"Vũng Rô - Huyền thoại những con tầu không số". TG: Phạm Huy Chương

Ngày đăng: 09:06 19/05/2021 Lượt xem: 406
-------------------------------------------------------------

VŨNG RÔ - HUYỀN THOẠI NHỮNG CON TÀU KHÔNG SỐ
“ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN”.
 
         Trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước của dân tộc, cùng với đường Trường sơn – Đường Hồ Chí Minh xẻ dọc đại ngàn núi rừng Trường Sơn hùng vĩ, chúng ta còn có “Đường Hồ Chí Minh trên biển” làm nên tuyến hậu cần chiến lược kỳ tích, chi viện sức người sức của từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam đánh thắng Mỹ - ngụy giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Vũng Rô tỉnh Phú Yên một “ địa chỉ đỏ”  làm nên những huyền thoại của những con tàu không số “ Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Tầu không số - Ảnh minh họa
 
         Nằm trong chương trình đi thực tế của trại sáng tác Đà Lạt 2020. một sáng cuối năm, Chủ tịch Hội VHNT  tỉnh Phú Yên Trần Quốc Cưỡng và Phó chủ tịch Hội VHNT  Huỳnh Văn Quốc cùng đồng nghiệp đưa xe nhóm sáng tác Hội VHNT tỉnh Bắc Ninh chúng tôi vượt qua Đèo Cả, là đèo lớn và hiểm trở nhất miền Trung. Đèo cắt ngang qua dãy núi Đại Lãnh ở chỗ giáp ranh hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, đến lưng chừng đèo thì rẽ trái, lần men theo con dốc, bám vào đường rừng bên mép biển, chừng chưa đầy chục phút, chúng tôi đến một vịnh nhỏ, mặt nước phẳng lặng, trong xanh ngắt như được tô đậm hơn bới bóng núi của một nhánh Trường Sơn đâm ra biển. Dãy núi như vòng tay của người khổng lồ ôm trọn một vùng trời nước trong xanh tạo nên vịnh Vũng Rô có một không hai này.
          Vịnh Vũng Rô nằm ở phía nam tỉnh Phú Yên, thuộc xã Hòa xuân Nam, huyện Đông Hòa. Có đến tận nơi, ngắm nhìn tận mắt mới thấy quả những lời ngợi khen: “ Vũng Rô, một vùng biển vào loại đẹp nhất nước ta” quả là không quá lời, nhiều du khách nước ngoài đến đây đã so sánh Vũng Rô với Ri-ô đê Gia-nê-rô ở Nam Mỹ. Không những thế biển vịnh Vũng Rô còn là thiên anh hùng ca tuyệt đẹp, là những “nhà ga” “mật cảng” huyền thoại nổi tiếng tuyến “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã vận chuyển, tiếp nhận hàng ngàn tấn vũ khí, trang thiết bị quốc phòng, nhiều đoàn quân, đưa từ Bắc vào Nam phục vụ trực tiếp các chiến trường miền Nam đánh Mỹ.
          Tim hiểu qua các nhân chứng là CCB, TNXP, người dân nơi đây tôi được tường tận hiểu thêm nhiều điều về Vũng Rô, một vùng biển, miền đất, những con người trung dũng ngoan cường, đã làm nên những chiến công bất tử đi vào sử sách thi ca.
      Đó là vào những năm 1964 - 1965, quân và dân tỉnh Phú Yên đã giành nhiều thắng lợi lớn trên chiến trường. mặc dù quân và dân nơi đây đã tự lực cánh sinh bằng cách “ Tìm ngụy mà đánh, tìm Mỹ mà diệt” để lấy vũ khí địch, đánh địch, nhưng thời điểm đó cao trào cách mạng của tỉnh phát triển mạnh, nơi nơi những người con ưu tú của quê hương đua nhau tình nguyện vào quân giải phóng để được trực tiếp đánh địch giải phóng quê hương. Chính vậy mà vũ khí, khí tài phục vụ chiến đấu của Phú Yên và các vùng lân cận vô cùng thiếu thốn. Mặc dù lúc này tuyến chi viện ở đường Trường Sơn (559) đã mở đến Quảng Nam, nhưng Phú Yên, khánh hòa, ĐăK Lăk vẫn bị chia cắt, mỗi lần đi tiếp nhận vũ khí phải tới 1 đến 3 tháng mà vận chuyển không được nhiều, lại thường xảy ra tổn thất, thương vong lớn. Bởi vậy chiến trường này đã trực tiếp đề nghị miền Bắc chi viện vũ khí bằng con đường nhanh nhất.
