CHUYỆN VỀ 2 BÀI CA SƯ ĐOÀN 471
(Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Sư đoàn 20/7/1971 - 20/7/2021)
Ngày 20/7/1971, theo đề nghị của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Bộ Tổng Tham mưu đã ra quyết định thành lập Sư đoàn (F) 471 cùng với F472, F473 và một số Trung đoàn độc lập khác. Các F968 bộ binh, F470 công binh, F571 xe vận tải đã thành lập trước.
Trước đó, tôi đang là nhân viên ban Tuyên huấn Binh trạm 35, đóng ở bờ bắc sông Bạc - Nam Lào, được điều về đội Văn nghệ Sư đoàn, ra Bố Trạch, Quảng Bình tập huấn nghệ thuật. Tôi trở thành cán bộ sáng tác kiêm nhạc công của đội. Cuối năm đó đội hành quân bộ ròng rã 42 ngày vượt Trường Sơn vào tới F bộ, khi vượt một chặng đường hơn 700km. Vì F471 nằm cách xa cửa khẩu, các con đường xuyên qua vùng núi cao, đèo dốc, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt ngày đêm. Bọn thám báo, biệt kích Mỹ, ngụy Việt Nam, ngụy Lào, lính đánh thuê Thái Lan thường xuyên quấy phá, nên bộ đội Sư đoàn chịu vô vàn gian khổ. Nhiều tấm gương dũng cảm hi sinh. Xúc động trước những sự việc đó, tôi viết “Bài ca 471” theo dạng hợp ca nhiều bè, trong đó có đoạn lời:
“Ai về Tăng Cát, Xê Công
Vào Xê Ca Mán hay vòng sang cao nguyên
Mỗi dòng sông, mỗi con đường
Mỗi người là biết mấy chiến công tuyệt vời”
Và còn có đoạn sử dụng bài thơ do Chính ủy kiêm Sư trưởng F471 đầu tiên Nguyễn An sáng tác:
“Ta sinh ra giữa mùa mưa vất vả
Còn trong nôi mà rau cháo nuôi nhau
... Kiên cường thay ta lừng danh ĐÓI và DỐC
Tự hào thay ta nổi tiếng THẮNG và THƠ”
Bài hát gần như trở thành “Sư đoàn ca”, thường là tiết mục mở đầu trong các chương trình biểu diễn của đội Văn nghệ đi phục vụ các lực lượng của Sư đoàn, đóng quân trên một vùng rừng núi hiểm trở dài 200 km, rộng chừng 150km bên Tây Trường Sơn trong các năm 1972 - 1973. Bài hát này được tôi ghi chép cẩn thận trong sổ tay, hiện còn đang lưu giữ.
Năm 1974, F471 lật cánh sang phía đông Trường Sơn. Từ Sư đoàn gồm các Trung đoàn thuộc những Binh chủng khác nhau, F471 chuyển thành Sư đoàn xe vận tải. Lúc này tôi đã chuyển lên làm cán bộ sáng tác của đoàn Văn công quân giải
phóng Trường Sơn. Trong cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1975, F471 đã góp phần thần tốc chuyên chở hàng vạn quân ta từ miền Bắc vào giải phóng miền Nam.
Sau hòa bình thống nhất đất nước, F471 được điều lên khai phá, trấn giữ vùng Tây Nguyên. Còn tôi, cuối năm 1976 cũng ra học tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1978, đội Văn nghệ F471 (là các diễn viên mới) từ Tây Nguyên ra Hà Nội chuẩn bị tham gia Hội diễn văn nghệ toàn quân. Tôi được mời về sửa sang, nâng cao chương trình đã có sẵn. Thấy anh em vẫn dùng “Bài ca 471” mở đầu, tôi quyết định viết bài mới thay thế, vì “Bài ca 471” thiếu hẳn giai đoạn vô cùng quan trọng: thành Sư đoàn xe góp phần chở quân ta vào giải phóng miền Nam, tiến đến tận Sài Gòn. Đó là bối cảnh ra đời “Bài ca Sư đoàn 471”. Như vậy là có hai bài ca về Sư đoàn 471 (Bài trước là “Bài ca 471”, không có chữ “Sư đoàn”) đều do tôi sáng tác, nhưng ở vào hai thời điểm, hoàn cảnh rất khác nhau.
