“Đôi nét về mối quan hệ vĩ đại Việt – Lào”. TG: Hoàng Kiền

Ngày đăng: 08:33 04/10/2021 Lượt xem: 935
 

       Nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm nước Lào, tôi cũng tròn bảy mươi xuân, ngồi viết lại những chuyến đi nhớ mãi bên Lào. Với 63 bài – Mỗi bài viết về một chuyến đi... Loạt bài nói trên đã và đang được Báo Điện tử Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đăng tải giới thiệu trong chuyên mục “Ký ức còn mãi”.
       Hôm nay – Một bài viết không dừng lại ở “Ký ức còn mãi” – Còn mãi trong tôi mà có thể được coi như điểm lại những bước đi, những bước đồng hành của hai đất nước, hai dân tộc. Nó đã xây nên một lịch sử và truyền thống đặc biệt sâu đậm và chính nó đã tạc vào lịch sử và truyền thống ấy cặp câu Lục bát cũng rất đặc biệt và rất sâu đậm:
“Việt Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long”
       “Đôi nét về mối quan hệ vĩ đại Việt – Lào” – Tựa đề của bài viết này sẽ là lời mở đầu cho cuốn sách kỷ niệm mà tôi ấp ủ bấy lâu nay – Nó đang được “thai nghén” và hy vọng trong một khoảng thời gian không xa cuốn sách sẽ được tìm đến với các đồng chí và bạn đọc.
       Xin trân trọng giới thiệu.

 
 
