Từ tháng 3-1979 đến tháng 9-1983, khi đồng chí Lê Nam Phong giữ cương vị Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng quân đoàn, rồi Tư lệnh Quân đoàn 1, chúng tôi còn chưa nhập ngũ. Nhưng lúc nhận được hung tin ông từ trần, anh em tôi cứ bần thần, tiếc nuối khôn nguôi người chỉ huy tài ba mà tâm và tầm, tên tuổi của ông khiến tất cả quân nhân được ở đơn vị ông từng công tác đều cảm thấy vinh dự, tự hào.
Trung tướng Lê Nam Phong sinh ngày 1-5-1928, nhưng đến tháng 3-1944, khi chưa tròn 16 tuổi đã tham gia liên lạc bí mật cho phong trào cách mạng tại quê nhà (xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An); trở thành quân nhân cách mạng từ tháng 8-1945. Suốt hơn nửa thế kỷ công tác trong quân đội, ông ở nhiều đơn vị, chiến đấu ở nhiều mặt trận, trải qua các cương vị từ chiến sĩ đến sư đoàn trưởng, tư lệnh quân đoàn, rồi Phó tham mưu trưởng Bộ tư lệnh Mặt trận 719 Tiền phương (Campuchia), Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2. Trong 53 năm quân ngũ, Trung tướng Lê Nam Phong không chỉ có gần 5 năm giữ cương vị Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng và Tư lệnh Quân đoàn 1, mà còn có hơn 10 năm làm cán bộ đại đội, tiểu đoàn ở Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 (từ tháng 10-1948 đến tháng 12-1958)-một đơn vị chủ lực được biên chế vào đội hình Quân đoàn 1 từ ngày đầu thành lập (24-10-1973).
|
Đồng chí Lê Nam Phong, Tư lệnh Quân đoàn 1 (đứng giữa) kiểm tra công tác huấn luyện tại Lữ đoàn Pháo binh 368, tháng 4-1981. Ảnh tư liệu |
Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 được đọc, được học lịch sử truyền thống và được nghe những câu chuyện về vị tướng từng giữ chức vụ chỉ huy cao nhất của quân đoàn với những chiến công hiển hách thể hiện phong cách, bản lĩnh, tài chỉ huy và những dấu ấn sâu sắc. Đặc biệt, Trung tướng Lê Nam Phong được bộ đội và nhân dân đặt cho nhiều biệt danh khiến tên tuổi ông lừng danh từ thời đánh Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đến kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rồi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, như: “Đại đội trưởng đầu trọc”, “Năm lửa”, “Năm hỏa lực”, “Ông Năm bình toong”, “Hùm xám Đông Nam Bộ”...
Chỉ cần nghe tới tên ông, quân địch đã hoảng sợ còn bộ đội ta thì vô cùng vững tin, quyết chiến và quyết thắng. Có thể khẳng định, không riêng đội ngũ cán bộ chủ chốt của quân đoàn hôm nay, mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 qua các thời kỳ đều vô cùng kính trọng, ngưỡng mộ Trung tướng Lê Nam Phong, coi ông là thần tượng về người sĩ quan chỉ huy anh dũng, mưu lược, luôn quyết đánh và biết đánh thắng, tính tình rất thẳng thắn nhưng hết mực thương yêu cấp dưới, nặng nghĩa tình đồng chí, đồng đội.
Trong những giờ học lịch sử, truyền thống của đơn vị và khi kể về những chiến lệ, bài học kinh nghiệm chiến đấu trong quá trình huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 rất ấn tượng với “Đại đội đầu trọc” do Đại đội trưởng Lê Nam Phong chỉ huy, trong đội hình của Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 tham gia đánh các cứ điểm trên chiến trường Điện Biên Phủ. Thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong cảnh “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” kéo dài nhiều ngày, lại thiếu nước tắm giặt nên bộ đội ta bị ghẻ lở, sốt rét, cực khổ không sao tả xiết.
