Chuyện kể sau 50 năm còn sống - Minh Đức

Ngày đăng: 11:18 23/06/2021 Lượt xem: 397
CHUYỆN KỂ  SAU 50 NĂM CÒN SỐNG



Đại tá Minh Đức
(Nguyên cán bộ Phòng Tham mưu Công binh BTL 471)
 

     Tháng sáu này tôi có nhiều kỉ niệm sâu sắc. Ấy là tháng có ngày sinh nhật của tôi. Lẽ ra tôi không còn có mặt trên đời này để kể chuyện cho các bạn được nữa nếu không trải qua nhiêu lần vận hạn, song có hai vận hạn to nhất trong năm 1971 khi tuổi đời mới 23.
    Chuyện là: Tôi vào chiến trường từ tháng 8 năm 1967.  Đến tháng 1 năm 1971, Mỹ nguỵ mở chiến dịch “Lam Sơn 719”  từ Đường số 9 của ta sang tận vùng bản Đông ở Trung Lào và vùng lân cận, hòng cắt tuyến hành lang chiến lược chi viện cho Chiến trường miền Nam, nhằm thực hiện  “Việt Nam hóa chiến tranh”…. Đảng và Bộ Tổng Tham mưu Quân đội ta biết trước chiến dịch của địch đã tổ chức đánh bại chiến dịch này, tạo nên chiến thắng chiến lược cho Cách mạng miền Nam, vào 31/3 năm 1971 như các bạn đã biết.
        Từ  tháng 8 năm 1968,  tiểu đoàn  bộ binh 3037  của E2, F304 đi B3 chuyển tên thành tiểu đoàn công binh 341. Tiểu đoàn chính thức được bàn giao cho Binh trạm 36, Bộ Tư lệnh 559. Sau đó chúng tôi vào sâu vùng Hạ Lào mở đường và bảo đảm giao thông trên trục 128 A. Vào trung tuần tháng 2 năm 1971, khi chiến dịch “Lam Sơn 719” của địch ở Nam Lào đang bi vây hãm, cấp trên nhận đinh địch có thể đổ bộ đường không mở mặt trận thứ hai  ở vùng ngã ba biên giới để giải vây cho Đường 9 Nam Lào. Vào thời điểm đó tôi đang là tiểu đội trưởng ở D341 công binh. Do thành thạo về cao xạ 14,5 và 12,7 ly từ trước, nên tôi được bổ xung làm khẩu đội trưởng ở C3, D40 cao xạ  (gồm hai đại đôi 37 ly, một đại đội 14,5 và 12, 7 ly) của BT 36. Chúng tôi hành quân cấp tốc vượt đèo  32, qua “Đường 9 suối”  chiếm lĩnh trận địa ở cánh đông Phi Hà, khu vực ngã ba biên giới Việt – Lào – Campuchia,  sẵn sàng đánh quân đổ bộ đường không của địch.
          Trong một trận đánh thăm dò, dọn bãi của địch, không may bom trúng vào trận địa cao xạ của  C3. Chúng tôi chiến đấu suốt từ 3 đến 4 giờ chiều qua ba đợt tấn công của máy bay địch. Lúc đó chúng tôi chỉ còn môt lựa chọn duy nhất là: Nhằm thẩng quân thù mà bắn !. Mỗi đợi cắt bom của địch, theo kinh nghiệm của tôi,  nhìn những quả bom lao về phía mình, nếu nó hình ovan hay hơi dài  thì bom sẽ rơi trước hoặc vượt qua đầu rơi phía sau trận đia, nhưng khì nhìn nó tròn vo tì tất se rơi vào trận địa.  Trong đợt thứ 3,  chắc ta bắn nhiều, lộ trận địa có ba khẩu đội của tôi. Một thằng AD 6  lao xuống. Mình nó tròn xoe, cánh nó mỏng như lá lúa, và to dần. Tôi phất cờ, hô “Bắn!”. Màn đạn đỏ lừ vút lên. Chùm bom cũng tròn xoe lao tới. Linh tính báo cho tôi biết mình sẽ hy sinh. Ầm! Không, quả bom rơi trúng một khẩu đội bên trái cách hố chỉ huy của tôi chừng 20 m. Trời đất tối mù, đất đá dội vào đầu và mình tôi đè ép vùi lấp nửa người tôi.  Quả bom ấy đã hất toàn bộ khẩu pháo 14,5 ly xuống chân đồi cùng bốn chiến sĩ hi sinh tan nát!. Bốn giờ chiều trời đất Lào tối rất nhanh. Chúng tôi tai điếc đặc í ới gọi nhau tìm xác đồng đội vương vãi khắp nơi trên cành cây, dưới mặt đất. Sau nhiều giờ tìm kiếm chúng tôi mới nhặt được chưa đầy hai vỏ thùng đạn 37 ly, các mảnh thân xác của bạn.!
