Nga-Ukraine: Vì đâu 2 nước anh em, những người đồng bào chĩa súng vào nhau?

Ngày đăng: 01:18 10/03/2022 Lượt xem: 467

Nga-Ukraine: Vì đâu 2 nước anh em, những người đồng bào chĩa súng vào nhau?

Nhiều người thắc mắc vì sao xảy ra cuộc chiến giữa Nga-Ukraine, vốn là 2 nước cộng hòa anh em cùng chung dưới mái nhà Liên Xô, và giữa những người mà ông Putin gọi là “đồng bào”.

Trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình ngày 21/2, Tổng thống Putin cho hay, Ukraine “không chỉ là một quốc gia láng giềng đối với chúng tôi. Đó là một phần không thể tách rời của lịch sử, văn hóa và không gian tâm linh của chính chúng tôi.

Đây là những người đồng đội, những người thân yêu nhất của chúng tôi - không chỉ là đồng nghiệp, bạn bè và những người đã từng phục vụ cùng nhau, mà còn là những người thân, những người gắn bó máu thịt, gắn bó gia đình”.

Nga-Ukraine: Vì đâu 2 nước anh em, những người đồng bào chĩa súng vào nhau?
Quân đội Nga gần biên giới Ukraine ở vùng Belgorod, Nga, ngày 1/3. Ảnh: Sputnik

Vậy, yếu tố lịch sử và quan hệ Nga - Ukraine liên quan đến cuộc chiến hiện nay là gì?

Nhìn vào quan hệ Nga - Ukraine, có thể chia lịch sử làm 3 giai đoạn. Có thể thấy rằng quan hệ này luôn phức tạp mà yếu tố chủ yếu đằng sau chính là vấn đề bản sắc và chủ nghĩa dân tộc.

Trước khi gia nhập Liên Xô (trước 1921): Ukraine - ‘nước Nga em út’

Lịch sử ra đời của quốc gia - dân tộc Ukraine như thế nào và mối quan hệ ra sao với Nga cho đến nay không phải ai cũng hiểu đầy đủ. Phần lớn sách lịch sử liên quan được viết bằng tiếng Nga, và như Taras Kuzio tại ĐH Johns Hopkins chỉ ra rằng “các học giả chủ yếu vẫn sử dụng nguồn tư liệu chính của LB Nga”. Điều này dẫn đến một sự hiểu nhầm rằng Ukraine vốn thuộc Nga và dân tộc Ukraine vốn bắt nguồn từ dân tộc Nga.

Mối liên hệ giữa Nga và Ukraine gắn với sự ra đời của nhà nước Slavic - Finnic ở phía Đông có tên là Kievan Rus, trải dài từ khu vực biển Baltic đến biển Đen và tồn tại từ thế kỷ 9 đến giữa thế kỷ 13. Đế chế này được lập bởi bộ tộc Viking vốn bắt nguồn từ khu vực Bắc Âu. Từ “Rus” trong tiếng Slavic có nghĩa là người Bắc Âu tóc đỏ.

Trong quá trình mở rộng lãnh thổ, người Viking từ phương Bắc tiến hành xâm chiếm các vùng đất do các bộ tộc Slavic quản lý và sau đó kết hôn với tầng lớp quý tộc của những bộ tộc này. Vì vậy, có sự đan chéo về quyền quản lý các vùng đất giữa những người trong bộ tộc Slavic và Viking. Khi đế chế Kievan Rus ra đời, Kiev (Kyiv trong tiếng Ukraine) đã được lập là thủ đô.

Người Nga coi vùng đất xung quanh Kiev như cái nôi văn hóa và tôn giáo của họ. Năm 988, Vladimir Đại đế chuyển sang theo Cơ đốc giáo Chính thống, đặt nền móng cho giáo hội Nga sau này. Đến thế kỷ 13, quân đội của Thành Cát Tư Hãn xâm chiếm châu Âu và tàn phá Kiev, vì thế trung tâm quyền lực của đế chế Kievan Rus phải chuyển sang một vùng đất mới ở phương Bắc lấy tên là Moscow. 

