“Đôi nét về mối quan hệ vĩ đại Việt – Lào”. TG: Hoàng Kiền (Tiếp theo 3)

Ngày đăng: 10:33 07/10/2021 Lượt xem: 418
 
       Nhân dịp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm nước Lào, tôi cũng tròn bảy mươi xuân, ngồi viết lại những chuyến đi nhớ mãi bên Lào. Với 63 bài – Mỗi bài viết về một chuyến đi... Loạt bài nói trên đã và đang được Báo Điện tử Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đăng tải giới thiệu trong chuyên mục “Ký ức còn mãi”.
       Hôm nay – Một bài viết không dừng lại ở “Ký ức còn mãi” – Còn mãi trong tôi mà có thể được coi như điểm lại những bước đi, những bước đồng hành của hai đất nước, hai dân tộc. Nó đã xây nên một lịch sử và truyền thống đặc biệt sâu đậm và chính nó đã tạc vào lịch sử và truyền thống ấy cặp câu Lục bát cũng rất đặc biệt và rất sâu đậm:
“Việt Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long”
       “Đôi nét về mối quan hệ vĩ đại Việt – Lào” – Tựa đề của bài viết này sẽ là lời mở đầu cho cuốn sách kỷ niệm mà tôi ấp ủ bấy lâu nay – Nó đang được “thai nghén” và hy vọng trong một khoảng thời gian không xa cuốn sách sẽ được tìm đến với các đồng chí và bạn đọc.
       Xin trân trọng giới thiệu.

 
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam
 
ĐÔI NÉT VỀ
MỐI QUAN HỆ HỮU NGHỊ VĨ ĐẠI VIỆT - LÀO
(Tiếp theo 3)
 
GIÚP NHAU TRONG CÔNG CUỘC
XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
 
A. XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH PHÒNG THỦ
       Thực hiện Hiệp định được ký trên tinh thần bản Tuyên bố chung Việt Nam - Lào ngày 11-2-1976 và nhằm mục đích tăng cường tình đoàn kết, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì độc lập và phồn vinh của mỗi nước, góp phần gìn giữ và củng cố hòa bình ở Ðông - Nam Á và thế giới.
       Thực hiện sự thoả thuận giữa hai nước, theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, theo quyết định của Bộ Tổng tham mưu, năm 1980 Bộ Tư lệnh Công binh đã đưa các lực lượng sang giúp bạn về qui hoạch, khảo sát thiết kế, xây dựng công trình phòng thủ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Với đội ngũ cán bộ kỹ sư công trình cùng lực lượng xây dựng tương đương cấp sư đoàn và trang bị kỹ thuật, vật liệu xây dựng đưa từ Việt Nam sang, sau 5 năm từ 1981 đến 1986, hệ thống công trình đã hoàn thành, bàn giao cho Bạn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Trung ương Bạn khi có tình huống xảy ra cùng các công trình phòng thủ quan trọng khác.
       Bộ Tư lệnh Công binh đưa lực lượng sang giúp Bạn cải tạo, nâng cấp sân bay Bản Ang - Cánh đồng chum, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển Kinh tế và bảo đảm yêu cầu về Quốc phòng.
B. GIÚP BẠN KHẢO SÁT LẬP DỰ ÁN CCT
       Sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, Mỹ phát động cuộc chiến tranh xâm lược Afghanistan. Tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp. Các nước trong khu vực và trên thế giới lo ngại, thấy cần phải có biện pháp tăng cường phòng thủ.
       Tháng 2 năm 2003 Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng QP sang thăm nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Lãnh đạo nước bạn đề nghị Việt Nam giúp khảo sát, qui hoạch khu vực CCT mới.