Nhìn anh em dầm mưa để đào hào, đánh lấn, bùn đất bám từ đầu đến chân, Đại đội trưởng Lê Nam Phong đã nảy ra sáng kiến cạo trọc đầu để vừa đỡ bẩn, đỡ vướng, vừa thể hiện quyết tâm chiến đấu, đồng thời khi đánh giáp lá cà thì không bị quân Pháp cao to hơn túm tóc. Sáng kiến thể hiện quyết tâm, ý chí bám trận địa chiến đấu đến cùng của Đại đội trưởng Lê Nam Phong đã góp phần kích thích, thôi thúc ý chí chiến đấu, nâng cao bản lĩnh, niềm tin chiến thắng cho bộ đội và “Đại đội trưởng đầu trọc” đã chỉ huy “Đại đội đầu trọc” chiến đấu kiên cường, anh dũng, góp phần quan trọng cùng các đơn vị giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.
Thời gian giữ chức Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng, rồi Tư lệnh Quân đoàn 1, trước tình hình, nhiệm vụ rất nặng nề, Trung tướng Lê Nam Phong đã cùng Đảng ủy, Bộ tư lệnh lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân đoàn tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, chấn chỉnh biên chế tổ chức, tiếp nhận nhiều vũ khí, trang bị mới, tăng cường diễn tập, rèn luyện bộ đội sẵn sàng đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Giai đoạn 1979-1983, Quân đoàn 1 không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tham gia chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc các mục tiêu được giao, mà còn đạt nhiều thành tích trong diễn tập thực nghiệm cấp sư đoàn, huấn luyện quân dự bị động viên, xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật và tham gia phát triển, khôi phục kinh tế sau chiến tranh... Tư lệnh quân đoàn Lê Nam Phong với bề dày kinh nghiệm và nhiệt huyết cách mạng, tác phong làm việc quyết liệt đã “truyền lửa” cho cán bộ, chiến sĩ phấn đấu trở thành “Người chiến sĩ giỏi, người lao động giỏi”, thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, nhất là tổ chức tốt các cuộc diễn tập để bộ đội được tập dượt, trải nghiệm, sẵn sàng chiến đấu cao nhất với quyết tâm đánh thắng.
Ôn lại lịch sử đơn vị, cán bộ, chiến sĩ quân đoàn hôm nay rất ấn tượng với Chỉ thị về huấn luyện chiến đấu năm 1981 của Tư lệnh quân đoàn Lê Nam Phong, trong đó nêu rõ: Tất cả các đơn vị phải tổng kết, đánh giá đúng kết quả huấn luyện năm 1980, đồng thời quán triệt sâu sắc mệnh lệnh, chỉ thị của bộ và của quân đoàn để xây dựng kế hoạch thật sát và cụ thể. Thực hiện phương châm huấn luyện "Cơ bản, toàn diện, có hệ thống và thống nhất, đồng bộ”, bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ và phân đội có trình độ vững chắc, đồng đều, có ý chí mạnh, sức chiến đấu cao, cơ động lớn, sức đột kích mạnh, tinh nhuệ, thiện chiến...
Là một vị tướng trưởng thành qua khói lửa chiến tranh suốt nhiều thời kỳ và trên khắp các mặt trận, cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Lê Nam Phong là một tấm gương sáng về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, ý chí và nghị lực vượt mọi khó khăn, gian khổ, thách thức, hiểm nguy với tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 luôn tự hào về người Tư lệnh quân đoàn, vị tướng trận mạc của Quân đội nhân dân Việt Nam-Trung tướng Lê Nam Phong có tác phong chỉ huy quyết liệt, nghiêm khắc, nói thẳng làm thật, nhưng lại rất gần gũi, giản dị, quan tâm, sẻ chia với bộ đội trong đời thường.
Trung tướng Lê Nam Phong suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự trưởng thành, lớn mạnh, đánh thắng của quân đội nói chung và các đơn vị được giao phụ trách chỉ huy nói riêng. Nay ông giã biệt cõi trần, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 1 xin bày tỏ lòng kính trọng, tưởng nhớ người Tư lệnh quân đoàn đã góp phần quan trọng làm nên những thành tích, chiến công của Sư đoàn 308 và Binh đoàn Quyết thắng anh hùng.
Chúng tôi nguyện phấn đấu noi gương Trung tướng Lê Nam Phong, một lòng trung với Đảng, hiếu với dân, đoàn kết trên dưới một lòng, luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống “Thần tốc, quyết thắng” của Quân đoàn 1, phấn đấu vượt mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó, xứng đáng với những công lao của Trung tướng Lê Nam Phong và các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp, xây dựng đơn vị.
Đại tá TRƯƠNG MẠNH DŨNG, Tư lệnh Quân đoàn 1
Danh Bình ST từ QDND