Lịch sử một quốc gia không chỉ đơn giản được mô tả trong vài dòng, hay vài trang giấy; càng không thể như Thủ tướng Anh thời Thế chiến 2 Winston Churchill nói “Lịch sử là do những kẻ chiến thắng viết lại”. 

Trong những thế kỷ tiếp theo, vùng đất Ukraine trở thành nơi tranh giành và nằm dưới sự chiếm đóng của các đế quốc khác nhau. Ba Lan và Litva thay nhau thống trị Ukraine hàng trăm năm.

Đến giữa thế kỷ 17, cuộc nổi dậy của người Cossack (1648-1654) đã lập nên nhà nước Cossack ở khu vực tả ngạn sông Dnepr của Ukraine. Cũng trong thời gian này, đế chế Nga lớn mạnh. Giữa nhà nước Cossack và đế chế Nga ký một hiệp ước (1654) theo đó nhà nước Cossack đặt dưới sự bảo hộ của đế chế Nga và được hưởng sự tự chủ nhất định.

Điều này cũng dễ hiểu vì sao người Ukraine thể hiện sự trung thành với Nga Hoàng. Cuối thế kỷ 18, đế chế Áo - Hung chiếm một phần phía Tây và đế chế Nga chiếm phần còn lại của Ukraine, bao gồm cả vùng Donbass. Đến cuối thế kỷ 19, sau khi chiếm thêm vùng Siberia, lãnh thổ của đế chế Nga trở nên vô cùng rộng lớn, trải khắp hai lục địa Âu - Á.

Nga-Ukraine: Vì đâu 2 nước anh em, những người đồng bào chĩa súng vào nhau?
Người dân tìm đường rời Ukraine để tránh chiến sự. Ảnh: EPA

Trong đế chế Nga, 44% là người gốc Nga, 18% người Ukraine, 11% người theo đạo Hồi, 7% người Ba Lan, 5% người Belarus, 4% người Do Thái, và 11% các nhóm thiểu số khác. Có thể thấy, người Ukraine là nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất, chỉ đứng sau người Nga chiếm đa số. Các Nga Hoàng liên tiếp coi vùng lãnh thổ của Ukraine mà họ chiếm giữ là "nước Nga em út". 

Trong ý thức của các Nga Hoàng, dân tộc Nga là một dân tộc “toàn Nga” trong đó bao gồm những người anh cả Nga (Russia), em út Nga (Ukraine) và người Nga da trắng (Belarus).

Tiếp theo thành công của Cách mạng tháng Mười, lật đổ chế độ Nga Hoàng, hầu hết các khu vực ngoại vi của Đế chế Nga tự tuyên bố thành các nhà nước độc lập, trong đó có nhà nước CHND Ukraine.

Giai đoạn thuộc Liên Xô (1921-1991): Sự phức tạp xuất phát từ ý thức dân tộc

Sự thành công của Cách mạng tháng Mười đưa đến sự ra đời của nhà nước chuyên chính XHCN đầu tiên trên thế giới dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Nga (đảng của những người Bolshevik).

Tháng 1/1919, Hồng quân Bolshevik tiến vào Ukraine và chiếm thành phố Kharkov rồi đến Kiev. Đến tháng 5, toàn bộ lãnh thổ Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Hồng quân. Tiếp đó, chính quyền Xô-viết thiết lập các nhà nước CHXHCN Xô-viết ở các vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Hồng quân, trong đó có nhà nước CHXHCN Xô-viết Ukraine.

Và đây chính là lý do mà ông Putin cho rằng “Ukraine hiện đại hoàn toàn do Nga tạo ra hay nói chính xác hơn là bởi phe Bolshevik, bởi nước Nga Cộng sản”. Liên bang CHXHCN Xô-viết được thành lập (1922) dựa trên sự hợp nhất các nhà nước CHXHCN Xô-viết nhỏ bé như Ukraine với nhà nước CHLB Xô-viết Nga rộng lớn có diện tích bằng diện tích của nhà nước đế chế Nga thế kỷ thứ 17 cộng thêm vùng Bắc Caucasus và Viễn Đông (được chiếm từ thế kỷ 19) và vùng Kaliningrad (được sáp nhập sau Thế chiến 2).