       Đoàn công tác được giao sang Lào làm nhiệm vụ. Đại tá Hoàng Kiền - Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Công binh- Trưởng đoàn, Đại tá Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu - Phó trưởng đoàn, Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm tư vấn Khảo sát thiết kế Công trình Quốc phòng, Binh chủng Công binh cùng một tổ kỹ sư, nhân viên khảo sát đo đạc và các trang bị kỹ thuật khảo sát đồng bộ. Đại tướng Phạm Văn Trà về triệu tập Đại tá Hoàng Kiền lên chỉ đạo cụ thể những vấn đề cần thiết với định hướng chiến lược cho công trình CCT của bạn lâu dài. Sau khi nghiên cứu trên bản đồ, tháng 4 năm 2003, Đoàn công tác đáp máy bay sang Viêng Chăn triển khai nhiệm vụ. Thiếu tướng Kèn Khăm, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Lào tiếp và trao đổi nhiệm vụ với Trưởng Phó đoàn. Đại tá Thông Xay, cán bộ Cục đối ngoại, nguyên Cục trưởng Cục Công binh và Trung tá Xỉn Xa Vắt, Cục phó Cục Công binh đi cùng đoàn. Sau hơn một tháng khảo sát các hang động và địa hình trên phạm vi rất rộng, vô cùng khó khăn phức tạp, Đoàn đã thống nhất phương án xây dựng các khu CCT của bạn, trực tiếp báo cáo Thiếu tướng Kèn Khăm - Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Lào, được đồng chí thống nhất.
       Về Việt Nam họp Đoàn, Đại tá Hoàng Kiền và Đại tá Nguyễn Thanh Hà thống nhất qui hoạch các khu A, B, C, qui hoạch trong từng khu, số lượng hang động cần cải tạo, số lượng và qui mô các đường hầm cần phải đào. Tổ chức tổ lập dự án CCT, do Đại tá Phạm Tiến Nhượng - Trưởng phòng Công trình Quốc phòng làm Tổ trưởng, Đại tá Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn khảo sát thiết kế công trình chiến đấu làm Tổ phó, cùng các kỹ sư tập trung lập dự án. Đại tá Hoàng Kiền - Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Binh chủng trực tiếp chỉ đạo. Dự án hoàn thành đúng kế hoạch . Được Bộ Tư lệnh phân công, Đại tá Hoàng Kiền lên báo cáo trực tiếp với Đại tướng Phùng Quang Thanh - Tổng Tham mưu trưởng, tiếp theo báo cáo Đại tướng Phạm Văn Trà - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đồng thời truyền đạt lại ý kiến của Thiếu tướng Kèn Khăm - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Lào đề nghị Việt Nam giúp đỡ xây dựng công trình. Bộ trưởng hỏi cần bao nhiêu lực lượng, số tiền và thời gian hoàn thành. Đại tá Hoàng Kiền báo cáo: Qua kinh nghiệm xây dưng căn cứ Trung ương Bạn ở Sầm Nưa, Trung đoàn Công binh 217 của Bộ Tư lệnh Công binh làm từ năm 1964 đến năm 1968 hoàn thành, kinh phí đã dự toán khá lớn. Ngoài cải tạo hang động vẫn phải đào thêm một số đường hầm.
       Bộ trưởng nói: để cho bạn xây dựng, ta giúp về trang bị, cán bộ kỹ thuật, vật liệu xây dựng. Nếu đưa một trung đoàn sang làm trong 4 năm, hai lần thay quân thì lộ hết. Bây giờ không như chiến tranh ngày xưa, đi bộ đội là khi thắng Mỹ mới về, tôi vào miền Nam năm 1963, sau 28 năm mới được ra Bắc đấy. Bây giờ theo luật nghĩa vụ quân sự, thay quân, nên phức tạp lắm.
       Bộ trưởng chỉ đạo mang hồ sơ dự án CCT của Lào, đóng dấu tuyệt mật, giao cho Cục đối ngoại gửi sang Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Lào. Đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ được giao.
       Hiện nay Cục Công binh Lào đang triển khai xây dựng.
C. CHƯƠNG TRÌNH GIÚP BẠN XÂY DỰNG CỤM BẢN
       Từ sau ngày giải phóng, lực lượng phỉ Vàng Pao vẫn hoạt động mạnh ở khu vực Bắc Lào và giáp biên giới phía Tây của Việt Nam. Vàng Pao đã chạy ra nước ngoài, nhưng vẫn chỉ đạo các hoạt động trong nước. Phỉ phá hoại, phục kích đánh xe trên đường, tập kích bộ đội Lào đi công tác, lén lút lôi kéo dân vào vùng sâu theo chúng. Một số nơi phỉ Lào đã thâm nhập sang biên giới Việt Nam để phá hoại. Trước tình hình ấy, lãnh đạo hai Đảng đã thống nhất cần phải giải quyết ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới hai nước và đặc biệt bên lãnh thổ Bắc Lào. Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào có văn bản gửi sang cho biết, thực tế phỉ đã bị đánh tan, hiện chúng mua chuộc dụ dỗ dân, nên đề nghị Việt Nam gọi những người theo chúng là người xấu thôi.