         Điều đau nhất là trong trận này chúng tôi thua 4 – 0: Không bắn rơi được chiếc nào; Căn hầm chữ A mà tôi vẫn sinh hoạt, ngủ, nghỉ  khi chưa có báo động ở đó, vốn được đào liền với  khẩu đội, bị lấp hoàn toàn; Chiếc ba lô có hồ sơ kết nạp Đảng của tôi cũng bay mất tích. Có lẽ vì thế đơn vị bạn sau này tìm được  ba lô và xác người nên đã báo tử tôi chính xác họ tên, địa chỉ, về địa phương vào đầu năm 1972.  Thể là tôi đã từng là “Liệt sĩ” !.
    Vận hạn to thứ hai: Vẫn ở trận địa ngã ba Phi Hà. Sau chiến thắng Nam Lào ba tháng rồi mà cấp trên chưa cho lệnh rút. Sang tháng 6, trời mưa nhiều, trong hầm ngủ mặc dù tăng nilon được căng theo thành hầm chữ A, song sạp nằm phải kê cao 20cm để tránh nước ngập. Mưa nhiều, muỗi lắm, tôi bị cơn sốt ác tính đúng vào sinh nhât lần thứ 23 ngày 22/6/1971. Y sỹ kể lại: Sáng ngày  22 còn tỉnh. Chiều mê man. Ngày 24, 25 lại hôn mê nên tôi được đưa vào một trạm quân y của BT 37. Đến chiều 25/6 thì tôi tỉnh nhưng toàn thân không cử động được, trừ hai tay. Y  sĩ tiêm thuốc gì đó mấy ngày sau mới khỏi sốt, tôi tự về đơn vị.  Chia tay, tôi nhớ câu nói của anh y sĩ: “May cho mày đấy! Nếu không cấp cứu kịp thi toi đời rồi con ạ”.
            Đầu tháng 7  năm 1971, đại đội tôi được lện rút  về  triển khai ở sân bay Chà Vằn Nọi (nọi là nhỏ - tiếng Lào), làm nhiệm vụ chốt, và không được đánh địch nếu địch không đánh vào Chỉ huy sở Binh trạm bộ BT 36 và kho cách đó không xa.  Hai tháng trực chiến chơi dài. Lúc rỗi, tôi ngồi gò ca cốc, từ ống bom bi và làm lược từ xác máy bay, hi vọng khi ra Bắc tặng người yêu!.  (Nhưng sang năm 1974 ra Bắc học tại Học viện Chính trị, thì người yêu đi lấy chồng mất rồi vì địa phương đã báo tử !).  Hai tháng 7 và 8 năm ấy đói tệ. Khẩu phần mỗi chiến sĩ chỉ còn 1 lạng gạo/ngày. Chúng tôi phải đi xin hoặc đi mót các nương ngô, rẫy sắn của dân bản để ăn thêm với cháo gạo và nộm rau tầu bay qua ngày.
        Đầu tháng 9 năm 1971, không biết ai giới thiệu, tôi được điều thẳng về Phòng Tham mưu Công binh của Sư đoàn 471.  Khi ấy Bộ Tư lệnh Khu vực 471 mới được thành lập được vài tháng. Tôi được giao nhiệm vụ  làm  nhân viên, sau là trợ lý thống kê – đồ bản. Từ đây tôi được ăn no hơn, và “cái gáo” cũng an toàn hơn. Tôi đoán do mình cũng có chút tài lẻ, hội họa, viết lách từ hồi học ngoại khóa ở Trường cấp III Hùng Vương.  Vào bộ đội vẫn vẽ, viết báo tường, viết bài cho Báo Trường Sơn. Thêm nữa, năm 1970, tôi có một năm làm nhân viên Tuyên huấn Binh trạm 36 chuyên đi các đơn vị, làm công tác sưu tầm hiện vật lịch sử cho Bảo tàng Trường Sơn, sau này là Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh. Ở đây, vẫn còn một số hiện vât lịch sử  chính tay tôi sưu tầm từ năm 1970 gửi ra Bắc.
        Kỷ niệm 50 năm ngày thần chết tha mạng, nay bước qua tuổi 73,  tôi  muốn đăng lại, những  kỷ niệm, những bài thơ, ký họa, viết vẽ vào thời kỳ đó của một người lính, một thi sĩ, họa sĩ không chuyên tuổi hai mươi để chia sẻ cùng các đồng đội Trường Sơn thân yêu.
 
