"Xui xẻo tháng tư năm ấy" - Ký ức chiến trường của Nguyễn Kim Chúc

Ngày đăng: 06:31 22/07/2021 Lượt xem: 440


Xui xẻo tháng tư năm ấy

NGUYỄN KIM CHÚC
 
       Bộ Tư lệnh Sư đoàn triệu tập họp gấp với sự tham dự đông đủ của thủ trưởng bốn cơ quan: Tham mưu - Kỹ thuật - Chính trị - Hậu cần để thực hiện mệnh lệnh vận chuyển gấp 6.100 tấn đạn hỏa lực (chủ yếu là đạn 122ly) từ Sê Sụ; kho KG4 và Đà Nẵng về đông Nam Bộ. Đó là ngày 8 tháng 4 năm 1975 tại sở chỉ huy Sư đoàn ô tô vận tải 471 Trường Sơn đóng quân tại sở chỉ huy của Sư đoàn 23 ngụy quân ở thành phố Buôn Mê Thuột.
       Tham mưu trưởng Sư đoàn Nguyễn Thuận Quảng được giao tổ chức thực hiện mệnh lệnh này. Sở chỉ huy Sư đoàn nằm sát quốc lộ 14. Đêm cũng như ngày mặt đường rung chuyển bởi các đoàn xe kéo pháo cỡ lớn, bệ phóng và đạn tên lửa, xe bánh xích… rầm rập chạy về Nam. Được giao vận chuyển khối lượng lớn đạn hỏa lực cho mặt trận, cán bộ chiến sỹ Sư đoàn rất phấn chấn tin tưởng vào ngày toàn thắng đã tới gần. Cơ quan tham mưu tính toán để vận chuyển hết 6.100 tấn đạn hỏa lực này cần tới 2.000 đầu xe. Cần phải huy động khoảng 50% đầu xe hoạt động tốt hiện có của Sư đoàn.
       Bốn Trung đoàn xe của Sư đoàn đang tỏa đi phục vụ cuộc chiến ở các hướng chiến dịch. Trung đoàn 32 chở Sư đoàn 320 truy kích địch trên đường 7 hướng Cheo Reo - Phú Bổn Trung đoàn 33 cơ động Sư đoàn 10 bộ binh theo đường 21 giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung hướng  Ninh Hòa - Nha Trang - Cam Ranh. Cũng thời điểm này Sư đoàn cũng nhận được lệnh điều động xe cơ động Quân đoàn 3 và một Sư đoàn của quân đoàn 1 từ tây Nguyên vào Nam Bộ. Đồng thời cũng phải tổ chức lực lượng thu gom trang thiết bị trên đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm cứu đói cho đồng bào mới được giải phóng …
       Mệnh lệnh được ban bố. Hai Trung đoàn 17 và 32 được giao nhiệm vụ vận chuyển 6.100 tấn đạn hỏa lực này. Trung đoàn 32 theo hướng Sê Sụ. Trung đoàn 17 ngược đường 14 về kho KG4 ở Tây Giang - Quảng Nam và Đà Nẵng. Chỉ trong hai ngày hai Trung đoàn đã có đủ đầu xe thực hiện nhiệm vụ. Khó khăn lớn  nhất là đường vận chuyển nhiều khu vực không có Công binh hoặc lực lượng Công binh mỏng. Xe đi vào nhiều, hơn nữa những cơn mưa đầu mùa cũng làm cho đường khó đi. Vượt lên tất cả với quyết tâm cháy bỏng của cán bộ chiến sỹ trong Sư đoàn trung tuần tháng 4 Sư đoàn ô tô vận tải 471 Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Có được số đạn này Tướng Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần - Phó tư lệnh phụ trách hậu cần chiến dịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước Tư lệnh các cánh quân: “Các cậu cứ bắn thật mạnh vào! Bắn cho chúng nó sợ. Sợ tới ba đời!”… Bộ tư lệnh Sư đoàn 471 đã kịp thời động viên khen thưởng biểu dương cán bộ chiến sỹ hai Trung đoàn 17 và 32 đã nghiêm chỉnh thực hiện mệnh lệnh hành quân và những quy định trong di chuyển: Nhường đường cho xe đi vào, lập trạm điều tiết giao thông, tập trung lực lượng lính lái xe cùng với nhân viên kho hàng vác đạn lên xe …
