Bộ đội Trường Sơn với Campuchia

Ngày đăng: 05:31 01/04/2021 Lượt xem: 378
                                                               
 BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN VỚI CAMPUCHIA
 
       Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tuyến chi viện chiến lược 559 – Bộ đội Trường Sơn được Đảng, Nhà nước và Quân đội Nhân dân Việt Nam giao nhiệm vụ chi viện cho cách mạng của 3 nước Đông Dương. Trong lịch sử 16 năm làm nhiệm vụ chi viện chiến lược, Bộ đội Trường Sơn đã rất quan tâm xây dựng tình đoàn kết chiến đấu, hữu nghị giữa quân đội và nhân dân Campuchia anh em.
       1- Từ đầu năm 1964, Trung tá Nguyễn Đức Phương, Đoàn trưởng Đoàn 673 (sau này là Đoàn K20 – thuộc Binh trạm 37 Trường Sơn) đã tổ chức phát triển việc khai thác lương thực, thực phẩm, xăng dầu từ Campuchia phục vụ nhu cầu của chiến trường Nam Bộ và Tây Nguyên. Có lúc số lượng lương thực khai thác tới 3.000 tấn.
Để phục vụ việc vận chuyển lương thực, xăng dầu từ Campuchia thuận lợi (vì trước đây chủ yếu vận chuyển bằng đường sông Sekong rất hạn chế vì có nhiều thác ghềnh), Đoàn K20 đã đề suất việc mở con đường bộ từ Đôn Phầy đi Sieng Pạng thuộc tỉnh Strung Treng (Campuchia). Trung đoàn công binh 98 của Bộ đội Trường Sơn đã mở đường thần tốc. Chỉ trong vòng 1 tháng Trung đoàn 98 đã mở xong con đường mang tên C4 dài 60 km nối Đôn Phầy xuống Sieng Pạng. Nhờ có đường C4 mà giao thông tại khu vực này của các lực lượng cách mạng và nhân dân vô cùng thuận lợi. Nhờ thế mà việc thu mua, vận chuyển gạo, xăng dầu của Đoàn K20 Trường Sơn rất thuận lợi, từ một tuần bằng đường sông chỉ mất 2 ngày bằng đường bộ C4.
        2- Binh trạm 37 (Sư đoàn 470) Bộ đội Trường Sơn từ năm 1965 đã khai thông tuyến vận chuyển đường sông từ sông Sekong (Lào) nối xuống sông Mekong (Campuchia).
       3- Từ năm 1966, Bộ đội Trường Sơn đã phối hợp với lực lượng quân giải phóng B2 (Đông Nam Bộ, Việt Nam) và lực lượng cách mạng Campuchia giải phóng 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia là tỉnh Ratanakiri, Strungtreng, Krachie và Mondulkiri và cùng với lực lượng cách mạng Campuchia xây dựng nơi đây thành căn cứ cách mạng - một vùng giải phóng rộng lớn.
       4- Ngày 18/3/1970, dưới sự bảo trợ của Mỹ, lực lượng cánh hữu của Lonnon Xirich Matac đã lật đổ chính quyền của Quốc vương Xihanuc. Mỹ đã đưa quân trực tiếp sang Campuchia để thực hiện chiến lược mới.
Để phá thế bao vây chiến lược mới của đế quốc Mỹ, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam đã thống nhất với Đảng của Lào và Campuchia mở đợt tấn công mới mở rộng vùng giải phóng Trung - Hạ Lào và Campuchia, nối thông với Tây Nguyên và Đông Nam Bộ của Việt Nam, hình thành hậu phương chiến lược của cách mạng 3 nước Đông Dương; Đưa vận tải cơ giới sâu, đáp ứng yêu cầu cách mạng của 3 nước. 
       Sư đoàn 470, Bộ Tư lệnh Trường Sơn có Binh trạm 50, 51, 53 đứng chân và làm nhiệm vụ chi viện trên đất Campuchia. 
       5- Đầu tháng 2 năm 1973 khi sang Hà Nội thăm chính thức Việt Nam, Quốc trưởng Campuchia Xihanuc bày tỏ nguyện vọng muốn được Việt Nam giúp đỡ để về thăm vùng giải phóng Campuchia. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an thực hiện nguyện vọng của Quốc trưởng.