       Chương trình xây dựng "Cụm bản" được mở ra với sự giúp đỡ của Việt Nam. Cụm bản là mô hình tương đương cấp xã của Việt Nam, bên Lào bản trực thuộc huyện, không có xã. Có xây dựng cụm bản mới có điều kiện phát triển kinh tế, khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng trường học, bệnh xá, đường giao thông, đưa điện lưới về, nâng cao đời sống về mọi mặt cho nhân dân thì sẽ hết "phỉ", tức là hết người xấu. Các đoàn kinh tế quốc phòng được lập ra. Trên địa bàn Bắc Lào có Công ty Hợp tác Quốc tế 705 của Quân khu 2. Trung Lào có Công ty hợp tác Quốc tế của Quân khu 4, Nam Lào có Công ty Hữu nghị Nam Lào của Quân khu 5. Để triển khai nhiệm vụ quan trọng này, Bộ Quốc phòng thành lập Ban chỉ đạo nhiệm vụ C, Các Quân khu giáp biên giới Việt Nam- Lào cũng có các Ban chỉ đạo nhiệm vụ C, bắt đầu hoạt động từ năm 2005.
CÔNG TY HỢP TÁC QUỐC TẾ 705
       Công ty Hợp tác Quốc tế 705 đóng trên địa bàn Sầm Nưa, nhiệm vụ chính là giúp Bạn xây dựng các cụm bản, xây dựng địa bàn, làm kinh tế trên khu vực Bắc Lào. Công ty đã hoàn thành việc giúp Bạn xây dựng cơ sở chính trị địa phương và triển khai các dự án tại 5 cụm bản gồm: Pha Thí, Che Phai, Mường Pợ (tỉnh Hủa Phăn), Na Luổng (tỉnh Luông Pha Băng) và Pà Lăn (tỉnh Phông Xa Lỳ). Từ chỗ là những địa bàn trọng điểm đặc biệt khó khăn, phức tạp về nhiều mặt, thông qua hoạt động xây dựng cơ sở chính trị, đến nay, các địa phương trong vùng dự án hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền bản, cụm bản được củng cố, kiện toàn và đi vào hoạt động nền nếp, chất lượng, hiệu quả; chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, kinh tế, văn hóa, xã hội từng bước phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao. Các cụm bản có thêm nhiều công trình an sinh xã hội phục vụ nhân dân. Nhân dân có điều kiện tiếp cận với những mô hình phát triển kinh tế mới, thúc đẩy giao lưu hàng hóa, phát triển sản xuất. Công ty còn phối hợp với Bạn tích cực tham gia các hoạt động chính sách xã hội, đền ơn, đáp nghĩa. Công ty còn triển khai nhiều hoạt động và việc làm thiết thực giúp các đơn vị trên địa bàn các tỉnh Bắc Lào. Công ty tham gia xây dựng nhiều công trình có quy mô lớn, kỹ thuật cao, trong đó có cả các Dự án trọng điểm quốc gia của Chính phủ Lào như công trình thủy lợi Mường Sinh tại tỉnh Luông Nậm Thà; đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các tỉnh Phông Sa Lỳ, Bò Kẹo…Công ty luôn làm tốt vai trò tham mưu cho Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh, Ban Chỉ đạo nhiệm vụ “C” Quân khu tiến hành công tác đối ngoại quốc phòng; phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán, cơ quan tùy viên quân sự Việt Nam tại Lào, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Bắc Lào và Hội người Việt cùng các cơ quan liên quan trên địa bàn thực hiện tốt công tác ngoại giao nhân dân, góp phần tích cực vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, giữa LLVT Quân khu và các đơn vị, địa phương trên địa bàn Bắc Lào.
CÔNG TY 1105
       Công ty 1105 còn gọi là Công ty phát triển miền núi, trực thuộc Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4, làm nhiệm vụ C bên Lào. Trong những năm qua, Công ty đóng quân tại huyện Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng, xây dựng 3 cụm bản tại hai tỉnh Xiêng Khoảng và Bu Ky Khăm Xay, xây dựng các công trình kinh tế, rồi mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác. Với đặc thù thực hiện nhiệm vụ phân tán ở các địa bàn khó khăn trên các tỉnh Trung Lào, Công ty 1105 luôn chủ động, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có những nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, góp phần quan trọng xây dựng địa bàn vững mạnh. Nhiều năm liền, Công ty được được cấp ủy, chính quyền địa phương hai nước đánh giá cao.