       Sư đoàn vừa vận chuyển xong 6.100 tấn đạn thì phòng tuyến Phan Rang của địch bị ta đánh tan. Cả vùng duyên hải miền Trung được giải phóng. Tham mưu trưởng Sư đoàn Nguyễn Thuận Quảng lại dẫn đoàn cán bộ các cơ quan Tham mưu - Kỹ thuật - Hậu cần về các tỉnh duyên hải miền Trung. Chiếc Nisa mười hai chỗ ngồi mới toanh được Tham mưu trưởng Sư đoàn đem về trong chuyến đi Đà Nẵng chở đạn hỏa lực về đông Nam bộ chở đoàn đi. Xe theo đường 21 hướng Ninh Hòa Nha Trang. Rời Buôn Mê Thuột được hơn 10km gặp một ngầm nhỏ, xe hăm hở lao xuống. Tới giữa dòng xe không thể chuyển động. Mọi người xuống đẩy xe không nhúc nhích. Thấy Bộ đội đẩy xe, dân qua ngầm xúm lại nhấc xe lên đẩy qua ngầm. Chúng tôi cảm ơn họ đã giúp đỡ. Lên xe nhìn kỹ người đẩy xe hộ bọn tôi, họ đều ở tuổi trung niên vai đeo gùi cầm rựa đều mặc một nửa đồ ngụy, phần lớn là áo trận. Bất giác tôi thầm nghĩ ai trong số họ những ngày trước cầm súng bắn lại chúng tôi …
       Xe qua đèo Phượng hoàng xuống Dục Mỹ - Ninh Hòa. Nơi đây là các trại lính Ngụy huấn luyện lực lượng biệt kích, có sân bay dã chiến, có trường bắn, có thao trường luyện tập… Để lại phần lớn lực lượng tại đây, Tham mưu trưởng Sư đoàn Nguyễn Thuận Quảng ra Quy Nhơn trình diện tướng Phùng Thế Tài. Phó tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài chỉ thị: “Sư đoàn ô tô vận tải 471 Trường Sơn về tìm vị trí trú quân cho Sư đoàn ở khu vực Ninh Hòa - Nha Trang - Cam Ranh”. Xe lại quay đầu về lại Ninh Hòa. Cũng may chiếc Nisa này chạy rất tốt, êm ái lại nhanh. Xe lên đèo về Nam. Vũng Rô hiện ra ngay bên trái, biển trong xanh, gió mát. Bất giác chúng tôi lại nhớ sự kiện Vũng Rô và cảm phục những chiến sỹ Hải quân trên những đoàn tàu không số năm nào …
       Về lại Ninh Hòa Tham mưu trưởng Nguyễn Thuận Quảng dẫn chúng tôi đi thị sát vùng vịnh Vân Phong, các căn cứ của Ngụy quân ở Nha Trang - Cam Ranh. Thị sát kỹ vùng Dục mỹ - Ninh Hòa, nơi có quân trường huấn luyện lính biệt kích thám báo Ngụy. Các doanh trại Ngụy tan hoang đầy bụi bẩn do vắng bóng con người. Tôi, cánh vệ binh tìm hiểu sâu về phía những cánh rừng theo lối mòn. Không bắt gặp người dân nào. Nhưng cảm tính dấu vết trên đường như mách chúng tôi xung quanh đây vẫn có những con người tồn tại. Họ ở đâu, làm gì bám lấy suy nghĩ của chúng tôi …
       Bảy giờ tối ngày 22 tháng 4 năm 1975 anh Quảng bảo tôi theo anh thị sát khu sân bay dã chiến. Chỗ chúng tôi ở chỉ cách đầu đường băng khoảng 500 mét. Không hiểu sao lần này tôi không gọi các đồng chí vệ binh đi theo Tham mưu trưởng Sư đoàn, điều này đã làm tôi ân hận. Hai anh em lững thững tản bộ theo đường 21 về hướng sân bay. Đường vắng, trăng sáng nhìn rõ mọi vật xung quanh. Không một chút nghi ngờ chúng tôi hành tiến …
