“Đôi nét về mối quan hệ vĩ đại Việt – Lào”. TG: Hoàng Kiền (Tiếp theo 2)

Ngày đăng: 11:11 06/10/2021 Lượt xem: 373
 
       Nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm nước Lào, tôi cũng tròn bảy mươi xuân, ngồi viết lại những chuyến đi nhớ mãi bên Lào. Với 63 bài – Mỗi bài viết về một chuyến đi... Loạt bài nói trên đã và đang được Báo Điện tử Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đăng tải giới thiệu trong chuyên mục “Ký ức còn mãi”.
       Hôm nay – Một bài viết không dừng lại ở “Ký ức còn mãi” – Còn mãi trong tôi mà có thể được coi như điểm lại những bước đi, những bước đồng hành của hai đất nước, hai dân tộc. Nó đã xây nên một lịch sử và truyền thống đặc biệt sâu đậm và chính nó đã tạc vào lịch sử và truyền thống ấy cặp câu Lục bát cũng rất đặc biệt và rất sâu đậm:
“Việt Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long”
       “Đôi nét về mối quan hệ vĩ đại Việt – Lào” – Tựa đề của bài viết này sẽ là lời mở đầu cho cuốn sách kỷ niệm mà tôi ấp ủ bấy lâu nay – Nó đang được “thai nghén” và hy vọng trong một khoảng thời gian không xa cuốn sách sẽ được tìm đến với các đồng chí và bạn đọc.
       Xin trân trọng giới thiệu.

 
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam
 
ĐÔI NÉT VỀ
MỐI QUAN HỆ HỮU NGHỊ VĨ ĐẠI VIỆT - LÀO
(Tiếp theo 2)
 
BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN VỚI CÁCH MẠNG LÀO
       Năm 1961 khi hai Đảng, hai Nhà nước Việt- Lào thống nhất, đoàn 559 lật cánh sang Tây Trường Sơn, mở tuyến chi viện qua đất bạn. Đầu tháng 4 năm 1961 liên quân Việt - Lào mở chiến dịch giải phóng khu vực đường số 9, cùng với các thắng lợi liên tiếp, một vùng giải phóng rộng lớn của bạn được mở ra từ Khăm Muộn đến Sa Va Na Khét, nối thông với vùng giải phóng Hạ Lào, tạo điều kiện cho cách mạng bạn phát triển. Bộ đội Trường Sơn đã tích cực chủ động giúp bạn trên địa bàn hoạt động của mình. Theo thoả thuận với phái đoàn chuyên gia Nam Lào, đoàn 559 giúp bạn trong 600 bản của 18 huyện thuộc 4 tỉnh Trung - Hạ Lào trong địa bàn hoạt động của bộ đội Trường Sơn.
       Chủ trương của Bộ tư lệnh lấy đội ngũ chuyên gia làm nòng cốt, lấy Binh trạm là đơn vị tổ chức thực hiện, mỗi binh trạm phụ trách 1 đến 2 huyện của 4 tỉnh.
       Giúp bạn được triển khai toàn diện các mặt. Về chính trị giúp bạn phát động nhân dân xây dựng ý thức làm chủ, niềm tin, xây dựng các tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, lãnh đạo quản lý mọi hoạt động ở cơ sở, thực hiện các chủ trương của Đảng nhân dân cách mạng Lào và Mặt trận Neo Lào. Về quân sự, giúp bạn củng cố và phát triển dân quân du kích, huấn luyện, tổ chức chiến đấu, diệt biệt kích, thổ phỉ, giữ vững an toàn vùng giải phóng. Về kinh tế, giúp bạn phát triển sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân tham gia sản xuất để tự túc lương thực, khắc phục nạn đói, phát triển một số cơ sở sản xuất thủ công nghiệp, sản xuất nông cụ cải tiến, củng cố các cửa hàng mậu dịch ở huyện và các xã điểm, xây dựng mạng lưới thương nghiệp phục vụ nhân dân. Về văn hoá xã hội, giúp bạn phát động rộng rãi phong trào vệ sinh phòng bệnh, phun thuốc DDT trừ muỗi sốt rét trong các bản gần hành lang, giúp mở lớp đào tạo y tá cho các xã, tổ chức bệnh xá ở huyện và các xã điểm. Vận động nhân dân tham gia học tập văn hoá, bình dân học vụ, bổ túc văn hoá cho cán bộ cơ sở.
       Tổ chức giúp bạn bao gồm hai lực lượng.
      Trên cơ quan Bộ Tư lệnh có Cục chuyên gia ( Ban C ) trực tiếp chỉ đạo, tổ chức các lực lượng giúp bạn trên toàn chiến trường Trường Sơn.
       Ở mỗi binh trạm đều có các Tổ dân vận, trước sự phát triển của nhiệm vụ giúp bạn, Bộ Tư lệnh quyết định đổi tổ dân vận thành tổ chuyên gia. Bảo đảm mỗi xã có 1 đội công tác từ 2 - 3 người, mỗi huyện có 1 tổ chuyên gia 3 - 4 người. Các đội, tổ này đi xuống các bản làng trong khu vực địa bàn đơn vị đảm nhiệm giúp bạn xây dựng cơ sở, củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế xã hội, văn hóa giáo dục. Đồng thời vận động nhân dân các bộ tộc Lào ủng hộ bộ đội Trường Sơn trong quá trình làm nhiệm vụ. Đường đi đến đâu dân sơ tán đến đấy vì máy bay địch đánh phá vô cùng ác liệt. Các lực lượng giúp bạn thông thạo địa bàn, thông thạo ngôn ngữ và phong tục tập quán của dân bạn, đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tình đoàn kết giữa Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân địa phương dọc hành lang với bộ đội 559, bộ đội Trường Sơn phát triển rất tốt đẹp.
       + Đoàn chuyên gia quân sự 565
       Theo Quyết định của Bộ QP, ngày 19/5/1965 Đoàn 565 được thành lập ở xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đại tá Đồng Sĩ Nguyên làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Thượng tá Ngô Thế Sơn là Phó Chính ủy.
       Nhiệm vụ của Đoàn 565 là giúp Bạn về xây dựng, phát triển và bảo vệ lực lượng cách mạng. Từ tháng 5/1965 đến 6/1968, Đoàn 565 gồm có 2 bộ phận: Bộ phận gồm các chuyên gia quân sự làm nhiệm vụ giúp Bạn tổ chức, huấn luyện các đội vũ trang để bảo vệ chính quyền cách mạng ở địa phương; Bộ phận gồm các đơn vị quân tình nguyện có nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, bảo vệ hành lang vận chuyển chiến lược 559.
       Trước yêu cầu xây dựng và phát triển lực lượng, chấp hành chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Lào, các lực lượng chuyên gia quân sự và quân tình nguyện Việt Nam ở Nam Lào được kiện toàn, phát triển lên một bước để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chiến lược trong tình hình mới. Ngày 28/6/1968 Bộ Tổng tham mưu ra quyết định số 98/TM-QĐ tách Đoàn 565 Chuyên gia quân sự và Quân tình nguyện Việt Nam tại Nam Lào thành hai lực lượng: Lực lượng chuyên gia quân sự mang phiên hiệu Đoàn 565, trực thuộc Đoàn 959 chuyên gia toàn Lào. Lực lượng quân tình nguyện Nam Lào mang phiên hiệu Đoàn 968, trực thuộc Quân khu 4 Việt Nam.
       Để thống nhất chỉ huy tác chiến trên khu vực Nam Lào, ngày 29/7/1970 Bộ Tổng tham mưu quyết định sáp nhập hai Đoàn 565 và 968 vào Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
       Trong 10 năm làm nhiệm vụ giúp Bạn, cán bộ, chiến sĩ, chuyên gia quân sự Đoàn 565 đã trải qua bao khó khăn, nguy hiểm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, như lời dậy của Bác Hồ: “Giúp bạn là tự giúp mình”.
       Từ năm 1964 đến 1970, suốt hơn 6 năm sử dụng tối đa sức mạnh của không quân đánh phá nhưng không ngăn chặc được sự chi viện của hậu phương lớn Miền Bắc vào tiền tuyến lớn Miền Nam, Mỹ- nguỵ đã quyết định mở chiến dịch qui mô lớn bằng bộ binh, tiến công đánh vào đường Trường Sơn. Lực lượng gồm quân Mỹ, quân nguỵ Sài Gòn, quân Hoàng gia Lào và quân đội đội Thái Lan tham gia.
- Ngày 30 tháng 1 năm 1971, cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch đánh vào khu vực đường 9 bắt đầu. Hơn 4 vạn quân chủ lực nguỵ miền Nam, 6.000 quân Mỹ, gồm những đơn vị tinh nhuệ nhất, với số lượng lớn binh khí kỹ thuật: gồm 580 xe tăng và xe bọc thép, 320 khẩu pháo, 1.000 máy bay (trong đó có 600 máy bay lên thẳng, 45 máy bay B52). Chúng tập kết tại Đông Hà, tiến lên khu vực xuất phát là Khe Sanh. Từ đây cuộc hành quân được thực hiện bằng hai phương thức:
- Tiến công đường bộ: Đánh theo đường 9, mục tiêu là đánh tới Bản Đông, Sê Pôn trên đất Lào.
- Đổ bộ đường không: Đổ bộ xuống các khu vực trọng điểm để cắt đứt đường Trường Sơn trong một phạm vi có chính diện và chiều sâu khá lớn ở khu vực nam đường 9.
       Phối hợp ở phía tây, quân nguỵ Lào huy động 4 tiểu đoàn từ Đồng Hến đánh ra khu vực Mường Pha Lan, phía tây Mường Phìn, quân đội Thái Lan hỗ trợ, sẵn sàng tham chiến.
       Mục tiêu của chúng trong chiến dịch này là hành quân hòng cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải chiến lược, phá huỷ tối đa các kho chiến lược trên đường Trường Sơn, ngăn chặn sự chi viện các mặt cho lực lượng của ta ở các chiến trường.
       Để đánh bại cuộc hành quân này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào. Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã chuẩn bị thế trận cho chiến dịch phản công. Lực lượng của Bộ được điều động đến phục sẵn như Sư đoàn bộ binh số 2 và một số đơn vị khác.
       Cánh đông bắc thành lập mặt trận B70 bao gồm các Sư đoàn 304, 308, 320 và các trung đoàn, tiểu đoàn độc lập.
       Cánh phía tây giao cho Bộ Tư lệnh Trường Sơn phụ trách gồm: Sư đoàn 968, Sư đoàn 2, Trung đoàn 48, Trung đoàn 29, cùng một số Trung đoàn, Tiểu đoàn binh chủng. Bộ đội Trường Sơn là lực lượng dự bị đánh địch tại chỗ trên toàn địa bàn chiến dịch. Các đơn vị của BTL Trường Sơn được trang bị vũ khí bộ binh để tham gia đánh địch.
       Ngày 3/1/1971, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi toàn thể cán bộ chiến sĩ trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào: “ .... Trận này là một trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược....Quân đội ta nhất định phải đánh thắng!”
- Ngày 23 tháng 3 năm 1971, Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi. Âm mưu của Mỹ nguỵ cắt đứt Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn bị thất bại hoàn toàn. Quân đội Sài Gòn - nòng cốt của học thuyết Ních Xơn “Việt Nam hoá chiến tranh” bị giáng một đòn thất bại nặng nề. Hơn 2 vạn tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, 1.138 xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, 112 pháo lớn bị phá huỷ, 556 máy bay trong đó có 505 máy bay trực thăng bị bắn rơi....
       Vừa trực tiếp bảo đảm cho Chiến dịch, vừa tham gia Chiến dịch, Bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt 5.695 tên, bắt 614 tên, bắn rơi 346 máy bay (có 310 trực thăng), thu 125 xe pháo các loại.
       Bộ đội Trường Sơn vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia Chiến dịch, vừa tiếp tục vận chuyển chiến lược chi viện các hướng chiến trường vượt chỉ tiêu đề ra.
       Chiến thắng Đường 9 Nam Lào là thắng lợi chung hiệp đồng chiến đấu của quân và dân hai nước Việt Nam và Lào.
       Sau Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ bị thất bại hoàn toàn.