       Ba cụm bản có thêm nhiều công trình an sinh xã hội. Nhân dân có điều kiện tiếp cận với những mô hình phát triển kinh tế mới, thúc đẩy giao lưu hàng hóa, phát triển sản xuất. Cùng với đó, Công ty còn triển khai nhiều hoạt động và việc làm thiết thực, giúp các đơn vị trên địa bàn các tỉnh Trung Lào. Công ty tham mưu cho Bạn tăng cường công tác nắm, quản lý địa bàn, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, triển khai hiệu quả các dự án viện trợ của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu các đơn vị. Công ty 1105 luôn chủ động, sáng tạo phát huy nội lực, bảo toàn và phát triển vốn, tạo uy tín, phát triển thương hiệu bền vững trên địa bàn. Công ty luôn làm tốt vai trò tham mưu với Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh, Ban Chỉ đạo nhiệm vụ “C” Quân khu tiến hành công tác đối ngoại quốc phòng, phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán, cơ quan Tùy viên quân sự Việt Nam tại Lào, Hội người Việt cùng các cơ quan liên quan trên địa bàn thực hiện tốt công tác ngoại giao nhân dân, góp phần tích cực vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, giữa LLVT Quân khu 4 và các đơn vị, địa phương trên địa bàn Trung Lào.
CÔNG TY HỮU NGHỊ NAM LÀO
       Thực hiện thỏa thuận giữa Chính phủ Lào và Việt Nam về phối hợp hoạt động triển khai đầu tư xây dựng cụm bản phát triển trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, năm 2006 Công ty Hữu nghị Nam Lào (Quân khu 5) được thành lập hoạt động trên địa bàn Nam Lào. Ở bản Thông Kà Lổng (huyện Pắk Sòng, tỉnh Chămpasăc) - tiếng Lào có nghĩa là “Đồng rừng hoang vắng”. Đời sống, tập quán còn lạc hậu, có nơi chủ yếu sản xuất tự cung, tự cấp, tỷ lệ đói nghèo ở mức cao. Thực hiện nhiệm vụ được giao, tập thể Công Hữu nghị Nam Lào không ngại đường xa, mưa gió, về bản “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”, vận động nhân dân tích cực chăn nuôi, tăng gia, sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường... Trong 2 năm 2007 - 2009, dự án cụm bản Thông Kà Lổng đã hoàn thành trước thời hạn một năm. Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, 2 công trình thủy lợi hiện đại mọc lên, khu đất sản xuất cấp cho nhân dân mở rộng, trở thành địa điểm lý tưởng, mời gọi các doanh nghiệp của Lào và nước ngoài vào đầu tư. Từ mô hình này, Công ty tiếp tục xây dựng cụm bản Đắk Mun, huyện Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông. Công ty còn thành lập bệnh xá, trang bị tương đối đồng bộ về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thường xuyên khám và điều trị bệnh, cấp thuốc cho cán bộ, nhân dân 4 tỉnh Nam Lào. Những năm qua, các thầy thuốc Bộ đội Cụ Hồ đã tham gia phối hợp dập tắt dịch tả tại cụm bản Đắc Mun. Công ty phối hợp với bạn giúp cụm bản Thông Kà Lổng và các địa phương phương nhiều mặt. Tháng 7/2018, xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Sepien huyện Sanamsay, tỉnh Attapư. Công ty đã huy động lực lượng cơ động tới Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Attapư, hỗ trợ tiền, vận chuyển nước uống, lương thực, thực phẩm, khám chữa bệnh … để bà con dân bản sớm ổn định cuộc sống. Trong 15 năm hành trình xây dựng và phát triển 2 cụm bản tại 2 tỉnh Chămpasắc và Sê Kông bảo đảm chất lượng và tiến độ. Đó là những minh chứng thuyết phục, góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào ngày càng đơm hoa, kết trái.
