"Có một mệnh lệnh như thế" - Ký ức chiến trường của Trung tá Đặng Kim Âu

Ngày đăng: 01:33 23/07/2021 Lượt xem: 410
 
-----------------------------------------------------------------

CÓ MỘT MỆNH LỆNH NHƯ THẾ

       Sau 3 tháng hành quân bộ, tháng 2/1967, những người lính của Tiểu đoàn 262- Trung đoàn 5- Sư đoàn 320B chúng tôi được bổ sung vào Công trường 1- Nông trường 2 ( nay là Trung đoàn 1- Sư đoàn 2 – QK5 ). Ngay ngày đầu về đơn vị, chúng tôi được học tập truyền thống của Trung đoàn, được nghe các đồng chí Dũng sỹ của đơn vị kể truyện chiến đấu : Chuyện đánh Mỹ ở Vạn Tường. Chuyện đánh quân Nam Hàn ở đồi tranh Quang Thạnh. Chuyện đánh đồn Việt An. Trận đánh địch ở Đồng Dương. Nhưng lý thú nhất là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Sáu Chính trị viên phó Đại đội 3- Tiểu đoàn 90. Anh không kể về mình mà kể về đơn vị, kể về Tiểu đoàn trưởng  Nguyễn Chơn – người được cán bộ chiến sỹ trong đơn vị tin yêu, kính phục. Giọng miền Trung chất phát và hào sảng anh Sáu kể :
       Ngày 29/5/1965, tiểu đoàn 90 chính thức bước vào chiến đấu. Trời mới sáng rõ, một Đại đội thuộc Tiểu đoàn 1- Trung đoàn 51 ngụy tới giải vây cho một Trung đội lính Cộng hòa trên đồi Chợ ( chốt tiền tiêu của đồn Ba Gia ) mới bị Trung đội trinh sát đặc công đánh thiệt hại nặng trong đêm. Chúng vào đúng đội hình phục kích của đại đội 3 ( nay là đại đội 11- Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 1 Sư đoàn 2 ). Ngay từ những phút đầu nổ súng, Trung đội đi đầu của chúng bị tiêu diệt gọn. Hai Trung đội còn lại bị thiệt hại nặng . Đại đội đó hoàn toàn mất sức chiến đấu . Qua đài kỹ thuật ta được biết: Tên Đại đội trưởng còn sống sót liên tục kêu viện binh. Đến giữa trưa, trời Quảng Ngãi nắng như đổ lửa. Tên đại úy Nguyễn Văn Ngọc Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1- Trung đoàn 51 cùng 2 cố vấn Mỹ huy động toàn bộ lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 1 đóng tại Gò Cao ( đồn Ba Gia ) cùng 8 chiếc xe GMC ( xe vận tải quân sự ) hùng hổ kéo xuống chi viện, hình thành thế bao vây Đại đội 3.
       Theo lệnh của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chơn ( sau này là thượng tướng – Thứ trưởng Bộ quốc phòng ) và Chính trị viên Tiểu đoàn Văn Công Bích , Đại đội 3 vừa đánh trả, vừa cơ động về vị trí quy định để nhử địch vào sâu trong khu chiến.