 
MỞ CHIẾN DỊCH BẢO VỆ HÀNH LANG PHÍA TÂY.
       Cuối năm 1972, được không quân Mỹ yểm trợ, Binh đoàn cơ động nguỵ Lào mở gọng kìm tiến công các khu vực chốt giữ của ta.
       Đầu tháng 10 năm 1972, địch chiếm được thị trấn Mường Pha Lan trên đường số 9 phía tây Mường Phìn. Ở hướng hạ Lào, địch chiếm lại Sa Ra Van, cắt đứt đường 23.
       Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã mở chiến dịch tiến công địch. Lực lương gồm Sư đoàn 968, các đơn vị của Sư đoàn 472 cùng quân đội Pa Thét Lào đánh chiếm lại Mường Pha Lan, Thị xã Sa Ra Van, giải phóng hai Thị xã Pắc Soòng, Pắc Xế và cao nguyên Bô lô Ven, một khu vực rất quan trọng, đánh bại âm mưu của địch đánh cắt đường Trường Sơn ở phía tây.
       Bộ binh Trường Sơn bao gồm Sư đoàn 968, 2 Trung đoàn độc lập và các đơn vị bộ binh thuộc các Binh trạm, Sư đoàn là lực lượng chủ động phối hợp với quân và dân Bạn, với các chiến trường của ta, các lực lượng trên tuyến đánh bại các chiến dịch của địch tiến công lấn chiếm vùng giải phóng Lào, các chiến dịch tiến công vào hành lang vận chuyển chiến lược của ta, tạo điều kiện mở rộng chính diện và chiều sâu vùng căn cứ địa Nam Đông Dương, bảo vệ vững chắc Tuyến chi viện chiến lược- Đường Hồ Chí Minh trong mọi tình huống.

