Đêm cuối ở Viện quân y
NGUYỄN KIM CHÚC
Đêm cuối cùng tôi nằm điều trị tại khoa phẫu thuật tiêu hóa Viện quân y 108. Vết mổ đã lành chỉ chờ sáng ra làm thủ tục xuất viện là tôi được trở về với gia đình, với đồng đội yêu thương. Chiếc đồng hồ thông minh trên cổ tay tôi đã chỉ 2 giờ15 mà sao giấc ngủ vẫn chưa tới! Không gian thật tĩnh mịnh. Các thiết bị điện chay ro ro … lúc lại ầm ào. Nhắm mắt lại ta lại có cảm giác như đang nằm võng giữa rừng Trường Sơn với tiếng suối chảy róc rách và gió ngàn ru cây.
Đây là lần thứ năm tôi lên bàn mổ ở Viện quân y 108. Bốn lần trước cũng chỉ là những phần phẫu thuật nhỏ như mổ bóc u xơ tuyến tiền liệt. Còn lần này là cắt bỏ đoạn đại tràng bị ung thư. Nhưng đây là lần để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất và cầu mong sao cho hết cuối đời không phải quay lại đây một lần nữa. Tôi là cựu chiến binh Trường Sơn lớn tuổi. Tết này được tính là 79, tuổi ta là 80. Trước tôi không có biểu hiện gì bệnh lý, chỉ đến khi đi viếng đám ma về là phát bệnh. Tôi vào Viện 108 thăm khám. Các bác sỹ tận tình chỉ dẫn làm các xét nghiệm. Nhập viện hôm trước, hôm sau đã lên bàn mổ…
9 giờ 30 sáng bước lên bàn mổ. Bác sỹ Nga gây mê vừa làm vừa hát. Tôi nghe những giai điệu mộc mạc từ bác sỹ Nga và bước vào giấc ngủ lúc nào không biết. Tỉnh lại là lúc tôi từ khu phòng mổ về phòng hậu phẫu tầng 16 tòa nhà 21 tầng đồ xộ, hiện đại. Lúc đó đồng hồ chỉ 15 giờ 30. Tính ra tôi đã ngủ liên tục 6 tiếng. Về phòng hậu phẫu bắt đầu một quy trình mới truyền dịch, kháng sinh, kết nối với các máy theo dõi nhịp tim, huyết áp … Nhờ áp dụng gói hỗ trợ không đau, tôi không hề cảm thấy đau. Chỉ khổ nỗi buồn ngủ, chợp mắt một tý máy lại báo đèn vàng rồi đèn đỏ rú … Thì ra tôi ngủ có tật xấu hay ngừng thở ngắt quãng. Máy theo dõi nhịp thở lại rú, con gái tôi lại phải thức bố dậy nhắc thở sâu. Tình hình được cải thiện nhưng đêm đầu ở phòng hậu phẫu không ngủ được chút nào. Cũng chính vì thế tôi biết mọi chuyện trong phòng hậu phẫu.
Phòng hậu phẫu có 8 giường thì 6 giường có bệnh nhân mới mổ. Các giường bệnh đều có người chăm sóc, người ấy được chỉ định duy nhất chăm bệnh nhân sau mổ, có biển tên và chứng minh thư đi cùng. Họ được tập huấn kỹ càng về chăm sóc người bệnh. Trước tiên là theo dõi quá trình truyền dịch cho bệnh nhân. Bệnh nhân tại phòng hậu phẫu và sau này ở phòng điều trị đều phải truyền dịch. Tủ đầu giường bệnh nhân thường xếp đầy chai lọ, bịch thuốc. Người nhà bệnh nhân theo dõi truyền dịch. Gần hết gọi điều dưỡng tới thay chai lọ. Chỉ điều dưỡng mới biết rõ thứ tự truyền dịch vì họ có chỉ lệnh của bác sỹ. Chẳng may điều dưỡng chưa tới, hết thuốc phải khóa dây truyền lại. Nếu không máu sẽ theo tĩnh mạch chảy ngược ra. Nhiệm vụ nữa cũng quan trọng với người nhà bệnh nhân là đổ dịch truyền thải ra và làm những việc phục vụ người nhà ăn uống. Đổ dịch truyền thải ra lại phải đong đếm để báo cáo theo dõi trong ngày … Nhìn chung người nhà bệnh nhân vô cùng quan trọng, căng thẳng và vất vả. Nhưng những người chăm nuôi phần lớn là con gái đi chăm bố. Trong sáu bệnh nhân hậu phẫu có bốn con gái chăm bố, một vợ chăm chồng và một mẹ chăm con. Tuyệt nhiên không thấy nàng dâu nào cả. Tôi đem thắc mắc này hỏi các cháu. Kiều My con gái chăm bố mổ đại tràng lại trả lời khác: “Thế mà khi đẻ, các cụ lại chỉ mong đẻ con trai ông ạ”. Thế cũng là một nhận xét.
