THỬ GIẢI MÃ MỘT SƠN TÙNG
CHUYỂN DỊCH LÃNH TỤ XUỐNG TẦM NGƯỜI VIỆT
Nhớ được gặp nhà văn Sơn Tùng khi nào? Có thể từ cái hồi năm 1977 xách đồ đoàn nhập vào Khu tập thể của Báo ở 128 Hàng Trống? Anh Lưu Quang Huyền giường bên cứ rảnh là chuyện về 4 PV Báo Tiền Phong đi B. Kể về mình thì ít thôi nhưng anh Huyền thường giành nhiều chuyện và mối thiện cảm về PV Sơn Tùng mặc dù đám PV mới chúng tôi chưa hề biết mặt?
Cuối năm 1967, Trung ương Đoàn chọn 4 phóng viên Báo Tiền Phong là Bùi Sơn Tùng, Lưu Quang Huyền, Tâm Tâm và Phạm Hậu cùng PV Khải Hoàn họa sĩ Ái Nhi của Báo Thiều Niên Tiền Phong vào Nam tăng cường bổ sung lực lượng cho Đoàn Thanh niên nhân dân Cách mạng Miền Nam.
Trước lúc lên đường tất cả đều phải lấy bút danh mới không dùng tên cũ, Sơn Tùng lấy bút danh là Sơn Phong. Lưu Quang Huyền là Nam Huyền Lưu Công Đê…
Đã có một quyết định hơi đặc biệt. Là riêng PV Bùi Sơn Tùng được theo một đoàn cán bộ bay vào Phnompenh rồi theo đường bộ đi ô tô sang B2 nơi có Ban tuyên huấn Trung ương Cục! Nhưng PV Bùi Sơn Tùng đã từ chối đặc ân ấy và cùng anh em suốt 7 tháng trời leo Trường Sơn!
Tháng 4-1971, kỷ niệm Hội Liên hiệp TN Giải phóng. Cơ quan quyết định ra số báo đặc biệt.
Buổi sáng ngày 15-4, anh em đang khẩn trương thực hiện số báo thì địch mở trận càn ác liệt vào căn cứ. Núp dưới hầm, Sơn Tùng rất nóng ruột. Nghĩ mình là Bí thơ chi bộ cơ quan, ẩn lâu dưới hầm sao tiện, bèn nhô người lên quan sát. Vừa nhô lên Sơn Tùng bắt gặp Đội trưởng đội bảo vệ cơ quan Sáu Phong Nguyễn Minh Triết cũng đang chăm chú quan sát. Bất đồ một loạt M.79 phóng từ trực thăng xuống úp chụp lên căn hầm của Sơn Tùng!
… Khi tỉnh lại, Sơn Tùng mới hay người băng bó cấp cứu kịp thời đầu tiên cho mình là Sáu Phong. Chỉ chậm chút nữa là tiêu tùng rồi!
Sơn Tùng được anh em võng đi Bệnh viện đa khoa Dân Y Miền. Rồi Sơn Tùng được đưa ra Bắc sang cả Trung Quốc điều trị. Hàng chục vết thương phạm vào toàn chỗ hiểm ác. Sau rất nhiều cố gắng, ba năm sau người ta chỉ cứu được 3 ngón tay trái. Bàn tay phải đành để co quắp. Ba mảnh đạn đành lưu trong hộp sọ và thị lực còn 1/10, cùng những di chứng những cơn động kinh ngày năm sáu lần!
Nghe tới đây, tôi lén ngó lại cái làn da sần sùi nhiều chỗ lở loét của anh Lưu Quang Huyền. Di chứng chiến tranh mà lứa PV đàn anh của Báo phải chịu đựng bươn chải quả là ác liệt. Anh Huyền đã vậy chắc PV Sơn Tùng nào đó còn gay go lắm?
Và những năm giữa 80, tôi may mắn được gặp người thương binh Sơn Tùng nhân lần kỷ niệm Báo.
Mà thấy ít ai nhắc đến đầy đủ họ tên mà gọi là nhà văn Sơn Tùng!
