Lần đầu tiên, bộ đội ta và bạn Lào tiến hành một chiến dịch phòng ngự có hệ thống công sự trận địa khá hoàn chỉnh, nhất là đã xây dựng các đường hầm, điểm tựa, cụm điểm tựa... để phản kích và phản đột kích, kết hợp phòng ngự trận địa với phản kích liên tục nhằm tiêu diệt địch.
Nhiệm vụ bảo đảm công binh cho chiến dịch rất phức tạp, tình huống khẩn trương, khối lượng lớn, trang bị, phương tiện chủ yếu là thô sơ. Trong hơn một tháng, lực lượng công binh (gồm 2 tiểu đoàn công binh chiến dịch, một số đại đội công binh của các trung đoàn bộ binh cùng các lực lượng khác) tham gia xây dựng hệ thống các công trình chiến đấu, sinh hoạt, bảo đảm cho bộ đội có thể bám trụ chiến đấu lâu dài cũng như thực hiện các hành động phản kích, phản xung phong ở từng chốt, cụm chốt và trên từng hướng phòng ngự, đồng thời hạn chế thương vong cho lực lượng phòng ngự.
|
Khẩu đội cối 82mm trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng năm 1972.Ảnh tư liệu. |
Các công trình này bao gồm công sự chiến đấu cho bộ binh, cho hỏa lực, hào chiến đấu, hào giao thông, hầm trú ẩn, hầm quân y, kho và hệ thống đường cơ động trong các cụm chốt và giữa các khu vực phòng ngự, tạo nên thế phòng ngự liên hoàn vững chắc, đáp ứng yêu cầu cơ bản của phương pháp tác chiến chiến dịch, đó là: Đúng vị trí, đúng hướng, bảo đảm phòng ngự vòng tròn, mạng lưới hỏa lực phát huy hiệu quả và liên hoàn hỗ trợ lẫn nhau...
Đáng chú ý là hệ thống đường hầm, hang đá được cải tạo thành những đường hầm chiến đấu, cơ động bí mật tới các trục đường ngang, dọc, luồn lách giữa các cụm chốt, tạo nên thế cơ động chiến dịch và chiến thuật rất tiện lợi cho bộ đội ta. Hệ thống công trình liên hoàn này đã tạo điều kiện cho các lực lượng phản kích, phản đột kích của ta triển khai bí mật, tiến công tập kích, vây lõng và đánh địch ở nhiều hướng, nhiều khu vực được dự kiến và chuẩn bị trước.
Hệ thống công trình đó còn bao gồm một mạng đường sá luôn được bảo đảm cho cơ động vận chuyển chiến dịch (gồm đường 7A, 7B, 4, đường Bản Phồn-Sảm Thông) và hàng trăm ki-lô-mét đường cơ động cho bộ binh và cơ giới; đường nối liền giữa các chốt, các cụm chốt và giữa các khu vực phòng ngự, hàng chục ki-lô-mét đường bí mật dùng cho bộ binh luồn sâu cơ động tới các khu vực đánh phản kích, tới các chốt dự bị; hàng trăm cầu nhỏ vượt sông, suối cho bộ binh, trong đó có cả cầu treo bằng dây cáp.
Nhờ vào hệ thống công trình liên hoàn giữa các khu vực phòng ngự, trong suốt quá trình chiến dịch, bộ đội ta và bạn đã liên tục đánh hàng chục đợt phản kích và phản đột kích, bẻ gẫy nhiều đợt tiến công quy mô lớn của địch, góp phần quyết định vào thắng lợi của chiến dịch.
Bảo đảm các công trình trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng năm 1972 là nét đặc sắc, bổ sung vào nghệ thuật bảo đảm công binh của Quân đội ta.
LÊ THANH DŨNG
Danh Binh ST từ QĐND