Đại đội xe "Độc nhất vô nhị" trên đường Trường Sơn

Ngày đăng: 07:03 18/03/2021 Lượt xem: 410
ĐẠI ĐỘI XE “ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ” TRÊN ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
 
         “Chị Viên ơi, chúng em về thăm chị đây! Đại đội nữ lái xe Trường Sơn của chúng mình được phong tặng danh hiệu anh hùng rồi chị ạ. Ngày vui mà chị lại vắng mặt…” – giọng bà Nguyễn Thị Hòa, nguyên Chính trị viên Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, nghẹn lại, xen lẫn những tiếng khóc nơi khuôn viên Nghĩa trang thôn Hải Yến (xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) trong buổi sáng đầu đông, khiến những người có mặt đều rưng rưng xúc động…
         Đôi mắt đỏ hoe, giọng nghẹn ngào, kìm nén xúc động dâng trào, bà Nguyễn Thị Hòa chia sẻ: “Mỗi dịp gặp nhau, trong câu chuyện chúng tôi vẫn bảo nhau, những ngày đêm sống giữa bom đạn khốc liệt của chiến tranh, sự sống và cái chết cận kề trong gang tấc, vậy mà bom đạn kẻ thù không “động” tới cả 40 đứa con gái tuổi mười tám đôi mươi, thật kỳ diệu!”.
         Trong dòng cảm xúc, bà Hòa nhớ lại: Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, tiền thân là Trung đội nữ lái xe độc lập mang tên Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Hạnh được thành lập ngày 18-12-1968, tại vùng núi xã Hưng Phổ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Nhiệm vụ của đội là vận tải hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc men cho chiến trường miền Nam; đưa thương binh, bệnh binh, cán bộ từ chiến trường ra miền Bắc điều dưỡng, học tập… với tuyến hoạt động chủ yếu từ Bến Thủy (Nghệ An) đến Tây Trường Sơn, trong đó có nhiều trọng điểm phải vượt qua như: Ngã ba Đồng Lộc, Khe Ve, Long Đại, 050, Cổng Trời…, những địa danh nổi tiếng là “trọng điểm của trọng điểm”, là “túi bom” địch đánh phá ác liệt nhất.
         “Ngày ấy, đội chúng tôi chưa ai từng một lần cầm vô lăng điều khiển bất cứ loại xe nào, vậy mà chỉ sau 45 ngày tập huấn, người nào cũng tự tin cầm lái đủ các loại xe từ Gát 51, Gát 63, cho đến Zin 157, kể cả loại xe nặng nhất có đầu tời chuyên cứu kéo xe gặp nạn. Ý chí và tinh thần quả cảm của những nữ lái xe ngày đó còn khiến cánh mày râu phải nể phục” – Bà Hòa trải lòng. Tiếng bà Vũ Thị Kim Dung, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 xen vào: “Nói không sợ cũng không đúng, nhưng chúng tôi không sợ bom đạn, nguy hiểm, mà chỉ sợ trôi xe, mất hàng, không đưa được thương, bệnh binh đến nơi an toàn, nhất là những lúc lái xe qua ngầm vào mùa mưa, nước từ trên thác tràn xuống ngầm cuồn cuộn, nhìn đã thấy chóng cả mặt, nếu tay lái không vững, xử lý tình huống không nhanh, không có bản lĩnh, thì cả người và xe rất dễ bị nước cuốn trôi”.
         Bà Dung cho biết, tuyến đường 12 ngày ấy có đoạn “cổng trời” vượt sang Lào luôn là thử thách nguy hiểm nhất, với những cua dựng đứng, đường đèo một bên là núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm, trong khi xe của đại đội hầu hết thực hiện nhiệm vụ và hành quân vào ban đêm để tránh máy bay địch phát hiện. Xe đi trong đêm bằng “đèn rùa” lắp dưới gầm; xe xuyên rừng, vượt đèo trên những tuyến đường nổi tiếng khốc liệt và hiểm trở trên địa bàn Quảng Bình, Quảng Trị… Cung đường nguy hiểm, cộng với địch đánh phá suốt ngày đêm với nhiều loại bom, đạn, rốc-két và tần suất đánh phá ngăn chặn rất cao, nhưng không làm các nữ tài xế sờn chí, vẫn kiên cường dũng cảm vượt cung, tăng chuyến đều đặn ra vào, không để lỡ giờ, lỡ ngày của kế hoạch vận chuyển. Có những chuyến hàng, trước khi lên đường làm nhiệm vụ nơi trọng điểm, đơn vị tổ chức “truy điệu sống”, nhưng các nữ lái xe vẫn vững vàng tay lái, đưa những chuyến hàng “vì miền Nam ruột thịt” đến nơi an toàn.