Một nhà văn Sơn Tùng khi ấy danh đương nổi với Búp Sen Xanh.
Mang máng, rồi những tò mò. Bao lần ngồi bệt trên Chiếu Văn, chỗ làm việc kiêm nghỉ ngơi cũng là nơi tiếp khách của nhà văn Sơn Tùng, càng hóng chuyện càng thấy cái ông Sơn Tùng này càng lạ. Lạ ở chỗ khác người?
Là người viết là nhà văn, đã đành phải khác. Nhưng cái khác ấy và sức hút của Sơn Tùng hình như luôn ẩn chứa cái gì như độc đáo cùng tiết tháo?
Chẳng hiếm những người viết, thường xuyên hoặc nhiều tác phẩm về lãnh đạo lãnh tụ, yếu nhân trong đó có Hồ Chủ tịch. Trong tầm ngắm trong tọa độ của Sơn Tùng về Hồ Chí Minh khá sớm?
Chả phải khi đã là thương binh nặng hạng ¼ mới bập vào việc viết? Từ đầu năm 1950, khi đó Sơn Tùng là cán bộ tỉnh Đoàn Nghệ An. Trong một chuyến công tác, anh đã rẽ qua Nam Đàn ghé bằng được người chị của Bác Hồ, bà Nguyễn Thị Thanh ( mà nhà văn gọi là O. Mãi sau này qua nhà văn hóa GS Phan Ngọc, tôi mới được biết và chắc nhiều người cũng chưa biết, bà nội nhà văn Sơn Tùng là cháu họ bà nội Bác Hồ. Em trai ông nội Sơn Tùng đỗ tú tài cùng khoa với em trai cụ Hoàng Xuân Đường ông ngoại Bác) Và sau đó là cuộc thăm người anh cả của Bác, cụ Nguyễn Sinh Khiêm.
Câu chuyện mà tôi nghe được từ nhà văn là một phần buổi chiều rồi trắng đêm ngồi hầu chuyện người anh cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồi ấy cụ Cả Khiêm đương ốm nặng nhưng vẫn tỉnh táo để bắt chuyện với người cháu mà cụ rất quý... Không biết cụ đã ký thác với nhà văn Sơn Tùng những gì mà lần gặp đó là lần cuối. Chuyến đi công tác miền Tây Nghệ An ấy lúc trở về, Sơn Tùng không còn gặp được bác Cả Khiêm. Cụ mất ngày 25 tháng Tám ÂL Canh Dần tức là ngày 6-10-1950. Đến ngày 9-11-1950, Bác Hồ mới biết tin. Bác chuyển lời đau buồn thống thiết về họ Nguyễn Sinh Than ôi tôi chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước...
Việc nước? Tôi lẩn thẩn nghĩ đến thời điểm cụ Cả mất, Bác Hồ đang sắp huề trượng đăng sơn quan trận địa trong chiến dịch Biên giới.
Rồi Sơn Tùng cũng có cả một buổi sáng ngồi với người chị của chủ tịch Hồ Chí Minh bên chiếc bình vôi dùng để ăn trầu ( bà Thanh ưng ăn trầu). Chao ôi những là chuyện nhà chuyện nước chuyện chung chuyện riêng, những tư liệu này khác mà duy mỗi một người viết dưới gầm giời Nam này như Sơn Tùng sở hữu?
Và gần hơn, thời điểm trên sân đình làng Lỗ Khê Đông Anh sáng mồng Một Tết ấy, thấy phóng viên Báo Tiền Phong Sơn Tùng đứng ngay cạnh Bác Hồ, mải mê ghi chép. Ông Bộ trưởng Bộ nội thương Hoàng Đức Thịnh nói nhà báo đứng xa ra...
Bác nghe được quay lại ờ cái chú này, phải để nhà báo đứng gần thì mới nghe được hết chứ đứng xa chữ tác đánh chữ tộ thì nguy...
