ con ở quê để được thưởng thức món đặc sản này và còn bán một ít lấy tiền làm nhà. Ruột bào ngư rất béo, do nó ăn loại tảo biển mà chỉ môi trường Bạch Long Vỹ mới nhiều. Bộ độ trên đảo thường đến chỗ chế biến lấy ruột về nấu canh, nhưng một tuần chỉ ăn hai bữa, ăn nhiều không tiêu hoá được sẽ bị tiêu chảy. Từ đó có câu chuyện vui truyền miệng là ra đảo không được ăn bào ngư mà chủ yếu là ăn phân bào ngư, tôi viết bài thơ
 
           ĂN PHÂN
 
Tiếng loa thông báo vang lên
Đơn vị khắp đảo mọi bên kéo về
Thùng to, xô nhỏ xúc bê
Cán, binh rạng rỡ hả hê bội phần
 
Chiều nay mừng được ăn phân
Nồi canh béo ngậy nổi vần vàng tươi
Tuần vài ba bữa tiệc xơi
Xài nhiều hơn nữa bụng thời khó tiêu
 
Bạch Long Vĩ đảo thân yêu
Bào ngư cung cấp thật nhiều phân ngon
Ba năm sóng gió chẳng sờn
Đường hầm... vật cản vẹn tròn dựng xây
 
Kỹ sư khách quí nơi đây
Mỗi tuần một bữa đĩa bầy ba con
Phân ngon, thân mới tuyệt giòn
Hoàng Kiền Thượng uý mãi còn nhớ ghi.
 
    Vùng biển này cũng khá nhiều cá, các đơn vị đều tổ chức thả lưới đêm đánh bắt cá cho bộ đội ăn. Đặc biệt ở đây rất nhiều cá mập, những con cá mập nặng hàng tạ mắc lưới, anh em ăn khen ngon nhưng tôi không ăn được vì mùi nó rất gây, ít gia vị chế biến nên cũng chịu thiệt thòi.
     Đảo không có dân, diện tích khá rộng nên bộ đội nuôi một đàn bò khoảng 150 con. Bò tự do tìm cỏ di động trên đảo nên chúng như những  động vật hoang dã, không có chuồng trại gì cả mà cứ lang thang khắp mặt đảo ngày đêm quanh năm để kiến ăn sinh sống. Vào các ngày lễ tết đảo tổ chức giết bò cấp cho bộ đội liên hoan, do sống hoang dã nên không bắt được mà phải dùng súng AK bắn.
 
      Ngày ấy đảo không có cầu cảng, âu tầu mà chỉ có một bến nghiêng dã chiến, duy nhất có tầu há mồm loại LCU và LCM8 ra đảo cập bến để tiếp tế, thay quân và vận chuyển hàng ra xây dựng công trình. Đi biển trên những chuyến tầu này vô cùng gian lao, tầu nhỏ đáy bằng sóng to là nó lắc lư chòng chành chao đảo như chiếc lá tre liệng trên mặt nước, tất cả đều nằm trên sàn tàu không có mái che, sóng tràn vào ướt hết quần áo, người rét run, say nhừ tử, hầu như tất cả đều nôn ra mật xanh mật vàng, không ai dám ăn uống gì từ khi xuống tầu cho đến khi cập bến. Mỗi năm mấy lần ra vào thường là mùa sóng gió, chuyến nào tôi cũng say, tất cả cán bộ chiến sỹ đi theo tầu đều thế cả, chỉ một vài anh em biên chế của tầu là không say thôi. Tôi là kỹ sư sỹ quan nên được Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thoại ưu tiên cho ngủ trên buồng lái, nhưng càng cao càng lắc càng say không chịu được thế là tôi xuống mặt boong nằm chung với anh em chiến sỹ, ướt như chuột lột, say nhừ tử, nôn ra mật xanh mật vàng.
     