Sau khi nhận được chỉ thị của TƯ về tiếp nhận vũ khí, tháng 7/1964, Ban thường vụ Liên tỉnh ủy 3 và Phân khu Nam đã họp bàn chọn phương án tiếp nhận Vũ khí từ tuyến “” Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Một trong hai vị trí được đưa ra lựa chọn là Vịnh Xuân Đài – Sông Cầu và Vũng Rô, cuối cùng phương án thứ hai là vịnh Vũng Rô được chọn là nơi tiếp nhận vì đây có lợi thế là nước sâu, nhiều hang hốc đá thuận tiện cho nơi cất giấu và vận chuyển về phía sau. Đồng chí Trần Xuyền ( Sáu Râu) - Ủy viên Thường vụ Liên Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên  trực tiếp nhận nhiệm vụ tổ chức hành lang, lực lượng bảo vệ để đón tiếp nhận cất dấu vũ khí hàng hóa về căn cứ.
          Nói về những con tàu không số và những chiến công huyền thoại trên biển vịnh Vũng Rô, cựu thủy thủ Hồ Đắc Thạnh người con thành phố Tuy Hòa, từng chỉ huy 10 chuyến tàu đưa hơn 800 tấn vũ khí vào chiến trường miền Nam theo “ Đường Hồ Chí Minh trên biển” trong đó có 3 lần điều khiển tàu vào Vũng Rô thắng lợi kể lại: Ngày 1/2/1965, tức mồng 8 Tết Ất Tỵ, con tàu không số mang biệt danh 143 do ông Lê Văn Thêm làm thuyền trưởng và chính trị viên Phan Bá Bảng chỉ huy. Rời cảng Hải Phòng nhận nhiệm vụ vận chuyển 63 tấn vũ khí vào bến Lộ Diêu, tỉnh Bình Định. Nhưng vừa ra khỏi hải phận Việt Nam thì đã gặp tàu địch ráo riết tuần tra trên biển, nên phải dừng lại ở đảo Hải Nam ( Trung Quốc) chờ thời cơ. Đến ngày 10/2 tàu được lệnh tiếp tục hành trình. Sau hai ngày đêm luồn lách tránh tàu địch theo tuyến “ đường Hồ Chí Minh trên biển” vào điểm hẹn giao hàng. Tàu gần đến nơi thì lại nhận tin cấp trên báo: vào bến Lộ Diêu mất an toàn, nên tàu 143 phải chuyển hướng vào cập bến tại Vũng Rô. Mặc dù chuyến hàng ngoài kế hoạch, nhưng bộ đội, dân quân du kích địa phương nhanh chóng được huy động, nỗ lực bốc dỡ hết vũ khí, hàng hóa xong trước 3 giờ 30 sáng ngày 16/2/1965. Khi tàu rời bến lại gặp sự cố tời kéo neo bị hỏng phải sửa chữa đến 5 giờ sáng mới xong, lúc này tàu không còn thời gian rời bến như đã định, để tránh bị lộ, buộc tàu phải trú lại Bãi Chùa. Dù đã được ngụy trang cẩn trọng giống như là một mỏm đá nhô ra biển.
          Trong thời gian này bộ đội chủ lực của ta mở những trận phục kích đánh địch trên Đèo Nhông tỉnh Bình Định gây cho chúng nhiều thương vong thiệt hại lớn về binh lực, địch phải dùng máy bay tải thương từ Quy nhơn về Nha Trang cứu chữa. Khi bay qua vịnh Vũng Rô chúng đã phát hiện mỏm núi nhô ra Bãi Chùa khác thường nên báo về sở chỉ huy Quân đoàn 2 ở Nha Trang. Chưa đầy một giờ sau, máy bay L19 của địch đến trinh thám và chụp ảnh, chúng đã nhận ra những nét khác biệt “một mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía tây Vũng Rô” mới xuất hiện; đến 14 giờ 30 phút ngày 16/2/1965 địch cho 1 máy bay trinh sát và 2 trực thăng đến giội pháo mù, thả bom xăng và phóng rocket xuống ‘mỏm đá lạ” làm lộ rõ thân con tàu nằm chình hình trên biển.
