"Những ngôi nhà trong đời" - Tuỳ bút của Phan Vĩnh Điển (Tiếp theo)

Ngày đăng: 09:37 29/06/2021 Lượt xem: 412
NHỮNG NGÔI NHÀ TRONG ĐỜI
Tuỳ bút của Phan Vĩnh Điển
(Tiếp theo)

 
Phần II: Những ngôi nhà xây
 
       Hơn chục năm sau ngày nhập ngũ, bất ngờ tôi được đi ôn thi đại học và đỗ đại học ở nước ngoài. Ngày đầu đến nước bạn, trông thấy cái gì cũng ngạc nhiên, lạ lẫm. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh đã trông thấy những căn nhà cao chọc trời, mái nhọn hoắt như nhưng ngôi nhà tháp trong điện Clemlanh, hoặc tròn xoe như chiếc mũ nồi khổng lồ, chứ không phải mái dốc hoặc đầu nhọn nhưng cong cong như mái đình, chùa bên nước mình. Bước xuống sân bay là thấy nhà ga to lớn rộng mênh mông, đứng trên tầng hai của nhà ga có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cả căn nhà rộng lớn và dòng người nhộn nhịp như tổ kiến đang tỏa đi kiếm mồi… Chợt nghĩ đúng là nước lớn, tư duy cũng lớn, họ làm cái gì cũng to lớn, khang trang, tầm cỡ.
       Tôi được ở ngay thủ đô Matxcova của Nga. Hôm sau đi dạo phố thì thấy một số phố cổ có những ngôi nhà dạng biệt thự liền kề có cửa hàng với những ô cửa kính hình chữ nhật khung gỗ. Một số tòa nhà cao tầng mái nhọn như những mũi tên xuyên lên bầu trời xanh thắm của Âu châu…
       Trên đường về ký túc xá, nhìn thấy những ngôi nhà tập thể cao trên 20 tầng. Những con đường rộng rãi, trải nhựa phẳng lỳ có dải phân cách. Hai bên vỉa hè là hai hàng cây Sồi hoặc cây Bạch dương, xen giữa hai hàng cây là đường dành cho người đi bộ, rộng khoảng 2 mét được lát gạch trang trí hoặc bê tông trải nhựa, vừa khoa học, vừa an toàn cho người đi bộ. Lùi vào khoảng hơn 20 mét nữa là vườn cây và các dãy nhà tập thể cao trên hai mươi tầng, khoảng cách giữa các nhà khoảng ba chục mét là những vườn cây xanh tốt. Cách khoảng hai đến ba nhà lại có các sân chơi và tập thể dục tập thể với các dụng cụ, mô hình đồ chơi dành cho các trò chơi trẻ em. Một số dụng cụ thể thao đơn giản cho người lớn như xà đơn, xà kép. Thật là một không gian và môi trường lý tưởng cho các cư dân của thành phố Thủ đô.
       Những ngày nghỉ tôi có dịp đi thăm quan và dạo chơi các thị trấn ngoại ô, nhìn thấy các ngôi nhà lắp ghép 5 tầng giống như những ngôi nhà nước bạn giúp đỡ Việt Nam xây dựng vào những năm 60 và 70 của thập kỷ trước tại Hà Nội. Nhưng ở bên này, các ngôi nhà tập thể không được cơi nới chuồng cọp ra bên ngoài như ở Việt Nam. Tuy nhiên, những ngày nắng vẫn thấy thấp thoáng những tà áo sơ mi hay những bộ váy đầm xanh, đỏ được phơi ra ban công hay bên những ô cửa sổ.
       Điều đặc biệt trong thời kỳ này là Việt Nam đưa rất nhiều công nhân trẻ sang làm việc trong các nhà máy ở Nga. Các khu nhà tập thể của công nhân Việt Nam cũng thường được bố trí tại các khu nhà lắp ghép 5 tầng; nhưng bên Nga họ quản lý người ra vào các khu tập thể, thường gọi là các “ốp” công nhân chặt chẽ hơn. Khu nhà nào cũng có bảo vệ, nếu có giấy tờ đầy đủ, thì được phép lên chơi vào ngày nghỉ, còn tối không được ngủ lại… Tuy nhiên, công nhân Việt Nam đến chơi với nhau mấy khi có giấy tờ hợp lệ.