Gần nữa, là sau 1975 hai vợ chồng nhà văn Sơn Tùng đã bỏ tiền túi, bươn bả lộ trình từ Bắc đến Nam lần theo dầu tích Bác Hồ thời trẻ. Để sững sờ lẫn bâng khuâng có đến mấy ngày bên một ngôi chùa có tung tích cô Huệ thuở nào với anh Ba Nguyễn Tất Thành?
Những dấu bột tinh túy cùng tinh chất ấy đã gột nên thứ hồ, đã cấu thành nên thứ chất liệu quý giá mà bạn đọc nâng niu. Đã bầu nên chất lượng của các cuốn Búp Sen Xanh. Mẹ về, Hoa Râm bụt… với số lượng in đã lớn lại được nối bản tái hồi ở nhiều nhà xuất bản. Mà từ những tác phẩm ấy không rõ là bạn đọc hay giới nghiên cứu xuất hiện cụm từ để tôn vinh Sơn Tùng là nhà Hồ Chí Minh học!
Những sự cười khóc, trạng thái tình cảm đúng và trúng quy luật. Đúng ở cái tuổi, cái tầm, cái hoàn cảnh của người Việt. Chàng thanh niên tên là Ba từng bần thần vụng về trước vẻ e ấp trước nhan sắc của một cô Huệ dậy thì trong Búp Sen Xanh trong Hẹn gặp lại Sai Gòn cùng vô số chi tiết như nhiên vi nhiên vv…
Về những nét độc đáo mới lạ làm nên thành công của tác phẩm, tôi ngờ rằng nhà văn Sơn Tùng đã thành tâm lẫn ráo riết và cả khôn khéo nữa để lãnh tụ Hồ Chí Minh trở thành con người thế tục gần gụi. Để thành con người xứ Nghệ như bao phẩm chất người Nghệ, người Việt mình? Viết đến đây cứ loáng thoáng giai thoại khi chứng kiến quần chúng những các cô các chú các cháu hô ầm vang Bác Hồ muôn năm, Bác cười vui, nói vừa đủ nghe rằng Bác Hồ muốn… nằm!
Đưa hình ảnh Hồ Chí Minh không phải từ chót vót xuống thấp mà gần gụi với tầm người Việt! Lãnh tụ cũng yêu. Cũng thất tình hỷ, nộ, ố ái… Đã có ai trước Sơn Tùng thử lẫn dám? Vậy nên khi mới xuất bản, Búp Sen Xanh suýt thành thứ úa tàn khi gạch đá dư luận a dua theo những suy diễn độc địa bệnh hoạn đổ xuống đầu Sơn Tùng. Và đã có một người đã dũng cảm đứng ra bênh vực! Đầu tiên là một bạn đọc công tâm. Người đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Tôi ngước lên tấm ảnh trên vách tường nhà Sơn Tùng. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang thân thiết ôm lấy nhà văn.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc Búp Sen Xanh. Rồi biết được tình trạng thương tật cùng hoàn cảnh khó khăn của nhà văn mà vẫn lao động, sáng tạo. Thủ tướng cho mời đến cùng ăn cơm, chuyện trò.
Sau cuộc ấy, việc đầu tiên là những xì xào cùng lớn giọng này khác về Búp Sen Xanh đã tạnh ngắt. Và một trong những lần gặp gỡ thân tình sau nữa là Thủ tướng đã thành thực ngỏ ý tặng cho nhà văn một cái nhà trong thời bao cấp khốn khó.
Đây là nhà của Chính phủ tặng cho một thương binh nặng chứ không phải cho nhà văn Sơn Tùng.
Xin cảm ơn Thủ tướng. Nếu mọi người biết được Thủ tướng tặng cho nhà văn tác giả Búp Sen Xanh viết về Bác Hồ thì sẽ nghĩ thế nào? Với lại nhiều đồng chí thương binh thương tật còn nặng hơn, hoàn cảnh còn khó khăn hơn Sơn Tùng…
Đó là hai đoạn đối thoại ngắn ngủi. Nhưng là thiết lập cái trường đoạn tình cảm lâu bền giữa hai người. Thấy tồi tội khi Thủ tướng cứ băn khoăn áy náy thế Sơn Tùng muốn mình giúp cái gì được đây?