           Phát hiện được chính xác mục tiêu, địch lập tức huy động cả máy bay, tàu chiến và pháo binh tập trung tấn công Vũng Rô. Bắt đầu cuộc chiến không cân sức. Lực lượng của ta có gần 20 thủy thủ trên tàu, đã phối hợp với dân quân du kích và bộ đội địa phương kiên cường đánh trả địch quyết liệt, nhằm bảo vệ đến cùng số vũ khí trang bị đã được đưa vào từ miền Bắc tập kết tại Vũng Rô. Đồng thời dân quân , du kích bộ đội địa phương được huy động nhanh chóng vận chuyển vũ khí ra khỏi Vũng Rô, về kho chính ở hang Vàng. Nhưng bọn địch có ý đồ bắt sống tàu 143 và chiếm toàn bộ số vũ khí ta cất giấu, nên địch chỉ thả bom quanh tàu chứ không tiêu diệt mục tiêu.
Biết rõ ý đồ của địch, đồng chí Sáu Suyền đưa ra ý kiến cùng Thuyền trưởng quyết định hủy tàu, quyết không để tầu, vũ khí và các thiết bị, hải đồ bí mật cùng anh em thuyền viên trên tàu rơi vào tay địch”
           Phương án hủy tàu được triển khai, nhưng khó lúc này thân tàu đã bị trao nghiêng do bị trúng bom, thủy thủ không thể vào được các khoang. Phương án 2 được đưa ra là ốp bộc phá trên boong tàu để phá hủy, hai thủy thủ Nguyễn ngọc cảnh và Dương Kính xung phong đảm nhiệm, dù hai thủy thủ này mới chỉ học đánh bộc phá loại 20 kg chứ chưa đánh loại 100 kg bao giờ, trong khi đồng chí Sáu Suyền quyết định đưa 1 tấn thuốc nổ xuống tàu để hủy, thêm  khó khăn nữa là không có dây cháy chậm và kíp nổ.
           Trong lúc chờ K60 “điều” bộc phá, kíp nổ, dây cháy chậm để đánh trên boong tàu, thì địch tăng cường máy bay, tàu chiến và hai tiểu đoàn bộ binh hòng tóm gọn tàu 143 và toàn bộ lực lượng ứng cứu của ta. Nhưng Bộ đội và du kích bến vũng Rô đã phối hợp với thủy thủ tàu 143 kiên cường, dũng cảm đánh trả nhiều đợt tấn công của địch, gây cho chúng nhiều thiết hại và thương vong mà không tiếp cận được mục tiêu. Với quyết tâm cao nhất, gần một tấn thuốc nổ TNT đã được các thủy thủ tàu 143 phối hợp với Trinh sát K60 phá hủy con tàu chìm xuống biển trong đêm 17/2/1975 bằng một tiếng nổ rung chuyển cả mặt biển vịnh Vũng Rô, dưới sức ép cả ngàn cân thuốc nổ, những mảnh vỡ của con tàu văng khắp nơi, lên cả đỉnh núi, thừa lúc đó bộ đội, du kích và số thủy thủ còn lại của ta mở đường xuyên rừng núi, thoát khỏi vòng vây của địch.
            Những ngày sau đó, từ 18 đến 24/2/1975 chiến sự ở vịnh Vũng Rô và vùng ven diễn ra hết sức ác liệt. 20 chiến sỹ là thủy thủ tàu 143 và dân quân du kích Vũng Rô đã anh dũng hy sinh để bảo vệ hậu cứ. Nhưng sự kiện Vũng Rô đã gây một tiếng vang lớn làm khiếp đảm quân thù trên chiến trường Phú Yên ngày ấy.
           Hiện nay tại di tích Vũng Rô vẫn còn lưu giữ xác con tàu 143 nằm sâu dưới làn nước biển trong xanh. Đây là chứng tích của sự kiện lịch sử hào hùng diễn ra tại Vũng Rô ngày ấy. Ghi nhận những chiến công của các thủy thủ tàu không số mang biệt danh “143” và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân thôn Vũng Rô xã Hòa Xuân Nam tỉnh Phú Yên. Năm 1986 Vũng Rô đã trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc Gia. Bia di tích bến Vũng Rô và Đài tưởng niệm Vũng Rô đã được xây dựng trang trọng, hàng năm nơi đây được đón hàng vạn du khách về đây chiêm ngưỡng, thắng cảnh, vịnh Vũng Rô và để mãi khắc ghi một sự kiện oai hùng của những người con ưu tú quê hương, đã hy sinh anh dũng trên biển vịnh Vũng Rô này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
 
Phạm Huy Chương.
tin tức liên quan