"Chuyện của hai chúng tôi" - Ký ức của Trung tá Đặng Kim Âu

Ngày đăng: 09:53 06/06/2021 Lượt xem: 2.221
CHUYỆN CỦA HAI CHÚNG TÔI

      Tôi đang ngồi xem chương trình thời sự buổi tối thì chuông điện thoại đổ dồn. Tôi cầm máy. Là một số máy lạ nhưng tôi vẫn trả lời theo một thói quen :
     -  A lô, tôi nghe đây. Tiếng từ đầu máy bên kia, một giọng nói nghe có chút ngập ngừng :
     - Cho tôi hỏi, đây có phải là số máy của anh Đặng Kim Âu không ạ
     - Vâng đúng rồi. Tôi là Âu đây.
     - Dạ, anh có nhớ trong trận đánh ở Gò Đu – xã Sơn Tú , amh đã dìu một thương binh ra khỏi trận địa không ạ ?
     - Tôi không nhớ tên người đó vì cũng lâu quá rồi mà chỉ nhớ người đó bị thương vào mắt không nhìn thấy đường đi, tôi đã dìu về khi đi kiểm tra lại trận địa sau tác chiến. Tiếng nói ở đầu máy bên kia như reo lên :
     - Ôi, vậy là đúng rồi. Anh nhớ chính xác lắm. Người bị thương vào mắt  hôm đó được anh dìu ra chính là tôi. Là Hoán ở Cao Bằng đây.
 “Là Hoán tiểu đội trưởng tiểu đội 3 của b2/ c2 /d3 rồi. Phải nói là tôi rất mừng vì đại đội 2 của chúng tôi ngày ấy ( ngày ở Phước Hà- Tiên Phước _ Quảng Nam) tôi đã cất công dò hỏi từ ngày về hưu (1992) tới nay không thấy ai. Nay bất  ngờ có Hoán gọi tới có nghĩa là ít nhất cũng còn được hai người. Vui thật”.
      Giọng say sưa, Hoán kể : Ngày ấy, sau khi điều trị khỏi vết thương, tôi được điều về làm Giáo viên dậy văn hóa ở Ban chính trị trung đoàn. Đầu năm 1969 được cho ra Bắc học sỹ quan nhưng do sức khỏe yếu nên chuyển qua học Đại học Sư phạm. Ra trường làm Giáo viên, phấn đấu lên đến Hiệu trưởng một trường cấp 3 của huyện rồi về nghỉ hưu. Tôi đã hai lần về Thái Bình tìm hỏi về anh nhưng không có kết quả. Tôi chỉ biết anh quê Thái Bình ,còn ở Thôn; xã; huyện nào thì không biết. Tôi đã vào cả Ban chính sách- Phòng chính trị- Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Sở lao động thương binh xã hội của tỉnh để hỏi. Họ đều nói không có địa chỉ cụ thể thì không thể tra ra được nên đành chịu. Mãi tới hồi cuối tháng Ba vừa rồi, nhận ra anh trong chương trình : “ Những giải mã mang tên Việt Nam” chiếu trên VTV1. Tôi xem lại chương trình đó trên Zu tút và gọi cả  bốn con trai, gái, dâu, rể lại cùng xem và giao cho chúng nó bằng mọi cách phải tim được địa chỉ của anh. Mỗi đứa bằng cách riêng của nó nhưng cuối cùng thì đứa con gái tìm được số điện thoại  ghi dưới các bài viết của anh trên trang điện tử của Hội Trường Sơn Việt Nam nên tôi có số điện thoại và bây giờ gọi cho anh đây. Chúng tôi hàn huyên khá lâu. Những tình tiết chắp nối lại với nhau giúp chúng tôi hình dung lại được kỉ niệm của một thời trận mạc.