 
SƯ ĐOÀN 565 GIÚP BẠN
       Sau hiệp định Paris, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Trường Sơn chuyển về nước để xây dựng cơ bản Đường Trường Sơn đông. Bên Tây Trường Sơn có Trung đoàn Công binh 34 và Sư đoàn Bộ binh 968 vừa làm nhiệm vụ xây dựng đường, bảo đảm vận chuyển và bảo vệ vùng giải phóng của Lào. Đầu năm 1975 Sư đoàn bộ binh 968 cơ động sang tham gia chiến dịch Tây Nguyên, để lại Trung đoàn 39 tiếp tục làm nhiệm vụ bên Nam Lào. Cuối năm 1974 để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Sư đoàn 565 được thành lập bao gồm hai Trung đoàn Công binh 34, 576 và Trung đoàn Bộ binh 39 bảo đảm đường vận chuyển bên Tây Trường Sơn, cùng lực lượng của Bạn giữ vững địa bàn vùng giải phóng Nam Lào. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, trên đất bạn Lào còn duy nhất Sư đoàn 565 tiếp tục cải tạo tuyến Tây Trường Sơn từ Bản Đông - Đường 9 vào đến Phi Hà. Đồng thời Sư đoàn tiếp tục giúp bạn, Trung đoàn Bộ binh 39 bảo vệ vùng giải phóng phía Tây Nam Lào, hai Trung đoàn Công binh tiếp tục làm đường, bảo đảm vận chuyển chi viện cho cách mạng của Bạn tiến công và nổi dậy làm chủ đất nước. Ngày 7 và 8 tháng 7, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào ra chỉ thị xoá bỏ hoàn toàn chính quyền và quân đội của địch, đồng thời thành lập chính quyền cách mạng trong cả nước. Ngày 2 tháng 12 năm 1975 nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ra đời. Sư đoàn 565 hoàn thành nhiệm vụ trên chiến trường Trường Sơn và nhiệm vụ quốc tế giúp bạn. Tháng 4 năm 1976 có lệnh rút quân về nước.
       Toàn bộ các công trình Hội trường, nhà làm việc, nhà ở của Sở chỉ huy và cơ quan Sư đoàn đều làm bằng gỗ xẻ lợp tôn rất khang trang bàn giao nguyên trạng cho tỉnh Sa la van .
      Cả Sư đoàn hành quân về nước, kết thúc 15 năm hoạt động trên đất nước Triệu Voi, đoàn kết bên nhau chống kẻ thù chung của Bộ đội Trường Sơn . Nhân dân các bản làng ra hai bên đường lưu luyến tiễn đưa nhìn theo đoàn xe bộ đội Việt Nam với tình cảm trìu mến thân thương, vô cùng cảm động. Trung đoàn Công binh 34 là đơn vị rút về sau cùng. Hơn sáu trăm cán bộ chiến sĩ đưa gần 450 bộ hài cốt đồng đội của Trung đoàn về cùng. Thực tế, số hi sinh còn cao hơn nhiều, có thể gấp hai lần, do đạn bom vùi lấp, đánh đi đánh lại ở các trọng điểm ác liệt, cả những liệt sỹ ở trong nghĩa trang cũng chưa được nằm yên. Cuộc chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn vô cùng khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh rất lớn, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của hai dân tộc.