       Thế là diễn ra cảnh chập tổi các công nhân đến chơi với nhau, muốn ngủ lại chỉ còn cách trèo lên phòng theo đường ống nước rồi chui qua các cửa sổ để vào phòng. Các tầng cao như tầng 4, tầng 5 thì rất khó trèo, nên công nhân nghĩ ra sáng kiến nối các ga trải giường ra, làm dây kéo, giúp các bạn mình trèo theo ống nước để vào phòng. Nếu là con trai thì còn dễ trèo hơn, còn con gái thì khó khăn hơn nhiều. Lạ thay, cũng có cô gái trèo theo kiểu này rất giỏi. Tuy nhiên, trèo như thế này là rất nguy hiểm, nên đã có người bị ngã gẫy chân, gẫy tay phải đưa đi cấp cứu ngay trong đêm. Nhưng thói quen, tùy tiện của người nông dân vẫn ăn sâu vào tâm lý, thói quen sinh hoạt của người Việt Nam, không thể sửa ngay được. Mặc dù họ đang sống ở một đất nước công nghiệp văn minh hơn nước mình !
       Sau 5 năm học, tốt nghiệp trở về nước, tôi lại được phân công công tác tại Hà Nội. Không ngờ, tôi cũng mua lại căn hộ tập thể trên tầng 5 của khu nhà ghép như vậy ở Hà Nội. Vì thời kỳ này, đất nước đã chuyển mình sang “Cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”, không còn chế độ bao cấp về nhà ở nữa. Những ngôi nhà tập thể ở Hà Nội thời kỳ này, nhếch nhác hơn rất nhiều so với nước bạn.
       Chuồng cọp được đua ra, cái thì bé, cái thì to, dài ngắn các kiểu. Có hộ chỉ đua ra một ít lấy chỗ phơi quần áo hoặc xây thêm bể chứa nước sinh hoạt. Nhưng có những căn hộ đua ra từ 1 đến 2 phòng để ở, diện tích đua ra còn lớn hơn cả diện tích chính của căn hộ; với các dầm sắt ngang dọc khác nhau, chỉ sợ nhỡ nó sập một cái thì “chết toi” hàng đống người. Tuy nhiên, nỗi khổ lớn nhất của cư dân sống trong các căn hộ chung cư này là về mùa hè nóng 39 đến 40 độ lại thường hay bị mất nước và mất điện…
       Do vậy, khi nền kinh tế phát triển hơn, có điều kiện, các nhà ở căn hộ tập thể cố gắng tích cóp, mua đất, xây nhà ở riêng. Nhưng khi ra ở riêng lại có nhiều chuyện bi hài khác xẩy ra. Tôi có anh bạn công tác cùng cơ quan, là con của một cán bộ Cách mạng lão thành, nhà có điều kiện đã mua được mảnh đất khoảng 300 mét vuông, tuy ở trong ngõ, nhưng ô tô có thể đi vào được.
