Dương Quang Lựa người lái xe đầu tiên vào Dinh Độc Lập
(Cổng thông tin ĐT huyện Yên Thế, Bắc Giang)
43 năm trôi qua, song những ngày tháng cùng đồng đội tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập luôn trong ký ức tôi như mới hôm qua”. Đó là tâm sự của Thượng úy Dương Quang Lựa, năm 1975 là Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 964, Sư đoàn 571, Đoàn 559 - người được giao nhiệm vụ lái xe đưa lực lượng đặc công cùng 5 xe tăng mở đường đánh chiếm hang ổ cuối cùng của địch.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đã có dịp đến thăm gia đình ông Dương Quang Lựa tại phố Đề Năm, thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế), câu chuyện của người lính Trường Sơn năm xưa bắt đầu với những hồi ức đáng tự hào.
Năm 1970 (17 tuổi), tôi vào bộ đội, được chọn đi học lái xe và thử thách ngay trên tuyến đường Trường Sơn. Cung đường quen thuộc của đơn vị tôi từ Binh trạm 33 đến Xalavan thuộc nước bạn Lào. Suốt 5 mùa vận chuyển, tôi có hàng trăm lần vượt trọng điểm, hàng chục lần bị B52 đánh trúng đội hình... Những trọng điểm: Đèo Phu Lai Nhích, ngầm Ta Lê, Tha Mé, Pooc Pa Năng, đến cua chữ A, chúng tôi thuộc như lòng bàn tay. Đây cũng chính là những trọng điểm địch đánh phá suốt ngày đêm hòng ngăn chặn đường tiếp tế của ta. Địch đánh ngày, chúng tôi đi đêm. Xe đầu cháy, xe sau tiếp tục băng lên phía trước. Những đoàn “xe không kính” dù chỉ đi bằng đèn cua, đèn ngầm nhưng vẫn băng đèo vượt suối đưa hàng đến đích.
Cuối tháng 3-1975, Sư đoàn ô tô vận tải 571 trong đó có đơn vị tôi từ Lào được lệnh rút về tập kết ở Quảng Trị. Đầu tháng 4-1975, chiến trường bắt đầu ác liệt. Đơn vị ngày đêm chở vũ khí, lương thực thần tốc theo lực lượng bộ binh đánh chiếm căn cứ địch dọc các tỉnh miền Trung như Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết...
Chiều tối 28-4-1975, đoàn xe đến điểm tập kết tại một bìa rừng cao su thuộc căn cứ Nước Trong (cách Sài Gòn chừng 50km) chúng tôi đưa xe vào vị trí an toàn rồi mắc võng ngủ và luôn sẵn sàng chờ lệnh. Mặc dù mất ngủ nhiều đêm, nhưng nằm đấy mà không sao ngủ được vì tiếng súng cứ ì ùng vọng lại dữ dội. Pháo sáng của địch thả liên tục trong đêm sáng rực bầu trời.
Chiều 29-4, tôi bất ngờ được đồng chí Thêm, thủ trưởng trực tiếp của đơn vị gọi lên giao nhiệm vụ, đại ý đơn vị tăng thiết giáp yêu cầu một xe và một lái đi chi viện, rồi cử tôi tham gia. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, phải rất cố gắng hoàn thành. Anh còn động viên, với kinh nghiệm nhiều năm lái xe trên các chiến trường, xử lý địa hình, tin tưởng tôi sẽ làm tốt. Đến đơn vị mới thuộc Lữ đoàn xe tăng 203, tôi được giao chở 40 chiến sĩ trinh sát đặc công cùng phân đội xe tăng 5 chiếc làm nhiệm vụ thọc sâu đánh thẳng vào Dinh Độc Lập mở đường cho đại quân tiến vào Sài Gòn.
Niềm vui đến quá bất ngờ song tôi hiểu sẽ gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. 19 giờ, chúng tôi xuất phát từ căn cứ Nước Trong theo hướng chính vào Sài Gòn. Xe không được bật đèn mà đi theo ánh đèn pin dẫn của xe tăng. Anh biết đấy, xe tăng bánh xích đi còn khó huống hồ xe vận tải. Mũi tiến công của chúng tôi đi được vài km thì gặp xa lộ rồi tiến thẳng về Sài Gòn. Dọc đường, chúng tôi phải liên tục chiến đấu với địch. Có lúc địch đông quá, cả đoàn xe phải dàn đội hình chiến đấu. Trong đêm tối, qua ánh chớp của đạn pháo, tôi nhìn thấy rõ các vị trí phòng thủ, quân địch ở hai bên đường.