Các con chăm bố dễ quen nhau, cảm nhận rất thân tình, coi việc của bạn cũng như của mình. Nhiều khi các bạn phải xúm vào giải quyết các ca khó. Quá nửa đêm CCB Văn Liêm lính Sư đoàn 320 cũng mổ đại tràng trước tôi một ngày bất ngờ loạn thần. Ông sờ soạng dứt hết dây dẫn truyền trên bụng. Con gái Bích Thủy giữ tay ông và cử người gọi bác sỹ trực. Yên ắng trở lại sau khi ông được trích thuốc an thần. Sự ầm ĩ, náo loạn thực sự ở phòng hậu phẫu lại chính là đêm thứ hai tôi nằm ở đây. Cụ Sự 84 tuổi người được khen là “ngoan” nhất phòng - mổ dạ dày cùng ngày với tôi bắt đầu tỉnh táo. Cụ tâm sự về đời mình: Trước có tham gia dân công hỏa tuyến. Cụ sống ở Hải Hậu - Nam Định. Cụ đã qua năm đời vợ và hiện có mười ba đứa con cả trai lẫn gái. Cụ nói cụ có con trai đang làm công an ở Hà Nội, cô con gái Minh Lý hiện đang chăm bố ở đây là đứa con thứ bảy. Cụ Liêm và cụ Sự nằm gần nhau. Cụ Liêm đêm trước có chút thếu tỉnh táo được tiêm thuốc an thần cụ ngủ một giấc ngon lành. Giờ nghe cụ Sự tâm sự về đời mình, cụ góp chuyện:
- Em ở cổng chợ lớn thành phố Hải Dương. Mời các bác về quê em, em có dàn phong lan đẹp lắm. Ngừng một lát như nhớ ra điều hệ trọng, cụ hỏi: - Ngày 30 tháng 4 năm 1975 các bác ở đâu? Tôi trả lời cụ:
- Tôi ở dinh Độc lập.
- Em ở căn cứ Nước Trong. Em là lính hậu cần mà.
Rồi cụ Sự và cụ Liêm thay nhau kể về cuộc đời tham gia kháng chiến của mình. Các con chăm bố nghe các bố kể chuyện cũng bắt đầu chụm lại to nhỏ tâm sự. Bất ngờ hai cụ đều ngừng kể chuyện về mình. Cụ Liêm lại lên cơn loạn thần. Rất cảnh giác con gái Bích Thủy giữ tay bố lại. Các bạn đi gọi bác sỹ trực. Lại tiêm thuốc an thần, nhưng lần này thất bại. Cụ Liêm nằm không yên như trước mà chống lại những chỉ dẫn của bác sỹ. Kết quả là cụ bị trói chân tay lại. Cụ chửi vô nhân đạo dám trói cụ. Cụ cựa mãi, cụ không còn sức chống cự, nhưng lại mắc chứng nấc cụt không dừng … Chuyện cụ Liêm bị thế đã sợ nào ngờ ít phút sau cụ Sự cũng bị loạn thần giống cụ Liêm. Mới đầu cụ cũng dứt bỏ các dây truyền ngồi dậy, định xuống giường. Con gái Minh Lý kịp ngăn lại. Lại phải gọi bác sỹ trực. Kết quả là cụ Sự cũng bị trói chân tay lại. Nhưng cụ chống cự quyết liệt, tự cởi được trói và bắt đầu chửi bới. Sau một thời gian giữ bố, Minh Lý cũng dần kiệt sức. Cô vò đầu bứt tai than vãn.