       Nhà có hai anh em, em gái đã đi lấy chồng, còn vợ chồng anh trai lớn ở với bố mẹ. Trước đây ở nhà tập thể chật trội, chỉ có một phòng khách rất nhỏ. Thường ngày - nhất là ngày nghỉ, hai bố con thường pha chè uống nước với nhau, rất hay xẩy ra tranh cãi. Tưởng xây được ngôi nhà lớn như Biệt thự, phòng khách rộng rãi, sáng sủa, lại được bố trí cây cảnh đẹp mắt; hai bố con thấy thoải mái, đỡ tranh cãi với nhau hơn. Ai ngờ, các cuộc tranh cãi ngày càng thường xuyên, gay gắt hơn, mặc dù họ rất thương và yêu quý nhau. Nhưng hệ tư tưởng, tư duy đã khác nhau ngày càng lớn. Bà mẹ và người vợ trong nhà ra sức khuyên ngăn, hòa giải hai bố con nhưng không ích gì…
       Ngôi nhà dạng Biệt thự 3 tầng, xung quanh tường xây cao 3 mét, trong vườn trồng nhiều cây ăn trái như nhà anh bạn trước đây ở quê. Bố anh ta cầu kỳ về tận quê, nhờ người quen hỏi mua những cây nhãn, cây bưởi, cây đào, cây mận đẹp mang về Hà Nội trồng trong vườn. Vừa làm cây cảnh, vừa có trái cây sạch để ăn. Ai đến chơi vào mùa xuân thấy cây mận nở hoa trắng xóa. Cây đào ta nở hoa hồng rực trước nhà, bưởi, nhãn đang đâm chồi mơn mởm ai cũng tấm tắc khen đẹp. Để có được khu vườn đẹp như vậy, quy trình xây dựng và đánh được cây đẹp mang về trồng phải mất hơn 2 năm. Đầu tiên phải thuê thợ làm vườn, về cuối mùa đông đào gốc cây lên, bón một lớp phân trộn với rơm rạ hoai mục, phun thuốc kính thích để cây ra rễ phụ. Mùa xuân sang năm mới có thể đánh về Hà Nội trồng, thì cây mới sống được…
       Ông bố là cán bộ hoạt động Cách mạng lâu năm, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Lúc nào cũng chấp hành nghiêm mọi sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên và tổ dân phố. Sinh hoạt hàng ngày mọi người phải chấp hành đúng giờ quy định như hồi còn đi làm. Sáng phải dạy từ 5 giờ sáng kể cả mùa đông giá rét; mặc dù ông đã về hưu cách đây hơn chục năm…
       Có việc thấy sai lè lè, ông vẫn cho rằng đấy chỉ là số ít, không may nào đấy thôi. Kể cả việc Công ty nước không cấp nước, mấy tháng liền vào mùa hè, mà vẫn đến thu tiền đồng hồ nước, ông vẫn cứ vui vẻ đóng. Người con thì kiên quyết phản đối, nhất định không đóng. Vì cho rằng, đó là thói làm việc cửa quyền, làm ăn vô trách nhiệm của Doanh nghiệp Nhà nước trong cơ chế hành chính quan liên bao cấp… Dần dần, dẫn đến mâu thuẫn trong các hiện tượng xã hội khác.
       Có lần vào ngày nghỉ, hai bố con ngồi uống cà phê sáng với nhau, tự nhiên xảy ra tranh cãi gay gắt. Vì thấy hôm nay người con có vẻ mặt buồn buồn, người bố hỏi:
       Hôm nay con làm sao thế, bị ốm à ?
      Người con trả lời: Không ạ, con buồn vì mấy chuyện ở cơ quan. Rõ ràng là con làm tốt, có trách nhiệm hơn, trình độ chuyên môn cũng tốt hơn. Anh em trong phòng ai cũng động viên và tin tưởng, nhất định đợt này con sẽ được bổ nhiệm lên Trưởng phòng; vì con đã làm Phó phòng gần cả chục năm nay rồi.
       Thế mà đùng một cái, thủ trưởng cơ quan lại bổ nhiệm một cậu Chuyên viên lười nhác, trình độ chuyên môn kém, trách nhiệm thì không cao, chỉ chọn việc dễ làm, đụng đến việc hơi khó khăn, nhạy cảm trong quan hệ một tí là cậu ấy thoái thác, đùn đẩy cho người khác.  
       Có dịp gặp cấp trên là anh ta tỏ ra khúm núm, nói những câu nịnh hót, đến người ngoài nghe còn phát ngượng thay cho hắn. Ông Thủ trưởng thì nói lắp, đọc báo cáo thì nhắt gừng, nghe đến khó chụi, nhưng khi giải lao hắn vẫn tấm tắc khen, sao hôm nay anh phát biểu hay thế…!