Bộ Tư lệnh Trường Sơn được giao tổ chức chuyến đi vượt Trường Sơn cho Đoàn của Quốc trưởng. Bộ Tư lệnh Trường Sơn cử Đại tá Phó Tư lệnh Lê Đình Sum tháp tùng và tổ chức chỉ huy trực tiếp chuyến hành hương của Quốc trưởng. Đoàn gồm 89 người đi trên 13 chiếc xe do những chiến sĩ lái xe thiện chiến của Trường Sơn điều khiển cùng một đoàn tùy tùng tham gia phục vụ và bảo vệ Đoàn.
      Ngày 27/2/1973, Đoàn đặt chân tới Trường Sơn. Bộ Tư lệnh Trường Sơn giao nhiệm vụ cho 4 Sư đoàn: 473, 472, 471, 470, tổ chức 8 trạm dừng nghỉ trên đường vượt Trường Sơn cho Đoàn. Tại các trạm dừng nghỉ, Bộ đội Trường Sơn đã chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ, chu đáo và tốt nhất có thể trong hoàn cảnh chiến tranh ngày đó. Suốt dọc tuyến hành trình trên Trường Sơn của Đoàn, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã huy động nhiều lực lượng của 4 sư đoàn bảo đảm việc hành quân của Đoàn an toàn, thông suốt.
      Đến Sieng Pạng (Campuchia), Đoàn chuyển xuống đi bằng thuyền máy do bộ đội vận tải sông của Binh trạm 37 thuộc Sư đoàn 470 Trường Sơn đảm nhiệm. Đoàn đi dọc sông Sekong về Ta Ngo để Quốc trưởng và phu nhân về thăm vùng giải phóng Campuchia.
      Ngày 5/4/1973, Đoàn quay trở ra và về đến Trụ sở của Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã đón và mở tiệc chiêu đãi Đoàn. Tại đây Quốc trưởng Xihanuc đã xúc động phát biểu: “Đây là chuyến đi lịch sử có một không hai. Qua chuyến đi chúng tôi được tận mắt chứng kiến thắng lợi và sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tổ chức của các ngài rất khoa học. Bộ đội các ngài có kỷ luật và thiện chiến. Việt Nam nhất định thắng lợi, cách mạng 3 nước Đông Dương nhất định thắng!”. Quốc trưởng vừa kéo đàn Accoodeon vừa hát bằng 2 thứ tiếng Việt và Khơme bài hát về tình hữu nghị Campuchia – Việt Nam tặng Bộ đội Trường Sơn. Đây là bài hát mà Quốc trưởng đã sáng tác trong hành trình vượt Trường Sơn trở về thăm lại Đất nước Campuchia mến yêu. Đài Tiếng nói Việt Nam sau này đã thu âm bài hát và giới thiệu ca khúc trên sóng của VOV.
       Cũng tại Sở chỉ huy Trường Sơn, Quốc trưởng đã nói chuyện trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua điện thoại. Quốc trưởng vô cùng ngạc nhiên và đánh giá rất cao hệ thống thông tin xuyên đại ngàn Trường Sơn của Bộ đội Trường Sơn trong hoàn cảnh gian khổ và ác liệt của chiến tranh…
      6- Cũng trong năm 1973, Bộ đội Trường Sơn đã tổ chức 2 chuyến đi tiếp sau đó cho đoàn Chính phủ Campuchia Dân chủ từ Trung Quốc vượt Trường Sơn về vùng giải phóng Campuchia an toàn, tốt đẹp.
       7- Kết thúc mùa khô 1973-1974, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển chi viện 5.230 tấn vũ khí, đạn dược và trang thiết bị quân sự cho Campuchia, đạt 130% kế hoạch được giao.
       8- Đầu tháng 3/1975, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển 800 xe ô tô cùng vũ khí, đạn dược xếp đầy trên xe để bàn giao cho lực lượng kháng chiến của Campuchia. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển, bàn giao một vạn tấn vũ khí cho lực lượng giải phóng Campuchia. Số lượng phương tiện và vũ khí đạn dược này đã giúp lực lượng giải phóng của Campuchia giải phóng Phnongpenh ngày 17/4/1975.
    9- Suốt những năm kháng chiến, lực lượng Binh trạm 37, Bộ đội Trường Sơn hoạt động trên địa bàn Campuchia luôn thực hiện công tác dân vận, giúp đỡ toàn diện đồng bào địa phương và lực lượng kháng chiến của Campuchia.
 
BAN TUYÊN TRUYỀN - THI ĐUA
HỘI TRƯỜNG SƠN VIỆT NAM

tin tức liên quan