D. XÂY DỰNG ĐƯỜNG TUẦN TRA BIÊN GIỚI
       Hiệp định về qui chế biên giới quốc gia giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào được ký tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18 tháng 7 năm năm 1997. Trong đó có qui định hai bên không được xây dựng công trình trong phạm vi 100 mét tính từ đường biên giới quốc gia tới biên giới. Từ năm 2007 Việt Nam triển khai làm đường Tuần tra biên giới dọc biên giới Việt Nam - Lào trên lãnh thổ Việt Nam, do địa hình vô cùng phức tạp, nhiều điểm phải đi sát biên giới, phía Lào có ý kiến làm như thế là vi phạm Hiệp định về qui chế biên giới mà hai bên đã ký kết. Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới đã đề nghị hai bên tổ chức đoàn công tác liên hợp đi thực địa để giải quyết. Bên Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn - Uỷ viên trung ương Đảng chủ trì, bên Lào cũng tương đương. Hai bên xem xét tình hình cụ thể để đối chiếu, dùng định vị vệ tinh GPS để cùng kiểm tra. Tất cả những đoạn lên quan tới đất Lào, Ban Quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới đã cho xây kè đá theo mái ta luy, bảo đảm ổn định, bền vững, không lở một tấc sang đất Lào. Duy nhất chỉ có một điểm Đường Tuần tra biên giới đi đúng trên "yên ngựa", gần mốc D8 đã nắn chỉnh hết cỡ, mặt đường bê tông xi măng hoàn toàn trên đất Việt Nam, chỉ có lề đường sang đất bạn khoảng một mét, dài gần sáu chục mét. Hai bên dùng định vị vệ tinh đo đi, đo lại , có lệch nhau. Cuối cùng, thống nhất lấy 4 máy định vị vệ tinh GPS, mỗi bên 2 cái, giao cho hai người đo, lấy số liệu chia trung bình. Điểm sang đất Lào xa nhất là 52 cen ti mét, chiều dài là 61 mét, đóng cọc sơn đỏ trên đỉnh cọc, đây là đường biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà dân chủ Nhân dân Lào và nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cách 5 mét một cọc. Trao đổi gần một tiếng đồng hồ về cách xử lý. Giám đốc Ban quản lý dự án Đường Tuần tra biên giới đề xuất phương án xây một bờ chắn bằng bê tông đúng hết đất Việt Nam, không cho nước chảy từ Việt Nam sang Lào, lề đường từ bên tây bờ chắn là của nước Lào. Hai bên thống nhất.
       Sau khi kiểm tra toàn bộ các điểm "vi phạm" Hiệp ước về biên giới quốc gia giữa hai nước, hai Đoàn họp, thống nhất văn bản chấp thuận Đường Tuần tra biên giới Việt Nam đã xây dựng trong phạm vi 100 mét cách đường biên giới do bất khả kháng. Với kết quả của chương trình làm việc đó thể hiện tình hữu nghị giữa Việt Nam - Lào càng thêm bền vững. Cả hai bên có trách nhiệm giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
       Dự án Đường Tuần tra biên giới khu vực mốc L10 - L11 trên đỉnh cao nhất của dãy Trường Sơn, bên Việt Nam dốc đứng, Công ty Hợp tác Quốc tế 705 Quân khu 2 và Công ty 1105 Quân khu 4 đã phối hợp làm việc với phía Lào, tỉnh Xiêng Khoảng cho mượn 28 ki lô mét đường công vụ đi qua rừng nguyên sinh từ Mường Mộc lên đỉnh Phu xai lai leng để đưa lực lượng phương tiện, vật liệu từ bên Lào lên thi công . Một số khu vực trên dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào do địa hình khó khăn các đơn vị thi công đã liên hệ được các địa phương bên Lào cho làm đường công vụ đi qua để lên tuyến bên Việt Nam, cho sản xuất đá khai thác cát bên Lào phục vụ cho thi công, nộp thuế theo qui định của nhà nước Lào và các địa phương, bảo đảm hai bên cùng có lợi. Qua việc hợp tác giúp đỡ nhau, đã tạo nhiều thuận lợi cho Việt Nam xây dựng Đường Tuần tra biên giới, phía Lào cũng sử dụng để đi tuần tra, hai bên phối hợp tuần tra chung. Con đường tuần tra biên giới xây dựng góp phần giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới giữa hai nước; chống buôn lậu, vận chuyển ma túy qua biên giới và các hoạt động xâm nhập trái phép qua lãnh thổ của nhau. Củng cố môi trường hoà bình hữu nghị phát triển của nhân dân khu vực biên giới giữa hai nước.

        (Còn nữa)

 
tin tức liên quan