-----------------------------------------------------
KỶ NIỆM NGÀY TRUYỀN THỐNG CỦA HẢI QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM
( 7/5/1955 - 7/5/2021 )
ĐẾN VỚI TRƯỜNG SA
Thiếu tướng Hoàng Kiền
I .GIẢI PHÓNG TRƯỜNG SA
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Quân chủng Hài quân cùng lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Giải phóng kịp thời các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là một chiến công đặc biệt xuất sắc, có ý nghĩa chiến lược. Chiến công đó khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt kịp thời của Thường trực Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công hướng biển trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Chiến công đó cũng khẳng định ý thức tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh, tinh thần khắc phục khó khăn, biết nắm thời cơ, triệt để tận dụng thời cơ, táo bạo, mưu trí, dũng cảm chiến đấu; đặc biệt là ý thức rất cao về chủ quyền, về trách nhiệm quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của bộ đội Hải quân.
Sau khi hoàn thành giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa, bộ đội Đặc công Hải quân đã bàn giao 5 đảo cho lực lượng của Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 2, Quân khu 5 quản lý, bảo vệ theo chỉ đạo của cấp trên. Cuối tháng 5 năm 1975, các đơn vị này chuyển về trực thuộc Quân chủng Hải quân.
Còn 4 đảo nổi gồm: Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, An Bang chưa ai đóng giữ.
Tháng 3 năm 1977 Thiếu tướng Giáp Văn Cương - Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam được điều về làm Tư lệnh Hải Quân thay Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát chuyển ra làm Thứ trưởng Bộ Hải sản.
Bộ tư lệnh Hải quân đã báo cáo lên Bộ Quốc phòng, đến năm 1978 Hải quân Việt Nam đóng giữ hết cả 4 đảo nổi còn lại, nâng tổng số lên 9 đảo nổi.
Quần đảo Trường Sa nằm ở giữa Biển Đông trải trên một khu vực biển khá rộng, chiều ngang từ đông ( Đá Tiên Nữ Việt Nam quản lý ) sang tây khoảng 170 hải lý (300 km), chiều dọc từ Bắc xuống nam khoảng 330 hải lý (611 km). Đảo nổi Trường Sa gần nhất cũng cách Cam Ranh 250 hải lý (463 km), đảo Tiên Nữ xa nhất về phía đông cách Cam Ranh 390 hải lý (700 km). Quần đảo bao gồm các đảo, các bãi cạn, bãi đá ngầm với khoảng 140 vị trí.
Tổng số có 17 đảo nổi, Philippines Pin chiếm 7 đảo, Đài Loan chiếm 1 đảo lớn nhất . Việt Nam hiện quản lý 9 đảo, trong đó có 5 đảo giải phóng từ tay quân ngụy Sài Gòn, 4 đảo đóng mới.
II. THẢ BIA CHỦ QUYỀN
Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Hải quân đã sớm có chủ trương khẳng định chủ quyền trên các đá, bãi "đảo chìm" thuộc quần đảo Trường Sa.
Tư lệnh Giáp Văn Cương trực tiếp chỉ đạo, Vùng 4 tổ chức cho Ban tác chiến, Ban Công binh, Trung đoàn Công binh 83, Lữ đoàn giữ đảo 146, các tàu vận tải thực hiện. Từ năm 1977 đến năm 1984 đã thả 100 bia chủ quyền trên các đá, bãi (đảo chìm) trên quần đảo Trường Sa.