                  Tầu nhỏ gió dập sóng bồi
        Thân run, bụng tóp, miệng mơi mật vàng
               Mỗi lần trên chuyến tầu hàng
         Khắc sâu tâm trí bàng hoàng biển khơi
 
   Một lần vào cuối tháng 12 năm 1983 tôi lên tầu LCU mang số hiệu HQ 557, khởi hành từ khu vực Bến Bính ra Bạch Long Vỹ. Tầu xuất phát vào 2 giờ chiều, gió mùa đông bắc to tầu lắc mạnh trôi dạt lênh đênh trên biển, quá nửa đêm không bắt được đảo, qua 5 tiếng mà vẫn không thấy đảo đâu. Tôi cùng hội ý với Thượng uý Nguyễn Văn Thoại thuyền trưởng xác đinh là lạc đường rồi, đã chạy quá sang phần biển của Trung Quốc, quyết định quay tầu về bờ, chiều hôm sau mới vào đến bờ thế là một chuyến đi thất bại. Nguyên do là tầu nhỏ độ trôi dạt lớn, việc tính toán hàng hải cũng chưa chính xác. Khi đó chưa có đinh vị vệ tinh, chỉ đi theo góc phương vị trên hải đồ trừ đi độ trôi dạt nên việc sai lệch lạc đường xảy ra thường xuyên khó khắc phục. Những chuyến đi biển vô cùng gian nan vất vả có khi không thành. Từ đây tôi gắn bó với thuyền trưởng Nguyễn Văn Thoại trên những chuyến tàu ra vào đảo trong ba  năm liền, thân nhau như anh em.
 
Tiếp tục về Phòng Công Binh công tác. Một hôm nghe tiếng gọi ngoài hàng rào của Phòng Công binh, tôi ngó qua thấy Thoại đi xe đạp đèo chiếc xoong nhôm hai lít còn trong bọc giấy xi măng, anh nói muốn gặp trao dổi việc riêng. Hết giờ tôi ra cùng ngồi quán nước trao đổi. Thoại nói sự việc không may xảy ra, anh tổ chức bán dầu thừa sau một số chuyến đi, bị chiến sỹ bất mãn làm đơn kiện, cấp trên chỉ thị cho các cơ quan pháp luật của Quân chủng xác minh xét xử. Nghe mà lo và thật sự cảm thương, tôi dẫn Thoại vào gặp anh Đỗ Quảng là thẩm phán toà án Hải Quân bạn thân cùng quê gần nhà tôi trình bầy nhờ giúp đỡ. Anh Quảng nói vụ này được Tư lệnh chỉ đạo xử trọng điểm, đơn tố cáo đã gửi cho Phòng điều tra hình sự Quân chủng rồi nên không thể không xử được, chỉ có cách là vận dụng với mức thấp nhất trong khung hình phạt thôi. Quà chạy án chỉ có một chiếc xoong nhôm nhỏ mới được phân phối, không có phong bì gì cả. Anh Quảng không nhận và bảo là có giấy chia tiền chiến sỹ mang nộp rồi, bán 10 mét khối dầu do 3 chuyến đi Bạch Long Vỹ tiết kiệm góp lại, chia cho tất cả cán bộ chiến sỹ trên tầu theo danh sách. Một chiến sỹ đi tranh thủ đến chậm bị phạt, thế là cậu ấy lấy trộm danh sách chia tiền đi tố cáo. Anh thẩm phán nói: Có chứng cứ nên không giúp được, sẽ xử ở cận dưới. 
                               Tôi có lời rằng:
 
                               Thưa anh Thẩm phán Hải quân
                               Xe nào mà chả mấy lần bán xăng
                               Tầu nào mà chẳng "tung tăng"
                                Bán dầu trên biển đo bằng thùng can
                                Máy bay hạ cánh an toàn
                                Xăng dầu thừa cũng sẻ san rì rào
                                Thủ kho chìa khoá được giao
                                Lựa khi cấp phát gửi vào tầu xe
                                Cơ quan quản lý ngành nghề
                                Chỉ tiêu phân phôi đưa về gửi thêm
                                Cũng do hoàn cảnh đi kèm
                                Mong anh thông cảm xét xem nhớ rằng
                                Bao giờ dùng nước thay xăng
                                Tầu ta mới hết tung tăng bán dầu
                                Bấy giờ anh sẽ đi đâu
                                Giải nghề xin hỏi là sầu hay vui
                                Thoại đây sóng cả chẳng lùi
                                Nay mắc khuyết điểm ngậm ngùi trình thưa
                                Xoong nhôm phân phối mới mua
                                Gọi là nho nhỏ chút quà mà thôi
 