Một tấm ảnh khác. Nhà văn Sơn Tùng trong vòng tay ôm xiết thân ái và những giọt nước mắt của Tướng Giáp.
Hóa ra mối thân tình cùng những cuộc gặp với Tướng Giáp là trước Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Khó biết được lý do họ đến với nhau trong hoàn cảnh nào? Nhưng được may mắn coi vài tấm hình của Tướng Giáp có động thái Thiền khi ngồi với riêng Sơn Tùng cùng tấm ảnh Bác Hồ Thiền mà tướng Giáp tặng riêng cho Sơn Tùng cũng đủ biết mối thâm giao ấy như thế nào?
Có một chi tiết có lẽ cũng biên ra đây.
Ngay cái buổi chiều Tướng Giáp nhận quyết định số 58 ngày 11-4-1984 về việc thành lập UB Quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch gồm 11 thành viên mà tướng Giáp làm Trưởng Ban, người có mặt đầu tiên tại tư gia Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu là nhà văn Sơn Tùng.
Các thành viên gia đình tướng Giáp đã quá quen thuộc với sự có mặt của Sơn Tùng. Chiều muộn, bữa cơm thường được dọn ra. Vẫn cái mâm vẹo vọ, đúng hơn là méo mà đại tướng mấy lần mời cơm nhà văn. Anh Văn cười, bữa nay có Sơn Tùng nên bà Hà ưu tiên cho đĩa thịt bò xào còn Đại tướng đã có cái cà mèn đựng muối vừng mà phu nhân đại tướng bao giờ cũng chuẩn bị sẵn.
Trước bữa cơm, nhà văn Sơn Tùng đã được phu nhân Đại tướng kể lại. Rằng vẫn phong thái bình thường như mọi bận đi làm về ông ung dung treo mũ áo rửa mặt rồi bình thản cười trước vẻ băn khoăn dò hỏi của vợ và người nhà.
Chuyện chi mà nghiêm trọng thế? Thế tôi với bà ở đâu ra? Các con mình ở đâu ra? Việc sinh việc dưỡng là việc lớn... Việc chi mà lợi cho dân, dù nhỏ cũng phải hết sức làm!
Rồi cái hôm mít tinh kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chiều muộn ấy tới nhà Đại tướng, Sơn Tùng chất giọng bức xúc thuật lại trong cuộc mít tinh, vị trí tướng Giáp ngồi cuối dãy ngoài cùng! Nhưng một việc bất ngờ các phóng viên báo chí nước ngoài đã đổ dồn đến vị trí ấy để ghi hình tướng Giáp nên người ta có cảm giác Hội trường như… nghiêng hẳn đi! Tướng Giáp nghe chuyện vẫn thường trực thái độ bình thản như mọi bận.
Được chứng kiến. Hơn thế, được xẻ chia xẻ phong thái thể hiện chất nhẫn nhịn của một danh tướng? Có lẽ cũng là một thứ hạnh phúc của Sơn Tùng?
Lần ấy được ngồi với các vị Cán bộ Đoàn cũ. Nhiều người nhắc đến cuộc vi hành (đi xe ôm) của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến thăm nhà văn Sơn Tùng, tôi thấy ông Sáu Phong cười hiền lành, bộc bạch.
Ổng là bậc trên, là Bí thơ chi bộ của tui, cấp trên của tui. Tui rành cái tính chân tình mộc mạc của ổng nên xe cộ rần rần, sợ ổng la! Với lại nhà ông anh bằng cái ống vị trí lại khó vô nên đi xe ôm tới tự nhiên thấy hạp!
Làm tới Chủ tịch nước vẫn ngại nhà văn Sơn Tùng la?
