"Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn". TG: Lê Bá Dương

Ngày đăng: 10:19 19/05/2021 Lượt xem: 376
-------------------------------------------------------------
 
NHỚ BÁC LÒNG CON TRONG SÁNG HƠN
( Bài viết thay nén hương tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu)

 
         Xin được bắt đầu bằng nguyên câu thơ:… “Vẫn ấm lòng con bóng bác về” trong bài thơ tôi viết trong đêm tiếp cận mặt trận đường 9 Quảng Trị, sau đó được in trong Văn nghệ đường 9 , số cuối tháng 9/1969 để mở đầu những trích đoạn kỷ niệm của tôi, và các đồng đội tôi nhân kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ ( 19/5/1890 – 19/5/2021).
         Bài thơ được tôi viết tại sườn cao điểm 333 vào trung tuần tháng 9/1969. Ngày ấy, sau khi chịu tang Bác Hồ tại Sen Thủy, đơn vị được lệnh thọc sâu vào tuyến Tây Bắc Cồn Tiên. Đêm dừng trên sườn dãy cao điểm 333, cái cảm giác tiếc nuối chưa một lần gặp Bác Hồ trong đời thật nhưng như vẫn nguyên vẹn những hình bóng Bác Hồ luôn dõi theo từng bước gian nan của người lính. Trong đó, đặc biệt là câu chuyện của anh Lê Nhật Tụng, người Dũng sỹ của đơn vị có may mắn được tham gia đoàn Dũng sỹ quân giải phóng miền Nam thăm, mừng thọ Bác Hồ vào ngày 19/5/1969. Trong cuộc mừng thọ cuối cùng đó, sau khi thăm hỏi kỹ lưỡng các cháu Dũng sỹ từ chiến trường ra …Bác Hồ rời phòng khách về để các bác sỹ chăm sóc…Nhưng vừa bước đến cửa, người quay lại , chỉ tay lên bàn còn nguyên các đĩa bánh kẹo mà các cháu Dũng sỹ mải vui bên Bác không kịp dùng, bác bảo: Bánh kẹo của nhân dân nhờ Bác tặng các cháu, các cháu không ăn hết thì mang về chia cho các bạn ở nhà. Rồi rất nhanh với từng từ dứt khoát, người nhắc - Riêng nước thì nhất định không được chia !
         Vâng, rất nhanh từ những kỷ niệm đồng đội kể lại, cùng với những khát vọng được một lần gặp Bác không thành, tôi đã “viết” rất nhanh trong đầu bài thơ ngắn :
Đung đưa võng mắc lưng sườn dốc
Đêm về gió núi lạnh tái tê
Nằm nghe suối đổ như triều dậy
Vẫn ấm lòng con bóng Bác về.
         Bài thơ sau này đọc lại cho anh Nguyễn Tử Mạch ( lúc đó đang là Phóng viên báo Tiền Tuyến của mặt trận B5 ) chép mang về in vào số đặc san Văn Nghệ đường 9. Song với tôi, đó không chỉ là tác phẩm, mà hơn thế, còn là tình cảm, là lời thề thiêng liêng của một người lính với Bác Hồ - cùng khát vọng đến tận cùng của mục tiêu kháng chiến chống Mỹ, cũng là khát vọng thống nhất đất nước của người !
         Và cũng từ đó, trong túi áo của tôi luôn luôn hiện hữu tấm ảnh Bác Hồ được tách từ trang đầu cuốn sổ tay dành cho các Chiến sỹ thi đua, Chiến sỹ quyết thắng mà tôi được tặng sau lần dự Đại hội chiến sỹ thi đua mặt trận B5, sau này, là nguyên cớ cho một kỷ niệm viết bằng máu trong một trận đánh sinh tử của tôi cùng tổ chốt tại cao điểm thám báo – đối mặt với cao điểm 544 – con mắt thần trong tuyến hàng rào điện tử Mắc Na Ma Ra tại Tây bắc Cam Lộ, Quảng Trị, được ghi lại trong các trang 124, 125, 126 cuốn Lịch sử trung đoàn 27 Triệu Hải – xuất bản tháng 6/1987 với nguyên sự kiện hôm đó – ngày 22/6/1971!