                               Cám ơn không nhận, ngồi chơi
                               Hình phạt thấp nhất xin mời xem ngay
                               Ba năm tù với tội này
                              Thương thân Thuyền trưởng đắng cay đời tàn...
.
    Sau đó tôi vào Học viện lục quân rồi đi khắp mọi miền đất nước..  Thời gian trôi đi, chúng tôi mất liên lạc, bấy giờ cũng chưa có điện thoại di động. Mãi đến năm 2010 nhân dịp ngày lễ 30/4 tôi về quê, rất mừng gặp lại anh Thẩm phán khi xưa. Anh em ngồi hàn huyên ôn lại chuyện cũ. Tôi trêu anh đã xử oan một con người, Anh nêu là theo chỉ đạo của trên, tôi nói anh chưa có chính kiến của mình. Anh đã xử tù một Sỹ quan tốt, bây giờ đi tìm xem Thoại ở đâu. Thế là anh điện cho cán bộ thuộc quyền cũ đi tìm qua danh sách của cơ quan cán bộ, về tận Thái Bình đến gia đình. Sau khi ra tù Thoại xấu hổ bỏ quê, bỏ vợ con gia đình ra Cát Hải ẩn dật và lấy vợ ở đó. Cháu Hùng ra Cát Hải lần mò mấy ngày tìm đến tận nhà. Thật đau buồn, Thoại đã mất vì bệnh ung thư đúng vào hôm Tôi và Anh thẩm phán đàm đạo. Vào dịp 49 ngày tôi cùng vợ và anh Thẩm phán được cháu Hùng dẫn đường ra Cát Hải thắp hương cho bạn tôi. Nghe chi vợ mới kể lại thật là thương xót. Anh ở Cát Hải sắm tầu chở hàng sang Trung Quốc bán, gặp giông tố tầu bị chìm mất hết cả, rồi lâm bệnh ốm, ung thư không có tiền chạy chữa nên đã ra đi ở tuổi 57. Chúng tôi cùng thắp cho Anh nén hương, lặng lẽ cúi đầu cầu khấn cho linh hồn anh được thanh thản dưới suối vàng, trong lòng nặng trĩu nỗi buồn sâu thẳm, thương xót một con người, đồng đội, người bạn của tôi.
 
    Ba năm gắn bó với Bạch Long Vỹ nghề kỹ sư của tôi được phát huy tối đa, ban ngày ra công trường cùng anh em công binh xây dựng công trình phòng thủ, tối về ngồi vẽ thiết kế nhà mái bằng cho mình. Anh em cán bộ của đảo thấy thế cũng đến nhờ vẽ thiết kế hộ. Thế là tôi trở thành kỹ sư thiết kế nhà mái bằng cho tất cả cán bộ trên đảo có nhu cầu, ai cũng phấn khởi mang bản vẽ về quê để xây dựng nhà cho mình với phương án tiết kiệm nhất.
 
   Ba năm miệt mài với công việc, gắn bó với cán bộ chiến sỹ trên đảo để lại cho tôi những kỷ niêm thật sâu sắc, những tình cảm tốt đẹp với đồng chí, đồng đội, anh em. Khi chia tay vào hẳn trong bờ được ban chỉ huy tổ chức liên hoan, tiễn chân xuống tầu với tình cảm thật lưu luyến. Cũng nhờ có những năm tháng công tác ở Bạch Long Vỹ, sắt thép cũ mang ra từ trước không sử dụng để han rỉ rỗ sâu bỏ đi, tôi đã xin nhặt nhạnh nhờ đồng chí Chương là trợ lý hàng hải của đảo, bạn học với thuyền trưởng Thoại giúp bó buộc lại và nhờ thuyền trưởng Thoại mang vào bờ đưa về quê làm nhà mái bằng theo kiểu của người nghèo.
Có một chiếc tàu đánh cá của người hoa bị hỏng máy dạt vào đảo mắc cạn họ phải bỏ lại. Tôi ra leo lên xem lấy được chiếc ròng rọc bằng thép rất tốt, mang về quê làm dụng cụ kéo vật liệu xây nhà 2 tầng ở quê trong 10 năm rất hiệu quả. Càng sâu đậm thêm những kỷ niệm với đảo Bạch Long Vĩ, nhớ mãi trong đời.
  Cuối năm 1984 hoàn thành nhiệm vụ tôi vào bờ công tác. Về đến nhà thấy con trai út Hoàng Quang Huỳnh đã ra đời được 8 tháng. Mang được một ít hải sâm khô về nấu cháo để Cô giáo có thêm sữa cho con út bú, biếu bố mẹ ít bào ngư khô, món ăn đặc sản tại đảo Bạch Long Vĩ. Xe đạp đèo được ít sắt thép rỉ  đơn vị bỏ đi từ Bạch Long Vĩ mang về, chương trình làm nhà ở quê cũng mở ra từ đây.
 