      Ngày ấy. Sau thất bại nặng nề của Trung đoàn 5 Thủy quân lục chiến Mỹ ở khu vực Đồi Cấm và chợ Vinh Huy thuộc xã Bình Định huyện Thăng Bình – Quảng Nam. Rồi Cuộc hành quân “ Liên kết 112 của Mỹ - ngụy hòng cứu vãn tình thế cũng bị thất bại thảm hại. Mỹ buộc phải điều lữ đoàn 3 thuộc sư đoàn kỵ binh không vận số 1 ( sư đoàn America ) từ An Khê – Gia lai ra đổ quân trên điểm cao 230 và núi Lược Kiểm trong khu vực Quế Sơn và Hiệp Đức.Gần trưa ngày 8/10/ 1967, chúng đổ một đại đội xuống Gò Đu xã Sơn Tú ( Quế Sơn). Chúng đâu có biết rằng ở giữa một khu đồi cây cối lưa thưa xen lẫn với làng mạc thưa thớt này đang có một tiểu đoàn bộ binh tinh nhuệ của quân giải phóng đã bám sát chúng, hình thành thế bao vây, chờ thời cơ tiêu diệt chúng. Trời chiều vừa buông xuống, đội hình của đại đội Mỹ tổ chức hành quân, thoát ly quả đồi nhằm hướng thôn An Sơn và thôn An Cường xã Sơn An tiến tới. Khi trung đội đi đầu của chúng vừa tới khe suối nhỏ ven đồi nơi tiếp giáp với làng Cẩm Tú ( Sơn Tú) gặp bộ phận phục kích của đại đội 3 ( nay là đại đội 11 tiểu đoàn 3 trung đoàn 1 sư đoàn 2 quân khu 5 ) nổ súng. Bị đánh bất ngờ, một số bị chết tại trận. Một số la hét tháo chạy ngược lên đồi. Cùng lúc ấy, đại đội 2 ( nay là đại đội 10 tiểu đoàn 3 trung đoàn 1 sư đoàn 2 quân khu 5) trên hướng tấn công chủ yếu của tiểu đoàn do đại đội trưởng Trương Hồng Anh chỉ huy cắt ngang sườn đồi phía tây đánh tới dồn hất quân địch xuống khe suối cạn. Bị đánh dồn từ hai phía, đội hình của địch bị rối loạn không kịp chống trả. Cuộc chiến đấu chỉ diễn ra chưa đầy một giờ đồng hồ, một đại đội kỵ binh không vận của sư đoàn America bị diệt gần hết. 140 xác lính Mỹ nằm phơi trên trận địa. Hai tên bị thương nặng được chiến sỹ ta băng bó rồi phóng thích tại trận. Ta thu 54 khẩu súng các loại. Trận chiến đấu kết thúc. Tiếng súng hoàn toàn yên lặng. Đơn vị được lệnh chuyển quân.
         Trên cương vị và trách nhiệm của một trung đội phó, tôi đi kiểm tra một lượt vị trí tác chiến của trung đội để khi về đại đội tổ chức đại hội quân nhân bình công khen thưởng và rút kinh nghiệm trận đánh thì đóng góp chính kiến. Đồng thời kiểm tra xem còn sót thương binh hoặc liệt sỹ nào thì cho người giải quyết. Giữa ngổn ngang xác chết của lính Mỹ, máu vón thành cục trên mặt cỏ, mặt cát pha sỏi. Tôi đang cố tránh để dép và ống quần khỏi dính vào máu thì phát hiện thấy ở xa xa phía trước  khoảng mươi mét , một người ( trời đã nhá nhem tối nên không nhận rõ mặt ) hai tay đang khùa khoạng trên mặt đất dò đường bò đi. Tôi cất tiếng hỏi :
     - Ai, làm gì thế này ?. Nhận ra tiếng tôi, người đó trả lời :
     - Báo cáo trung đội phó, tôi bị thương vào mắt rồi. Không nhìn thấy gì cả ;
     - Thôi để tôi dìu về. Đơn vị rút hết rồi. Trên này không còn ai đâu . Tôi cầm hai tay Hoán đặt lên hai vai mình rồi cúi người kéo anh đi. Chỉ mới đi được khoảng vài chục mét thì một chiếc máy bay trực thăng của Mỹ xuất hiện, lượn rất thấp trên đồi. Tiếng máy bay kêu à à. Gió cánh quạt máy bay thổi rung cây cỏ xung quanh. Trước khi cơ động ra Quảng Nam, hồi tháng 5, đơn vị tôi đã tham gia một trận đánh với quân kỵ binh không vận ( sư đoàn Ameri ca ) này tại khu vực Vườn Soài thuộc xã Phổ Phong ( Đức Phổ- Quảng Ngãi). Khi mới bị đánh, chúng hùng hổ đổ quân tùm lum hòng chặn cả đường tiến quân và đường rút lui của ta. Nay thấy hiện tượng này tôi đã nghĩ : “ Liệu có phải chúng phát hiện được trên trận địa chỉ còn hai chúng tôi nên định đổ quân xuống chụp”. Tôi dắt Hoán vào một bụi Le rậm rồi bước ra chỗ cây thưa quan sát. Mắt nhìn theo chiếc máy bay miệng lẩm bẩm như nói với tên phi công trên chiếc máy bay kia : “ Nếu mày có ý định