       Trong phòng nhiều người ngạc nhiên ! Nhưng cũng có người cười tủm tỉm và nói:  
      Tính khí thẳng như ruột ngựa như cậu thì có ngày chức Phó phòng cũng mất luôn ấy chứ ! Thôi đừng buồn làm mà làm gì, cái gì cũng có giá của nó. Có anh bạn thân hỏi con:
       Cậu có chim “cú” không ?
       Con nói, tớ không có chim “cú” nhưng vẫn tức !
       Anh bạn trả lời: Dù cậu có làm tốt đến mấy mà không biết “chạy” là vứt đi hết.
       Con cãi lại: Cậu nói vớ vẩn, sáng nào tớ chẳng dậy sớm chạy thể dục nửa tiếng đồng hồ rồi mới về tắm, rửa, ăn sáng mới đi làm.
       Hắn lại cười nhăn nhở và nói: Cậu ngốc ạ, “chạy” đây là chạy chức, chạy quyền, chạy dự án cơ…!
       Anh ta nói với bố: Thế đấy bố ạ, bây giờ chẳng thể tin vào ai được nữa. Người bố động viên, thôi con ạ, cứ cố gắng phấn đấu, bố tin rằng sẽ có ngày “tổ chức” sẽ hiểu và cất nhắc con cho mà xem…!
       Có mà xem “Tuồng” thì có !
       Bố anh ta tức qua nói: “A, thằng này láo, bố từng này tuổi đầu, bao nhiêu năm làm Cách mạng rồi mà nói không nghe…” !
        Anh ta nói, thôi con không muốn tranh cãi với bố nữa, chỉ làm sứt mẻ thêm tình cảm cha con…
      Anh nghĩ: Các cụ già cả rồi, không sống được bao lâu nữa, đừng làm các cụ buồn, cứ để các cụ tin vào những gì đã tin; vì đó là hòn đá tảng !
       Anh sẽ bàn với mẹ thuyết phục bố để bán nhà đi, mua hai căn nhà nhỏ hơn riêng biệt để sống, thỉnh thoảng đến thăm nhau thành ra lại quý, xa thương, gần thường mà… !
       Lần khác, tôi may mắn gặp lại anh bạn tên Việt người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, thời quân ngũ, nay anh làm cán bộ cấp Vụ ở một cơ quan Trung ương, cũng có nhà riêng 3 tầng đàng hoàng, tuy không có vườn lớn, nhưng có mảnh đất hình ống, 100 mét vuông. Anh xây căn nhà 70 mét vuông 3 tầng, còn để lại cái sân đằng trước. Sau này, có điều kiện thì mua chiếc xe con, thỉnh thoảng về quê thăm bố mẹ cho tiện. Có một cô con gái đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định, không phải lo gì nhiều, nhưng xem ra, vẻ mặt anh vẫn buồn buồn…
       Anh em đồng đội thân thiết ngày xưa, trên 20 năm mới gặp lại nhau, hẹn ngày nghỉ đầu mùa đông cùng nhau đi uống rượu, tâm sự chuyện gia đình. Trời mùa đông Hà Nội đã bắt đầu se se lạnh, cây bàng trên phố đã ngả lá vàng, đang rơi từng chiếc lá, bay bay là là xuống đất. Càng làm không khí có vẻ buồn buồn, anh tâm sự:
       Ngày xưa, được về phép trước khi đi B, bố mẹ dấm cho một cô bạn cùng thôn, về phép là ép cưới vợ luôn. Anh ngần ngại, vì không muốn cưới người mình chưa yêu. Mặc dù, trước đây anh có biết sơ qua về cô này là người cùng thôn, học sau Việt vài lớp, học giỏi nước da trắng, khuôn mặt hiền lành phúc hậu. Mặt khác cũng ái ngại, vì đi B lần này; không biết sống chết thế nào ? Nói dại, nếu mình hy sinh thì tội cho cô ấy…