    Năm 2005 tôi quay trở lại hòn đảo này với cương vị Tư Lệnh Công Binh, lần thứ hai bay trên máy bay trực thăng, lần này của Công ty bay Miền Bắc do Công ty xây dựng Lũng lô thuê bay ra nghiệm thu Âu tầu Bạch Long Vĩ, thật vui mừng.
   Sau 21 năm xa cách, thấy sự thay đổi kỳ diệu của đảo mà lòng tôi xao xuyến bồi hồi, trào dâng những kỷ niệm một thời gắn bó với nơi đây, nhớ tới những đồng chí, đồng đội đã cùng nhau xây dựng bảo vệ hòn đảo tươi đẹp những năm tháng gian nan nơi trùng khơi sóng gió.
 
    Âu tàu khá lớn đã hoàn thành cho tàu vào neo đậu tránh gió bão rất rốt, dân ra đảo sinh sống làm ăn đã khá đông, các công trình được xây dựng, doanh trại của Trung đoàn 952 cũng được xây dựng mới. Tôi tranh thủ buổi trưa đến thăm Chỉ huy Trung đoàn, toàn cán bộ mới cả, giới thiệu lại anh em vẫn biết.
    Nhớ đến bào ngư, tôi hỏi thăm, anh em cho biết do cho dân Đài Loan, Hồng Công vào khai thác hải sản, họ bơm thuốc cho cá ngất đi để bắt thế là bào ngư chết hết, gần đây, cấm việc dùng thuốc đánh bắt cá nên bào ngư đã phát triển trở lại.
 
Lần tới  đây ra thăm Bạch Long Vĩ được Huyện đội trưởng mời, đi tàu du lịch, ra nghỉ khách sạn, sẽ có thời gian thăm đảo với nhiều kỷ niệm sâu đậm một  thời gắn bó.
 
Ba năm gắn bó nơi đây
Phương án phòng thủ dựng xây công trình
Những người chiến sĩ Công binh
Đường hầm... vật cản tận tình hăng say
 
Niềm vui trở lại hôm nay
Tròn bốn thập kỷ nhớ ngày năm xưa
Mái đầu tuyết phủ tóc thưa
Bồi hồi nhớ lại như vừa hôm qua.
 
Năm 1997 về Bộ tư lệnh Công binh công tác, tháng 5/1998 tôi được mời dự gặp mặt truyền thống do Ban liên lạc truyền thống Hải quân khu vực Hà Nội tổ chức, gặp lại Chuẩn đô đốc Phạm Huấn, tôi đến chào bắt tay ông.
Thủ trưởng có nhớ em không?
Nhớ chứ, đánh cờ chộp ở Bạch Long Vĩ suốt một tháng mà, tớ không nhớ tên, chỉ nhớ cậu là Công binh thôi, đánh cờ với thủ trưởng cũng chộp nhanh chả kém .
Hai thầy trò cùng cười.
Thủ trưởng giao cho em đào đường hầm ĐHB mà.
Ừ, nhớ chứ.
Sau đó còn theo thủ trưởng giảng bài cho lớp tập huấn về bảo đảm công binh chiến đấu phòng thủ đảo, Bảo đảm công binh cho Hải quân đánh bộ đổ bộ....Rất nhiều kỷ niệm sâu sắc .
Khi về hưu, mình lên Hà Nội sống rồi  lập ra Ban liên lạc truyền thống Hải quân khu vực Hà Nội đấy, khi nào cậu về hưu cố gắng tham gia nhé.
Vâng ạ.
Mãi thắm nghĩa tình đồng đội Hải quân, một thời với Bạch Long Vĩ đảo thân yêu.
Đến năm 2018 tôi được bầu làm Trưởng ban liên lạc truyền thống Hải quân khu vực Hà Nội là người thứ 3.
Lần lượt :
Chuẩn đô đốc Phạm Huấn
Đại tá Nguyễn Thế Chinh
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Những kỷ niệm về Bạch Long Vĩ đảo thân yêu một thời như thế.
 
Hà Nội ngày 20/2/2021
Mùng 9 tết Tân Sửu 2021
 
 
tin tức liên quan