       Từ khi Bộ tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn thành Sư đoàn ô tô vận tải. Anh Quảng từ Trung đoàn 32 được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Sư đoàn. Còn tôi từ khi thành lập 471 là trợ lý tác chiến. Từ Bộ tư lệnh khu vực chuyển thành Sư đoàn ô tô vận tải, Ban tác chiến Sư đoàn có xáo trộn lớn. Từ 24 cán bộ chiến sỹ hiện còn 3 trợ lý (trong đó có tôi). Ban được bổ xung hai đồng chí sỹ quan thuộc Ban bảo vệ; hai đồng chí kỹ sư xe về làm trợ lý Ban tác chiến. Cũng chính vì vậy mà trong tất cả các chuyến công tác: đi tiền trạm, nắm tình hình, tìm vị trí đóng quân hay làm việc với các đơn vị bạn… Anh Quảng không có nhiều lựa chọn. Phần lớn anh chọn tôi. Tháng 11 năm 1974 anh Quảng được Bộ tư lệnh Sư đoàn giao phụ trách tiền phương Sư đoàn ở Sê Sụ và khảo sát tuyến Sê Sụ - Đông Nam Bộ trong đó cũng có tôi. Những chuyến đi cùng anh, ngoài khẩu K54 bên mình tôi luôn mang theo khẩu Cạc bin liên thanh. Còn anh ngoài khẩu K59 anh luôn mang theo khẩu súng thể thao.
       Những chuyến công cán cùng anh, nhiều chuyện anh để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên. Ngày 13 tháng 1 năm 1975 một tốp A37 tới lượn vòng đánh phá ngầm Sê sụ. Nơi ấy có nhiều đơn vị đóng quân. Lực lượng xe của Sư đoàn 471 cũng đang có mặt tại đó. Ngay loạt bom đầu tiên trút xuống khu vực, theo lệnh của Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn anh Quảng lên xe vào vùng địch đánh phá. Anh chỉ kịp dặn tôi trực máy và giữ liên lạc với anh. Tôi có cảm giác bất an, áy náy khi anh một mình vào nơi lửa đạn. Hai anh em cùng ngủ trong một nhà bạt, đi đâu có nhau, giờ anh một mình vào nơi nguy hiểm. Vòng lượn của lũ A37 ngay trên đầu chúng tôi. Cao xạ 37 ly bắn trả dòn dập đẩy bọn A37 lên cao rồi chuồn thẳng. Anh Quảng về an toàn, bom đạn của Mỹ - Ngụy không làm cho ta thiệt hại gì. Nhưng cũng nhắc nhở mọi người cảnh giác. Thế rồi địch rút chạy khỏi Kon Tum, Plei ku … Ang Quảng, tôi, cậu Mẫn công vụ và lái xe theo đường Tân Cảnh - Võ Định vào Kon Tum. Ở đây tôi gặp lại các đồng chí bộ đội Kon Tum những năm 1973, 1974 cùng giữ vùng giải phóng Đaktô - Tân Cảnh. Có anh em Bộ đội Kon Tum giúp sức, anh Quảng nhanh chóng tiếp cận được các kho xăng dầu, xe cộ địch để lại. Song xăng ở đây là xăng dùng cho máy bay không dùng cho ô tô được. Tạm biệt các đồng chí bộ đội Kon Tum chúng tôi về Plei ku. Sở chỉ huy Quân đoàn 2 Ngụy ở Plei ku bị phá nát bởi những kẻ hôi của. Bốn dàn Rađa Ta Kan hiện đại vẫn đứng ngạo nghễ nhưng đã bị nhiều vết đạn bắn thủng. Rời Plei ku anh Quảng dẫn chúng tôi về Bàu Kạn với những đồi chè xanh mơn mởn. Đã đến lúc phải về hội quân ở đường đông Trường Sơn. Từ Bàu Kạn xe theo đường 19 kéo dài nhằm phía tây thẳng tiến. Xe đi được một đoạn một cảnh tượng bày ra trước mắt, chiếc xe trúng mìn chống tăng lật nghiêng bên đường. Xe dừng lại, xuống xe quan sát, chúng tôi thấy rõ xe đang đi vào bãi mìn chống tăng. Anh Quảng quyết định thận trọng hành tiến xe đi theo vết xe trên đường sẽ an toàn. Quả đúng vậy xe vượt qua bãi mìn an toàn. Xế chiều chúng tôi về tới khu bếp ăn trên đường, cũng là lúc xe của Sư đoàn trưởng Nguyễn Lạn vừa tới. Nhận lệnh từ Sư đoàn trưởng, chúng tôi ăn vội bát cơm rồi nhanh chóng lên xe theo đường cũ về Buôn Mê Thuột. Chập tối hôm ấy anh Quảng đưa chúng tôi chiếm lĩnh doanh trại Sư đoàn 23 bộ binh Ngụy …