Nga-Ukraine: Vì đâu 2 nước anh em, những người đồng bào chĩa súng vào nhau?
Chiến tranh là điều đáng lên án vì cuối cùng những người lính cầm súng và người dân vô tội vẫn sẽ là nạn nhân. Ảnh: AP

Trong suốt 70 năm, mối quan hệ giữa nhà nước CHXHCN Xô-viết Ukraine với chính quyền trung ương LB Xô-viết luôn phức tạp và có nhiều thay đổi. Sự phức tạp xuất phát từ ý thức dân tộc.

Những thay đổi liên quan đến quan hệ quyền lực giữa chính quyền LB và nước CH thành viên, và về quản lý lãnh thổ mà chính ông Putin trong bài phát biểu ngày 21/2 cũng phê phán là sai lầm. Ông cho rằng, những quyết định của chính quyền Xô-viết là “cực kỳ khắc nghiệt đối với nước Nga - bằng cách chia cắt, cắt đứt những gì thuộc về lịch sử của đất Nga. Không ai hỏi hàng triệu người sống ở đó nghĩ gì”.

Rõ ràng, theo cách nhìn nhận và phân tích này, ông Putin coi Ukraine là thuộc về đế chế Nga và nước Nga cộng sản. Việc sáp nhập bán đảo Crimea trước đây, công nhận hai vùng tự xưng nước “CH nhân dân” Donetsk và Luhansk thuộc vùng Donbass phía Đông của Ukraine và cuộc chiến hiện nay không gì khác là giành lại những gì thuộc về Nga.

Thế nhưng, lịch sử một quốc gia không chỉ đơn giản được mô tả trong vài dòng, hay vài trang giấy; càng không thể như Thủ tướng Anh thời Thế chiến 2 Winston Churchill nói “Lịch sử là do những kẻ chiến thắng viết lại”.

Lịch sử hình thành dân tộc Ukraine, nhà nước Ukraine trên vùng lãnh thổ trước khi trở thành nhà nước CHXHCN Xô-viết Ukraine, và vị trí của Ukraine trong suốt 70 năm thuộc Liên Xô là điều đáng suy ngẫm.

Hơn nữa, một câu hỏi đặt ra là nếu người Ukraine thực sự hướng về Nga, muốn thuộc về Nga, vậy thì tại sao khi nhà nước Liên Xô sụp đổ, 90,3% người dân Ukraine trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/12/1991 đã bỏ phiếu thông qua Đạo luật tuyên bố Ukraine độc lập, trong khi ở thời điểm đó không thể không thừa nhận rằng tiếng Nga, sự ảnh hưởng của văn hóa Nga là phổ biến ở Ukraine?

Sau khi Liên Xô tan rã: Bước ngoặt năm 2008

Sau khi Ukraine tuyên bố độc lập năm 1991, tương tự như nhiều nước CH khác thuộc Liên Xô cũ, Ukraine lần lượt ký các văn kiện với các nước có chung biên giới xác nhận và công nhận biên giới lãnh thổ của mình.

Năm 1997, Nga và Romania là hai nước láng giềng cuối cùng ký hiệp ước với Ukraine công nhận biên giới của nhau. Điều này có nghĩa là về mặt pháp lý sẽ không còn xảy ra tranh chấp về biên giới, lãnh thổ giữa Ukraine và các nước láng giềng nữa.

Thế nhưng, trong suốt 30 năm kể từ khi trở thành một quốc gia độc lập, quá trình Ukraine xây dựng một nhà nước có nền quản trị hiệu quả với một hệ thống chính trị ổn định luôn không dễ dàng.

Mặc dù tuyệt đại đa số người dân ủng hộ Ukraine độc lập, nhưng vẫn có sự chia rẽ giữa khu vực phía Tây và Đông Ukraine, nơi giáp ranh với Nga và về mặt lịch sử chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa và ngôn ngữ Nga hơn các khu vực khác.