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam
 
ĐOÀN KẾT ĐẤU TRANH CHỐNG CHẾ ĐỘ THUỘC ĐỊA
       Cùng chung một dãy Trường Sơn, nhân dân hai nước Việt Nam – Lào đã sát cánh bên nhau viết nên những trang sử hào hùng của hai dân tộc. Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng cộng sản Đông Dương. Hội nghị đã đặt phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, đánh đấu mốc quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia. Tháng 3-1935, Đại hội Đại biểu lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra, Đại hội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên hợp mật thiết các dân tộc Đông Dương để chống kẻ thù chung, thúc đẩy nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đoàn kết đấu tranh chống chế độ thuộc địa. Đây là cơ sở để nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào tiếp tục đoàn kết đấu tranh giành chính quyền ở mỗi nước. Tháng 9-1943, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Ai Lao (tức Xứ uỷ lâm thời Ai Lao) được thành lập, một dấu mốc quan trọng của cách mạng Lào.
GIÚP NHAU ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN
       Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5- 1941 diễn ra ở tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì đã quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu của cách mạng Đông Dương, giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước và thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi.
       Tại Lào, từ năm 1940, khi phong trào cách mạng gặp khó khăn, những người yêu nước ở Lào đã lánh sang Thái Lan và tìm cách liên lạc với tổ chức Việt kiều ở Thái Lan để hoạt động. Năm 1943, “Ban vận động Việt kiều Lào - Thái” được thành lập và nhanh chóng tiến hành gây dựng cơ sở trên địa bàn Lào. Đến năm 1944, Ban Vận động Việt kiều chuyển thành Hội Việt kiều cứu quốc. Đầu năm 1945, “Tổng hội Việt kiều cứu quốc toàn Thái - Lào” - một chi nhánh của Mặt trận Việt Minh được thành lập nhằm hưởng ứng và tham gia công cuộc giành độc lập.
Ngày 14- 8 -1945, Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Ở Việt Nam, cuộc Tổng khởi nghĩa diễn ra sôi động và kết thúc thắng lợi hoàn toàn trên cả nước. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đây là điều kiện thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Lào. Tại Lào, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Ai Lao, nhân dân trên đất nước Lào đứng lên khởi nghĩa giành thắng lợi.
       Ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông đang ở Vinh ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân vào ngày 4-9-1945. Cuộc gặp gỡ đã có tác động mạnh mẽ, quyết định đối với Hoàng thân trong việc chọn lựa con đường làm cách mạng. Ngày 3-10-1945, tại cuộc mít tinh của hàng vạn nhân dân tỉnh Savẳnnàkhẹt đón chào Hoàng thân Xuphanuvông trở về tham gia chính phủ Lào, Hoàng thân tuyên bố: “Quan hệ Lào - Việt từ nay sẽ mở ra một kỷ nguyên mới...”.Uỷ ban khởi sự (Khanạ Phu co kan), gấp rút tiến hành thành lập Chính phủ Trung ương và dự thảo Hiến pháp tạm thời.
       Sáng ngày 12-10-1945, trong cuộc mít tinh lớn tại sân vận động thành phố Viêng Chăn, Chính phủ Lào Ítxala vừa được thành lập đã làm lễ ra mắt và trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể nhân dân nền độc lập của quốc gia Lào. Chính phủ Lào chủ trương: “Nhân dân Lào thân thiện với nhân dân Việt Nam và quyết tâm cùng nhân dân Việt Nam đánh đuổi bọn thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương”.
       Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (ngày 2 tháng 9 năm 1945) và Chính phủ Lào Ítxala (ngày 12 tháng 10 năm 1945) cùng những mong muốn của hai bên về xây dựng mối quan hệ gắn bó vững chãi hơn trước là một trong những cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh chiến đấu./.
QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM SÁT CÁNH CÙNG QUÂN ĐỘI VÀ NHÂN DÂN LÀO CHỐNG THỰC DÂN PHÁP
       Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam và Lào lần thứ hai. Trước kẻ thù có tiềm lực quân sự mạnh hơn gấp nhiều lần, ngày 16-10-1945, hai nước đã ký “Hiệp định tương trợ Việt - Lào”. Tiếp đó, ngày 30-10-1945, Việt Nam và Lào đã ký “Hiệp định thành lập liên quân Lào - Việt”, xác định sự hợp tác về mọi mặt, đặc biệt là về lĩnh vực quân sự.