bắt cóc chúng tao thì mày đã nhầm bởi mày sẽ phải đối đầu với một người lính thiện chiến lại đang ở thế chủ động. Nếu chỉ tính sơ bộ thì trong trận chiến chiều nay tao đã đủ tiêu chuẩn để nhận danh hiệu “ Dũng sỹ diệt Mỹ cấp ba rồi”. Giờ nếu thời cơ đến, bắn hạ được mày, tao sẽ được thêm danh hiệu “ Dũng sỹ diệt máy bay” nữa. Oai chưa. Vậy thì sống chết có là cái gì… Tôi ngồi quan sát, suy nghĩ và chờ đợi. Nhưng điều đó đã không sảy ra. Và hiện tượng cũng thật lạ. Chiếc máy bay cứ lượn lòng vòng, lúc cao , lúc thấp, không hạ cánh.Trời đã tối mà chúng không bắn pháo sáng, ngay đèn của máy bay cũng không sáng. Đặc biệt là không thấy chúng bắn đạn thẳng hay phóng Rốc két. Đúng là một trường hợp mà tôi chưa từng gặp nên không khỏi suy nghĩ. Và phải hai ngày sau điều đó mới được làm rõ do thông tin tình báo của các cơ sở hoạt động hợp pháp trong lòng địch chuyển ra : “ Trong trận đó địch chết 136 ; bị thương 3 trong đó có tên trung úy đại đội trưởng. Do chỉ bị thương và thoát chết, tên đại đội trưởng kéo theo chiếc máy PRC25 của tên lính chuyền tin bị tử trận lê vào bụi rậm ẩn nấp tránh sự truy lùng của bộ đội ta. Đợi tới khi trời tối, trên trận địa hoàn toàn im ắng. Biết đối phương đã rút hết, hắn mới dùng máy điện đàm liên lạc với thượng cấp. Chiếc máy bay trực thăng hoạt động theo cách rất lạ là để bắt liên lạc với tên đại đội trưởng và thăm dò tình hình. Không thấy ta phản ứng gì, sáng ngày hôm sau chúng mới dám hạ trực thăng để chuyển thương binh và lính tử trận”.
         Lúc đó, dù gì đi chăng nữa thì ở lâu trên đồi cũng không có lợi. Chúng tôi lại dìu dắt nhau đi. Triền đồi thì dốc, trời thì tối, đường thì nhỏ lại gập ghềnh khúc khỉu, nhiều chỗ tôi phải dùng tay sờ tìm vị trí đặt bàn chân cho khỏi trượt rồi mới bước đi. Cứ như vậy, tôi trước, Hoán sau nhích từng đoạn. Vậy mà nhiều lúc ngã dúi, ngã dụi đè cả lên nhau, lăn lông lốc. Thật thảm hại. Tới bảy giờ tối, tôi và Hoán cũng về tới đơn vị . Đại đội trưởng Trương Hồng Anh và chính trị viên Nguyễn Văn Chín vừa đi hội báo trên tiểu đoàn về đang ngồi ăn cơm nắm. Thấy tôi và Hoán về, hai anh rất mừng. Anh Chín thông báo luôn “ Anh Hà Trọng Lành trung đội trưởng trung đội 2 có quyết định điều về làm đại đội phó đại đội 1 ( nay là đại đội 9 tiểu đoàn 3 trung đoàn1 sư đoàn 2 quân khu 5 ). Anh Đặng Kim Âu thay anh Hà Trọng Lành làm trung đội trưởng trung đội 2 kể từ giờ phút này. Anh Trương Hồng Anh nói thêm “ Được thăng chức nhưng không được nghỉ đâu nhé . Về chuẩn bị cho bộ đội sẵn sàng vận động tập kích nếu quân địch đổ bộ đường không”. Chúng tôi ai vào việc nấy. Hoán được chuyển về phía sau điều trị. Tôi và Hoán chia tay nhau từ đấy và đến bây giờ là tròn 54 năn sau mới liên lạc được với nhau qua điện thoại. . .
         Theo kế hoạch, ngày 2/5/2021, Hoán đưa cả gia đình vợ con xuống Hà Nội thăm gia đình tôi nhưng ngày 2/5 cũng chính là ngày phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội do đại dịch Cô vít nên phải hoãn lại chờ một dịp khác . Chuyện của hai chúng tôi là vậy đấy.  Tôi chân thành cảm ơn đài truyền hình VTV1 và Trang Điện tử của Hội Trường Sơn Việt Nam đã là cầu nối cho cuộc hạnh ngộ của chúng tôi. Qua câu chuyện này, chúng tôi muốn gửi gắm nguyện vọng của mình : Cán bộ chiến sỹ của đại đội 2 tiểu đoàn 90 thời kỳ 1967-1968 hiện còn trên mọi miền đất nước hãy liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ :
-Đặng Kim Âu Phường Ngọc Thụy- Quận Long Biên – Hà Nội. Số ĐT: 0917366836
-Nguyễn Hoán Tổ 17 Phường Sông Bằng – Thành phố Cao Bằng. Số ĐT : 0982820053

 
Trung tá Đặng Kim Âu
Nguyên Trợ lý Tuyên huấn Học viện Hậu cần QĐNDVN
Tel : 0917366836

tin tức liên quan