Những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX, kinh tế cả nước vô cùng khó khăn. Tôi vừa học Nhạc viện, vừa liên tục đi sáng tác, dàn dựng ca nhạc cho nhiều nơi. Từ các đơn vị quân đội: Lữ đoàn Sông Thao công binh ở Thường Tín; Trung đoàn trinh sát pháo binh ở Trung Hà - Sơn Tây; đội văn nghệ Tỉnh đội Hải Hưng ở Tứ Kỳ - Hải Dương, đến những đơn vị dân sự như nhà máy nhựa Hải Hưng, nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà an dưỡng Quảng Bá - Hồ Tây, cửa hàng thực phẩm phố Hàng Bột - Hà Nội (nhờ thế mà mấy năm liền, tôi không phải xếp hàng mua thịt, cá, đậu theo tem phiếu, lại giúp được nhiều đồng đội cùng học và một số thầy cô không phải xếp hàng nữa!)... Hầu hết các chương trình, bài hát tự biên mang tên tôi là Văn Vĩ hoặc gán tên cho cán bộ đơn vị đi tham gia hội diễn đã giành giải cao. Nhưng sau đó, trong hoàn cảnh thiếu thốn khó khăn chung của đất nước, khá nhiều bài tôi không lưu giữ được, thậm chí quên bẵng đi luôn. “Bài ca Sư đoàn 471” là một trong số những trường hợp như thế.
Nhạc sỹ Vũ Minh Vỹ
Ngày 4/12/2011, tôi cùng CLB nghệ thuật Trường Sơn, dẫn đầu là Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Sư đoàn 471, và nhà văn - nhà báo Phạm Thanh Long, nguyên cán bộ Tuyên huấn F471, xuống Đồ Sơn giao lưu với đội văn nghệ của Ban Liên lạc F471 thành phố Hải Phòng. Vừa đến nơi, bất ngờ có mấy em diễn viên đội Hải Phòng reo lên, chạy đến bên tôi tay bắt mặt mừng. Các em hỏi tôi có còn nhớ các em là ai không. Tôi đang ngớ ra, chưa kịp nhớ thì các em đã nhanh chóng tự giới thiệu: “Chúng em là diễn viên đội văn nghệ Sư đoàn đi tham gia hội diễn năm 1978, đóng quân ở Hà Đông mà anh đang học ở Nhạc viện xuống giúp đấy. Bài hát Bài ca Sư đoàn 471 của anh chúng em vẫn đang hát, chốc nữa anh sẽ xem có sai nhiều không nhé. Vì chúng em không có bản nhạc, mấy anh em mỗi người nhớ lại một tí mới góp thành bài từ đầu tới cuối. Hôm trước được tin sẽ có nhạc sĩ Minh Vỹ cùng xuống giao lưu, chúng em đã ngờ ngợ, không biết nhạc sĩ Minh Vỹ có phải là anh Văn Vĩ ngày xưa không, hóa ra là đúng thật”.
Buổi giao lưu mở đầu với “Bài ca Sư đoàn 471” do đội văn nghệ chủ nhà trình diễn. Khi bài hát vang lên, tôi đã rưng rưng, xúc động thực sự, không chỉ vì các em hát rất hay, nhất là em nam lĩnh xướng đoạn đầu với chất giọng Teno trữ tình, hát tròn vành rõ chữ, truyền cảm không thua gì ca sĩ chuyên nghiệp, đồng thời có phần đệm phức điệu của dàn đồng ca (trong ngoặc đơn):
“Đường Trường Sơn những tháng năm gian khổ
(Gió núi, mưa ngàn, đói cơm, nhạt muối).