       Ngày 30-10-1949, các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào chính thức mang tên Quân tình nguyện. Theo yêu cầu của Chính phủ độc lập lâm thời Lào Ít-xa-la, Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định xây dựng và phát triển các đơn vị Việt kiều Giải phóng quân. Các đoàn 81, 82, 83 được thành lập tại Thái Lan và khu vực Thủ đô Viêng Chăn, đa số là Việt Kiều Thái Lan và một số thanh niên từ Việt Nam sang. Sau đó thành lập mặt trận Tây Lào hoạt động cả bên Lào và bên Thái Lan. Tiếp theo thành lập Bộ Tư lệnh Thượng Lào có các đoàn 81, 82, 83 là các đơn vị chiến đấu và đoàn 84 là Bộ Tư lệnh. Bộ Tư lệnh Thượng Lào tổ chức chiến đấu chống lại quân Pháp trên mặt trận Thượng lào và Thủ đô Viêng Chăn. Sang năm 1948 cục diện chiến trường Đông Dương chuyển bước ngoặt khẩn trương, quyết liệt. Bộ đội Việt Kiều sau thời gian ngắn củng cố, học tập bên Thái Lan, trở lại ngay đất Lào để bám trụ chiến trường chiến đấu. Đây là đoàn Hải Ngoại được giao nhiệm quan trọng trở về Miền Bắc Việt Nam, hành quân mở đường xuyên đất Lào về tăng cường cho quân khu 4, tiếp tục hỗ trợ cuộc kháng chiến của nhân dân Lào từ phía Đông, dựa vào quân khu 4 để từ biên giới Việt Nam tiến sang Lào. Các đơn vị này được gắn kết với các đơn vị vũ trang yêu nước Lào Ít-xa-la thành lập “Liên quân Lào - Việt”, phối hợp với một số đơn vị bộ đội chủ lực và địa phương của Khu 4 (Việt Nam) chiến đấu, ngăn chặn các cuộc tiến công của quân Pháp, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ở các thành phố, thị trấn vừa được giải phóng, tạo thuận lợi cho cách mạng Lào vượt qua giai đoạn khó khăn, xây dựng, phát triển lực lượng đẩy mạnh kháng chiến.
       Với quyết định của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về “Các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”, từ đây, các đoàn Quân tình nguyện lần lượt được thành lập khắp nơi trên đất nước Bạn, tạo ra thế và lực mới cùng với Bạn đẩy mạnh các hoạt động tác chiến rộng khắp. Đồng thời, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang cách mạng Lào đủ khả năng phối hợp, hiệp đồng với các đơn vị Bộ đội chủ lực Việt Nam tiến hành tác chiến tập trung quy mô cấp chiến dịch, như: chiến dịch Thượng Lào (năm 1953), chiến dịch Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Cam-pu-chia, Thượng Lào (năm 1954), góp phần quan trọng vào thành công của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Lào và thắng lợi vẻ vang chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Đông Dương.
       Từ cuối năm 1953 đến đầu năm 1954 bộ đội tình nguyện Việt Nam thuộc mặt trận Tây Lào vươn lên mạnh mẽ sau những chiến thắng vang dội trên chiến trường Đông Dương. Trực tiếp là mặt trận Thượng Lào, hòa cùng với chiến thắng tại chỗ của mặt trận Viêng Chăn, địch co cụm, ngụy quân, ngụy quyền hoang mang. Tiếp đến chiến thắng Điện Biên Phủ làm chấn động địa cầu, hiệp định Genevơ được ký kết, ban hành lệnh ngừng bắn trên toàn Đông Dương.
ĐẤU TRANH TRONG HỘI NGHỊ GIƠ NE VƠ
       Tại Hội nghị Giơ ne vơ, Trưởng đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng đã dành toàn bộ bài phát biểu đầu tiên cho việc đòi đại diện các lực lượng kháng chiến Lào và Căm-pu-chia phải được tham dự Hội nghị như các thành viên bình đẳng. Lúc đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pathet Lào là Nu Hắc và Bộ trưởng Ngoại giao Issarak Campuchia Keo Pha đã có mặt tại Giơ-ne-vơ để phối hợp đấu tranh cùng Việt Nam. Tuy nhiên, các nước phương Tây bác bỏ đề nghị của Việt Nam về việc cho Pathet Lào và Issarak Campuchia tham gia Hội nghị, do Hội nghị tách biệt vấn đề tại Việt Nam và vấn đề tại Lào-Campuchia thành hai vấn đề khác nhau. Lập trường ban đầu của Trung Quốc giống với Việt Nam là giải quyết cùng một lúc vấn đề ở ba nước Đông Dương. Tuy nhiên, đến giữa tháng 5, sau khi Việt Nam chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc chuyển sang ủng hộ quan điểm của các nước phương Tây. Ngày 20/6, Chu Ân Lai đã tiếp Ngoại trưởng Vương quốc Campuchia (thân Pháp) Tep Phan và 21/6 đã tiếp Ngoại trưởng Vương quốc Lào (thân Pháp) Sananikon để bàn thảo các vấn đề liên quan giữa những bên này với Trung Quốc và Việt Nam. Tới ngày 12/7, Chu Ân Lai ép phái đoàn Việt Nam chấp nhận phương án Pathet Lào tập kết về hai tỉnh Thượng Lào còn Issarak Campuchia không nêu vấn đề tập kết quân sự, Quân đội nhân dân Việt Nam rút quân khỏi Campuchia. Quan điểm này khác với quan điểm của Việt Nam là Pathet Lào sẽ tập kết ở các tỉnh giáp biên với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn quyết tâm bảo vệ lợi ích của Pathet Lào và Issarak Campuchia bất chấp sức ép của Trung Quốc, nhưng không được hội nghị chấp nhận.