 
         Hôm ấy, Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ tấn công đánh chiếm cao điểm 544. Tuy nhiên do dốc núi, địa hình bất lợi cho việc tập kết các mũi tấn công. Vì vậy trong đêm, tôi được trao quyền chỉ huy thay anh Bùi Vượng (Trung đội trưởng bị đau đột ngột) đưa một Tiểu đội lên chiếm lĩnh cao điểm Thám Báo, đối diện với đỉnh 544. Nhiệm vụ chủ yếu bằng mọi cách giữ trọn mỏm đồi thám báo trong ngày, chờ tối cho đội hình Tiểu đoàn có chỗ tập kết làm bàn đạp tấn công cao điểm. Trong trường hợp đặc biệt… có thể phát tín hiệu cho hỏa lực cối pháo từ phía sau bắn trùm lên trận địa cho đến tối, đội hình tấn công của Tiểu đoàn chớp thời cơ ngừng pháo tiếp cận trận địa. “ Lính ngoài biên ải”, nhiệm vụ ngắn nhưng rõ ràng. Vậy nên sau một ngày đánh bật hàng chục lân tấn công chiếm chốt của địch, khi cả tổ chốt còn lại đều bị thương, cơ số đạn vơi hẳn… tôi đã làm cái việc cần làm của một người lính như mô tả trong trang báo cáo chiến lệ được chuyển thành nội dung cuốn sử : “ Dương im lặng , suy nghĩ trong chốc lát rồi rút tấm ảnh Bác Hồ từ túi áo ngực của mình rồi hôn lên tấm ảnh. Tấm ảnh được chuyền tiếp lần lượt cho các chiến sỹ trong Trung đội đang chiến đấu trên trận địa cùng hôn và thầm hứa với Bác “ Quyết tâm giữ vững trận địa” Phía sau tấm ảnh, Dương ghi thành tích của Trung đội trong trận chốt với quyết tâm “ Còn người còn trận địa”!
         “…Trong những trận đánh tiếp theo, nhiều chiến sỹ trên trận địa chốt hôm nay không còn nữa. Họ đã hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam. Nhưng tấm ảnh Bác Hồ của Trung đội Lê Bá Dương để lại, các chiến sỹ vẫn truyền tay nhau giữ mãi cho đến ngày thống nhất nước nhà, và chiến công dâng lên người cứ ngày một nhiều thêm. Tấm ảnh đó đã trở thành hiện vật truyền thống quý báu của Trung đoàn trong những năm tháng đánh Mỹ…- trích lịch sử trung đoàn 27 Triệu Hải – trang 126”
         Vâng, lúc đó, và cả bây giờ viết lại kỷ niệm đặc biệt này thay nén hương tưởng nhớ Người, với tôi, và những đồng đội tôi đã ngã xuống lúc đó không hề coi đó là hành động anh hùng hoặc để sau này nếu sống đươc làm anh hùng … mà đơn giản như một lẽ tự nhiên đó là cách thể hiện tình cảm thiêng liêng của những người lính với Bác Hồ, và hơn tất cả, được tựa vào hình bóng thiêng liêng của Bác như một lựa chọn trong giây phút sinh tử .
         * Bài viết này như một nén hương lòng dành để tưởng nhớ Bác Hồ, và những đồng đội đã hy sinh, vậy nên tôi sẽ từ chối mọi ý kiến thể hiện quan điểm cá nhân xúc phạm đên hình ảnh Bác Hồ và tình cảm thiêng liêng của những người chiến sỹ, đặc biệt của những đồng đội đã hy sinh .
 
Nhà Báo, Nhà Văn: Lê Bá Dương
(Cựu CS Thành cổ Quảng Trị; Dũng sỹ diệt Mỹ)
tin tức liên quan