       Mải suy nghĩ những chuyện cũ, chợt tỉnh khi bước vào đầu đường băng. Trước mắt chúng tôi, đường băng chạy dài trước mặt, xung quanh thoáng đãng. Thoáng nghĩ trăng sáng như thế này chúng tôi rất dễ bị nhận diện nếu có người theo dõi. Tôi bắt đầu lo lắng, tay lần theo dây an toàn khẩu K54. Nhìn thấy khu kỳ đài đầu đường băng tôi và anh Quảng bước tới định bụng sẽ lên bậc trên cùng để quan sát. Vừa chạm bậc thứ nhất một ánh chớp sáng chói, khói đen ùa tới, tôi và anh Quảng bị xô ngã, tai u u tưng tức… Theo phản xạ tự nhiên chúng tôi lăn vào gầm kỳ đài. Lại một ánh chớp, một tiếng nổ nữa. Mặt đất rung chuyển, mảnh gang rơi rào rào. Nổ kho bom ở đầu đường lăn rất gần chỗ chúng tôi ẩn nấp. Bên tôi anh Quảng cũng đang ngó nghiêng quan sát. Còn tôi đang nghĩ vụ nổ này là ngẫu nhiên hay là có người sắp đặt khi biết chúng tôi đang tiến vào đây. Một thoáng nghi ngờ trong tôi, lại ân hận không gọi vệ binh đi cùng để bảo vệ anh Quảng. Nhìn kỹ chỗ chúng tôi đang ẩn nấp khá ổn. Phía trên có các bậc xi măng dày che chắn. Phía trước có các trụ và các tấm xi măng che chắn. Chỉ cần đề phòng mảnh gang bắn vào các tấm xi măng rồi thia lia theo các khe bậc. Nghĩ vậy tôi đề nghị anh Quảng càng thấp người xuống càng tốt. Quả thật nhìn những mảnh bom nhỏ chạm vào tường chắn rồi trượt xuống sân bê tông quay tít phát ra những tia lửa theo bảy sắc cầu vồng rú ru ru … cũng rợn người. Bom nổ liên tục, sóng xung kích của vụ nổ, khói bom mù mịt làm chúng tôi khó thở miệng đắng nghét. Không thể rời khỏi đây nếu bom còn nổ … Khoảng ba mươi phút sau vụ nổ chấm dứt. Tôi và anh Quảng rời nơi ẩn nấp chạy về chỗ trú quân. Xa xa có tiếng khóc của người dân bị nạn. Tôi và anh Quảng thoát hiểm trong gang tấc. Nếu không vào kỳ đài xem xét chắc bọn tôi đã không còn. Anh Quảng gọi vụ này là xui xẻo tháng tư. Sau này Sư đoàn tôi còn bị tổn thất do Phun rô phục kích trên đèo Phượng hoàng. Nghĩ lại vụ thoát hiểm này chúng tôi đều cho rằng mình đã vô cùng may mắn. Chiến thắng kẻ thù và căm thù bọn Phun rô tàn bạo.
       Ngay sáng hôm sau, chúng tôi được lệnh thu quân theo đường Đông Trường Sơn về rừng cao su Phú Riềng (thuộc huyện Chơn Thành - Bình Phước). Toàn bộ xe của Sư đoàn 471 chở các Binh đoàn chủ lực tiến đánh giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Chiều 30 tháng 4 năm 1975 chúng tôi đã ở căn cứ Sóng Thần tại Sài Gòn - Kết thúc tháng 4 thần tốc cùng toàn thể quân và dân miền Nam giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Riêng tôi và anh Nguyễn Thuận Quảng không bao giờ quên vụ xui xẻo tháng tư năm ấy.

Nguyễn Kim Chúc
Phó CT TT Hội Trường Sơn Sư đoàn 471
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan