“Đôi nét về mối quan hệ vĩ đại Việt – Lào”. TG: Hoàng Kiền (Tiếp theo 1)
Nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm nước Lào, tôi cũng tròn bảy mươi xuân, ngồi viết lại những chuyến đi nhớ mãi bên Lào. Với 63 bài – Mỗi bài viết về một chuyến đi... Loạt bài nói trên đã và đang được Báo Điện tử Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đăng tải giới thiệu trong chuyên mục “Ký ức còn mãi”.
Hôm nay – Một bài viết không dừng lại ở “Ký ức còn mãi” – Còn mãi trong tôi mà có thể được coi như điểm lại những bước đi, những bước đồng hành của hai đất nước, hai dân tộc. Nó đã xây nên một lịch sử và truyền thống đặc biệt sâu đậm và chính nó đã tạc vào lịch sử và truyền thống ấy cặp câu Lục bát cũng rất đặc biệt và rất sâu đậm:
“Việt Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long”
“Đôi nét về mối quan hệ vĩ đại Việt – Lào” – Tựa đề của bài viết này sẽ là lời mở đầu cho cuốn sách kỷ niệm mà tôi ấp ủ bấy lâu nay – Nó đang được “thai nghén” và hy vọng trong một khoảng thời gian không xa cuốn sách sẽ được tìm đến với các đồng chí và bạn đọc.
Xin trân trọng giới thiệu.
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam
ĐÔI NÉT VỀ
MỐI QUAN HỆ HỮU NGHỊ VĨ ĐẠI VIỆT - LÀO
(Tiếp theo 1)
GIẢI CỨU HOÀNG THÂN XU VA NU VÔNG VÀ CÁC CÁN BỘ CÁCH MẠNG LÀO
Vào thời điểm năm 1959, cách mạng Lào gặp muôn vàn khó khăn. Lực lượng phái hữu được sự tiếp tay của Mỹ điên cuồng chống phá cách mạng Lào. Ngày 26-7-1959, chúng ngang nhiên bắt giam Xuphanuvong, các nghị sĩ Quốc hội vương quốc là các nhà lãnh đạo và cán bộ của Mặt trận Neo Lào Hắc Xạt (7 nghị sĩ Quốc hội, 9 Ủy viên Trung ương Mặt trận Lào yêu nước).
Bọn phản động cực hữu Lào đã giam giữ các cán bộ tại nhà tù Phôn Khênh nằm trong khuôn viên của Bộ Tổng tư lệnh Vương quốc ngay tại Thủ đô Viêng Chăn.
Phía Bạn đã nhờ sự giúp đỡ của Việt Nam tìm cách giải cứu các cán bộ lãnh tụ cách mạng Lào,
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã giao nhiệm vụ cho một tổ công tác đặc biệt (Quân đội và Công an) sang Lào, cùng bạn xây dựng kế hoạch giải cứu các cán bộ bị giam giữ.
Tổ công tác đặc biệt do Phan Dĩnh, cán bộ Cục Nghiên cứu Bộ Tổng Tham mưu làm tổ trưởng. Phan Dĩnh nguyên là bộ đội tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu ở Lào nhiều năm, thông thạo tiếng nói và phong tục của bạn, là Ủy viên Ban cán sự Đảng Viêng Chăn (tên Lào của Phan Dĩnh là Khăm Xỉnh). Tổ còn có 8 người là cán bộ Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, sỹ quan đặc công, sỹ quan cơ yếu, báo vụ, lái xe… đi theo đường bí mật sang Lào.
Trước khi tổ công tác đặc biệt lên đường sang Lào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gặp động viên, giao nhiệm vụ và kiểm tra kế hoạch hành động rất cặn kẽ.
Sỹ quan Hoàng Kiên, cán bộ kỹ thuật hóa trang Cục Ngoại tuyến Bộ Công an được đích thân Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn giao nhiệm vụ tham gia đoàn công tác đặc biệt.
Sau 300 ngày bị giam giữ tại nhà tù Phôn Khênh, chỉ trong một đêm (23 rạng ngày 24-5-1960), 16 cán bộ cách mạng Lào cùng một tiểu đội lính hiến binh đã biến mất một cách bí ẩn mà kẻ địch không tài nào hiểu nổi.
Cuộc giải thoát cho các cán bộ lãnh tụ cách mạng Lào là một kỳ tích, là sự chuẩn bị công phu trong nhiều tháng trời, là sự phối hợp chặt chẽ giữa chi bộ ở trong nhà tù với Tỉnh ủy Viêng Chăn và Trung ương, là sự tham gia đắc lực của tổ công tác đặc biệt Việt Nam ngay từ khi lập kế hoạch cho đến khi thực hiện hoàn hảo kế hoạch.
Chiến công giải cứu 16 cán bộ cấp cao của Lào là một mốc son của cách mạng Lào, là “một chiến công tiêu biểu của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Lào – Việt” như lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói. Chiến công này có sự đóng góp đặc biệt của “tổ công tác đặc biệt”.
CHIẾN DỊCH CÁNH ĐỒNG CHUM XIÊNG KHOẢNG
Nhằm lấn ra vùng giải phóng, đánh lên Sầm Nưa tiêu diệt cơ quan đầu não của Cách mạng Lào, quân đội phái hữu Lào cùng quân Thái Lan, với sự yểm trợ của không quân Mỹ, mở cuộc tấn công vào khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng.
Lực lượng tiến công của địch gồm: 76 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh. Trong đó, lính đánh thuê có 18 tiểu đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn pháo binh của Thái Lan. Lực lượng tăng cường từ Quân khu 1, Quân khu 3 có GM 10B9, GM30. Đồng thời, tại khu vực Sa La Phu Khun có 2 lữ thuộc Sư đoàn bộ binh 1, có 2 tiểu đoàn quân trung lập; 1 tiểu đoàn đặc biệt; 1 đại đội Pháo binh. Tại sân bay ở Long Chẹng, có 2 đại đội T28 với 9 máy bay, riêng không quân Mỹ chi viện từ 50 đến 70 lần chiếc/ngày.
Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng có Trung đoàn 148, Trung đoàn 174 thuộc Sư đoàn bộ binh 316, Trung đoàn 866 tình nguyện độc lập, Trung đoàn 335 độc lập thuộc Quân khu Tây Bắc; hai tiểu đoàn Đặc công 41, 27; Tiểu đoàn Pháo binh 42; Tiểu đoàn Tăng-Thiết giáp; 2 tiểu đoàn Cao xạ 37 mm; 2 tiểu đoàn Súng máy cao xạ 12,7 mm; 2 tiểu đoàn Công binh với 4 máy húc. Tới tháng 10-1972, Bộ Tổng tư lệnh tăng cường Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn Bộ binh 308C. Lực lượng Quân đội giải phóng nhân dân Lào có 5 tiểu đoàn Bộ binh, 1 tiểu đoàn Pháo binh; 1 đại đội Xe tăng; 1 đại đội Pháo nữ mang vác; 2 đại đội Pháo cao xạ; 1 đại đội Công binh, lực lượng trung lập yêu nước có 3 tiểu đoàn.
Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Bộ tư lệnh chiến dịch do Đại tá Vũ Lập làm Tư lệnh, Đại tá Lê Linh làm Chính ủy, Thượng tá Ngô Thế Trung - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 làm Tư lệnh mặt trận tiền phương. Phía bạn Lào, Tư lệnh quân khu Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng Khẻm Phon làm Phó Tư lệnh chiến dịch.
Nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu cho chiến dịch phòng ngự này hết sức quan trọng. Khoa Công trình Quân sự thuộc Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự đã cử một đoàn giáo viên và học viên lớp Công sự khóa 2 do Trung tá Nguyễn Thuận - Trưởng bộ môn Công sự dẫn đầu sang làm nhiệm vụ kỹ thuật xây dựng hệ thống công trình phòng ngự, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum. Hai tiểu đoàn Công binh tổ chức xây dựng hệ thống công sự trận địa phòng ngự vững chắc cho Sở chỉ huy các cấp, các trận địa hỏa lực pháo binh, phòng Không, tham gia xây các điểm tựa chiến đấu cho bộ binh.
Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum - Xiêng khoảng diễn ra trong 6 tháng đã đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công của địch, giữ vững vùng giải phóng, bảo về vững chắc Căn cứ địa cách mạng Sầm Nưa - Thủ đô kháng chiến của Lào.
Tổn thất của ta cũng lớn trong đó có hơn hai nghìn bộ đội Việt Nam hy sinh. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Tượng đài chiến thắng được xây dựng, đây là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào và ghi nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ của hai nước đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước của hai dân tộc Việt Nam và Lào.
HOẠT ĐỘNG CỦA QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM TẠI LÀO TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ
Với bản chất hiếu chiến và âm mưu phản cách mạng toàn cầu, đế quốc Mỹ đã hất cẳng Pháp, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược, thống trị các nước Đông Dương bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia lại tiếp tục. Theo yêu cầu của Đảng, Chính phủ kháng chiến Lào và quan điểm "Giúp bạn là tự giúp mình”, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng Việt Nam lại cử các đơn vị Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam ( gọi chung là Quân tình nguyện Việt Nam) lên đường sang giúp Lào tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ
Năm 1959 Đoàn 959 Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào được thành lập do Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh làm Tư lệnh, đến năm 1962 Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương thay thế làm Tư lệnh kiêm chính uỷ. Trên cơ sở thống nhất quan điểm, đường lối, chủ trương giữa hai Đảng, các đơn vị Quân tình nguyện luôn nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, tích cực, chủ động đẩy mạnh các hoạt động giúp Bạn xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, phát triển lực lượng vũ trang và sát cánh chiến đấu bảo vệ các khu căn cứ, mở rộng vùng giải phóng. Các đơn vị quân đội hai nước đã chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ tổ chức mở nhiều chiến dịch, với đa dạng các loại hình tác chiến, tiêu diệt lớn quân địch, như: Nậm Thà (năm 1962); 128, 74A (năm 1964), Nậm Bạc (năm 1968), Mường Sủi (năm 1969), Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (10-1969 đến 4-1970), Đường 9-Nam Lào (năm 1971), Cánh Đồng Chum - Loong Chẹng (12-1971 đến 4-1972) và Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (năm 1972). Những chiến thắng đó, đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam; yếu tố quyết định lần lượt đánh bại các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh đặc biệt tăng cường” của đế quốc Mỹ ở Lào, tạo thế và lực giúp Bạn đẩy mạnh thực hiện thắng lợi “ba đòn chiến lược” và mũi đấu tranh pháp lý, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ra đời, Quân tình nguyện Việt Nam rút hết về nước.