Đội vận tải mang tên anh hùng Nguyễn Thị Hạnh. Ảnh tư liệu.
 
         Trong ký ức các nữ lái xe Trường Sơn, hình ảnh Phạm Thị Phàn-người thấp bé nhất đội, nhưng bản lĩnh và sự gan lỳ cũng nhất đội, dẫn đầu đoàn xe hơn chục chiếc của các lái xe nam vượt “cửa tử thần” thẳng tiến về Cổng Trời trong ánh sáng được soi bằng hỏa pháo của địch, kèm theo những mảnh đạn văng tung tóe phía trước, phía sau, rơi cả trên nóc ca-bin; những ánh chớp dài lóe sáng và tiếng động cơ máy bay địch gầm rú trên đầu, bắn đuổi theo đội hình, là minh chứng cho lòng quả cảm và bản lĩnh của những nữ lái xe Trường Sơn. Cũng trong đêm ấy, đơn vị quay vòng đủ hai chuyến, bảo đảm kịp kế hoạch giao nhận hàng hóa, thương binh.
         Còn rất nhiều tấm gương dũng cảm, như Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1 Bùi Thị Vân đã chỉ huy, vận chuyển thương binh vượt qua ngã ba Đồng Lộc, gặp máy bay Mỹ đánh phá cả trước và sau đội hình, nhưng các chị kiên quyết không bỏ xe, bỏ đồng đội, dũng cảm, mưu trí, vững tay lái đưa xe vượt qua trọng điểm, đưa thương binh vào nơi trú ẩn an toàn. “Cả đội lái xe nữ gan góc, bản lĩnh và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ bởi chúng tôi có người đội trưởng Phùng Thị Viên luôn hết lòng vì đồng đội, dũng cảm đi đầu trong những tình huống nguy hiểm và quyết định nhất” – bà Phạm Thị Phàn khẳng định.
         Cho đến tháng 2-1972, do yêu cầu nhiệm vụ, Đại đội nữ lái xe Trường Sơn được điều về Trường Đào tạo lái xe D255, thuộc Cục Quản lý xe máy. Các chị làm giáo viên dạy cho 300 nữ lái xe tiếp tục nhiệm vụ phục vụ tại các bệnh viện quân đội, kho xe, kho hàng thay cho lái xe nam ra trận. Các chị cũng vinh dự có mặt trong đội duyệt binh mừng đất nước hoàn toàn giải phóng năm 1975 tại Quảng trường Ba Đình. Cuối năm 1975, sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn, người về đơn vị, người chuyển ngành, người về với đồng ruộng quê hương, nhưng trong tâm khảm của họ, niềm tự hào về một thời cầm vô-lăng nơi “tuyến lửa” vẫn là những ký ức không quên.
         Gần nửa thế kỷ đã qua, những tay lái Trường Sơn một thời đã về với đời thường, cuộc sống nhiều người vẫn còn khó khăn, vất vả; có chị làm mẹ, nhưng không được làm vợ, hoặc làm vợ nhưng không được làm mẹ; có chị hiện vẫn đang sống một mình, nhưng trong ký ức, họ luôn tự hào về một thời được sống, cống hiến, góp phần làm nên tên tuổi một đơn vị “độc nhất vô nhị” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
         Trong 7 năm tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và huấn luyện, Đại đội nữ lái xe Trường Sơn được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng ba, nhiều bằng khen của các cấp; 2 cá nhân được tặng Huân chương Chiến công hạng nhì; 34 cá nhân được tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba. Ngày 23-7-2014, đại đội vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Đại đội trưởng Phùng Thị Viên được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

 
(PS sưu tầm)

 
tin tức liên quan