MÙA ƯƠI Ở ĐÔNG TRƯỜNG SƠN
Phạm Thành Long
Sống ở Tây Trường Sơn nhiều năm nhưng tôi chưa gặp quả ươi bao giờ.
Cuối tháng 5/1973, từ Phù Trường – Keng Nhang, tỉnh Saravan, Lào, chúng tôi hành quân vượt sông Bạc, vượt Sêcamán theo đường B46, qua Binh trạm 44 rồi về Khâm Đức, Quảng Đà.
Tháng 8/1973, sau khi khai thông đường 13 cũ bỏ hoang từ thời chống Pháp, Cơ quan sư đoàn bộ 471 chúng tôi ngược đường 14 từ sân bay Khâm Đức về Bến Giằng, Nam Giang đóng đại bản doanh.
Từ Sở chỉ huy Bến Giằng, tôi thường đi công tác nhiều lần ngược xuôi trên đường 14: Vào Trung đoàn 10 công binh mở đường tránh Đắc Pét; vượt qua đèo Pê Ke ra Trao nắm tình hình Trung đoàn 35 công binh đang thi công tại đây…Một lần, tôi đưa đoàn làm phim của Xưởng phim Tài liệu Quân đội do nhà quay phim nổi tiếng Nguyễn Nhàn ghi hình tại nhiều điểm đẹp, độc đáo trên đường 14. Đấy là cảnh thác nước nhỏ ở cách cầu Bến Giằng chừng hơn 10 cây số. Nước từ một con suối nhỏ trên đỉnh núi chảy xuống đường 14. Chỗ này là đoạn đường có vách đá chạy uốn cong. Phía taluy âm là bờ sông. Công binh đã khoét vào vách đá tạo nên mặt đường cho xe chạy. Nước từ đỉnh núi chảy xuống bên taluy âm của đường tạo nên cảnh nước chảy rất đẹp. Những đoàn xe chở hàng vào Tây Nguyên đi qua đây như “chui qua” thác nước. Tôi cho xe dừng lại bên thác nước này để anh Nguyễn Nhàn ghi hình. Anh Nguyễn Nhàn rất thích hình ảnh các đoàn xe vận tải “đi ra” từ thác nước này. Tôi còn phát hiện ra một gốc cây bên đường bị bom đánh cháy. Anh Nguyễn Nhàn đã lấy gốc cây làm tiền cảnh để quay cảnh đoàn xe ô tô chở đầy vũ khí, đạn dược xuôi ra tiền tuyến. Cái gốc cây bị cháy đen thui, tạo nên một lỗ thủng lớn để từ đây, khuôn hình máy quay cảnh đoàn xe chui từ trong thác nước ra tiến về cái cái gốc cây cháy đen… Khung cảnh Trường Sơn Đông độc đáo, ác liệt một cách thật “chữ tình”…
Cũng tại đây, chúng tôi cuốc bộ một đoạn đường dài trên đường 14 để tìm ngắm cảnh đẹp của đoạn đường này. Bất ngờ, trên đường, tôi bắt gặp rất nhiều quả ươi. Những quả ươi nằm bên trong một đầu chiếc lá “hình một con thuyền” nằm la liệt trên đường. Khi sang Đông Trường Sơn, tôi đã nghe mấy anh em hoạt động nhiều năm ở đây giới thiệu về quả ươi này. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi mắt thấy, tay sờ rất nhiều quả ươi. Quan sát kỹ, tôi thấy những “con thuyền” mang quả ươi này bay theo gió rơi xuống mặt đường từ một cái cây to và cao phía bên sườn taluy dương. Một cơn gió ập đến, tôi nhìn lên ngọn cây thấy những quả ươi chín lìa cành. Chúng xoay tròn và bay trên không rất lạ mắt. Những “cánh thuyền” giúp những quả ươi bay rất xa, rơi đầy mặt đường. Tôi kêu lên gọi cậu Dung, phó quay phim của anh Nguyễn Nhàn đi tới. Một lúc sau, anh Nguyễn Nhàn cũng vác máy quay phim cùng chạy lại. Nghe tôi giới thiệu và chỉ vào những “cánh thuyền” mang những quả ươi đang bay và rơi xuống mặt đường, hai người vô cùng thích thú. Anh Nguyễn Nhàn vội hướng ống kính quay cảnh quả ươi bay trong không trung và rơi xuống đất. Một hiện tượng hiếm của rừng Trường Sơn. Lần đầu tiên hai anh cũng như tôi thấy quả ươi và cách nó rơi xuống đất độc đáo như thế này.
-Dung ơi, cùng tới nhặt quả ươi đi.
-Nhặt làm gì hả anh?
-Về ăn? Tôi bảo.
-Ăn được ư? Dung hỏi.
-Quả ươi này về ngâm nước, nó nở ra như thạch, cho đường vào ăn mát lắm…
Thế là hai đứa tôi nhặt một lúc là đầy chiếc mũ cối. Đoạn đường này có rất nhiều cây ươi. Mấy trăm mét đường 14 quả ươi rơi đầy mặt đường…
Chiều hôm ấy về cơ quan, tôi mang những quả ươi đi rửa thật sạch. Tôi cho một ít quả vào chiếc ca gò bằng ống pháo sáng, rồi đổ nước đun sôi để nguội vào. Khoảng vài chục phút sau, quả ươi nở bung ra như thạch. Nó màu nâu nhạt. Tôi cho thêm hai thìa đường vào quấy lên. Tôi mời anh Nguyễn Nhàn và Dung uống thử. Ai cũng khen ngon. Thế là chỉ vài ngày sau, một mũ quả ươi chúng tôi mang về, mấy anh em trong Ban Tuyên huấn Sư đoàn thay nhau “ngâm thạch”. Chả mấy mà hết veo.
Sau này, khi rời Trường Sơn hơn mười năm, một lần đi chơi chợ Đồng Xuân, tôi thấy một sạp hàng bán quả ươi này. Hỏi thăm, tôi được bà bán hàng cho biết: Quả ươi này bà nhập từ Tây Ninh. Quả ươi ngoài tác dụng ăn như ăn thạch ra, nó còn dùng để chữa trị bệnh sỏi gan, sỏi mật rất hiệu quả. Chỉ cần uống một hai kí quả ươi là sỏi ra hết…
Ngày ở căn cứ Bến Giằng, chúng tôi còn có cơ hội được “khám phá’ rừng loòng boong – thứ quả “Nam trân – quả quý phương Nam”. Rừng loòng boong ở Bến Giằng là rừng quả cứu đói của đồng bào dân tộc Nam Giang. Xin được kể với mọi người về rừng loòng boong này vào dịp khác.