Đường Trường Sơn những tháng năm máu đổ
(Biết mấy anh hùng chiến công còn ghi)
Bao người con yêu từ hậu phương
Vượt đường dài giải phóng miền Nam
Trong khó nguy thắm tình đồng đôi
Trước mặt ta rực sáng con đường
Đường Hồ Chí Minh. Đường Hồ Chí Minh”
Sau đó là tập thể mười mấy nam nữ trẻ trung (so với CLB văn nghệ chúng tôi) cùng vào hát đoạn hai rộn ràng cuồn cuộn mà lại hồn nhiên đầy sức lôi cuốn. Bài hát vừa kết thúc, tôi đã nhảy lên sân khấu nói lời gan ruột: “Các bạn hát rất hay, rất xúc động” đồng thời cảm ơn các em cựu diễn viên văn nghệ Sư đoàn năm 1980 đã nhớ lại để dàn dựng nghiêm túc, làm sống lại bài hát của tôi, một CCB, một thành viên của Sư đoàn 471 Trường Sơn anh hùng”. Các em hát làm tôi nhớ lại toàn bộ tác phẩm của mình. So với bản gốc, tuy có dăm ba chỗ chưa thật chuẩn, nhất là phần giai điệu, song cơ bản là giữ được hồn cốt của bài ca.
Sau buổi giao lưu đáng nhớ ấy, tôi đã ghi lại chính xác giai điệu bài hát của mình, chỉnh lý vài chỗ lời ca, dàn dựng cho CLB nghệ thuật Trường Sơn biểu diễn tại cuộc gặp mặt CCB Sư đoàn tháng 4/2013, và cho CLB nghệ thuật Phong lan Trường Sơn biểu diễn tại Đại hội lần thứ nhất Hội TTTS F471 tháng 12/2016.
Đầu tháng 4/2017, biết tôi đang ở thành phố Hồ Chí Minh, thiếu tá bác sĩ Nguyễn Văn Thiệu, Trưởng BLL F471 khu vực TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ, cùng trung úy Nguyễn Chí Công, đồng đội Ban Tuyên huấn F471 đến nhà tôi, đề nghị tôi chuẩn bị dàn dựng “Bài ca Sư đoàn 471” cho đội văn nghệ Quân y viện 175 - đơn vị trước khi về hưu của thiếu tá Nguyễn Văn Thiệu, để biểu diễn tại cuộc gặp mặt CCB sư đoàn hai khu vực trên tại thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng giữa tháng 4/2017. Dự định đó không thành do một số trục trặc về lực lượng diễn viên. Thời gian gấp gáp, tôi bàn với Thiệu và Công, sẽ dựng video bài hát trên để chiếu lên màn ảnh rộng, thay cho hình thức văn nghệ trên sân khấu. Hai anh rất phấn khởi vì đã giải quyết được khó khăn tưởng chừng không kịp gỡ. Tôi điện về Hà Nội, nhờ giảng viên - nghệ sĩ Đào Huệ, con trai nhạc sĩ Đào Ngọc Dung dựng hình bài hát trình bày tại Đại hội lần thứ nhất Hội TS Sư đoàn 471 tháng 12/2016 thành video clip. Clip này đã được chiếu nhiều lần trên màn ảnh làm phông sân khấu tại cuộc gặp mặt của CCB F471 khu vực miền đông Nam bộ và Tây Nguyên cùng hàng trăm đại biểu từ các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung cùng về dự, và cả những cuộc gặp mặt sau đó nữa.
Hôm nay kỷ niệm 50 năm thành lập Sư đoàn. Nếu không vì dịch giã, chắc chắn sẽ có hàng ngàn hội viên Trường Sơn Sư đoàn 471 của cả ba thời kỳ trước và sau tháng 5/1975 từ khắp ba miền đất nước cùng về họp mặt tại Thủ đô.
Không gặp nhau được, đành xin gửi tặng các hội viên Trường Sơn F471 cùng các đồng đội, bạn bè Video clip “Bài ca Sư đoàn 471”, và chuyện kể về sự chìm nổi qua thời gian của bài ca đó.
Chúc các đồng đội, bạn bè cùng gia đình vui vẻ, hạnh phúc, và nhất là giữ gìn sức khỏe để vượt qua thời khắc khó khăn, chiến thắng dịch bệnh này cũng như chúng ta đã từng góp phần chiến thắng lũ giặc ngoại xâm.
Nhạc sỹ Trường Sơn Vũ Minh Vỹ
https://youtu.be/YvuO01mgIOM