       Thế rồi trước sức ép của gia đình, anh cũng đồng ý cưới vợ. Hết phép, Anh trở lại đơn vị và đi B luôn. Anh cùng đơn vị hành quân bộ cả mấy tháng trời vào tận B3, chẳng nhận được thư từ, tin tức gì. Sau ngày giải phóng, về gặp lại vợ sau 5 năm xa cách vẫn thấy lạ lạ, chưa quen, rồi vì thương vợ chung thủy đợi chờ, vợ chồng mới lại tìm hiểu và yêu nhau hơn…
       Vợ anh đã tốt nghiệp Đại học, ra trường đang làm ở một cơ quan hành chính của tỉnh. Giữa những năm 1980, anh chuyển ngành về công tác ở một cơ quan ở Hà Nội mới sinh được một cô con gái. Khi có con, anh cố gắng “chạy trọt” xin cho vợ về Hà Nội công tác để gia đình được đoàn tụ, sau gần 20 năm xa cách. Chứ không lẽ cứ để vợ, chồng, con cái xa cách nhau cả đời hay sao ? Chắc vì, những năm tháng lo âu, vất vả đó, mà sau này vợ, chồng anh, không sinh thêm được đứa con nào nữa, nên rất quý và chiều cô con gái duy nhất. Nhưng cũng may là cháu lớn lên, hiểu được hoàn cảnh của bố mẹ, nên rất ngoan và học giỏi. Cháu tốt nghiệp Đại học trong nước ra làm được vài năm, giục lấy chồng nhưng cháu nói cứ từ từ, vì cháu muốn đi học Thạc sỹ ở nước ngoài.
Anh nói với con: Thôi con ạ, các cụ nói, “con gái có thì”, con gái học hết Đại học là tốt rồi, có nghề nghiệp ổn định, lấy chồng được rồi. Con muốn đi học nước ngoài nhưng học bổng đắt lắm, bố không có tiền lo cho con đi học nước ngoài đâu.
       Bố đừng lo, “cứ mặc kệ con”, con sẽ xin được học bổng !
       Nói là làm, từ đó cháu tranh thủ thời gian vừa đi làm, vừa đi học. Ngoài ra, còn tranh thủ thời gian những ngày nghỉ lễ, chủ nhật và ban đêm tham gia nhóm tình nguyện dạy văn hóa cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn ngoài bãi sông Hồng. Cháu tìm kiếm học bổng của các nước phát triển ở trên mạng và thi đỗ đi học Thạc sỹ nước ngoài trong 3 năm. Tốt nghiệp trở về nước, cháu đi làm cho một Tập đoàn điện tử lớn của nước ngoài ở Bắc Ninh. Giục mãi cháu mới chịu lấy chồng, vì vợ chồng mình có mỗi cháu là con gái nên muốn cháu ở cùng với vợ chồng mình. Chồng cháu cũng đồng ý.
       Thời gian này vợ, chồng mình đều đã về hưu, bắt đầu đã có cháu, ở chung được với nhau thời gian đầu rất vui vẻ, hạnh phúc; nhưng dần dần xẩy ra mâu thuẫn. Vợ mình rất thương con, nhưng sống rất sạch sẽ, gọn gàng. Bà ấy muốn cái gì cũng phải chỉnh chu, đúng giờ giấc. Các cháu, cả tuần đi làm việc mệt mỏi căng thẳng, muốn ngủ muộn một tí; bà vợ mình không chịu, đánh thức các cháu dậy để cả nhà cùng ăn sáng.
       Trong lúc các cháu đi đánh răng rửa mặt, bà còn vào phòng gấp chăn màn cho gọn gàng… Con rể không dám nói gì, con gái thì khó chịu ra mặt.
        Vài lần sau thì cháu phản đối và nói: Ngày nghỉ mẹ phải để chúng con nghỉ ngơi, thư giãn riêng một chút chứ, sao cứ bắt phải dậy sớm và ăn sáng mấy món do mẹ nấu thế nhỉ ? Con ngán đến tận mang tai rồi, tí nữa chúng con đi ăn sáng ở ngoài và đi chơi luôn. Cả tuần làm mệt mỏi lắm rồi...!