Sau năm 1975, lợi dụng những khó khăn ban đầu của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá cách mạng Lào. Theo yêu cầu của Bạn, Bộ Quốc phòng Việt Nam giao nhiệm vụ cho một số đơn vị Quân tình nguyện sang giúp Bạn xây dựng thực lực cách mạng, phát triển lực lượng vũ trang, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào. Đến tháng 01-1989, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, lần lượt rút hết quân về nước.
Trong suốt chặng đường lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như thời kỳ đầu xây dựng, củng cố nền hòa bình đất nước của nhân dân các bộ tộc Lào đều ghi dấu ấn sự đóng góp quan trọng của cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Đó là sự dũng cảm trong chiến đấu, không ngại gian khổ, chấp nhận hy sinh, sẵn sàng làm mọi việc giúp Bạn trên tinh thần quốc tế trong sáng và nghĩa cử cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đây cũng là nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ để các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam ở Lào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH BÊN TÂY TRƯỜNG SƠN
Đường dây 559 mở ra từ tháng 5 năm 1959 bên Đông Trường Sơn. Được sự thống nhất của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam và Lào, năm 1961 đường dây 559 lật cánh sang Tây Trường Sơn. Từ đường giao liên rồi phát triển lên thành mạng đường ô tô đọc ngang rộng khắp 7 tỉnh của Nam Lào. Từ năm 1961 đến năm 1975 bảo đảm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, giúp đỡ cách mạng Lào và Campuchia. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đường ô tô bảo đảm cho vận chuyển chi viện chiến lược chủ yếu đi trên đất Lào, có 4 / 5 trục dọc và khoảng ba phần tư trong số 21 trục ngang nằm trên đất Lào. Đường mở đến đâu máy bay Mỹ đánh phá đến đấy, nhân dân các bản làng tươi đẹp lại di dời sơ tán vào rừng sâu. Bom đạn đủ các loại của giặc Mỹ ném xuống khắp núi rừng Trường Sơn, phá hủy đốt cháy các bản làng. Hàng triệu lít chất độc hoá học rải xuống, những cánh rừng Lào bạt ngàn bị biến thành đất chết. Đế quốc Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh ngăn chặn bằng không quân với qui mô và mức độ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, với bốn triệu tấn bom đạn đã đánh xuống đường Trường Sơn mà chủ yếu trên đất lào trong tổng số hơn bảy triệu tấn trên toàn chiến trường Đông Dương.
Bộ binh địch mở các cuộc tấn công, các chiến dịch đánh ra hành lang chiến lược rất ác liệt và liên tục không ngừng.
Cuộc chiến tranh ngăn chặn diễn ra trên đất Lào cả trên không và trên bộ đã gây thương vong về sinh mạng, tồn thất về nhà cửa, ruộng nương, vật chất là vô cùng lớn cho nhân dân Lào.
Quân đội Pa thét Lào, nhân dân các bộ tộc Lào cùng phối hợp, giúp đỡ bộ đội Việt Nam đánh dịch, mở rộng và bảo về vững chắc hành lang chi viện chiến lược Trường Sơn.
Kết quả đã đưa 2 triệu lượt người vào ra chiến trường. Vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí trang bị, vật chất vào chiến trường Miền Nam và chi viện cho hai nước bạn Lào và Campuchia. Từ năm 1973 đến đầu năm 1975 đã chở bằng cơ giới 40 vạn quân và tổ chức hành quân cho 25 đoàn binh khí kỹ thuật vào chiến trường; cơ động bằng xe cơ giới 10 lượt sư đoàn quân chủ lực vào tham gia chiến dịch. Nhiệm vụ vận chuyển phần lớn đi trên đường Tây Trường Sơn bên đất nước Lào.
Bộ đội Trường Sơn tăng gia sản xuất trên đất Lào để bảo đảm hậu cần tại chỗ, thu hái rau rừng, măng rừng, thu mua lương thực thực phẩm của nhân dân cung cấp để bảo đảm đời sống.
Sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân Lào đối với bộ đội Trường Sơn là vô cùng lớn lao. Có thể nói, nếu không được sự giúp đỡ của bạn Lào, không có đất Lào, bộ đội Trường Sơn không thể hoàn thành nhiệm vụ chi viện chiến lược cho cách mạng miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Không có con đường ấy
Không có thắng lợi này.
(Còn nữa)