Trên thực tế, đối với phần lớn người Nga, việc Ukraine tuyên bố độc lập vẫn là điều khó có thể chấp nhận. Tỷ lệ người Nga ủng hộ thành lập một nhà nước liên minh Nga - Ukraine vẫn cao. Điều này cũng lý giải vì sao khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin lại cao như vậy.

Bước ngoặt rất lớn diễn ra vào năm 2008, khi NATO cho biết Ukraine có thể trở thành một thành viên của khối trong tương lai. Cũng trong năm đó, EU ký một thoả thuận rất quan trọng, để hỗ trợ Ukraine. Hai sự kiện này đã khiến Tổng thống Putin quyết đoán hơn.

Thế nên, năm 2013, Nga quyết định tài trợ cho Ukraine 15 tỉ USD để phát triển quốc gia, đổi lại Tổng thống Yanukovych rời bỏ hợp tác với EU để quay sang Nga. Ngay lập tức, những cuộc biểu tình lớn đã xảy ra, khiến Yanukovych bị lật đổ.

Lúc đó, Quốc hội Ukraine bỏ phiếu để hợp pháp hoá cuộc lật đổ Yanukovych, nhưng theo phát biểu của ông Gregor Gysi, Chủ tịch khối nghị sỹ đảng Cánh tả Đức ngày 13/3/2014 tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Đức, cuộc bỏ phiếu đó vẫn chưa đạt đủ số phiếu cần thiết. Chỉ có 72,88% phiếu thuận, mà theo hiến pháp Ukraine thì phải 75% mới đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, phương Tây vẫn lờ đi điều này để đồng thuận cho sự lật đổ  Yanukovych. Lập tức Nga sáp nhập Crimea, còn hai khu vực ở Donbass, nằm sát Nga cũng đòi ly khai. Kể từ thời điểm này, rồi đặc biệt là khi ông Zelensky lên làm Tổng thống thì Ukraine nghiêng hẳn về phương Tây.

Tháng 1/2021, ông Zelensky kêu gọi Tổng thống Biden kết nạp nước mình vào NATO. Nga lập tức đáp trả bằng cách dồn quân tới biên giới hai nước, và cuối cùng là cuộc chiến như ta đã thấy.

Cuộc chiến Nga - Ukraine đã hết tuần thứ 2. Mặc dù hai bên đã tiến hành 3 vòng đàm phán, nhưng có vẻ như chiến sự vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, một cuộc chiến tuyên truyền đã chia rẽ không chỉ người dân ở Nga và Ukraine, mà còn cả những người quan tâm và yêu quý cả hai quốc gia này.

Diễn giải hành động quân sự của Nga và phát biểu của ông Putin về khả năng Ukraine sẽ bị mất quy chế nhà nước nếu tiếp tục cuộc chiến hiện nay, có ý kiến cho rằng “điều ông đang nói ám chỉ rộng hơn: Ukraine không phải là một nhà nước hợp pháp. Ukraine là Nga”.

Cho đến nay, đã nhiều người Ukraine thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán sang các nước láng giềng. Chưa có tiếng nói nào ở Ukraine phản đối chính phủ trong cuộc chiến này, trong khi ở Nga, hàng ngàn người đã bị bắt vì phản đối chiến tranh. Câu hỏi về tính chính nghĩa của cuộc chiến, và cách diễn giải lịch sử như là lý do để phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga để đó cho mỗi chúng ta rút ra câu trả lời và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong bối cảnh tình hình phức tạp hiện nay ở khu vực và trên thế giới.

Dù thế nào, chiến tranh là điều đáng phải lên án vì cuối cùng những người lính cầm súng và người dân vô tội vẫn sẽ là nạn nhân. Các nhà lãnh đạo chính trị khôn ngoan sẽ thừa khả năng để giải quyết bất đồng một cách hòa bình, và hòa bình mới là ước vọng chung của người dân Nga, người dân Ukraine và toàn thể nhân loại.

GS Phạm Quang Minh(ĐH Khoa học xã hội & nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) - TS Nguyễn Hồng Hải(ĐH Queensland, Australia)

Danh Binh ST tu  Vietnamnet
tin tức liên quan