Là lính lái xe Trường Sơn, từng qua bao mùa vận chuyển, vượt nhiều trọng điểm vậy mà giờ đây tôi mới thực sự giáp mặt kẻ thù. Có lúc xe vẫn nổ máy chờ bộ đội xuống chiến đấu với tàn quân địch. Dọc đường hành quân, chúng tôi tiêu diệt nhiều lô cốt, ổ đề kháng của địch. Mờ sáng 30-4, chúng tôi đến Trường sĩ quan Thiết giáp. Tại đây, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt kéo dài hơn một tiếng. Cuối cùng địch phải rút chạy. Vừa đánh địch vừa tiến, các chiến sĩ đặc công kê súng lên nóc ca pin xe ô tô để chiến đấu. Cứ như vậy mũi tiến quân của chúng tôi tiến thẳng vào đường phố Sài Gòn. Đội hình đang thẳng tiến bỗng phải dừng lại bởi đại bác địch nổ dồn trước mặt thành hàng rào lửa chặn bước tiến của quân ta.
Hơn 9 giờ ngày 30-4, mũi tiến công của chúng tôi tới sát cầu Sài Gòn. Cuộc chiến đấu ở đây vô cùng ác liệt bởi địch quyết cố thủ. Trên mặt cầu, hai xe tăng địch đỗ song song bắn xối xả. Hai bên bờ sông Sài Gòn, ca nô, bộ binh địch bắn lên mặt cầu. Các ổ đề kháng của địch liên tục xả súng vào đội hình.
Chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh thần tốc nhưng phải giữ được cầu, bảo vệ người dân để đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Bộ đội ta dàn đội hình chiến đấu, tôi xách khẩu AK lao ra khỏi buồng lái cùng đồng đội đánh địch. Một tiếng đạn cối nổ ngay trước mặt. Tôi vội trở lại xe thấy một bên lốp trước bị xẹp. Do không có lốp dự phòng, tôi phải cho xe chạy 5 bánh rồi tháo bánh sau thay lên bánh trước trong tiếng đạn réo bên tai. Vừa xong thì cũng là lúc đội hình xe bọc thép phía sau ập đến áp đảo quân thù.
Không giữ nổi cầu, địch vội tháo chạy bỏ lại hai chiếc xe tăng song song trên cầu làm vật cản đường tiến của quân ta. Không chần chừ, hai xe tăng ta xông lên dùng dây cáp kéo bay một chiếc mở đường vượt qua cầu. Vào thành phố, tôi thấy mọi diễn biến khác hẳn, tiếng súng thưa dần, thỉnh thoảng mới có vài loạt AR15 rời rạc hoặc những quả đạn cối bắn chặn phía trước chứ không còn ác liệt như ở cầu Sài Gòn. Lúc này nhân dân đổ ra đường rất đông chào đón quân giải phóng. Đúng 11 giờ 30 phút, mũi tiến quân của chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn: Dinh Độc Lập.
Sau khi chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, cả mũi tiến công 6 xe của chúng tôi lao vào sân. Tôi thấy một đồng chí từ xe tăng tay cầm lá cờ giải phóng chạy lên, tôi vác súng chạy theo lên đến tầng hai thì có một đồng chí ngăn lại và yêu cầu tôi ra chặn ngoài cổng để bảo vệ. Khoảng 10 phút sau, xe tăng từ các hướng và các đơn vị lần lượt tới ngoài hàng rào bao vây Dinh Độc Lập. Sau đó tôi biết người cắm lá cờ hôm ấy là anh Bùi Quang Thận, một trong những đồng đội của mũi tấn công hướng chính cùng với chúng tôi.
Chúng tôi đứng quây quần dưới sân Dinh Độc Lập. Những gương mặt sạm nắng, quần áo người nào cũng dính đầy máu, đất song không ai giấu nổi niềm vui chiến thắng. Nhưng cái giá cho sự chiến thắng không gì so sánh được. Tôi bàng hoàng khi biết, trong số 40 chiến sĩ đặc công đi trên chiếc xe tải của tôi đến đây chỉ còn... hai người. Họ đã ngã xuống vì Tổ quốc ở thời khắc chiến thắng đã cận kề.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, năm 1974, Dương Quang Lựa vinh dự được kết nạp vào Đảng ngay tại chiến trường, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, danh hiệu "Dũng sĩ lái xe Trường Sơn".
Năm 1984, Dương Quang Lựa xuất ngũ với quân hàm Thượng úy, cùng vợ Phạm Thị Anh Quế cũng là bộ đội Trường Sơn sống tại Phố Đề Nắm thị trấn Cầu Gồ - Yên Thế - Bắc Giang. Anh chị có hai con, cháu lớn hiện công tác tại Phòng Kỹ thuật Hình sự (Công an tỉnh), cháu thứ hai là Phó Trưởng công an thị trấn Cầu Gồ.
Đất nước thống nhất 43 năm. Nhớ những đồng đội của mình, ngày 30-4 hàng năm tôi vẫn lặng lẽ thắp hương, cầu mong các anh dù ở đâu đó luôn hướng về đất Mẹ, phù hộ cho gia đình, quê hương, đất nước./.
Chu Hoa
(Ghi theo lời kể của Thượng úy Dương Quang Lựa)