- Bố em làm sao ấy. Từ 12 giờ tới giờ như ma làm. Bác sỹ trấn an:
- Không sao đâu. Các bác loạn thần do hội chứng thuốc gây mê. Cố gắng giữ yên để bệnh nhân đỡ mất sức …
Sáng ngày thứ ba nằm hậu phẫu bọn tôi được chuyển về các phòng điều trị. Tôi và đại úy Anh Tuấn - lính Quân đoàn 1 cùng mổ đại tràng được phân về phòng số 3. Phòng ba giường, Tuấn nằm giường đầu, tôi nằm giữa, giường thứ 3 có cửa sổ nhìn ra phố. Khoảng 11 giờ đại tá Tâm nguyên cán bộ Văn phòng Bộ Quốc phòng tiếp quản. Tưởng ai xa nào ngờ tôi và đại tá Tâm cùng bộ đội Trường Sơn, cũng diện bộ đội giữ lại học: Tôi học Kinh tế Kế hoạch, Tâm đại học Giao thông Vận tải. Anh vào đại học sau tôi một khóa. Tôi ôn thi văn hóa ở Quy Nhơn năm 1976, còn anh ôn văn hóa ở Lý Hà - Quảng Bình năm 1977. Anh ở Sư đoàn 473 còn tôi lính Sư đoàn 471. Khi biết tôi đã gần 80 tuổi, anh nắm chặt tay tôi:
- Lãi rồi anh, tám mươi rồi mà! Còn em mới 73. Rồi anh nói căn bệnh của anh, anh phẫu thuất mấy năm trước. Ngày trước bụng đau giữ dội - Tắc ruột anh lại cấp cứu vào khoa và nay đang điều trị cùng phòng với chúng tôi. Anh đã hết đau, suốt ngày nghe đọc truyện và phim kiếm hiệp dài tập trên mạng …
Không gian tĩnh mịch, hệ thống điều hòa không khí và các thiết bị điện phục vụ cho phòng bệnh vẫn đều đều làm việc. Đêm lại càng huyền ảo. Nhắm mắt lại nghe những tiếng kêu ro ro, lúc lại rào rào, khình kịch … nghĩ ra đủ thứ như những năm nằm võng trên rừng Trường Sơn đánh giặc. Đồng hồ đã nhích dần qua 3 rưỡi sáng tôi vẫn chưa ngủ được. Mà ngủ gì nữa đôi mắt không chịu nhắm và đầu luôn nghĩ về những ngày được các bác sỹ chăm sóc. Sáng qua đại tá Tâm ra viện. Một CCB từ Nam Định vào nằm thế chỗ để chờ mổ đại tràng. Từ lúc vào viện tới giờ đồng chí nhà mình rất căng thẳng, ra ra, vào vào, gặp gỡ … Giờ vẫn chưa thấy bóng dáng người nhà thăm nuôi. Đồng chí mình mới chỉ ngồi trên giường bệnh chừng một tiếng với một nam bác sỹ gây mê. Tôi nghe thấy họ nói nhiều chuyện xung quanh cuộc mổ ngày mai. Trước khi ra về chàng bác sỹ bắt chặt tay người bệnh phán một câu: “Mà biết đâu chính em lại gây mê cho anh”. Đồng chí mình phải làm các bước mà chính tôi chín ngày trước đã phải làm. Sau khi đi nghe phổ biến các bước phải làm trước khi lên bàn mổ, đồng chí mình ôm hai bộ quần áo bệnh nhân về và các loại thuốc cho tẩy rửa ống tiêu hóa. Về lại phòng điều trị cũng là lúc cơm chiều đến. Bưng xuất cơm về giường mặc dù bọn tôi cũng khuyến khích: “Cứ ăn bình thường, không sao đâu”. Nhưng đồng chí mình chỉ ăn vài miếng rồi bưng khay trả. Bác sỹ dặn 8 giờ tối pha hai bịch thuốc vào hai lít nước uống xong trong một tiếng. Đồng chí mình đem hai chai nước loại 1,5 lít/chai về pha hai bịch thuốc thành 3 lít nước. Mãi tới 11 giờ đêm đồng chí mình mới đi tắm thay quần áo đợt một. Bốn giờ sáng đồng chí mình đã trở dậy vào phòng vệ sinh. Tôi đã thức suốt định