Như vậy sau chín năm cùng kháng chiến chống Pháp, Hiệp định Giơ ne vơ ký kết, Việt Nam một nửa nước được giải phóng, Pha thét Lào chỉ được tập kết về 2/12 tỉnh là Phongsaly và Xamneua, đây là một thiệt thòi và khó khăn cho cách mạng Lào.
       Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương (năm 1954) được ký kết, hòa bình lập lại trên bán đảo Đông Dương. Lực lượng vũ trang Pa Thét Lào tập kết về hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Sa Lỳ. Theo chỉ thị của Trung ương Đảng ta, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam lần lượt rút về nước.
XÂY DỰNG CĂN CỨ CÁCH MẠNG SẦM NƯA
       Sau khởi nghĩa thành công đúng 1 năm, thực dân Pháp lần lượt chiếm đóng các thành phố, thị xã lớn của Lào. Bạn quyết định chuyển lực lượng cách mạng từ phía Tây về phía Đông và dựa vào Việt Nam. Thời gian này, Đoàn vũ trang Tây Tiến được thành lập, với nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng vùng biên giới Thanh Hóa – Sầm Nưa.
       Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, cách mạng Lào bước vào giai đoạn mới. Trong giai đoạn từ 1955 về sau, một lần nữa tỉnh Thanh Hóa lại trở thành chỗ dựa vững chắc cho Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chính phủ kháng chiến Lào. Đồng thời, là nơi đóng quân của các đơn vị chủ lực Pa Thét Lào. Một sự kiện lịch sử trọng đại, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Lào là từ ngày 22-3 đến 5-5-1955, tại xã Sơn Thủy - Huyện Quan Sơn - Tỉnh Thanh Hoá đã diễn ra Hội nghị thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Giữa năm 1955, chính quyền tay sai Mỹ huy động quân tấn công lực lượng kháng chiến tại Sầm Nưa và Phong Xa lỳ, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của cách mạng Lào. Chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp các chiến sĩ cách mạng Lào tại xã Hồi Xuân (Quan Hóa). Sau đó, trạm tập kết các chiến sĩ cách mạng Lào chuyển về Đồng Tâm (Bá Thước). Vào những năm 1959 – 1960, chính quyền phản động Phủi - Xa na - Ni - con đã ra lệnh bắt tạm giam Hoàng thân Xu - pha Nu – vông và cán bộ trong Neo Lao Hắc Xạt. Để đối phó với tình hình, Trung ương Đảng và Chính phủ Lào quyết định chuyển trụ sở làm việc về Nông trường Lam Sơn -Thanh Hóa. Tại đây, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã chăm sóc, bảo vệ Trung ương Đảng và Chính phủ Lào chu đáo, cẩn mật. Đồng thời, nỗ lực xây dựng hậu phương vững chắc, bảo đảm đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chiến trường Việt Nam và chiến trường Lào. Thanh Hoá đã vận chuyển, cung cấp trên 70% lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men, công cụ sản xuất, hàng hóa tiêu dùng cho lực lượng kháng chiến 10 tỉnh của Lào tập kết về Sầm Nưa và Phong Xa lỳ, cùng nhân dân vùng giải phóng và bảo đảm cho các chiến dịch lớn.
       Dự đoán trước Mỹ sẽ mở cuộc chiến tranh xâm lược ba nước Đông Dương, Đảng Lao động Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Nhân dân Cách mạng lào đứng đầu là Chủ tịch Cay xỏn Phôm vi hẳn đã thống nhất xây dựng căn cứ địa Sầm Nưa cho cách mạng Lào và cho cả hai nước Việt - Lào. Việt Nam đã xây dựng nâng cấp đường ô tô nối từ Na Mèo (Thanh Hóa) đến Sầm Nưa, Hủa Phăn (Lào). Ngày 19 tháng 8 năm 1958 Trung đoàn 83 được thành lập, tiền thân là Đoàn 83 Viêng Chăn - Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào trong kháng chiến chống Pháp. Trung đoàn trực thuộc Quân khu Tây Bắc làm các nhiệm vụ và mở con đường tử cửa khẩu Pa Háng - Mộc Châu - Sơn La đến Sầm Nưa - Hủa Phăn của Lào dài hơn một trăm ki lô mét, từ năm 1961 đến năm 1963 hoàn thành.
       Được sự thống nhất của Bộ chính trị hai Đảng, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Cục Công binh đã cử đoàn cán bộ Công trình sang khảo sát, quy hoạch, thiết kế hệ thống công trình mật trong căn cứ Sầm Nưa vào năm 1963. Năm 1964, Trung đoàn Công binh 217 thuộc Cục Công binh được điều sang xây dựng hệ thống công trình đặc biệt quan trọng ở đây. Trong 4 năm từ 1964 đến 1968, hàng chục hang động lớn được cải tạo cùng nhiều đường hầm được xây dựng. Công trình bảo đảm cho Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh của Pha thét Lào làm việc hoàn toàn trong hang hầm từ năm 1964 đến năm 1975. Một hệ thống công trình kiên cố chống được các loại vũ khí thông thường và cả vũ khí nguyên tử, hoá học, sinh học, bí mật, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
       Sau khi cách mạng Lào thành công, ngày 2 tháng 12 năm 1975, nước Cộng hoà dân chủ Nhân dân Lào ra đời. Thủ đô kháng chiến Sầm Nưa kết thúc nhiệm vụ, mở cửa cho khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan.

 
(Còn nữa)
 
tin tức liên quan