 
BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN VỚI HAI CHÁU BÉ LÀO
       Chuyện xảy ra vào cuối năm 1973. Đội điều trị Binh trạm 37, thuộc Sư đoàn 470 - Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhận được một ca cấp cứu, do anh bộ đội Pha thét Lào chuyển đến với lời khẩn cầu gấp gáp: “Các đồng chí bộ đội Việt Nam ơi, xin các đồng chí cứu vợ con tôi”. Rất khẩn trương các bác sĩ, y sĩ, y tá đã hết sức cố gắng chạy chữa nhưng người mẹ đã không qua khỏi, vì chị đã bị kiệt sức, chỉ kịp phẫu thuật cứu được hai bé trai từ trong bụng mẹ. Anh Bun Ma đau đớn, khóc ròng nói qua nước mắt: “Cám ơn các đồng chí bộ đội Việt Nam, tuy không thể cứu được mẹ nhưng cứu được hai đứa bé, bây giờ biết nuôi nấng chăm sóc làm sao đây, bố thì đang đi chiến đấu, gia đình chẳng còn ai thân thích. Ban chỉ huy hội ý và điện báo cáo lên cấp trên, Sư đoàn điện xuống chỉ đạo Binh trạm nhận hai cháu bé và chăm sóc thật chu đáo. Hai cô y tá giỏi được giao trực tiếp nuôi dưỡng hai cháu. Tên hai cháu ban đầu được đặt là Ba và Bảy (Vì các cháu được sinh ra tại Binh trạm 37). Sau đó hai cháu được chuyển ra Viện 48, thuộc Sư đoàn 472 - BTL Trường Sơn, đổi thành Quang và Trung, là tên của Đoàn vận tải quân sự Quang Trung, mật danh của Bộ Tư lệnh Trường Sơn hồi đó.
       Cuối năm 1974 Viện 48 di chuyển sang phía Đông Trường Sơn. Ta chuẩn bị mở chiến dịch lớn, không thể mang các cháu đi theo được nữa. Ban chỉ huy Viện điện báo cáo cấp trên xin ý kiến chỉ đạo, nhận được chỉ thị nếu tình huống khó khăn quá thì trả các cháu cho phía bạn. Các cô và chỉ huy đơn vị đã đề nghị chuyển các cháu ra Bắc... Sau một đêm suy nghĩ, Chính uỷ Đỗ Thế Nhung xin nhận cháu Quang làm con nuôi và bàn với Chủ nhiệm khoa nội Bác sĩ Lâm Văn Chiến nhận đồng ý nhận cháu Trung làm con nuôi. Bộ Tư lệnh Sư đoàn cho điều động ngay một xe ô tô chở hai ông bố nuôi, cùng hai cô y tá, một quân y sĩ đi kèm để chăm sóc và giải quyết mọi tình huống bất trắc có thể xẩy ra trên suốt cả chặng đường dài ra Bắc.
       Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2019), Hội Trường Sơn Bệnh viện 48 tổ chức gặp mặt kỷ niệm tại Bảo Tàng Đường Hồ Chí Minh. Sau 45 năm hai cháu Quang và Trung cùng vợ con được gặp lại các bác, các chú, các cô bộ đội Trường Sơn năm xưa trong niềm vui mừng xúc động, dạt dào tình yêu thương, sáng ngời hình ảnh cao đẹp Việt - Lào. Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam thật tự hào, tiếp tục giữ gìn phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào với Trường Sơn Huyền thoại.

 
(còn nữa)
tin tức liên quan