            
CĂN HẦM CHỮ   A
 
Căn hầm chữ  A
Là nhà tôi đấy !
Đã mấy năm rồi giữa Trường Sơn mưa dầm, nắng cháy,
Trận địa khắp nơi nơi...
 
Mỗi  “xóm” nhỏ của tôi:
Mỗi cái sân tròn vạnh,
“Ngõ” sâu dưới đồi tranh,
“Xóm”ba nhà ba hướng.
 
 “Xóm” đặt trên cao điểm,
“Làng” tựa thế chân kiềng.
Năm hai mùa mưa nắng,
Gặt hái những chiến công.
 
Mỗi ngọn núi dòng sông,
Nơi con đường chiến lược,
Vươn dài vô hướng Nam,
“Làng” tôi xây trên đó !
 
Mỗi mùa khô nắng gió,
“Làng”mở hội lập công,
Tung khắp trời hoa lửa…
…Xác giặc phơi núi sông !
 
“Xóm” mới dựng màu xanh,
Sau phơi màu đất đỏ,
Ngày tháng trong đạn bom,
Vẫn hiên ngang đứng đó.
            
Những căn hầm chữ A,
Chật chội lối vào ra,
Ngày đêm vang tiếng pháo,
Lúc rỗi vang tiếng ca.
           
Căn hầm chữ A,
Là nhà tôi đấy!
Đã mấy năm rồi giữa Trường Sơn mưa dầm, nắng cháy,
Trận địa lại được xây,
Máy bay giặc rơi đó đây !...
 
(Trận địa Ngã ba Phi Hà, Lào tháng 3 năm 1971 )
 
 THI KÝ
 
Cơn sốt bất ngờ đến hai ta,
Giữa lần sinh nhật tuổi 23.
Điềm chi đã báo cho ta trước,
Gai góc tai ương phải vượt qua!
 
Cơn sốt kéo dài đến 25,
Bại liệt hai chân, thẳng cẳng nằm.
Lấy bút nằm ghi dăm ba chữ,
Nghĩ mình rồi chắc giống PaVen*
 
(Trận địa Bắc Phi Hà  ngày 22 – 25 tháng 6 năm 1971 )
 
     
T R Ậ N   Đ Ị A  M Ù A   MƯA
 
(Tháng 6 / 197, cánh đồng Phi Hà, Lào bắt đầu mưa nhiều )
 
Mưa rơi lách tách mái hầm,
Nước khơi róc rách dưới gầm giường reo.
Ngụy trang lất phất gió heo,
Pháo –Người ấm cúng ngẩng cao canh trời!
 
(Trận địa Bắc Phi Hà tháng 7 năm 1971 )
 
    G Ù I   G Ạ O
(Thơ vui )
                    
Chuyển pháo đi rồi tưởng đã xong
Ai ngờ chuyển gạo mới lâu công,
Sáu ngày một chuyến qua sông suối,
Vất vả gian nan tại cái MỒM !.
 
( Viết trên đường hành quân bộ chuyển trận địa  từ Ngã ba Phi Hà – Lào.
lên Trận địa  sân bay Chà Văn Nọi  vì  mùa mưa xe kéo pháo không chạy được nưã )
                    













tin tức liên quan