       Bà vợ anh nói: Ăn ở nhà vừa sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, sao phải ra ngoài ăn, vừa đắt lại chưa chắc đã đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm… Mà sao tuần nào chúng mày cũng đi chơi thế, không chán à, mẹ ở nhà quanh năm ngày tháng có sao đâu ?
       Khổ nhất là việc chăm sóc cháu nhỏ gần 3 tuổi. Bà thì muốn ép cháu ăn thật nhiều và chiều cháu làm thay cho cháu mọi thứ. Bố mẹ chúng muốn nuôi dạy các con theo khoa học, theo kiểu phương Tây. Con không muốn ăn thì thôi không ép; vì theo khoa học, nó đủ chất rồi không muốn ăn nữa thì cứ kệ nó, khi nào đói nó sẽ ăn. Các việc sinh hoạt đơn giản như: đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo, đi giầy, dép. Bố, mẹ cháu hướng dẫn cháu tự làm cho quen… Bà thì sót cháu cứ ép cháu ăn bằng được và làm thay mọi thứ cho cháu... Có lần cháu hờn, lăn ra đất gào khóc, bố mẹ cháu cứ kệ và nói:
Cứ để nó hờn, vài lần không ai dỗ, thì sẽ tự biết đứng dậy và nín khóc. Bà thì sót cháu lại ra bế bồng và dỗ dành cháu. Thế là xẩy ra mâu thuẫn không đáng có giữa hai mẹ con…
Cho đến một ngày cháu đi làm về, vẻ mặt buồn thiu. Anh hỏi: Sao mà buồn thế hả con ?
Cháu trả lời: Ngày nào con đến cơ quan cũng đúng giờ, quen như trước đây làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài, chỉ cần đi làm chậm 1 phút là cuối tháng bị trừ lương ngay. Và việc gì cũng phải nói thẳng, nói thật. Từ ngày về cơ quan Bộ con thấy lạ !
       Mọi người thường xuyên đi làm muộn và rất hay nói dối, mà không phải một người mà rất nhiều người. Hôm nay, sau giờ làm việc đến cả tiếng đồng hồ rồi vẫn không thấy chị Trưởng phòng đến. Có đơn vị cấp dưới gọi điện đến trao đổi công việc, con nói: Chị ấy chưa đến.
       Lúc chị đến, con nói lại có đơn vị A, gọi đến đến có việc gấp, em nói chị chưa đến, họ nói tí nữa họ gọi lại.
       Chị nói: Sao cậu ngốc thế, không nói chị ấy vừa đi ra ngoài, tí nữa anh gọi lại !
      Trong lúc cháu kể chuyện thì bà vợ mình cùng ngồi nghe, cháu chưa kịp nói hết bà đã tương ngay cho một câu:
       Sao mày ngu thế hả con, ai lại nói thật thà thế bao giờ ! Bao nhiêu năm ăn học, cả đi học và làm việc cho nước ngoài mà chẳng hiểu gì cả… Ở cơ quan Nhà nước không ai người ta nói thế, mọi người đều nói dối cả đấy ! Cháu vừa tủi thân, vừa khóc, chỉ dám cãi lại mẹ nhẹ nhàng.
       Anh ra sức can ngăn hai mẹ con, nhưng không dám nói nặng với bà vợ, vì sợ bà ấy tự ái. Nhưng không lẽ đồng tình với bà vợ dậy con nói dối, rồi xã hội này sẽ đi đến đâu… ?
       Sau bao đêm trằn trọc, suy nghĩ thì mới ngộ:
       Giải pháp tốt nhất là bán nhà đi, mua hai căn hộ tập thể riêng biệt, nhưng gần nhau để vừa có không gian riêng tư, lại vừa tiện trong sinh hoạt, tình cảm, còn…

 
Phan Vĩnh Điển
Trưởng Ban LL Trung đoàn 49 Hội Trường Sơn Sư đoàn 471

tin tức liên quan