(Ảnh minh họa)
       Đúng như dự kiến mà phương án chiến đấu của Tiểu đoàn đã vạch sẵn. Mặt trời vừa xế bóng, toàn bộ đội hình của địch đã dồn vào khu vực được ta chọn làm quyết chiến điểm. Theo lệnh của tiểu đoàn trưởng, Đại đội 3 dừng lại thành lực lượng chặn đầu. Một Trung đội của Đại đội 1 làm nhiệm vụ khóa đuôi. Lực lượng chủ yếu của Tiểu đoàn gồm Đại đội 2 chủ công, Đại đội 1 ( thiếu ) và đại đội hỏa lực tấn công vào bên sườn đội hình địch. Các mũi nhanh chóng thực hành chia cắt và diệt địch. Chỉ sau 30 phút chiến đấu, số địch chết và bị thương đã tới hơn 200 tên trong đó có 2 tên cố vấn Mỹ. Đội hình địch hoàn toàn bị rối loạn, mạnh ai nấy chạy. Một số chạy ra sông Trà Khúc, định vượt sông về phía nam nhưng vừa ra tới bờ sông bị du kích xã Tịnh Sơn và Bộ đôi huyện Sơn Tịnh bắt sống. Đại bộ phận băng qua cánh đồng đổ dồn về phía bộ phận hậu cần của Đại đội 2 trong làng Tịnh Minh do anh Nguyễn Văn Sáu cấp 4/2 ( tương đương Trung sỹ ) - quản lý Đại đội phụ trách. Anh Sáu báo cáo về Tiểu đoàn. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chơn vỗ đùi cười ha hả, ra lệnh : “Tất cả chuẩn bị dây trói tù binh”. Anh Sáu nghĩ : “ Chẳng nhẽ Tiểu đoàn trưởng cho là mình nhát gan nên nói khích. Nhưng không thể, ông là người vạch ra kế hoạch, trực tiếp điều hành thế trận, nắm rõ diễn biến chiến đấu và chắc là đã nắm vững phần thắng trong tay nên mới ra lệnh như vậy. Bộ phận mình có may mắn thành cái “ ĐÓ” lớn do ông đơm sẵn để hấng tù binh rồi”. Anh Sáu nhanh chóng triển khai thực hiện. Anh cho 3 nuôi quân có trang bị súng ra bìa làng cảnh giới. Anh dẫn 5 chiến sỹ còn lại vào trong làng vận động nhân dân cùng chuẩn bị. Thôi thì dây mắc võng, dây buộc trâu bò, thừng bó rạ, thừng quanh gánh và cả bẹ chuối khô xấp nước đều được huy động. Khi địch vào tới đầu làng, ba chiến sỹ nổ súng chỉ thiên gọi hàng. Nhân dân trong làng Tịnh Minh người vác cuốc, xẻng; người vác dao quắm, dao thái chuối hò reo xông ra cùng trói tù binh. Số tù binh do bộ phận anh Sáu và nhân dân làng Tịnh Minh bắt được là 81 tên ( trong đó có tên đại úy Nguyễn Văn Ngọc Tiểu đoàn trưởng ) nâng số tù binh bắt được trong cả trận đánh lên con số 217 tên. Trận đánh kết thúc trong niềm vui phấn khởi của mọi người .
       Đầu năm 1977, tôi tới Ba Gia lấy tư liệu chuẩn bị cho công tác viết sử của đơn vị. Tôi tới làng Tịnh Minh. Những người dân tham gia cùng Bộ đội ngày ấy còn không nhiều và đều đã đứng tuổi nhưng ai cũng vui vẻ, nhiệt tình, dẫn tôi ra thực địa và kể lại sự việc một cách ngọn ngành, chi tiết. Mọi người đều hỏi thăm về anh Sáu. Hòa bình đã 2 năm rồi, chẳng còn gì phải dấu diếm nên tôi nói thật để bà con được rõ: Sau trận đó, anh Sáu được thăng lên cấp 4/3 ( tương đương Thượng sỹ ) và về làm Trung đội trưởng, sau lên Chính trị viên phó Đại đội 3. Anh đã anh dũng hy sinh ngay trên cầu Cẩm Lệ khi chỉ huy mũi thọc sâu đánh vào Đà Nẵng trong Tết Mậu Thân 1968. Những người nghe đều bùi ngùi xúc động nhớ thương anh.
       Tôi là lớp người đi sau, không được trực tiếp tham gia trận đánh đó. Nhưng qua lời kể của anh Sáu khi mới được bổ sung vào đơn vị và qua lời kể của những người dân Tịnh Minh trong một chuyến công tác, tôi thấy rất vui và tự hào trong truyền thống bách chiến bách thắng của Trung đoàn Ba Gia ba lần được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã có một mệnh lệnh như thế.
 
Trung tá Đặng Kim Âu
Nguyên Trợ lý Tuyên huấn Học viện Hậu cần QĐNDVN
Tel : 0917366836
tin tức liên quan