Một lần tới Chiếu Văn, thấy nhà văn Sơn Tùng đương có khách. Khách cũ. Tôi nhận ra mấy vị cũng đã quen mặt. Những cụ T.G, H.H, NT… tinh các vị có chữ! Mà nói như thế nào nhỉ, hầu hết các vị cao niên ấy từng bị xếp vào dạng bất đồng chính kiến! Nhưng bất đồng ở đâu chứ mấy lần được nhà văn Sơn Tùng cho ngồi ké hầu chuyện, tôi đều chứng kiến cung cách nhã nhặn khoát đạt cùng không khí xôm tụ của chủ khách bàn về vấn đề học thuật hay lịch sử nào đó?
Như bữa ấy nhà văn Sơn Tùng dường như đang cao đàm khoát luận về cái tủ sách của một vị khoa bảng ở quê nhà Diễn Châu. Đó là cụ Tổng đốc, thượng thư Đông các đại học sĩ, tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục bị tan tác trong loạn lạc ra sao. Hôm sau nữa, nhân nhắc lại bữa tụ hôm trước, lại được nhà văn cắt nghĩa cho nghe rốt ráo về cái nhã cùng cái chí cũng như tiết tháo của các cụ tiền nhân qua khái niệm hòa quang đồng trần. Hòa ánh sáng cùng với bụi. Nghĩa là hòa hợp với trần tục mà không tự lập dị vậy!
Có một ông tôi quen. Người ấy, thẳng mà nói nguyên là bên an ninh có trách nhiệm chăm sóc nhà văn Sơn Tùng sao đó? Nhưng cùng với thời gian, hình như ông đã được chính nhà văn này… cảm hóa? Văn hóa, kiến thức cùng tiết tháo có sức lây lan? Bây giờ ông đang có danh phận. Lại là một người viết, một nhà văn có bạn đọc. Câu chuyện có lẽ cũng thú vị này xin khất bạn đọc vào một dịp khác?
Và nghĩ tới nhà văn Sơn Tùng không thể không nghĩ đến chị Mai quý mến! Cô ý tá xinh xẻo ngày nào bỏ tất tật để về làm vợ để chăm ông thương binh nặng. Và từng lẽo đẽo theo ông chồng vô Nam ra Bắc tầm tìm nguồn tư liệu để chồng viết sách. Hàng vạn trang bản thảo của nhà văn cũng một tay bà. Hằng bao nhiêu năm vô ra căn nhà xập xệ trên gác 2 Khu tập thể cũ nát mang cái tên hơi bị hài hước là Chiếu Văn này, mỗi lần chị qua cơ quan Báo Tiền Phong lấy tiêu chuẩn báo biếu gặp vội tịnh chả thấy chị thở than kêu ca gì? Những lần nhà văn vết thương tái phát là những lần chị trắng đêm.
Từ khi nhà văn Sơn Tùng bị tai biến, mười mấy năm trời bên một đời sống thực vật vô minh như thế?
Rồi nội cái chuyện chị dám ngoảnh, dám dứt phắt đi để đồng thuận cùng chồng là từ chối một căn hộ khang trang Thủ tướng từng ngỏ ý tặng. Rồi lần khác cũng một căn hộ thành phố Hà Nội tặng cũng được… từ chối! Có lẽ phải phong tặng bà chị một danh hiệu gì rất… khủng?
Bên một con bệnh trọng giường cứt chiếu đái ấy còn có một người đàn ông nữa. Cái câu trẻ cậy cha già cậy con với trường hợp này càng thêm sinh sắc. Nhiều năm anh Định, người con trai riêng của nhà văn đã cần mẫn phụ giúp người mẹ kế nâng giấc chăm bẵm người cha đau bệnh!
Vâng cả hai người bao năm nay đều cùng can dự vào một cuộc chơi lớn! Là làm vợ làm con của nhà văn Sơn Tùng?
Chú thích ảnh
1. Nhà văn Sơn Tùng lần tháp tùng Bác Hồ làm việc ở Lỗ Khê , Đông Anh.
2. Với tướng Giáp.
4. Vợ chồng Nhà văn Sơn Tùng
5. Những năm tháng cuối đời, Nhà văn gắn liền với giường bệnh.