III. CHUYẾN CÔNG TÁC TRƯỜNG SA
Vào giữa tháng 3 năm 1986, đoàn công tác Trường sa do Phó đô đốc Giáp Văn Cương - Tư lệnh Hải quân dẫn đầu, Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang - Phó tư lệnh Chính trị và Chuẩn Đô đốc Phạm Huấn Phó tư lệnh làm phó đoàn. Thành phần có các cơ quan của Bộ Quốc Phòng, Bộ tư lệnh Hải Quân, Đại uý Hoàng Kiền và Đại uý Đỗ Văn Thông trợ lý Phòng công binh đi cùng đoàn. Đoàn khá đông có cả văn công và điện ảnh của Hải Quân, đi trên 3 con tầu, HQ505 là tầu đổ bộ lượng giãn nước 5000 tấn và tàu kéo HQ961 do Mỹ sản xuất, ta thu được của Hải quân nguỵ; tầu đổ bộ HQ 511 do Liên Xô viện trợ. Chuyến đi kéo dài trong một tháng kiểm tra toàn quần đảo. Đến đảo chìm Thuyền Chài vào buổi chiều, Tư lệnh cho tàu dừng thả neo nghỉ đêm. Đêm trăng lên, thuỷ triều xuống, giữa biển khơi mênh mông nổi lên một hòn đảo lớn ai cũng ngỡ ngàng, chiều dài khoảng 30 ki lô mét, chiều ngang khoảng 3 ki lô mét. Sáng hôm sau Tư lệnh cử một đoàn 7 người do Thượng tá Nguyễn Ngọc Sâm phó phòng tác chiến chỉ huy vào kiểm tra tình trạng trên đảo. Đã phát hiện ra nước ngoài đặt trộm bia chủ quyền ở đây. Thu ngay tang vật mang lên tầu, họ viết bằng tiếng Anh, đồng chí Kỷ - Phó phòng Quân báo dịch, Tư lệnh xem xong rồi bảo khênh quẳng xuống biển. Khối đồng lục lăng có biểu tượng của nước ngoài đã vĩnh viễn chìm xuống đáy Biển Đông mang theo mưu đồ xâm chiếm đảo Thuyền Chài của họ. Phó đô đốc Giáp Văn Cương nói: sẽ có tranh chấp đảo chìm xảy ra, các lực lượng cần chủ động nghiên cứu đề xuất biện pháp đối phó.
Trên đường về Tư lệnh triệu tập họp các cơ quan đơn vị nghe kết luận . Đối với công trình chiến đấu trên đảo nổi cần tiếp tục tăng cường. Tư lệnh giao trực tiếp cho Đại uý kỹ sư Hoàng Kiền nghiên cứu dùng cát san hô tại đảo trộn xi măng trình tường nhà ở kết hợp công sự chiến đấu, Ông nói: dân Bắc Giang quê Tôi làm nhà kiểu như thế. Trong 1 tháng tại tiểu đoàn 1 Công binh Vùng 4, kỹ sư Hoàng Kiền đã cùng đơn vị Hoàn thành ngôi nhà mẫu được Tư lệnh giao.
Đại uý kỹ sư Đỗ Văn Thông được giao nghiên cứu thiết kế nhà cao chân lắp dựng trên các đá, bãi (đảo chìm). Tháng 11 năm 1986 nhà cao chân C3 đầu tiên do kỹ sư Đỗ Văn Thông cán bộ Phòng Công binh Hải quân và kỹ sư Hoàng Anh Dũng cán bộ Ban Công binh Vùng 4 Hải quân phối hợp thiết kế, được lắp dựng trên đảo chìm Thuyền Chài. Kết cấu nhà cột bê tông cốt thép, tận dụng cột điện gỗ thông cũ ở Cam Ranh của Mỹ cắt ra làm dầm và cột chống, sàn lát ghi nhôm, mái lợp vòm tôn. Thượng uý kỹ sư Hoàng Anh Dũng phụ trách kỹ thuật , phân đội công binh Vùng 4 ra triển khai thi công. Đây là công trình đầu tiên được xây dựng trên "đảo chìm" Trường Sa - Nhà C3.
Năm 1987 Tư lệnh trực tiếp ra kiểm tra thấy chưa yên tâm, Ông quyết định xây dựng một nhà lâu bền còn gọi là nhà C1 bên cạnh nhà C3, kết cấu bằng đá xây kết hợp bê tông cốt thép lắp ghép, do kỹ sư Đỗ Văn Thông thiết kế, Công binh vùng 4 thi công hoàn thành vào quý 3 năm 1987
( còn nữa)
Ngày 7/5/2021