bụng cố gắng chợp mắt lấy một chút. Nhưng không tài nào ngủ được. Tôi lại nghĩ tới chín ngày tôi nằm điều trị ở đây. Làm bệnh án ở khu hành chính của khoa tôi được nghe phổ biến: “Bác sỹ điều trị cho tôi tên Dư”. Nhưng người tiếp xúc đầu tiên với tôi lại là Đại tá - Tiến sỹ - Phó Chủ nhiệm khoa tên Tâm. Ông nhận cầm dao mổ cho tôi. Ngay phút đầu tôi đã có thiện cảm với ông. Ông hỏi tôi rất kỹ về bệnh sử của tôi, nhắc tôi những việc cần thực hiện. Ông trao đổi rất kỹ tình hình bệnh của tôi với con gái tôi. Qua cách diễn đạt của ông được con gái nói lại tôi rất tin ca mổ thành công. Tôi đang cầm bộ quần áo đi thay lần một, ông lại xuất hiện. Ông nói: “Cần nhất là phải sạch sẽ”. Nói rồi ông đi khỏi. Riêng tôi ngầm hiểu: Phải làm tốt quy trình tẩy rửa và vệ sinh sạch sẽ … Ông mổ cho tôi lúc nào tôi cũng không biết. Về phòng hậu phẫu và sau này về phòng điều trị ông thường xuyên thăm vết mổ của tôi, chỉ dẫn những điều cần thiết …
Đội ngũ y bác sỹ, điều dưỡng với tôi, họ là những người tuyệt vời, kịp thời, chính xác, chu đáo … Không còn gì để nói. Trung bình mỗi ngày có từ 5 đến 6 ca mổ, chưa kể những ca cấp cứu ngoại khoa khác. Nhưng mọi việc diễn ra rất nhịp nhàng chuyên môn hóa rất cao. Tất cả được tính toán, có hệ thống thông tin chỉ huy thông suốt, chính xác, kịp thời. Tuy vậy cũng còn có chuyện để nói. Ngày nào cũng vậy cứ 7 giờ sáng hệ thống loa lại nhắc nhở nội quy phòng bệnh. Thông báo nói rất rõ các thiết bị trong phòng bệnh và quy định rõ mọi người phải tuân theo. Cuối cùng còn nhắc: “Không được động tới nút đỏ trong phòng vệ sinh - nút gọi cấp cứu”. Nhưng lại không nói nhỡ động vào thì xử trí ra sao. Ngay đêm thứ hai về phòng điều trị, khoảng hai giờ đêm, người thân dìu tôi vào phòng vệ sinh. Chả hiểu làm sao tôi chếnh choáng đưa tay vào nút đỏ. Tức thì đèn cấp cứu đầu giường tôi nhấp nháy rú liên tục. Mọi người trong phòng không biết xử lý ra sao. Rất may ngay sau đó bác sỹ trực xuất hiện, cảm thấy sự lo lắng của chúng tôi bác sỹ nhẹ nhàng dặn: “Nhỡ xẩy ra như vậy chỉ cần ấn vào đèn nhấp nháy là không sao cả”. Tôi vội vàng xin lỗi vì mình đã gây ra chuyện.
Đã hơn năm giờ sáng, đồng chí giường bên cạnh lại vào phòng vệ sinh tắm rửa thay quần áo lần cuối để sáng ra lên bàn mổ. Còn tôi trắng đêm không ngủ - đêm cuối cùng của đợt điều trị này của tôi. Sáng ra đồng đội chuẩn bị lên bàn mổ thì tôi làm thủ tục ra viện.
Mười ngày qua tôi gắn bó với nơi này với những thầy thuốc và nền y học tuyệt vời. Tôi về nghỉ để đợi cuộc chiến đấu mới với những tế bào lạ. Tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tập thể y bác sỹ điều dưỡng những người thực sự “Lương y như từ mẫu”. Tôi cũng muốn gửi tới các bạn tôi nếu chẳng may mắc bệnh như tôi hãy tin vào nền y học hiện đại, tin vào tài năng của các tầy thuốc Viện quân y 108 và chúng ta sẽ là người chiến thắng./.